Trịnh Ngọc Thương (chữ Hán: 郑玉苍; 1346-1422), có tài liệu chép là Trịnh Thị Thương (郑氏苍),[1][2] còn được gọi là Trinh Từ Ý Văn Hoàng thái hậu (贞慈懿文皇太后), là mẹ của Bình Định vương Lê Lợi. Về sau con trai lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Hậu Lê, bà được truy tôn làm Hoàng thái hậu.

Trịnh Ngọc Thương
郑玉苍
Hoàng hậu nhà Lê
Thông tin chung
Sinh1346
Xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương
Mất1422 (76 tuổi)
Phu quânLê Khoáng
Hậu duệ
Tên húy
Trịnh Ngọc Thương
(鄭玉蒼)
Thụy hiệu
Trinh Từ Ý Văn Hoàng thái hậu
Trinh Từ Văn Trang Hiến Hoàng hậu
Hoàng tộcNhà Lê
Thân phụTrịnh Sai

Xuất thân

sửa

Trịnh Ngọc Thương là người Chủ Sơn (sau đổi thành xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Tổ tiên bà là Trịnh Thậm, vốn là người sách Mộc Trưng[Chú 1], phủ Thanh Hóa. Tương truyền cụ Thậm đi bắn chim ngang qua đất Thủy Chú, cảm thấy nơi này rừng cây xanh tốt, đất đai màu mỡ nên đã dời đến đây. Ông nội của bà là Ngọc Thương là Trịnh Tám, từng làm quan thời Trần, nhờ có công trong cuộc chiến với Chiêm Thành mà được phong làm Đại toát nữu[Chú 2][3]. Tám có một người con trai là Sai, chính là cha sinh ra bà Ngọc Thương. Sai nối nghiệp cha làm chức Đại toát nữu, sinh được một trai một gái; con trai tên Thốn nối nghiệp cha, con gái chính là bà Ngọc Thương.[4]

Cuộc đời

sửa

Sau khi bà Ngọc Thương gả cho Lê Khoáng, đến làng Lam Sơn, thì gặp phải các tù trưởng người Man là Cầm Lô, Cầm Lạn cướp của dân địa phương; hai người phải dời đến Thủy Chú. Ở đây, bà đã sinh ra người con trai cả là Chiêu Hiếu Đại vương Lê Học.[5]

Năm Ất Sửu (1385), ngày 6 tháng 8 âm lịch (tức ngày 10 tháng 9), bà sinh ra vua Thái Tổ.[1][2] Sau đó, bà tiếp tục sinh ra Quốc Thái Trưởng Công chúa Ngọc Tá, Quốc Trưởng Công chúa Ngọc Vinh và Quốc Trưởng Công chúa Ngọc Tiên ở làng Thủy Chú.[5]

Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, bà là một người khéo giữ đạo làm vợ, hết lòng hiếu kính thờ cha mẹ, lấy ân huệ đối xử với họ hàng, dùng lễ nghĩa dạy con cháu, cả đời làm việc thiện giúp đỡ người nghèo khó, xót thương kẻ côi cút; mọi người đều ca tụng công đức của bà, nhờ vậy mà càng nhiều người quy phụ, khiến gia nghiệp càng lúc càng lớn mạnh. Ngày mất và nơi an táng của bà đều không được truyền lại.

Năm Thuận Thiên thứ 1 (1428), bà được con trai truy tôn là Trinh Từ Ý Văn Hoàng thái hậu.[6][7] Cụ tổ của bà là cụ Thậm được tặng "Triệu Ý hầu", ông nội bà là cụ Tám được tặng "Hiến Quốc công" và cha bà được tặng "Hựu Quốc công". Ngày 20, tên Thương (蒼) của bà, cùng với Đinh (汀) của Hiển Tổ, Quách (廓) của Gia Thục Hoàng thái hậu, Khoáng (曠) của Tuyên Tổ, Lợi (利) của Thái Tổ, Trần (陳) của Hoàng hậu và Học (孿) của anh vua, được ra lệnh kỵ húy (không được sử dụng khi viết, đồng âm khác chữ thì không phải húy).[8][9]

Năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), bà được cháu nội là Thái Tông Lê Nguyên Long truy tôn làm Trinh Từ Văn Trang Hiến Hoàng hậu.[5]

Chú thích

sửa
  1. ^ Tương tự như Xã, thôn
  2. ^ Tương tự như Tướng, chú thích trong Đại Việt thông sử

Tài liệu

sửa
  • Lê Quý Đôn (2013). Đại Việt thông sử. Ngô Thế Long dịch, Văn Tân hiệu đính. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. ISBN 9786041013988.
  • Lê Quý Đôn (1759). Đại Việt thông sử (PDF). Ngô Thế Long dịch, Văn Tân hiệu đính (1987). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2020.
  • Sử quán triều Hậu Lê (1697). Ngô Sĩ Liên; Vũ Quỳnh; Phạm Công Trứ; Lê Hy; Nguyễn Quý Đức (biên tập). Đại Việt sử ký toàn thư. ISBN 9786046997566.
  • Ngô Sĩ Liên (2017). Đại Việt sử ký toàn thư - Tập 2. Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch . Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. ISBN 9786046997566.

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b Ngô Sĩ Liên 2017, tr. 256 (xuất bản), 325 (online), Bản kỷ - Quyển 10
  2. ^ a b Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 1b, Bản kỷ toàn thư - Quyển X
  3. ^ Lê Quý Đôn 1759, tr. 117 (xuất bản), 80b (bản gốc)
  4. ^ Lê Quý Đôn 1759, tr. 118 (xuất bản), 80b (bản gốc)
  5. ^ a b c Lê Quý Đôn 1759, tr. 118 (xuất bản), 81a (bản gốc)
  6. ^ Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 57b, Bản kỷ toàn thư - Quyển X
  7. ^ Ngô Sĩ Liên 2017, tr. 312 (xuất bản), 362 (online), Bản kỷ - Quyển 10
  8. ^ Ngô Sĩ Liên 2017, tr. 313 (xuất bản), 362 (online), Bản kỷ - Quyển 10
  9. ^ Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 58b, Bản kỷ toàn thư - Quyển X