Tin vịt là tin không đúng với sự thật thực tế, được báo chí truyền thông đưa ra nhằm đánh lừa, tạo sự hiểu sai về một vấn đề hay sự kiện nào đó. Nó có thể hoặc là trò đùa hoặc với mục đích ác ý. Đôi khi các biên tập viên bí đề tài cũng viết ra tin giả.

Thuật ngữ "tin vịt" được nhập vào báo giới chữ Quốc ngữ Việt Nam theo các báo Pháp hồi cuối thế kỷ 19, dịch theo tiếng Pháp "canard" có nghĩa gốc là con vịt, nghĩa bóng là "tin tức giả mạo" [1], ở mức nhất định là để chỉ "báo chí" với điển hình là tờ Le Canard enchaîné (Vịt bị xích).

Ngày nay truyền thông có sự thay đổi lớn với internet tạo thuận lợi cho xuất bản báo trực tuyến và tương tác với người đọc, nên nguồn cấp ra tin vịt ngày càng tăng, từ đùa vô hại đến lừa đảo bất lương. Thành công của một tin vịt gắn với lượng người tin hoặc gần tin rằng đó là chuyện "thật".

Trang phục hóa trang tin vịt.
Một người đang đọc báo Le Canard enchaîné

Nguồn gốc khái niệm

sửa

Tại châu Âu hiện có những lý giải khác nhau về nguồn phát sinh thuật ngữ tin vịt. Dưới đây là những lý giải có lý nhất.

Phần lớn thừa nhận hợp lý nhất, là thuật ngữ khởi nguồn từ việc báo giới châu Âu hồi thế kỷ 17 đưa ra những tin để giải trí có ghi chú ở cuối là "NT", viết tắt của tiếng Latin non testatum: không thẩm tra, hoặc tiếng Anh: not testified, hoặc not true: không thật. Sau đó người ta nhận ra phát âm của "NT" là "ente" và trong tiếng Đức có nghĩa là "vịt", từ đó ra đời thuật ngữ "báo vịt" (Zeitungsente), dịch lại sang tiếng Pháp là "canard".[2][3]

Sang thế kỷ 19 làng báo Pháp thêm thắt cho vịt với các đoạn "vendre des canards à moitié" (bán nửa con vịt) hay "donner des canards" (cho con vịt) để diễn tả sự lừa dối hoặc không nói đủ sự thật [4].

Vịt xanh

sửa

Theo thuyết của Anh em Grimm, thì Martin Luther [Ghi chú 1] trong một bài phát biểu đã sử dụng phép ẩn dụ "vịt xanh" (tiếng Đức: blau Ente) để mô tả một "học thuyết sai lầm", trong câu "So kömpts doch endlich dahin, das an stat des evangelii und seiner auslegung widerumb von blaw enten gepredigt wird.". (Do đó cuối cùng thay vì giảng dạy tin tức tốt lành (phúc âm) và giải thích ý nghĩa của nó, lại truyền bá những con vịt xanh (tức học thuyết sai lầm hay dị giáo).). Sau này từ xanh bị bỏ đi.[2]

Bài báo về chú vịt sát thủ

sửa

Nhà báo người Bỉ Robert Cornelissen tiến hành kiểm tra mức độ cả tin của công chúng bằng cách đưa ra một bài viết về tính phàm ăn của vịt. Ông mô tả đã cho một chú vịt ăn thịt 19 đồng loại bằng cách cắt nhỏ thành từng miếng. Người đọc đã tin và chỉ nói đó là hiện tượng đáng kinh ngạc. Kể từ đó những thông tin không chính xác xuất hiện trên báo chí được gọi là "vịt báo" [5].

 
Bản vẽ về đời sống trên Mặt Trăng.

Một số tin vịt nổi tiếng trên thế giới

sửa

Những tin vịt từ thế giới Âu - Mỹ được trang hoaxes.org thu thập lưu trữ,[6], tuy nhiên không thấy nói đến tin vịt từ phương đông hay Nga.

Nền văn minh trên Mặt Trăng

sửa

Nền văn minh trên Mặt Trăng được tờ The Sun (New York), một tờ báo xuất bản tại New York từ năm 1833 đến 1950, phát hiện và đăng tải từ số ra ngày 25/8/1835 [7]. Đăng được 6 số thì báo này thông báo rằng các quan sát đã phải chấm dứt vì kính viễn vọng bị phá hủy, do tia sáng mặt trời qua lăng kính gây ra tác dụng như một "kính đốt cháy" đã thiêu rụi đài quan sát. Bài báo đã làm số lượng phát hành của báo tăng vọt [8].

 
Eoanthropus dawsoni vẽ năm 1913

Hóa thạch người Piltdown

sửa

Hóa thạch người Piltdownhóa thạch của một người tiền sử chưa từng được biết đến, dựng từ những mảnh vỡ gồm các bộ phận của hộp sọ và xương hàm, do nhà sưu tập Charles Dawson (1864–1916) nói là đã được thu thập vào năm 1912 ở Piltdown, East Sussex, Anh quốc [9]. Tên Latin Eoanthropus Dawsoni đã được đặt cho mẫu vật để ghi công Ch. Dawson, cùng với ý nghĩa là "người-bình minh của Dawson" (dawn-man).

Đến năm 1953 nó được xác định là một trò giả mạo, trong đó xương hàm dưới của đười ươi cố tình kết hợp với hộp sọ của con người hiện đại phát triển đầy đủ. Nó được xem là trò lừa nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học, vì hai lý do:

  • Sự quan tâm mà nó mang lại lúc đó cho các vấn đề về tiến hóa loài người,
  • Thời gian phát hiện ra nó là trò gian lận dài đến trên 40 năm [10][11].
 
Venus de Brizet

Tác phẩm điêu khắc Venus de Brizet

sửa

Venus de Brizet là một tác phẩm điêu khắc thần Venus (nữ thần Hy Lạp Aphrodite) bằng đá cẩm thạch, được người nông dân Forez Jean Gonon phát hiện ngày 28/4/1937 ở vùng đất Brizet tại cánh đồng ở Saint-Just-sur-Loire vùng Loire nước Pháp. Bức tượng được tìm thấy cách mặt đất khoảng nửa mét, tượng nữ giới nửa khỏa thân, chiều cao 86 cm, nặng 87 kg, với phần mũi, tay phải, cánh tay trái và thân dưới bị hỏng [12].

Ban đầu tượng được các nhà khảo cổ cho là một công trình La Mã cổ đại, có niên đại cuối thế kỷ thứ 2. Năm 1938 được nước Pháp xếp hạng là di tích lịch sử theo nghị định ngày 13 tháng 5 [13]. Tuy nhiên vào đầu tháng 11 năm 1938, một nhà báo từ tạp chí Reflets tiết lộ sự thật là bức tượng là tác phẩm của một nghệ sĩ trẻ gốc Ý Francois Cremonese (1907–2002) từ Saint-Etienne, tạo ra năm 1936 và được chôn cất cùng năm để đánh lừa vì mục đích quảng cáo [13].

Bộ lạc thời kỳ đồ đá Tasaday

sửa

Năm 1971 các nhà khoa học phương Tây công bố rằng đã phát hiện bộ lạc Tasaday đang sống theo dạng thời kỳ đồ đá trong rừng nhiệt đới trên đảo Mindanao và hoàn toàn cách ly khỏi xã hội Philippines. Hãng APHội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã đến điều tra trực tiếp và giới thiệu, trong đó có phim tài liệu của National Geographic "The Last Tribes Mindanao" (Bộ lạc cuối cùng ở Mindanao). Tuy nhiên năm 1980 nó đã được phát hiện và ghi nhận là một trò lừa bịp tinh vi để kiếm tiền, thực hiện bởi những người thân cận với giới chức chính quyền của Tổng thống Philippines lúc đó là Ferdinand Marcos [14][15][16].

