Trần Thu Thực
Trần Thu Thực (giản thể: 陈秋实; phồn thể: 陳秋實; bính âm: Chén Qiūshí; phát âm tiếng Quan Thoại: [ʈʂʰə̌n tɕʰjóu.ʂɻ̩̌]; sinh tháng 9 năm 1985[1]) là một luật sư, nhà hoạt động xã hội và nhà báo công dân người Trung Quốc từng đưa tin về cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019–2020 và đại dịch COVID-19 bao gồm những lời chỉ trích về phản ứng của chính phủ. Anh mất tích vào ngày 6 tháng 2 năm 2020[2][3] sau khi đưa tin về đợt bùng phát coronavirus ở Vũ Hán. Chính phủ Trung Quốc đã thông báo cho gia đình và bạn bè của Trần rằng anh ta bị phía cảnh sát giam giữ nhằm cách ly COVID-19. Những người chỉ trích, bao gồm các nhóm tự do truyền thông, đã bày tỏ sự hoài nghi về động cơ của chính phủ, và thất bại khi kêu gọi chính phủ cho phép Trần được tiếp xúc bên ngoài với người thân.
Trần Thu Thực | |
---|---|
Ảnh chụp Trần Thu Thực năm 2020. | |
Sinh | 19 tháng 9 năm 1985 Đại Hưng An Lĩnh, Trung Quốc |
Mất tích | 6 tháng 2, 2020 (34 tuổi) Vũ Hán, Trung Quốc |
Trạng thái | Được tìm thấy vào tháng 9 năm 2020 |
Trường lớp | Đại học Hắc Long Giang |
Nghề nghiệp | Luật sư, nhà báo |
Mãi đến ngày 23 tháng 9 năm 2020, tờ South China Morning Post mới đưa tin rằng Trần vẫn còn sống và đang ở với cha mẹ tại miền đông Trung Quốc dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền.[4]
Thời thơ ấu, học vấn và nghề truyền thông
sửaTrần Thu Thực chào đời vào tháng 9 năm 1985 tại địa khu Đại Hưng An Lĩnh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, theo học luật tại Đại học Hắc Long Giang, tốt nghiệp năm 2007.[1] Sau khi ra trường, anh chuyển đến Bắc Kinh, làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và truyền thông, và biểu diễn tại các quán bar khi rảnh rỗi.[1] Năm 2014, anh là người về nhì trong chương trình truyền hình thực tế trên kênh Beijing TV mang tên Tôi là diễn giả, để các thí sinh trình diễn khả năng phát biểu dài 5 phút trước đông đảo khán giả và hội đồng giám khảo.[5][6] Anh gia nhập công ty Luật Long An vào năm 2015 chuyên về sở hữu trí tuệ, luật lao động và giải quyết tranh chấp.[7]
Sự nghiệp làm báo
sửaCuộc biểu tình ở Hồng Kông
sửaSau khi nghe tin về cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019–2020 trên các tờ báo nhà nước, Trần bèn lấy tư cách công dân mật đến đó để tự mình tận mắt chứng kiến vụ việc.[8] Anh đăng video trực tuyến đưa tin về cuộc biểu tình ở Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ năm 2019, lên tiếng phản đối việc chính phủ coi những người biểu tình là thành phần bạo loạn.[9] Các đoạn video của Trần từng được giới quan sát phương Tây mô tả là mang tính trung lập. Anh còn tham dự cả các cuộc mít tinh ủng hộ Bắc Kinh và Hồng Kông trong khi từ chối đứng về phía nào một cách dứt khoát.[10]
Vài ngày sau khi đoạn video được tung lên mạng vào tháng 8 năm 2019, Trần được giới chức trách Trung Quốc đại lục, bao gồm Bộ Công an, Bộ Tư pháp, hiệp hội pháp lý và chủ lao động tới liên lạc và anh ta đành bỏ về nước sớm. Tài khoản Sina Weibo của Trần, với 740.000 người theo dõi, đều bị xóa sạch cùng với các phương tiện truyền thông xã hội khác nữa. Trần đã mô tả việc mình bị thẩm vấn, ghi hình, "bị chỉ trích và giáo dục" về lý do tại sao đến Hồng Kông là sai lầm.[8][9][10] Vào đầu tháng 10, Trần bắt đầu đăng tin trên YouTube, vốn bị chặn đối với nhiều người ở Trung Quốc đại lục, nói rằng vì tự do ngôn luận là một quyền trong hiến pháp Trung Quốc mà anh ta vẫn phải tiếp tục làm vậy.[9]
Đại dịch COVID-19
sửaSau khi bị giới truyền thông xã hội Trung Quốc chặn vì những bản tin của Trần nói về cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019–2020, anh đành lên YouTube và Twitter để tiếp tục công việc làm báo của mình. Trần bắt đầu đưa tin về đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc đại lục, đặt chân đến Hán Khẩu, Vũ Hán, vào ngày 23[11] hoặc 24[12] tháng 1 năm 2020, tại đây anh tiến hành phỏng vấn người dân địa phương và viếng thăm nhiều bệnh viện khác nhau bao gồm cả bệnh viện Hỏa Thần Sơn vẫn còn đang được xây dựng vào lúc đó. Theo lời Trần kể lại, các bác sĩ đã làm việc quá sức và không có đủ vật tư y tế, nhưng bên cạnh đó thì giá cả hàng hóa vẫn ổn định.[12] Trần đã cho công bố một đoạn video vào ngày 30 tháng 1 chiếu cảnh đám đông chen chúc trong các bệnh viện ở Vũ Hán, với nhiều người nằm đầy hành lang. Không giống như cánh phóng viên truyền thông nhà nước, luôn mặc đồ phòng hộ chất độc hại, Trần xem ra chỉ có kính bảo hộ và khẩu trang để bảo vệ bản thân mình mà thôi.[11] Trần nói,
“ | Tôi e sợ. Trước mặt tôi là bệnh tật. Đằng sau tôi là quyền lực pháp lý và hành chính của Trung Quốc. Nhưng miễn là tôi còn sống, tôi sẽ nói về những gì tôi trông thấy và nghe được. Tôi không sợ chết. Tại sao tôi phải sợ mấy người vậy, Đảng Cộng sản? | ” |
— |
Vào đầu tháng 2 năm 2020, khi đang đưa tin về đợt bùng phát coronavirus, Trần có tới 433.000 người đăng ký kênh YouTube và 246.000 người theo dõi Twitter.[13] Nhóm ủng hộ Trần đã tố cáo chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt tin tức về đợt bùng phát của coronavirus. Theo tờ The Guardian cho biết, nhiều lời bình luận ủng hộ Trần trên Sina Weibo đều bị kiểm duyệt.[11] Khoảng ngày 4 tháng 2, trong đoạn video cuối cùng được Trần đăng lên YouTube trước khi mất tích ngay sau đó, Trần đã tới phỏng vấn một cư dân Vũ Hán tên là "Tiểu Minh". Tiểu Minh cho biết cha anh ta có thể đã nhiễm coronavirus trong một lần kiểm tra y tế vào đầu tháng Giêng, khi không có biện pháp phòng ngừa an toàn; cha của Minh về sau đã chết vì virus. Trong đoạn video này, Trần nói rằng "nhiều người lo lắng tôi sẽ bị bắt giam".[14]
Nhà báo Linda Lew, viết bài cho tờ South China Morning Post, sau này từng đánh giá rằng Trần là một trong những nhà báo công dân có năng lực cao nhất đưa tin về đợt bùng phát coronavirus. Cô còn nhận định rằng tin tức của Trần tương phản với tờ Tài Tân và Tam Liên sinh hoạt chu san, vốn có "ranh giới mà họ không thể vượt qua nổi", và bản tin của Trần thậm chí còn tương phản mạnh mẽ hơn nhiều so với "đường lối chính thống" của giới truyền thông do nhà nước kiểm soát.[14]
Mất tích tháng 2 năm 2020
sửaTrần mất tích vào ngày 6 tháng 2 năm 2020, tại một thời điểm nào đấy sau khi thông báo với gia đình về ý định đưa tin về một bệnh viện tạm thời.[15] Bạn bè của Trần không thể nào liên lạc được với anh sau 7 giờ tối UTC+8 ngày 6 tháng 2.[16] Mẹ anh và người bạn thân tên là Từ Hiểu Đông, đều nói rằng vào ngày 7 tháng 2, giới chức trách cho họ biết đã bắt giam Trần vào thời gian và địa điểm không được khai báo và bị giữ lại ở một địa điểm không xác định nhằm mục đích cách ly phòng dịch COVID-19.[17]
