Trung Đức
Bài này không có nguồn tham khảo nào. |
Bài viết hoặc đoạn này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện.(tháng 9/2023) |
Trung Đức (sinh ngày 23 tháng 3 năm 1952) là một ca sĩ nhạc đỏ người Việt Nam[1], được biết đến với vai trò là ca sĩ hát những bài hát truyền thống thành công nhất với chất giọng cao, ấm và truyền cảm.[2] Ông còn là tác giả của một số ca khúc âm hưởng dân ca như Nhớ về hội Lim, Em đi chùa Hương, Chân quê, Gọi em. Trung Đức được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2007.
Trung Đức | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Tên khai sinh | Nguyễn Trung Đức |
Ngày sinh | 23 tháng 3, 1952 |
Nơi sinh | Hà Nội, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | Việt Nam |
Nghề nghiệp | Ca sĩ |
Lĩnh vực | |
Danh hiệu | Nghệ sĩ nhân dân (2007) |
Sự nghiệp âm nhạc | |
Đào tạo | Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam |
Ca khúc |
|
Cuộc đời
sửaNguyễn Trung Đức sinh ngày 23 tháng 3 năm 1952 tại làng La Cả thuộc Hà Đông, Hà Nội trong gia đình không ai theo nghệ thuật, bố mẹ đều là nông dân. Trung Đức từng làm công nhân tại Thái Nguyên.[2]
Năm 1972, Trung Đức đi bộ đội, từng là lính lái xe tăng của đoàn 559 ở Trường Sơn, sau 9 tháng làm lính Trường Sơn thì giải ngũ. Sau khi giải ngũ, ông trở về quê, làm nhiều nghề để kiếm sống. Cùng lúc tỉnh Hà Tây tổ chức cuộc thi hát, Trung Đức đã đoạt giải nhất với bài hát Hà Tây quê lụa, sau đó ông đăng ký dự thi và được nhận vào công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hà Tây. Một năm sau đó, ông về học tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), dưới sự dìu dắt của hai nghệ sĩ Quý Dương và Trung Kiên. Sau khi ra trường, Trung Đức về lại Đoàn Ca múa Hà Tây để tiếp tục công tác. Năm 1980, ông chuyển về Đoàn Ca múa Thăng Long, Hà Nội. Năm 1981, ông chuyển về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, công tác tại đó cho đến khi nghỉ hưu.[2] Năm 2007, Trung Đức được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.[3][4]
Trung Đức sở hữu giọng nam trung mềm mại, ấm áp, vang, khoẻ, ông đã hát thành công nhiều bài hát nhạc đỏ phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam như Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Trên đỉnh Trường Sơn (Huy Du), Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến),... Ông cùng ca sĩ Thu Hiền trở thành cặp song ca nhạc đỏ nổi tiếng trong thập niên 1970 đến 1990.[5] Bên cạnh biểu diễn, Trung Đức còn sáng tác một số ca khúc như Em đi chùa Hương (phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp), Chân quê (phổ thơ Nguyễn Bính), Gọi em, Nhớ về hội Lim. Đặc biệt, ca khúc Gọi em của ông dựa trên giai điệu Khan Tây Nguyên đã nhận được Huy chương Vàng tại Hội diễn ca nhạc toàn quốc năm 1996 tại Cần Thơ.[6]
Chú thích
sửa- ^ Nghệ sĩ Nhân dân Trung Đức: Nghệ sĩ phải đem cái đẹp đến công chúng Lưu trữ 2016-03-05 tại Wayback Machine, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
- ^ a b c Hài lòng với cuộc sống..., Báo An ninh Thủ đô
- ^ Lan Dung (6 tháng 2 năm 2007). “Phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 6”. Báo Thanh Niên. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2008.
- ^ T. Nguyễn (7 tháng 2 năm 2007). “Truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT”. Báo Công an Nhân dân điện tử. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2022.
- ^ Tuệ Anh (5 tháng 12 năm 2023). “Cặp song ca "huyền thoại" Trung Đức - Thu Hiền: Đều là NSND, tuổi 71 sống an nhiên bên bạn đời tuyệt vời”. Cafef. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2024.
- ^ “NSND Trung Đức”. Nhà hát Ca núa nhạc Việt Nam. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2024.