Vương Cương (nhà Minh)
Vương Cương (chữ Hán: 王纲, ? - ?), tự Tính Thường, người Dư Diêu, Chiết Giang, quan viên nhà Minh. Ông là tổ 7 đời của triết gia Vương Dương Minh, được sử cũ xếp vào nhóm tấm gương trung nghĩa.
Cuộc đời
sửaCương tài kiêm văn võ, thường nói rằng: “Lão phu thích núi rừng, ngày khác đắc chí, chớ đem việc đời trói buộc tôi.” Cương kết giao với Lưu Cơ, đến năm Hồng Vũ thứ 4 thì được Cơ tiến cử, triệu vào kinh sư. Bấy giờ Cương đã ở tuổi thất tuần, môi tóc, dung mạo như còn tráng niên, khiến Minh Thái Tổ lấy làm lạ, hỏi han phương châm trị lý, rồi cất nhắc làm Binh bộ lang.
Dân Triều Châu nổi loạn, triều đình cho Cương trừ chức Quảng Đông tham nghị, đốc binh hướng. Cương than rằng: “Mạng tôi hết ở đây rồi.” Rồi gởi thư quyết biệt người nhà, dắt con trai Vương Ngạn Đạt cùng đi. Cương một mình bơi thuyền đi khuyên dụ, dân Triều Châu dập đầu nhận tội. Hai cha con về ngang Tăng Thành, bị bọn cướp biển của Tào Chân chặn thuyền, mời làm đầu lĩnh. Cương trình bày họa phúc, bọn cướp không nghe; ông bèn mắng nhiếc. Bọn cướp bắt cha con Cương đem đi, mời ông ngồi trên đàn, hằng ngày vái chào, nhưng Cương mắng không dứt lời, cuối cùng bị hại.
Hậu sự
sửaKhi ấy Vương Ngạn Đạt mới 16 tuổi, cũng mắng bọn cướp để tìm chết. Bọn cướp muốn giết Ngạn Đạt, có kẻ đầu lĩnh nói: “Cha trung con hiếu, giết thì chẳng may.” Vì thế bọn cướp cho Ngạn Đạt ăn uống, thả cho anh ta đi, còn đem da dê cho Ngạn Đạt, để anh ta khâu da mà bọc xác cha đem về. Ngự sử Quách Thuần đem việc tâu lên, triều đình cho lập miếu thờ Cương ở nơi ông bị hại. Lẽ ra Ngạn Đạt nhờ ấm được làm quan, nhưng anh ta xót cha, trọn đời không nhận chức.
Năm Gia Tĩnh thứ 7 (1528), cháu 7 đời của Cương là triết gia Vương Dương Minh lập Trung Hiếu từ thờ cha con Vương Cương – Vương Ngạn Đạt ở ngoài thành Tăng Thành.[1] Năm Gia Tĩnh thứ 32 (1554), ngôi từ này được Trạm Nhược Thủy trùng tu.[2]
Tham khảo
sửa- Minh sử quyển 289, liệt truyện 177 – Vương Cương truyện
Chú thích
sửa- ^ Vương Văn Thành công toàn thư (王文成公全书) quyển 18 – Phê Tăng Thành huyền cải lập Trung hiếu từ thân: “Căn cứ bài Thân của huyện Tăng Thành nói, tham đắc Quảng Đông tham nghị Vương Cương, tự Tính Thường, giữ niên hiệu Hồng Vũ niên nhân tĩnh Triều khấu, phụ tử trinh trung đại hiếu, kết hợp thờ cúng ở Thiên Phi miếu ngoài cửa nam thành, cải lập Trung Hiếu từ. Khán đắc biểu dương trung hiếu, thụ chi phong thanh, để hưng khởi dân tục.” (Thiên Phi quen gọi là Thiên Hậu hay Mụ Tổ)
- ^ Trạm Nhược Thủy – Trùng tu Tăng Giang Trung hiếu từ ký (重修增江忠孝祠记): “Bui năm Quý Sửu thời Gia Tĩnh (1554), sửa Trung hiếu từ ở Tăng Thành hoàn thành, Cam Tuyền tử ghi chép... Trung hiếu từ này, để thờ (gương) Trung của thất thế tổ của Tân Kiến bá Vương Dương Minh công tên gọi Tính Thường, (gương) Hiếu của lục thế tổ tên gọi Ngạn Đạt đấy...” Trạm Nhược Thủy (湛若水), hiệu Cam Tuyền, người Tăng Thành, Quảng Đông, là một trong những học giả xuất chúng nhất của Tâm học. Sau khi Vương Dương Minh – nhà sáng lập Tâm học – mất, Trạm Nhược Thủy trở thành học giả có sức ảnh hưởng nhất của Tâm học; chi lưu của Tâm học ở Tăng Thành được gọi là Quảng Tông, nhằm phân biệt với Chiết Tông – chi lưu thuộc về học trò trực hệ của Vương Dương Minh ở Dư Diêu, Chiết Giang