Xe cơ giới chạy bằng nước lã

sửa

"Xe cơ giới với động cơ chạy bằng nước lã" là mô tip xuất hiện nhiều lần. Ý tưởng về động cơ này là điện phân nước (H2O) thành hydro (H2) và oxy (O2) sau đó đưa vào động cơ để đốt tạo ra cơ năng. Tuy nhiên tin có gài mức hiệu suất siêu phi lý non testatum để đùa những người "quên" định luật về năng lượng.

  • Năm 2015 một người đàn ông Brazil chế ra chiếc xe máy có thể chạy 500 km chỉ bằng một lít nước lã [17].
  • Năm 2016 một người Iran tuyên bố phát minh động cơ xe hơi chạy bằng nước lã, dùng 60 lít nước để di chuyển đến 900 km [18].

Tại Việt Nam một kỹ sư ở vùng Cầu Niệm thành phố Hải Phòng năm 2015 đã chế ra xe chạy bằng nước lã, cùng với chế ra "bom khinh khí" phát nổ bằng đốt khinh khí (hydro), và đang có băn khoăn là chưa ai chịu ứng dụng các phát minh này [19][20].

Động cơ phản hấp dẫn

sửa

Tháng 11/2015 báo mạng Việt Nam đưa tin "Phát minh động cơ phản hấp dẫn thiên tài của Nga tạo ra diện mạo mới" [21], "Phát minh thiên tài của Nga: Vài năm trước chỉ là viễn tưởng!"[22], và cho là phát minh "sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo khoa học - công nghệ thế kỷ 21". Sau đó thì phát minh chìm vào yên lặng và quá 5 năm rồi vẫn không tìm được một ứng dụng trong thực tế. Đó là do "động cơ lượng tử" của họ được chế theo nguyên lý của xiếc, để sinh lực tác động ngược với trọng lực lên vật nặng để tạo ra di chuyển (như mọi tên lửa khác), nhưng gọi đó là phản trọng lực. Trong khi đó phản hấp dẫn là trường vật lý nếu tương tác với trường hấp dẫn sẽ làm thay đổi trường này, và hiện đang còn là hiện tượng giả thuyết.

Trò lừa dihydro monoxide

sửa

Trò lừa dihydro monoxide đưa tin rằng "dihydro oxide" đã được tìm thấy trong các ống dẫn nước của thành phố, và đã được cảnh báo là gây chết người nếu hít phải, và có thể tạo ra hơi dày đặc cũng như liệt kê một số ảnh hưởng của "dihydro oxide" theo một cách đáng báo động, như là làm tăng tốc độ ăn mòn (gỉ) và gây nghẹt thở (chết đuối), nhưng thật ra "dihydro monoxide" (DHMO, hai hydro và một oxy) đề cập tới cách gọi nước bằng cách liệt kê nguyên tử hóa học không quen thuộc. Trò lừa gây được sự chú ý vào cuối thập niên 1990 khi Nathan Zohner, một học sinh 14 tuổi tại Idaho Falls, Idaho[23] thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị phản đối DHMO cho một dự án khoa học của cậu về sự dễ mắc lừa của con người. Câu chuyện này từ đó đã được dùng trong giáo dục khoa học để khuyến khích sự tư duy phản biện và bàn luận về phương pháp khoa học.[24][25]

Cá tháng Tư

sửa

Tin cá tháng Tư là tin vịt tung ra nhân ngày 01 tháng Tư, và nói chung là tin đùa vô hại. Kho tin vịt cá tháng Tư phong phú dần qua các năm [26][27], và cũng được trang hoaxes.org thu thập lưu trữ trong mục "The April Fool Archive". Theo Museum of Hoaxes thì tin cá tháng Tư đầu tiên ra đời ở báo chí Đức, và có hai phiên bản là năm 1774 hoặc 1789, nhưng đều chưa được xác minh [28].

  • Năm 1789 một tờ báo Berlin đưa tin rằng hạt mưa đá kích thước cỡ quả trứng chim bồ câu đã rơi trên đường phố Potsdam, dẫn đến hàng loạt người tò mò kéo đến với hy vọng sẽ nhìn thấy hiện tượng thời tiết bất thường này. Mặc dù, tất nhiên, không có mưa đá xảy ra [Ghi chú 2].
  • Năm 1774 một bài báo của Đức công bố rằng có thể thay đổi màu sắc của những quả trứng gà theo cách đơn giản là sơn màu khu vực mà con gà sống.
 
Thu hoạch mỳ spaghetti

Cây mỳ spaghetti

sửa

Ngày Cá tháng Tư năm 1957 đài BBC lên sóng ở chương trình Panorama phóng sự về một gia đình ở bang Ticino miền nam Thụy Sĩ thu hoạch một vụ spaghetti bội thu sau một mùa đông dịu êm. Sau đoạn phim về một "Lễ hội mùa" truyền thống là cuộc thảo luận về việc nhân giống cần thiết để phát triển một chủng cây tạo ra chiều dài sợi tối ưu. Một số cảnh được quay tại nhà máy Pasta Foods (nay đã đóng cửa) trên đường London, St Albans, Hertfordshire, và cảnh khác thì tại một khách sạn ở Castagnola, Thụy Sĩ.

Lúc đó người Anh còn ít biết đến spaghetti, nên không rõ nó được làm như thế nào. Mặt khác số kênh truyền hình ít, mới chỉ có 44% gia đình có máy thu hình, tức cỡ 7 triệu máy. Vì thế lượng khán giả chương trình khá đông, và rồi một số người đã gọi đến BBC để được tư vấn về tự trồng cây spaghetti. Phóng viên BBC đã nói với họ rằng "Cách tốt nhất là đặt một sợi spaghetti vào một hộp nước sốt cà chua và đợi". Nhiều thập kỷ sau CNN gọi chương trình này là "trò lừa bịp lớn nhất trong các hãng tin tức uy tín từng tạo ra" [29].

San Serriffe

sửa

Ngày Cá tháng Tư năm 1977 tờ The Guardian của Anh giới thiệu quốc đảo San Serriffe trong phụ trương dài 7 trang, trình bày theo phong cách bình luận đương đại của nước ngoài, nhân kỷ niệm mười năm ngày độc lập của hòn đảo. Kèm theo là các quảng cáo theo chủ đề từ các công ty lớn, và phần bổ sung thì mô tả quốc gia này như một điểm đến du lịch và nền kinh tế đang phát triển. Đảo ở gần quần đảo Seychelles trong Ấn Độ Dương, và sự kết hợp giữa xói mòn bờ biển ở phía tây và bồi tụ ở phía đông khiến nó di chuyển với tốc độ khoảng 1,4 km/năm về phía Sri Lanka để rồi cuối cùng sẽ có va chạm ở đó.

San Serriffe được lấy theo tên font chữ "sans-serif", và là trò đùa thành công, đến mức mô tip này được sử dụng lại nhiều lần.

Đồng hồ Big Ben hiện số

sửa

Ngày Cá tháng Tư năm 1980 đài BBC thông báo rằng đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang dạng đồng hồ điện tử, và sẽ lắp bảng hiện số thay cho mặt đồng hồ cũ. Đồng thời bản tin cũng nói kim đồng hồ của Big Ben sẽ được tặng cho 4 thính giả gọi điện sớm nhất tới tổng đài BBC. Một số thính giả Anh đang ở nước ngoài gọi điện tới để mong trở thành người may mắn sở hữu kim đồng hồ, còn nhiều người khác thì giận dữ yêu cầu phải bảo vệ nguyên bản đồng hồ Big Ben [26].

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư

sửa

Ngày 1/04/1983 hãng Associated Press đưa tin Giáo sư lịch sử tại Đại học Boston Joseph Boskin đã xác định được nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư, là từ quyết định của Hoàng đế La Mã Constantinus Đại đế. Khi anh hề của ông nói rằng anh sẽ có thể cai trị một đế chế tốt hơn so với ông, thì Constantinus rất thích thú và cho phép anh hề có biệt danh "Kugel - Vua hề" (King of the Fools) trị vì nhưng chỉ một lần vào ngày 01 tháng Tư. Kugel (nghĩa theo tiếng Do Tháicái soong, tiếng Đứcquả cầu, hòn bi) lập tức ra sắc lệnh trong ngày này chỉ các điều phi lý là được cho phép xảy ra. Từ sự kiện đó truyền thống "April Fools" ra đời. Thông tin từ AP này đã được gần như tất cả các ấn phẩm thông tin ở Hoa Kỳ in lại [30].

Tin vịt trên báo Việt Nam

sửa

Tại nhiều nước thì báo trực tuyến đưa tin vịt để giải trí là chuyện bình thường, miễn là tuân thủ pháp luật, chẳng hạn như luật về tội phỉ báng, sự riêng tư, bản quyền. Báo trực tuyến ở Việt Nam thường dịch tin vịt từ các báo Nga, Trung Quốc,... và đăng tải, làm một số người đọc tin theo và có niềm vui khám phá sự lạ trong vài ngày. Tuy nhiên một số tin vịt trong nước thường là dàn dựng với mục đích ác ý để hạ uy tín sự việc hay mặt hàng nào đó.

Tin vịt dịch

sửa

Bạch tuộc con nở trong khoang miệng

sửa

Giữa tháng 12/2017 nhiều báo trực tuyến đăng tin "Ăn bạch tuộc sống, phát hiện bạch tuộc con trong khoang miệng" xảy ra ở Hàn Quốc, có viện dẫn cả "được Khoa Y Đại học Kwangdong xác nhận" [37][38]. Thông thường theo quy trình sinh sản thì bạch tuộc mẹ đẻ trứng thành chùm và phải canh me quạt nước biển trong 160 ngày để trứng nở. Sau khi ăn bạch tuộc vài ngày mà đã có con ngọ nguậy trong miệng thì là quá nhanh [39].

Đỉa trong sữa

sửa

Năm 2012 có tin đồn rằng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, rồi tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, phát hiện đỉa trong sữa, thậm chí có người "uống sữa đỉa bâu đầy răng" [cần dẫn nguồn][40]. Điều này trái với kiến thức cơ bản về môi trường sinh tồn và khả năng xâm nhập của đỉa tới dây chuyền đóng hộp sữa [41][42]. Mô tip đỉa hoặc "giống như đỉa" thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, như tin năm 2014 có đỉa trong quần áo [43].

Trứng giả, gạo giả, hoa quả giả

sửa

Trứng, gạo, hoa quả giả làm từ nhựa là những tin đồn nhiều lần xuất hiện trên mạng [44][45]. Lời đồn thì nhiều nhưng mẫu vật thu được để kiểm nghiệm thì cực hiếm, và riêng số trứng đã thu và đưa "xét nghiệm, kết quả đó là trứng thật" [46]. Các nhà khoa học khẳng định nhựa không tan trong nước, không thể tạo ra được thực phẩm giả bằng nhựa có hình dáng, màu sắc, mùi vị y như thực phẩm thật, làm thực phẩm giả bằng nhựa không có hiệu quả về kinh tế vì chi phí tạo ra chúng còn đắt hơn cả chi phí làm ra thực phẩm thật [47][Ghi chú 3].

Giò thịt bay vèo vèo qua tường hàng xóm

sửa

"Giò thịt bay vèo vèo qua tường hàng xóm" là sự kiện được mô tả là xảy ra ở một "đám cưới nào đó" ở "vùng nhà quê miền Bắc nào đó" do một "độc giả Đào Thị (Hà Nội) nào đó" viết ra. Nó phỏng theo mô tip "đám cưới cô Mịch" trong tác phẩm "Giông tố" ngày xưa, nhưng với giọng điệu miệt thị "dân nhà quê" dữ hơn. Với bài viết thể hiện nhân cách thấp kém như vậy nhưng Vietnamnet vẫn biên tập bừa mà không thẩm định sự xác thực tin tức[48] [49].

Bố chồng bị dính chặt vào người con dâu

sửa

Ngày 18 tháng 9 năm 2012, VOV Online đăng bài “Bố chồng hư đốn với nàng dâu, phải đi viện”, nói về một người ở Tiền Giang bị mắc kẹt khi quan hệ với con dâu, và được đưa cấp cứu ở Bệnh viện Tiền Giang. Do bệnh viện không đủ kinh nghiệm điều trị nên đã chuyển lên viện tuyến trên.[50] Tin được nhiều báo khác đăng lại, và có cả điều tra thêm.[51][52]

Tuy nhiên sau đó Bệnh viện Tiền Giang [53] cùng địa phương được nói đến đều xác nhận không hề có chuyện như đã nêu.[54] Kết cục là VOV Online xoá bài viết khỏi trang mạng [55].

Chỉ dẫn

sửa
  1. ^ Xem Martin Luther (1483-1546), nhà cải cách tôn giáo dẫn đến khởi phát đạo Tin Lành, chỉ trích những "học thuyết sai lầm" (tiếng Đức: Irrlehre) hay "dị giáo" (tiếng Anh gốc Latin: Heresy).
  2. ^ Thực tế ngay tại Việt Nam đã có mưa đá có cỡ to hơn trứng chim bồ câu, như mưa ở Hà Nội 2006, Lào Cai 2014.
  3. ^ Tuy nhiên không loại trừ trường hợp hoa quả hay thực phẩm hết hạn dùng đã được tẩm ướp hóa chất chống thối và làm bắt mắt rồi đưa đi tiêu thụ. Khi chế biến hay đốt thì thực phẩm đó có biểu hiện khác lạ và bốc mùi hóa chất.

