Tuyết Đình Phúc Dụ (zh. 雪庭福裕, ja. Setsutei Fukuyū, 1203-1275) là Thiền sư Trung Quốc đời Nguyên, thuộc Tông Tào Động, là pháp tử của Thiền sư Vạn Tùng Hành Tú. Vì sư từng trụ trì và trùng hưng chùa Thiếu Lâm nên còn được coi là Tổ trung hưng của ngôi chùa này. Đệ tử nối pháp của sư có Thiền sư Linh Ẩn Văn Thái.

Thiền sư
Tuyết Đình Phúc Dụ
雪庭福裕
Tên khai sinhTrương Hảo Vấn
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Tông pháiThiền tông
Lưu pháiTào Động
Chi pháiLộc Môn
Sư phụVạn Tùng Hành Tú
Đệ tửLinh Ẩn Văn Thái
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhTrương Hảo Vấn
Ngày sinh1203
Nơi sinhThái Nguyên, tỉnh Sơn Tây
Mất20 tháng 7,
1275
An nghỉChùa Thiếu Lâm
Giới tínhnam
Quốc tịchĐại Nguyên
icon Cổng thông tin Phật giáo

Cơ duyên và hành trạng

sửa

Sư họ Trương, tự là Hảo Vấn, quê ở vùng Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Lớn lên, sư xuất gia và thọ giới cụ túc với Đại sư Hưu Lâm ở Tiên Nham và làm thị giả tại đây 7 năm.[1]

Sau đó, sư đến tham vấn Thiền sư Vạn Tùng Hành Tú ở Báo Ân tự và được đại ngộ. Sau khi đắc pháp, sư ở lại đây hầu hạ thầy hơn 10 năm. Cơ duyên vấn đáp của sư với hòa thượng Vạn Tùng được ghi lại như sau:

Vạn Tùng hỏi: "Ông là người ở đâu, được gì rồi mà đến đây?"
Sư đáp: "Hoà thượng mắc lỗi với học nhân. Con xin đảnh lễ, tạm thời che giấu cho hoà thượng."
Vạn Tùng nghe được vô cùng hoan hỉ.[2]

Hoằng pháp

sửa

Trên bước đường hoằng pháp, đầu tiên sư đến trụ trì tại chùa Thiếu LâmTung Sơn, tu sửa lại những điện, đài bị hoang phế nơi đây và sau trở thành một ngôi Thiền tự khang trang, đẹp đẽ. Người đời sau tôn xưng sư là tổ trung hưng của chùa Thiếu Lâm. Kể từ đó cho đến nay, chùa Thiếu Lâm là một trong các tổ đình của tông Tào Động và các đời trụ trì đều thuộc pháp hệ tông Tào Động, họ thường lấy hiệu là “Truyền nhân thứ... của Thiền sư Tuyết Đình”.[3]

Vào năm thứ 8 (1248), sư nhận chiếu chỉ của vua và đến trú trì Hòa Lâm Hưng Quốc tự. Vua Hiển Tông từng mời sư vào trong cung để đàm đạo về Phật pháp, vua rất kính nể và thán phục trí tuệ của sư. Sau đó, vua ban chức “Tổng lĩnh thích giáo “[4] (zh. 总领释教), cho phép sư lãnh đạo toàn bộ Phật giáo đương thời và giao cho sư trách nhiệm khôi phục các tự viện đã bị hư sụp ở các nơi.[5]

Đến năm đầu (1260) niên hiệu Trung Thống, sư vâng mệnh vua Thế Tổ nhà Nguyên thiêu hủy các sách vở ngụy tạo của Đạo Giáo, cải tà quy chính cho các đạo sĩ và được ban hiệu là Quang Tông Chính Pháp Thiền sư. Ngoài ra, sư còn xây dựng Báo Ân tịnh xá ở cố hương mình và thường sống ở Vạn Thọ tự.[1]

Một hôm, sư thăng tòa dạy chúng:

"Suốt 12 thời (24 giờ) tẩy sạch mọi việc, chỉ khán câu trước khi cha mẹ chưa sanh, cái gì là mặt thật xưa nay của ta?. Không kể đắc lực hay không đắc lực, hôn trầm tán loạn hay không hôn trầm tán loạn, chỉ chuyên đề khởi thoại đầu".[6]

Để truyền thừa tông phong một cách quy củ, sư có làm bài kệ pháp phái gồm 70 chữ truyền lại cho đệ tử như sau:

Phúc Tuệ Trí Tử Giác
Liễu Bản Viên Khả Ngộ
Châu Hồng Tấn Quảng Tông
Đạo Khánh Đồng Huyền Tổ
Thanh Tịnh Chân Như Hải
Trạm Tịch Thuần Trinh Tố
Đức Hạnh Vĩnh Diên Hằng
Diệu Bản Thường Kiên Cố
Tâm Lãng Chiếu U Thâm
Tính Minh Giám Sùng Tộ
Ai Chính Thiện Hy Thiền
Cẩn Xác Nguyên Tế Độ
Tuyết Đình Vi Đạo Sư
Dẫn Nhữ Quy Huyền Lộ.[3]

Vào ngày 20 tháng 7 năm thứ 12 (1275) niên hiệu Chí Nguyên, sư an nhiên tọa Thiền thị tịch, hưởng thọ 73 tuổi. Môn đệ trà tỳ và xây tháp thờ xá lợi tại khuôn viên Chùa Thiếu Lâm. Đến năm đầu (1312) niên hiệu Hoàng Khánh, sư được ban hiệu là Đại Tư Không Khai Phủ Nghi Đồng Tam Tư Truy Phong Tấn Quốc Công. Vị quan là Trình Cự Phu soạn văn Đại Nguyên Tặng Đại Tư Không Phủ Nghi Đồng Tam Tư Truy Phong Tấn Quốc Công Thiếu Lâm Khai Sơn Quang Tông Chánh Pháp Đại Thiền Sư Dụ Chi Bi.[1]

Lời dạy và sáng tác của sư được lưu lại trong Ngữ lụcThi tập.[3]

Nguồn tham khảo và chú thích

sửa
  1. ^ a b c “Tuyết Đình Phúc Dụ”. Phật giáo. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2023.
  2. ^ Hư Vân (2012). Phật Tổ Đạo Ảnh - Tập 2. Nxb Hồng Đức.
  3. ^ a b c Thích Di Sơn. “Nghiên cứu mạch truyền thừa của các Thiền sư Tông Tào Động Trung Quốc - Theo hướng phát triển sang Việt Nam”. Chùa Phật Học Xá Lợi. Truy cập ngày 7 tháng 9, 2023.
  4. ^ Tương đương với chức pháp chủ, tăng thống hiện nay.
  5. ^ Nguyễn Nam Trân biên dịch (2009). Lịch Sử Thiền Tông Trung Quốc.
  6. ^ Hư Vân. Thiền Quan Sách Tấn. tr. 14.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán