Trần Thạc Chân

Là thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân vào đầu thời Đường Cao Tông. Khi khởi nghĩa, Trần Thạc Chân xưng hiệu Văn Giai hoàng đế, và được xem là nữ hoàng đế thứ hai trong lịch sử Trung Quốc,

Trần Thạc Chân (giản thể: 陈硕真; phồn thể: 陳碩真; ? - 653), là thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân vào đầu thời Đường Cao Tông. Khi khởi nghĩa, Trần Thạc Chân xưng hiệu Văn Giai hoàng đế, và được xem là nữ Hoàng đế thứ hai trong lịch sử Trung Quốc, sau Bắc Ngụy Thương Đế[1].

Văn Giai hoàng đế
文佳皇帝
Hoàng đế Trung Hoa
Văn Giai hoàng đế
Trị vìTháng 10 năm 653Tháng 11 năm 653
Thông tin chung
Mất653
Thụy hiệu
Văn Giai hoàng đế

Thân thế

sửa

Trần Thạc Chân còn có tên là Trần Thạc Trinh (陳碩貞), quê ở Mục châu, nay thuộc trấn Tử Đồng, huyện Thuần An, địa cấp thị Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.

Khởi nghĩa

sửa

Năm 653, thời Đường Cao Tông, Trần Thạc Chân nổi dậy ở Mục châu[2], tụ tập hơn vạn người, xưng hiệu Văn Giai hoàng đế (文佳皇帝), phong thân thích Chương Thúc Dận (章叔胤) làm Bộc dạ. Người Thanh Khê là Đồng Văn Bảo (童文寶) hưởng ứng. Triều đình nhà Đường chấn động.[3]

Tháng 10 năm 653, Trần Thạc Chân cử Chương Thúc Dận dẫn quân chiếm Đồng Lư[4], còn bản thân dẫn quân đánh chiếm huyện Tiềm[5]. Nghĩa quân tiến công Hấp châu [zh][6], lâu ngày không hạ được.

Đường Cao Tông sai thứ sử Dương châu Phòng Nhân Dụ [zh] mang quân trấn áp.[7] Cùng thời gian này, nghĩa quân do Đồng Văn Bảo chỉ huy tấn công Vụ châu [zh][8]. Thứ sử Vụ châu Thôi Nghĩa Huyền [zh] dùng Tư công tham quân Thôi Huyền Tịch [zh] làm tiên phong, đánh bại quân khởi nghĩa ở Hoài Thú[9]. Đêm hôm đó, có sao băng rơi vào doanh trại của nghĩa quân, Thôi Nghĩa Huyền liền phao tin rằng: "Dấu hiệu quân giặc diệt vong đấy" (Thử tặc diệt chi chinh dã). Quân triều đình thừa cơ tiến công, nghĩa quân đầu hàng tới tới hàng vạn người.[10]

Tháng 11 năm 653, Phòng Nhân Dụ cùng Thôi Nghĩa Huyền hội quân, tấn công Mục châu, Trần Thạc Chân bị bắt, xử tru, khởi nghĩa thất bại.[11]

Chú thích

sửa
  1. ^ Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Võ Tắc Thiên được công nhận là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
  2. ^ Mục châu (睦州), lị sở nằm ở Kiến Đức, Chiết Giang ngày nay.
  3. ^ Cựu Đường thư, Quyển 4, Bản kỷ (4), Cao Tông (thượng): Mùa đông tháng mười... Ngày Mậu Thân, Mục châu nữ tử Trần Thạc Trinh nổi dậy, tự xưng Văn Giai hoàng đế, đánh chiếm các huyện thuộc Mục Châu.
  4. ^ Đồng Lư (桐廬), lị sở nằm ở phía tây Đồng Lư, Chiết Giang ngày nay.
  5. ^ Huyện Tiềm (潛), lị sở nằm ở phía tây Lâm An, Chiết Giang ngày nay.
  6. ^ Hấp châu, ngày nay thuộc huyện Hấp, tỉnh An Huy.
  7. ^ Thôi Dung, Tặng Binh bộ thượng thư Phòng trung công thần đạo bi, trong Đường văn tục thập.
  8. ^ Vụ châu, lị sở thuộc Kim Hoa, Chiết Giang ngày nay.
  9. ^ Địa danh Hoài Thú (淮戍) hay Hoài Tuất (淮戌) nằm đông bắc Đồng Lư ngày nay.
  10. ^ Cựu Đường thư, Quyển 77, Liệt truyện, Thôi Nghĩa Huyền truyện
  11. ^ Tân Đường thư, Bản kỷ (3), Cao Tông: Ngày mậu thân, Mục châu nữ tử Trần Thạc Chân phản, thứ sử Vụ châu Thôi Nghĩa Huyền thảo phạt. Tháng mười một, ngày canh tuất, Trần Thạc Chân bị tru.

Tham khảo

sửa

Liên kết ngoài

sửa