Trung Liệt miếu, hay Võ miếu, ở Hà Nội là ngôi miếu thờ các nhân vật quân sự do các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng.

Trung Liệt miếu
Tên khácVõ miếu
Thông tin miếu
ThờVõ quan nhà Lê, quan nhà Nguyễn
Địa chỉViệt Nam Hà NộiViệt Nam
Thành lậpChính Hòa 6 (1685)
Tình trạngPhế tích

Lịch sử

sửa

Trung Liệt miếu được xây vào năm 1685 (năm Chính Hòa thứ 6) tại nơi mà nay là phố Nguyễn Khuyến, gần Văn miếu [1]. Miếu thờ các công thần nhà Lê, đầu tiên là Lê Lai. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, vua lại ngự giá cùng bá quan văn võ đến miếu Trung Liệt tham bái tưởng niệm.

Trong sử cũ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi rõ: “Vị chính giữa thờ Võ Thành vương Thái công Vọng, còn từ Tôn Võ Tử, Quản Tử trở xuống 18 người  phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu… Hàng năm, mùa xuân, mùa thu hai kỳ tế, đều dùng ngày mậu vào thượng tuần. Cấp cho mỗi miếu một ấp dân hộ, để cung phụng việc thờ tự”

Từ thế kỷ 19, miếu được di dời tới gò Đống Đa, và thờ các vị quan nhà Nguyễn đã hy sinh trong chiến đấu, như Nguyễn Tri Phương cùng người con trai là Nguyễn Lâm, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao.

Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội, Hoàng Diệu trực tiếp lên mặt thành chỉ huy quân cự địch. Với thế mạnh có đại bác và cách đánh quân ta chưa bao giờ gặp, quân Pháp đã tràn vào thành. Biết không giữ được thành, ông đã đến hành cung viết tờ di biểu gửi vua Tự Đức rồi đến Võ Miếu thắt cổ tự tử. Tấm gương tiết liệt của Hoàng Diệu đã được người Thăng Long phụng thờ. Bài vị của Hoàng Diệu cũng được đặt chính tại miếu Trung Liệt .

Trương Quốc Dụng, Thượng thư Bộ Hình từng lập nhiều chiến công khi làm Hải Yên Thống đốc quân vụ. Năm 1864, trong trận dẹp giặc ở Quảng Yên ông bị hy sinh. Bài vị của Trương Quốc Dụng cũng được thờ ở Trung Liệt miếu

Đoàn Thọ từng giữ chức Thự Đô Thống Chưởng phủ Quân lĩnh thị vệ đại thần triều Nguyễn đã lập nhiều chiến công dẹp giặc mạn Cao Bằng. Khi làm Thống đốc Bắc Kỳ quân vụ trấn giữ Lạng Sơn, ông đã bỏ mình trong một trận đánh.

Nguyễn Cao, người Bắc Ninh từng làm Bố chánh Thái Nguyên. Khi Pháp đánh Bắc Kỳ, ông đã tụ tập nghĩa quân kháng cự quyết liệt. Sau khi triều đình ký hiệp ước với Pháp, ông cho giải tán nghĩa binh còn mình lui về  dạy học ở Kim Giang, Ứng Hòa nhưng vẫn bí mật liên hệ với phe kháng chiến để chống đánh Pháp. Năm 1887, Pháp dò la bắt được Nguyễn Cao. Khi bị bắt, trước mặt quân thù ông đã dùng tay tự chọc thủng bụng rồi móc hết ruột ra để tỏ lòng trung kiên bất khuất. Quân Pháp vội đưa ông đi cứu chữa với ý đồ mua chuộc nhưng ông đã nhịn ăn nhịn uống và cắn lưỡi tự vẫn.

Đến năm 1946, bài vị của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) mới chính thức được đưa vào thờ ở Trung Liệt miếu.[2]

Di tích

sửa

Di tích kiến trúc này, ngày nay không nguyên vẹn, chỉ còn một chiếc cổng ở lưng chừng quả đồi, hướng mặt ra đường (phố) Tây Sơn chạy qua trước gò, với ba chữ Hán đại tự ở trên vòm cổng: “Trung Liệt Miếu”. Đây chính là chiếc “nghi môn” dẫn lên tòa kiến trúc xưa ở trên đỉnh gò, vẫn được quen gọi là “Đền Trung Liệt”, mà nay chỉ còn lại vài hàng gạch nền làm di tích.[3]

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Hà Nội : Hoang phế Trung Liệt miếu”. Báo điện tử Tiền Phong. 25 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2024.
  2. ^ Online, TTVH (7 tháng 3 năm 2016). “Chuyện Hà Nội: Cần phục dựng Trung Liệt miếu thờ các anh hùng lịch sử”. thethaovanhoa.vn. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2024.
  3. ^ “Miếu Trung Liệt ở gò Đống Đa”. sknc.qdnd.vn. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2024.