Khoảng ngày 14 tháng 2 năm 2020, Patrick Poon của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay ông vẫn chưa biết liệu Trần (và một nhà báo công dân khác tên Phương Bân) đã bị bắt hay bị "cách ly cưỡng bức". Poon kêu gọi Trung Quốc thông báo cho gia đình của họ và cấp quyền tiếp cận luật sư, nêu rõ: "Nếu không, đây là mối lo ngại chính đáng rằng họ có nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử tệ bạc."[18] Một đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết chính phủ Trung Quốc "có lịch sử quấy rối và giam giữ công dân vì nói lên sự thật hoặc chỉ trích chính quyền trong các trường hợp khẩn cấp công cộng, chẳng hạn như trong đợt SARS năm 2003, trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008, vụ tai nạn tàu cao tốc ở Ôn Châu năm 2011 và vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân năm 2015."[18] Khoảng tháng 3 năm 2020, có thông tin rằng Lý Trạch Hoa, một nhà báo công dân phần nào được Trần truyền cảm hứng, cũng đã biến mất;[19][20] Lý xuất hiện trở lại vào tháng 4 năm 2020.[21] Tổ chức One Free Press Coalition đã đưa tên Trần Thu Thực vào danh sách mười trường hợp "khẩn cấp nhất" vào tháng 3 năm 2020 và tháng 4 năm 2020.[15][22] Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo cũng đã kêu gọi chính quyền trả tự do cho Trần.[23]
Ngày 23 tháng 3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là Thôi Thiên Khải tuyên bố ông chưa bao giờ nghe nói về Trần.[24] Vào đầu tháng 4, giới chức lập pháp Đảng Cộng hòa ở Mỹ đã kêu gọi điều tra hành vi của chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả vụ mất tích của Phương Bân, Trần Thu Thực và Lý Trạch Hoa, nói rằng "(giới chức Trung Quốc) đã nói dối thế giới về sự lây truyền vi rút từ người sang người, bịt miệng các bác sĩ và nhà báo đã cố gắng đưa tin về sự thật và hiện đang che giấu số lượng chính xác những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này."[25]
Đến tháng 9 năm 2020, Từ Hiểu Đông báo tin rằng anh bạn họ Trần của mình "vẫn khỏe mạnh" nhưng nằm dưới "sự giám sát của một cơ quan nào đó". Một luật sư nhân quyền cho biết Trần được chuyển đến Thanh Đảo là nơi sinh sống của cha mẹ anh ta, và phải chịu "sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền".[26]
Kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2021, mọi người cho là Trần vẫn đang sống cạnh cha mẹ mình, không rõ liệu anh ta có bị truy tố hay không.[27] Tin này dựa trên một đoạn video do bạn thân của Trần là Từ Hiểu Đông đăng trên YouTube. Từ kể vào năm 2020 là Trần Thu Thực sẽ được trả tự do sau 14 ngày tạm giam và 28 ngày tù giam, hóa ra là sai sự thật.
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ a b c 张新婷 biên tập (ngày 22 tháng 10 năm 2014). “"我是演说家"东北小伙陈秋实讲《大东北》解密"你瞅啥"” ["I am a speaker" Northeast guy Chen Qiushi explained "Great Northeast" decrypt "What are you looking at"]. Liaoning Wanbao 辽沈晚报 (bằng tiếng Trung). Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2020. Đã định rõ hơn một tham số trong
|archiveurl=
và|archive-url=
(trợ giúp) - ^ Gilbert, David (ngày 6 tháng 5 năm 2020). “A Chinese Citizen Journalist Disappeared 3 Months Ago. His Parents Still Don't Know If He's Alive—and Are Afraid to Speak Out”. Vice News (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2020.
- ^ “US declares Chinese action against minority groups as genocide” (bằng tiếng Anh). ngày 31 tháng 3 năm 2021.
- ^ Guo, Rui. “Missing Chinese citizen journalist Chen Qiushi with parents under close watch”. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2020 – qua Yahoo! Finance.
- ^ 者袁孜学 (ngày 20 tháng 3 năm 2015). “"我是演说家"亚军陈秋实赴长春高校演讲” ["I am a speaker" runner-up Chen Qiushi went to Changchun University to give a speech] (bằng tiếng Trung). 新文化报. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
- ^ Tho Xin Yi (ngày 25 tháng 1 năm 2015). “M'sian finalist Gu clinches third place in reality TV series”. The Star. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
- ^ “Chen Qiushi”. Longan Law. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
- ^ a b Chen, Qin (ngày 21 tháng 8 năm 2019). “Unhappy with state media, Chinese lawyer reports from Hong Kong himself”. Inkstone. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
- ^ a b c Gan, Nectar (ngày 16 tháng 10 năm 2019). “Chinese lawyer Chen Qiushi, censured over Hong Kong social media posts, vows to keep speaking out”. South China Morning Post. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2020.
- ^ a b Jiayang Fan (ngày 29 tháng 2 năm 2020). “Mr. Chen Goes to Wuhan”. This American Life (radio) (Podcast). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2020.
- ^ a b c Kuo, Lily; Yang, Lillian (ngày 10 tháng 2 năm 2020). “Coronavirus: journalist missing in Wuhan as anger towards Chinese authorities grows”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2020.
- ^ a b Li, Jane (ngày 6 tháng 2 năm 2020). “Wuhan virus: Chinese citizen journalist reports from quarantine zone”. Quartz. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2020.
- ^ Gan, Nectar; Thomas, Natalie (ngày 9 tháng 2 năm 2020). “He spoke out about the Wuhan virus. Now his family and friends fear he's been silenced”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2020.
- ^ a b Lew, Linda. “Missing Chinese citizen journalists highlight risks of telling Wuhan's story during coronavirus outbreak”. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2021 – qua Yahoo! News.
- ^ a b Time Staff (ngày 1 tháng 4 năm 2020). “These Are the 10 'Most Urgent' Threats to Press Freedom Amid the Coronavirus Pandemic”. Time (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2020.
- ^ Chen, Lulu Yilun (ngày 7 tháng 2 năm 2020). “Citizen Journalist Covering Virus Outbreak From Wuhan Goes Missing”. Bloomberg. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2020.
- ^ Thomas, Natalie; Culver, David (ngày 8 tháng 2 năm 2020). “Citizen journalist covering coronavirus forcibly quarantined by government in Wuhan, say friends”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2020.
- ^ a b BBC Staff (ngày 14 tháng 2 năm 2020). “Why have two reporters in Wuhan disappeared?”. BBC News. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 2 năm 2020.
- ^ Kuo, Lily (ngày 1 tháng 3 năm 2020). “'They're chasing me': the journalist who wouldn't stay quiet on Covid-19”. The Observer. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2020.
- ^ “我正在被搜查!!!我正在被搜查!!!”. YouTube. ngày 26 tháng 2 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2020.
- ^ Kuo, Lily (ngày 22 tháng 4 năm 2020). “Missing Wuhan citizen journalist reappears after two months”. The Guardian (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 4 năm 2020.
- ^ Time Staff (ngày 2 tháng 3 năm 2020). “Here Are the 10 'Most Urgent' Threats to Press Freedom Around the World”. Time magazine (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2020.
- ^ Li, Jane (ngày 12 tháng 2 năm 2020). “Another citizen journalist covering the coronavirus has gone missing in Wuhan”. Yahoo Finance. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2020.
- ^ “Ambassador Cui Tiankai taking an interview with AXIOS and HBO (Transcript)”. Embassy of the People's Republic of China in the United States of America. ngày 23 tháng 3 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2020.
- ^ Kuo, Lily (ngày 2 tháng 4 năm 2020). “'On the light side': Trump casts doubt on China's coronavirus figures”. The Guardian. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2020.
- ^ “Missing Chinese journalist 'under state supervision'”. ngày 24 tháng 9 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2020 – qua www.bbc.com.
- ^ “Wuhan citizen journalist under surveillance but may escape prosecution”. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). ngày 31 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2021.
Liên kết ngoài
sửa- Trần Thu Thực trên Twitter
- Trần Thu Thực trên YouTube
- “Trần Thu Thực đặt chân tới Vũ Hán”. This American Life (radio). ngày 29 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2020.