Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là thương phẩm trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là một trong hai chỉ dẫn địa lý của tỉnh, cùng với xoài cát Hòa Lộc.[1] Khác với các loại vú sữa khác, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có đặc điểm trái to tròn, màu xanh ngà, vỏ mỏng cơm dầy, vị ngọt lịm, dòng nhựa trắng đục như sữa, ít mủ[2][3] được đánh giá ngon nhất là quả từ vùng đất Vĩnh Kim, huyện Châu Thành.[4] Từ đầu những năm 2000, việc trồng gia tăng từ chủ trương của chính phủ, nhằm phát triển kinh tế đất nước, vú sữa Lò Rèn được đánh giá là có giá trị kinh tế cao.[5] Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim vào năm 2008, và trong thời kỳ đỉnh cao chỉ riêng Tiền Giang đã có hơn 3.000 ha vú sữa, khoảng 1/3 vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với sản lượng hơn 60.000 tấn trái mỗi năm, nhưng chỉ mười năm sau thì vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có nguy cơ bị xóa sổ khi diện tích canh tác ngày càng sụt giảm.

Trong tiểu thuyết gián điệp Đòn phép điệp báo của tác giả Người Thứ Tám do Nhà xuất bản Hành Động xuất bản vào năm 1971, hình tượng một cô gái đã được ví von thơm và ngon như vú sữa Lò Rèn.[6]

Lịch sử

sửa

Nguồn gốc ban đầu

sửa

Chuyện xưa kể lại,[a] trong một buổi tiệc ở nhà ông Huyện Trụ ở xã Long Hưng, có một vị khách mời đến dự tiệc mang tặng chủ nhà mấy trái vú sữa. Ông đã mang ra đãi nhiều người, sau đó mọi người xin hạt về trồng. Về sau chỉ duy nhất hạt của ông thợ rèn Hồ Văn Lễ là lên cây. Thời gian sau, sui gia của ông Lễ là ông chủ Thu, một thầy thuốc đông y, sau khi ăn vú sữa tại nhà ông Lễ đã mang hạt về trồng, ai hỏi thì ông bảo xin ở chỗ ông thợ rèn. Về sau nhiều nông dân đến xin giống cây về trồng, và họ truyền miệng rằng cây giống xin chỗ ông lò rèn.[7] Do địa điểm trồng đầu tiên là một lò rèn chuyên sản xuất nông cụ và người đầu tiên là một thợ rèn[1] nên người dân Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang muốn ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn đã nhân giống vú sữa trồng khắp vùng đất này, đặt tên là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.[8]

Một giai thoại khác thì ông Lê Văn Kỳ là người đầu tiên trồng vú sữa, ông ở cạnh một lò rèn ở Long Hưng.[7] Năm 1942, ông Kỳ chiết cây giống vú sữa cho người thân của mình ở Vĩnh Kim trồng, như ông Võ Phát Thanh, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Minh.[9]

Những năm 1940 đến 2008

sửa

Từ những năm 1940, vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nơi ở Vĩnh Kim và các địa phương lân cận.[10] Trong những năm 1970, vú sữa Lò Rèn được xem là loại trái quý, dùng để làm quà biếu sang trọng.[1] Đến năm 1975, cây vú sữa Lò Rèn được nông dân trồng tập trung tại các xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Song Thuận, Kim Sơn thuộc huyện Châu Thành, diện tích khoảng 160 ha.[9] Sau năm 1975, tình trạng khủng hoảng lượng thực xảy ra nên vùng chỉ trồng cây ngắn ngày.[7][10]

Từ những năm 1990, Nhà nước bắt đầu có chủ trương phát triển cây trồng này.[11] Bắt đầu từ năm 1999, việc trồng vú sữa bắt đầu lan rộng.[7] Năm 2001, Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang và Hội Làm vườn huyện Châu Thành đã cùng với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tiến hành và thực hiện đề tài "chọn lọc, phục tráng, nâng cao chất lượng vườn cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim".[9]

Năm 2005, Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thành lập, nhằm xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.[11] Vào tháng 11 năm 2006 xảy ra Cơn bão số 9 làm gãy đổ 6.000 cây vú sữa trên địa bàn tỉnh. Năm 2007, các xã Bàn Long, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Song Thuận và Phú Phong có 100 % diện tích đều trồng chuyên canh cây vú sữa Lò Rèn. 13 xã phía nam quốc lộ 1 của Châu Thành có tổng diện tích trồng là 2.232 ha. Năm 2007, Hội Làm vườn huyện Châu Thành đã cùng với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thực hiện "Chương trình thí điểm đề tài sản xuất cây vú sữa Lò Rèn theo hướng an toàn chất lượng cao (GAP)".[9]

Từ năm 2008 đến nay

sửa

Đến tháng 4 năm 2008 thì HTX được cấp chứng chỉ GlobalGAP[11] bởi tổ chức SGS New Zealand limited và cấp code nhà đóng gói cho thị trường Mỹ bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.[8] Vú sữa Lò Rèn của HTX phải thỏa mãn 141 tiêu chí và nông dân trồng vú sữa phải thực hiện 236 yêu cầu khắt khe của GlobalGAP với quy trình vô cùng chặt chẽ và nghiêm ngặt, từ khâu sản xuất cho đến khi sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.[12] Theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhà vườn trồng vú sữa phải thay đổi toàn bộ từ nhận thức đến cách trồng: áp dụng kỹ thuật trồng cây an toàn, tạo trái đẹp, kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ quy trình bón phân, bao trái, ghi nhật ký,...[13]

Tháng 6 năm 2008,[14] Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00044 cho sản phẩm Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.[8]

Đến năm 2009, Tiền Giang đã có 3.000 ha vú sữa trồng tại 17 xã thuộc 2 huyện Châu Thành và Cai Lậy, trong đó 1/3 diện tích là loại vú sữa Lò Rèn, năng suất trung bình 10-15 tấn/ha. HTX có 130 hộ/13 tổ (thuộc 10 xã) tham gia trồng vú sữa theo quy trình GlobalGAP. Diện tích vú sữa của mỗi hộ nông dân bình quân từ 2 - 4 công (2.000m²- 4.000m²), chỉ có một vài hộ trồng vú sữa nhiều như ông Nguyễn Văn Đông ở xã Bàn Long (10.000 m²), hộ ông Võ Văn Xê ở xã Hữu Đạo (14.000 m²).[15] Cho đến năm 2014, HTX có 174 ha vú sữa trong đó 55 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2015, diện tích trồng vú sữa sẽ mở rộng đến 5.000 ha,[16][12] trong đó có 500 hộ nông dân với 250 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.[16]

Canh tác cây vú sữa ở Tiền Giang đã xảy ra nhiều đợt thoái trào, diện tích trồng hay sụt giảm,[10] như giai đoạn năm 2012-2013.[17] Cho đến năm 2018, do bị dịch bệnh và do điều kiện đất đai không còn phù hợp nên diện tích vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim từ gần 300 ha đã giảm xuống chỉ còn 30 ha.[18][10] Toàn tỉnh Tiền Giang có đến hơn 3.000 ha vú sữa nhưng cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 500 ha.[19] Đến cuối năm 2019, diện tích vú sữa ở Vĩnh Kim chỉ còn 20 ha.[20] Cây vú sữa bị đốn hạ và được nông dân thay thế bằng những cây trồng khác như sầu riêng, dừa, bưởi, sapôchê,...[17]

Đến hôm nay, tại vườn hộ nông dân Nguyễn Văn Ngàn ở Vĩnh Kim có một cây vú sữa hơn 80 năm tuổi được công nhận là cây nguồn giống đầu dòng.[7]

Canh tác

sửa

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là giống cây thuộc loài Chrysophyllum cainito là loại cây lưỡng tính (tự thụ phấn).[21] Vú sữa Lò Rèn không được trồng bằng hạt mà nhất thiết phải ghép cây. Mắt ghép được lấy từ các cây vi ghép hoặc lấy trực tiếp từ các cây vú sữa đã được tuyển chọn.[22]

Vườn thường trồng với mật độ 12-17 cây/1000 m², khoảng cách không dưới 7 - 8 m. Do tán cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim khi trưởng thành rất to nên việc trồng thường là líp đơn, tức một hàng đất trồng chỉ có duy nhất một hàng cây. Nhưng vẫn có thể trồng thêm 1 hàng cây ở giữa, và khi cây vú sữa còn nhỏ có thể tận dụng trồng xen ở 2 hàng 2 bên líp. Kích thước líp cây trồng là từ 6 - 7 m, trong đó kích thước của mương dẫn nước rộng 1,5 m.[22]

Về thổ nhưỡng thì vú sữa Lò Rèn không kén đất, vùng Vĩnh Kim nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa và chế độ thủy văn dồi dào nước của hệ thống sông rạch chằng chịt của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đất đai thường xuyên được phù sa bồi đắp, mực nước chân triều bình quân hằng ngày trong tháng 10 là tháng thường có mực nước cao nhất trong năm cũng thấp hơn -50 cm nên tiêu tự chảy quanh năm. Chất lượng nước hoàn toàn nước ngọt qua các tháng trong năm đảm bảo để tưới tiêu (độ pH= 7-9).[23]

Thời điểm trái vú sữa sinh trưởng tích lũy đường, axit, vitamin C và dịch quả là từ tháng 6 đến tháng 11.[1]

Quả

sửa

Trái vú sữa có dạng hình cầu hoặc hình cầu hơi thuôn, kích thước trung bình là 7,3 - 8,4 cm đường kính, trọng lượng 250 - 350 gram/quả. Vỏ khi chín trắng ửng hồng. Thịt quả có màu trắng đục, mềm, nước dạng sữa, dày thịt, tỷ lệ thịt quả cao, ít hạt. Hương vị ngọt béo và mùi thơm nhẹ (độ Brix từ 14 - 17%).[8]

Dinh dưỡng

sửa

Trong 100g quả vú sữa chín:[8]

  • Năng lượng 42 kcal
  • Nước 86,4 g
  • Chất đạm 1 g
  • Chất đường bột 9,4 g
  • Chất xơ 2,3 g
  • Các loại vitamin
  • Khoáng chất: canxi, phốtpho, sắc và magiê.

Thu hoạch

sửa

Mùa vụ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3.[8] Vỏ mỏng nên quả dễ bị dập và trầy sướt, khi chín cuống trái dễ bị sút ra nên khi thu hoạch phải thật nhẹ nhàng, khéo léo. Không để trái trực tiếp xuống đất vì nấm bệnh từ đất sẽ xâm nhập qua cuống hoặc vết hở trên vỏ. Cần bao bọc trái khi vận chuyển. Trong thời gian tồn trữ hàng, vận chuyển không để trái tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, không che nắng bằng tấm nilon vì nilon hấp thu nhiệt sẽ làm nám vỏ trái.[24]

Kinh tế

sửa

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là loại trái cây đắt đỏ, hạng sang dùng làm quà biếu trong thập niên 1960-1970,[25][1] từ năm 2000 trở đi đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.[26][27] Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được người tiêu dùng lựa chọn, giống vú sữa này so với các giống vú sữa khác được đánh giá là ngon nhất và có giá bán đắt nhất[28] là đặc sản.[29] Đến năm 2007, 13 xã phía nam Quốc lộ 1 của huyện Châu Thành có tổng diện tích trồng là 2.232 ha, đạt sản lượng hằng năm gần 30.000 tấn.[9]

