Văn bia thời Mạc là hệ thống những bia đá được dựng và khắc chữ văn bản dưới triều đại này. Hệ thống văn bia thời Mạc không chỉ là những tư liệu lịch sử bổ sung về nhà Mạc mà còn có giá trị văn học, nghệ thuật[1].

Hệ thống văn bia

sửa

Lệ dựng bia thời Mạc trong lịch sử Việt Nam kế tục truyền thống từ thời , TrầnLê sơ. Bia đầu tiên xuất hiện là Đại bi tự năm Minh Đức thứ 3 (1529) ở chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội và bia tiến sĩ đề danh ở Văn Miếu. Bia cuối cùng của nhà Mạc là Tam giáo tự tam bảo bi dựng năm Hồng Ninh thứ 2 (1592).

Bia nhà Mạc phần lớn gắn trên di tích làng xã như chùa, đền, vách đá, lăng mộ, từ đường. Bia nhà Mạc còn lại không có những cụm tại các di tích của triều đình như Lam Kinh của nhà Hậu Lê hay khu lăng tẩm của nhà Nguyễn[2].

Hình thức

sửa

Bia thời Mạc chủ yếu là bia dẹt, có 1 hoặc 2 mặt, dựng trên lưng rùa hoặc bệ đá vuông. Chỉ có 2 bia bia 4 hoặc 6 mặt ở chùa Báo Ân và cầu Lam Kiều. Đá bia màu ngà lấy từ núi Dương Nham (Hải Dương).

Kích cỡ bia thời Mạc vừa phải, trung bình là 0,6 x 0,9 m.

Trang trí, bố cục

sửa

Hoa văn trang trí được chạm khắc trên trán bia, hai diềm bên và hai diềm chân bia. Ở trán bia, đề tài trang trí chủ yếu là mặt trời tua mây hoặc Mặt Trăngrồng hay phượng. Ở bên chủ yếu là hoa văn dây leo. Dưới cánh sen là dây leo hoặc thú.

Mặt trời và Mặt Trăng được dùng theo thuật ngữ "lưỡng long triều nguyệt" (hai rồng chầu nhật nguyệt) hoặc "lưỡng phượng triều dương" (hai phượng chầu mặt trời). Đặc điểm của Mặt Trăng, mặt trời trên bia nhà Mạc lớn hơn so với bia nhà Lê sơnhà Nguyễn, xung quanh thường có cánh hoa nhỏ.

Điểm nổi bật trong nghệ thuật trang trí bia thời Mạc là mộc mạc, giản đơn nhưng thanh thoát, tinh xảo từ bố cục đến kỹ thuật chạm khắc. Bố cục phổ biến nhất là đăng đối: cùng là rồng chầu thì một bên đuôi cong lên, một bên đuôi cụp xuống; cùng là hoa văn thì đường xoắn bên phải ngược đường xoắn bên trái, đường xoắn bên trên ngược chiều đường xoắn bên dưới[3].

Nhìn chung, bia thời Mạc được khắc chìm và đường nét mềm mại, phù hợp với nội dung ngắn gọn của các bài văn bia. Có ý kiến cho rằng điều này phản ánh không khí mới khẩn trương và tính thực dụng cao của con người và xã hội đương thời[3].

Người khắc bia

sửa

Thợ khắc bia chủ yếu là thợ chuyên nghiệp của triều đình làm việc trong Công bộ khí giới doanh tạo như Tượng phó, Cục phó, Tượng nhân, một số còn lại là thợ nghiệp dư ở địa phương. Một số người khắc rất nhiều bia như lực sĩ Nguyễn Ích Diệu người xã Gia Đức huyện Thủy Đường [4]. Thợ khắc bia chủ yếu là người các tỉnh Hải Dương, Hưng YênHải Phòng.

Một số ít bia do các thợ bình dân khắc, thường có bề mặt không thật bằng phẳng, không ghi rõ họ tên người soạn bia, chữ khắc không tinh tế, hoa văn trang trí cũng không được chú trọng[5].

Nội dung

sửa

Văn bia thời Mạc gồm bia chùm là phổ biến. Văn tự ghi chữ Hán, còn chữ Nôm chỉ dùng cho tên đất và tên người[6]. Các bài văn bia do các vị khoa bảng, quan lại, nho sinh và nhà sư tại địa phương biên soạn. Trong số các vị tiến sĩ, Đỗ Uông là người soạn nhiều văn bia nhất.

Cơ cấu bài văn gồm có: tên bia, tên bài ký, bài minh. Phần chính của bia là bài ký hoặc bài minh. Bài ký thường ngắn gọn, khoảng 250-300 chữ, bài minh cũng chỉ khoảng 10 câu[7].

Bố cục bài ký như sau[8]:

  • Lịch sử cảnh quan nơi dựng bia
  • Vì lâu ngày trải việc binh đao mà hư hỏng, mong muốn xây dựng lại
  • Nhờ người công đức mà công việc được thực hiện
  • Quá trình xây dựng quy mô hơn trước
  • Nêu gương hậu thế

Bài minh là những câu thơ 4 chữ, tóm lược nội dung bài ký. Nội dung bia nhà Mạc ít lý giải những giáo lý cao siêu của đạo Phật như văn bia Lý, Trần mà chủ yếu là người thật, việc thật[8].

Về dạng chữ, văn bia thời Mạc đại đa số viết lối chữ khải, một số ít khắc chữ triện hoặc chữ thảo. Chữ khắc nông, nét khắc mảnh mai, nét mác và nét móc mềm mại vượt ra khuôn khổ ô vuông. Vì vậy nhiều bia hiện nay khá mờ.

Chữ húy trên bia nhà Mạc không nhiều, chỉ gặp 2 chữ "nguyên" và "hiếu" được kiêng khá nghiêm ngặt và phổ biến ở các bia, một số bia khác kiêng chữ "thiện". Cách kiêng húy là viết bớt nét.

Giá trị

sửa

Lịch sử

sửa

Trong hoàn cảnh nhà Mạc bị xem là "ngụy triều" và nhiều thông tin, dấu ấn mà triều đại này để lại bị chính quyền Lê - Trịnh tàn phá, văn bia có vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung tư liệu lịch sử phục vụ việc nghiên cứu[5]. Các giá trị lịch sử của văn bia thời Mạc biểu hiện trên các mặt:

  • Hành chính: làm rõ hơn về hệ thống hành chính địa phương thời Mạc và các chức danh quản lý tại các đơn vị này. Đơn vị cao nhất là đạo vẫn giữ như thời Lê sơ, dưới đó là phủ - huyện - tổng – xã. Mỗi xã có khoảng 80-100 hộ gia đình, được xem là quy mô khá lớn đương thời[9].
  • Hoàng tộc: nhiều nhân vật trong hoàng tộc được xác định qua văn bia như chính phi Hoàng Ngọc Trâm, Hoàng thái hậu họ Vũ, Hoàng thái hậu họ Bùi, Quế Dương quận chúa Mạc Ngọc Mai, Nghi Xuân quận chúa Mạc Ngọc Lương, Phúc Thành thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm, Bảo Hoa thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lượng...[10]
  • Khoa cử: nhà Mạc đã tổ chức tất cả 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ nhưng trong suốt thời Mạc, việc khắc tên tiến sĩ vào bia đá trong Văn Miếu chỉ được thực hiện 2 lần, vào năm 1529 thời Mạc Thái Tổ và năm 1536 thời Mạc Thái Tông[11].
    • Lần dựng bia tiến sĩ năm 1529 ghi khoa thi năm đó của nhà Mạc;
    • Lần dựng bia năm 1536 (trong hoàn cảnh nhà Lê trung hưng bắt đầu được dựng lại từ năm 1533) lại không phải là bia tiến sĩ thi cử thời Mạc mà là bia tiến sĩ 2 khoa thi năm 1502 (thời Lê Hiến Tông) và 1518 (thời Lê Chiêu Tông) của nhà Hậu Lê đối địch[11].
Như vậy trong 22 khoa thi của nhà Mạc chỉ có khoa khoa Kỷ Sửu (1529) được dựng bia, việc dựng bia tiến sĩ ít tiến hành được do chiến tranh liên miên với nhà Lê trung hưng[12]. Việc dựng bia các tiến sĩ đỗ thời Lê sơ được nhìn nhận trên 2 góc độ: nhà Mạc trân trọng nhân tài và đồng thời muốn tranh thủ sự hợp tác của các nho sĩ cũ của nhà Lê[11].

Kinh tế - xã hội

sửa

Nội dung các văn bia phản ánh tình trạng sở hữu ruộng đất tư, với nhiều vụ giao dịch mua qua bán lại. Giá trị hàng hóa - dịch vụ cũng được xác định, như sửa lại một bia cũ hết 10 quan, 1 mẫu ruộng trị giá 30 quan...[13].

Các chùa thường được xây với quy mô không lớn nhưng kiến trúc khá hoàn chỉnh, gồm Tam quan - tiền đường – thiêu hương - thượng điện. Một số khác có thêm hậu đường – gác chuông – hành lang, phòng oản - cầu giếng. Chùa có xu thế du nhập cả đạo Lão.

Văn học

sửa

Văn bia có giá trị ngôn từ văn học khá cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật ngôn từ này làm cho văn bia nhà Mạc nói riêng và văn bia Việt Nam nói chung có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn học Việt Nam[14].

Trong các bài ký, văn bia được viết theo lối biền ngẫu, ngôn từ có hàm xúc, bố cục chặt chẽ, đặc biệt là bài ký của các nhà khoa cử và nho sinh. Những bài ký nổi tiếng là bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm trên Tam giáo tượng bi minh hay bài của Vũ Bang Kiệt trên Triệu hoàng thần từ bi...[14].

Tham khảo

sửa
  • Viện Sử học (1996), Vương triều Mạc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội
  • Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 266
  2. ^ Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 244
  3. ^ a b Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 270
  4. ^ huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng hiện nay
  5. ^ a b Viện sử học (1996), sách đã dẫn, tr 254
  6. ^ Viện sử học (1996), sách đã dẫn, tr 247
  7. ^ Viện sử học (1996), sách đã dẫn, tr 250. So với thời Lý, Trần và Lê sơ bài ký thường dài trung bình 500 chữ
  8. ^ a b Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 251
  9. ^ Viện sử học (1996), sách đã dẫn, tr 265
  10. ^ Viện sử học (1996), sách đã dẫn, tr 260
  11. ^ a b c Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 57
  12. ^ Viện Sử học (2007), sách đã dẫn, tr 504
  13. ^ Viện sử học (1996), sách đã dẫn, tr 263
  14. ^ a b Viện Sử học (1996), sách đã dẫn, tr 267