Năm 2007, vú sữa Lò Rèn lần đầu xuất khẩu ra nước ngoài, sang thị trường Nga.[10][12] Trong năm 2008-2009, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chỉ xuất được khoảng 10 tấn dù đã có chứng nhận GlobalGAP do thị trường không ổn định. Hàng chủ yếu xuất sang Hà Lan và Anh.[30] Ngày 23 tháng 2 năm 2010, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất khẩu 2,6 tấn vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGap sang Vương quốc Anh thông qua Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ TP.HCM. Đây là lô hàng xuất khẩu đầu tiên của HTX này.[31] Ngày 1 tháng 3, xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Canada.[32] Năm 2012, HTX chỉ thu hoạch được hơn 5 tấn vú sữa và vì không bảo quản được lâu nên trong năm này đã không xuất khẩu.[30] Cho đến năm 2014, HTX có 55 ha vú sữa đạt chứng nhận GlobalGAP, năng suất 400 tấn/năm.[16][33][34]

Sau gần 10 năm đàm phán, đến tháng 12 năm 2017, chính phủ Mỹ chấp nhận cho phép vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nhập khẩu sang thị trường nước này.[35] Việc nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 19 tháng 1 năm 2018.[36] Theo điều 319.56-3 của Luật về các quy định của Liên bang (CFR), quy định chung về nhập khẩu rau quả vào thị trường Mỹ, theo đó trái vú sữa tươi nhập khẩu vào Mỹ còn phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn sau: chỉ được nhập khẩu như hàng hóa thương mại; mỗi lô hàng xuất khẩu vú sữa tươi đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam cấp; từng lô hàng phải được xử lý đúng quy định theo mục 7 phần 305 của CFR; mỗi chuyến hàng xuất khẩu trái vú sữa tươi đều là đối tượng kiểm tra ngay khi cập cảng vào Mỹ.[36] Năm đầu tiên có 200 tấn vú sữa Lò Rèn nhập vào Mỹ.[37] Có hơn 270 nông dân đã tham gia chương trình sản xuất vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm 2018, với 128 ha được xem xét đạt chuẩn.[38]

Hiện vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Pháp, Đức, Úc, Nhật, Singapore, Đài Loan,...[1] Năm 2016, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry đã nhập và bán hàng với giá 30.000 đồng/quả.[12] Sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP.[12]

Tiền Giang có diện tích 3.174 ha vú sữa (31,74 km²)[8] trong đó huyện Châu Thành có hơn 2.500 ha (25 km²),[39] trồng phân bố tại các xã: Vĩnh Kim, Phú Phong, Kim Sơn, Bàng Long, Bình Trưng,...thuộc huyện Châu Thành, với tổng sản lượng toàn tỉnh 63.764 tấn/năm, năng suất bình quân 20 tấn/ha.[8] Hiện nay, diện tích chỉ còn khoảng 500 ha, năng suất bình quân giảm chỉ còn 14 tấn/ha.[37] Bên cạnh đó, vú sữa của nhiều địa phương khác được bày bán trên thị trường dán mác Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nhằm trà trộn tiêu thụ cũng góp phần gây thiệt hại.[40]

Nỗ lực phục hồi

sửa

Năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt dự án “Thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn”. Theo kế hoạch thì cho đến năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành hơn 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 công trình thủy lợi, 1 tuyến đường dal, 1 máy bơm điện tự động, nạo vét 5 tuyến kênh thủy lợi và hỗ trợ kỹ thuật, con giống để nhà vườn địa phương trồng mới và cải tạo 16 ha cây vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GAP. Tuy nhiên, nhà vườn xã Vĩnh Kim phản đối không hưởng ứng vì thiếu tính khả thi. Do tác động biến đổi khí hậu, đất đai hiện nay kém phù sa nên cây vú sữa Lò Rèn không còn thích nghi với thổ nhưỡng, giống vú sữa Lò Rèn đã bị lai nên năng suất kém đi,[19] cây thường bị nhiễm bệnh nhất là bệnh khô cành và thối rễ, kém hiệu quả kinh tế hơn cây ăn quả khác.[41][19]

UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tiến hành chấn chỉnh, xử lý những doanh nghiệp mua bán vú sữa sai phạm, để không làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu vú sữa xuất khẩu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Đồng thời, ra công văn nêu rõ những hạn chế của một số doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn thiếu lành mạnh, và yêu cầu các đơn vị chuyên ngành có liên quan phối hợp với các địa phương có vùng trồng cây vú sữa tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xuất xứ, mẫu mã, chất lượng các lô hàng vú sữa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.[40]

Chính quyền cũng nhấn mạnh việc bảo vệ thương hiệu Vú sữa Lò Rèn đứng vững trên thị trường Mỹ có ý nghĩa rất lớn khi tạo tiền đề cho các loại trái cây đặc sản khác như trái sapôchê, thanh long, sầu riêng,... tiếp cận được thị trường Mỹ trong tương lai, đồng thời mở rộng sang thị trường nước khác.[40]

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Có thể là năm 1932.[1]

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d e f g Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt, tr. 85
  2. ^ Đồng bằng sông Cửu Long (2000), tr.487
  3. ^ Nguyễn Khải (1999), tr.151
  4. ^ Lâm Quang Huyên (2002), tr.90
  5. ^ Nông nghiệp Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tr.360
  6. ^ Người Thứ Tám (1971), tr. 18
  7. ^ a b c d e N.Văn (ngày 25 tháng 2 năm 2014). “Về Vĩnh Kim, nghe kể chuyện vú sữa Lò Rèn”. báo Ấp Bắc. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  8. ^ a b c d e f g h “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”. tiengiang.gov.vn. ngày 18 tháng 1 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021.
  9. ^ a b c d e Tấn Vũ (ngày 10 tháng 2 năm 2007). “Tiền Giang mở rộng vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn”. báo Nhân Dân. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  10. ^ a b c d e Thanh Tú, Sơn Lâm (ngày 16 tháng 12 năm 2019). “Kể chuyện cây trái miền Tây - Kỳ 8: Lận đận vú sữa Lò Rèn”. báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  11. ^ a b c Phương Thảo, Hương Trang (ngày 9 tháng 6 năm 2017). “Danh tiếng của vú sữa lò rèn Vĩnh Kim”. báo Khoa học & Phát triển. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  12. ^ a b c d e “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim tìm đường sang châu Âu”. khoahocchonhanong.com.vn. ngày 3 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2021.
  13. ^ N.Thanh, M.Lâm (ngày 22 tháng 3 năm 2011). “Xuất khẩu trái cây, Đột phá từ chất lượng”. saigondautu.com.vn. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2021.
  14. ^ “Danh sách các chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  15. ^ Minh Sáng. “Vú sữa Lò Rèn rộ mùa... xuất ngoại”. báo Nông nghiệp. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2021.
  16. ^ a b c “Vú sữa Lò Rèn mất mùa, giá thấp”. báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2021.
  17. ^ a b Khánh Giang (ngày 28 tháng 8 năm 2013). “Giải pháp nào để phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim?”. báo Ấp Bắc. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  18. ^ Nhật Trường (ngày 4 tháng 9 năm 2018). “Cây vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim có nguy cơ bị "xóa sổ". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  19. ^ a b c Nhật Trường (ngày 22 tháng 11 năm 2019). “Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn có nguy cơ "phá sản". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  20. ^ Hồng Châu (ngày 29 tháng 10 năm 2019). “Vú sữa đầu mùa tăng giá gấp đôi”. vnexpress.net. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  21. ^ Minh Quân (ngày 15 tháng 9 năm 2012). “Vú sữa”. báo Thanh Niên. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  22. ^ a b Phương Thảo, Hương Trang (ngày 11 tháng 6 năm 2017). “Công đoạn chọn giống và trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim”. báo Khoa học & Phát triển. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  23. ^ Phương Thảo, Hương Trang (ngày 27 tháng 6 năm 2017). “Ảnh hưởng của điều kiện sông ngòi, thủy văn tới chất lượng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim”. báo Khoa học & Phát triển. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  24. ^ Phương Thảo, Hương Trang (ngày 14 tháng 6 năm 2017). “Công đoạn thu hoạch và bảo quản vú sữa lò rèn Vĩnh Kim”. báo Khoa học & Phát triển. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  25. ^ Địa chí Tiền Giang, Tập 1, tr. 595
  26. ^ Trương Thanh Liêm (ngày 2 tháng 12 năm 2019). “Kiếm bạc tỷ từ vú sữa Lò Rèn”. Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  27. ^ Toàn cảnh kinh tế Việt Nam (2006), tr.1694.
  28. ^ Phương Thảo, Hương Trang (ngày 31 tháng 5 năm 2017). “Cách phân biệt vú sữa lò rèn Vĩnh Kim”. báo Khoa học & Phát triển. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  29. ^ Doanh nghiệp Việt Nam với vấn đề thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tr.110
  30. ^ a b Văn Vĩnh (ngày 15 tháng 7 năm 2017). “Có thương hiệu cũng gặp khó - Kỳ 2”. báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  31. ^ H.Lợi, B.Đại (ngày 24 tháng 2 năm 2010). “Xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc sang Nhật Bản”. báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  32. ^ “Trái cây xuất khẩu tìm thị trường mới”. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. ngày 2 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  33. ^ “Hoa quả Việt Nam đã 'tấn công' ra nước ngoài bằng đường xuất khẩu bài bản”. tieudung.vn. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2021.
  34. ^ “Vú sữa Lò Rèn tăng giá mạnh”. agritrade.com.vn. Truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2021.
  35. ^ Thanh Tú (ngày 29 tháng 3 năm 2019). “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất sang Mỹ nhưng không 'tiêu biểu' ở địa phương”. báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  36. ^ a b “Trái vú sữa Việt Nam đã chính thức vào thị trường Mỹ”. báo Tuổi Trẻ. ngày 13 tháng 4 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  37. ^ a b Thanh Tú (ngày 17 tháng 10 năm 2018). “Kiểm soát chặt doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa lò rèn sang Mỹ”. báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  38. ^ KV (ngày 6 tháng 11 năm 2018). “Tiền Giang tiếp tục xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ”. dangcongsan.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  39. ^ Nhật Trường (ngày 16 tháng 4 năm 2016). “Tiền Giang: Cây Vú sữa Lò rèn trước nguy cơ bị "xoá sổ". VOV. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.
  40. ^ a b c Anh Tuấn, Bảo Yến (ngày 6 tháng 4 năm 2019). “Phép thử đối với trái vú sữa Lò Rèn”. báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021.
  41. ^ Minh Sáng. “Nguy cơ xóa sổ vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”. báo Nông nghiệp. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 9 năm 2021.

Thư mục

sửa
  • Địa chí Tiền Giang, Tập 1. Ban tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam. 2005.
  • Doanh nghiệp Việt Nam với vấn đề thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà xuất bản Thống kê. 2004.
  • Đồng bằng sông Cửu Long: đón chào thế kỷ 21. Nhà xuất bản Văn nghệ. 2000.
  • Lâm Quang Huyên (2002). Nông nghiệp nông thôn Nam bộ hướng tới thế kỷ 21. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  • Nguyễn Khải (1999). Chuyện nghề. Hội nhà văn.
  • Người Thứ Tám (1971). Đòn phép điệp báo. Nhà xuất bản Hành Động.
  • Nhiều tác giả. Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt.
  • Nông nghiệp Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhà xuất bản Tp.HCM. 2003.
  • Toàn cảnh kinh tế Việt Nam: các ngành kinh tế Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. 2006.

Liên kết ngoài

sửa