Tham khảo

sửa
  1. ^ An Chi. Lá cải không phải là tabloid, PetroTimes. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2016.
  2. ^ a b Christoph Drösser. Die n.t.-Ente. Zeit Online, 18/12/2002. Truy cập 11/11/2016.
  3. ^ Hans Hollstein: Zeitungsenten. Kleine Geschichte der Falschmeldung. Heitere und ernste Spielarten vom Aprilscherz bis zur Desinformation. Bertelsen, Stuttgart 1991.
  4. ^ Roger Alexandre: La Musée de la Conversation. 3. Edition. Paris 1897, p. 67.
  5. ^ Бирих А. К., Мокиенко В. М., Степанова Л. И. Словарь русской фразеологии. СПб., 1998.
  6. ^ The Museum of Hoaxes. Truy cập 11/11/2016.
  7. ^ Maliszewski, Paul. "Paper Moon," Wilson Quarterly. Winter 2005. p. 26.
  8. ^ Gunn, James E.; Asimov, Isaac (1975). Alternate worlds: the illustrated history of science fiction. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall. tr. 51. ISBN 0-89104-049-8.
  9. ^ Lewin, Roger (1987), Bones of Contention, ISBN 0-671-52688-X. Truy cập 12/12/2017.
  10. ^ Top 10 Scientific Frauds and Hoaxes. listverse, 2008. Truy cập 12/12/2017.
  11. ^ Frank Spencer: Piltdown: A Scientific Forgery. Oxford University Press, 1990, ISBN 0198585225.
  12. ^ Jean Renaud, La Vénus de Brizet, Bulletin de la Diana, Montbrison, t. XXVI, no 2, 1937, p. 181–188.
  13. ^ a b Émile Hennin, Phidias ou Cremonese?, Le Monde illustré-Miroir du monde, ngày 3 tháng 12 năm 1938, p. 13.
  14. ^ Dumont, Jean Paul. 1988. "The Tasaday, Which and Whose, Toward the Political Economy of an Ethnographic Sign." Cultural Anthropology 3: 261-75.
  15. ^ Top 10 Scientific Frauds and Hoaxes. listverse, 2008. Truy cập 29/01/2016.
  16. ^ Robin Hemley. Invented Eden: The Elusive, Disputed History of the Tasaday. Nebraska Press, 2007.
  17. ^ Một người đàn ông Brazil chế tạo chiếc xe máy có thể chạy 500 km chỉ bằng một lít nước lã. VnExpress, 26/7/2015. Truy cập 12/12/2016.
  18. ^ Iran tuyên bố phát minh động cơ xe hơi chạy bằng nước lã. VietnamNet, 03/12/2016. Truy cập 12/12/2016.
  19. ^ Nỗi buồn của nhà sáng chế ra xe chạy bằng nước lã. Thanh Niên Online, 06/10/2015. Truy cập 12/12/2016.
  20. ^ Ôtô chạy từ Hải Phòng lên Hà Nội hết 1 lít nước lã giờ ra sao? Lưu trữ 2016-11-25 tại Wayback Machine. Vtc, 29/09/2015. Truy cập 12/12/2016.
  21. ^ Lê Thế Mẫu. Phát minh động cơ phản hấp dẫn thiên tài của Nga tạo ra diện mạo mới. VOV, 28/11/2015. Truy cập 1/04/2021.
  22. ^ Phát minh thiên tài của Nga: Vài năm trước chỉ là viễn tưởng!. infonet.vietnamnet.vn, 29/11/2015. Truy cập 1/04/2021.
  23. ^ “Dihydrogen Monoxide: Unrecognized Killer”. Orlando Sentinel. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2017. Chú thích có tham số trống không rõ: |5= (trợ giúp)
  24. ^ Joel J. Mintzes, William H. Leonard, eds.; Handbook of College Science Teaching; National Science Teachers Association; 2006; p. 264; ISBN 0873552601.
  25. ^ Donald M. Simanek, John C. Holden; Science Askew: A Light-hearted Look at the Scientific World; CRC Press; 2001; p. 71; ISBN 0750307145.
  26. ^ a b Những tin sốc nhất từng được “tung” ra trong ngày 1/4. Dantri, 01/04/2014. Truy cập 11/11/2016.
  27. ^ Những cú lừa ngoạn mục trong ngày Cá tháng tư Lưu trữ 2016-11-14 tại Wayback Machine. news.zing, 01/04/2015. Truy cập 11/11/2016.
  28. ^ The First Newspaper April Fool. Museum of Hoaxes. Truy cập 11/11/2016.
  29. ^ Ahmed, Saeed (ngày 1 tháng 4 năm 2009). “A nod and a link: April Fools' Day pranks abound in the news”. CNN.com. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2018.
  30. ^ The Origin of April Fool’s Day?. April Fool Archive, 2015. Truy cập 11/11/2016.
  31. ^ Американский эсминец "Дональд Кук" опять подвергся психической атаке. Независимая, 15/04/2016. Truy cập 11/11/2016.
  32. ^ Thủy thủ chiến hạm Mỹ ở Biển Đen "sợ hãi" Su-24 Nga. Kienthuc, 16/04/2014. Truy cập 11/11/2016.
  33. ^ SỐC: MH370 vẫn nguyên vẹn, hành khách bị bắt cóc tại Kandahar, Afghanistan? Dân Việt Online, 08/04/2014, dịch từ báo Nga. Truy cập 11/11/2016.
  34. ^ “Cụ bà mọc 'sừng' kỳ lân trên đầu ở Trung Quốc”. Báo Thanh Niên. 28 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  35. ^ Trung Quốc: lại một cụ mọc sừng. dantri, 15/11/2007. Truy cập 11/11/2016.
  36. ^ Thêm một phụ nữ mọc sừng tại Trung Quốc. dantri, 21/05/2011. Truy cập 11/11/2016.
  37. ^ Ăn bạch tuộc sống, người phụ nữ bỗng dưng “mang bầu” cả đàn bạch tuộc con trong miệng. Eva, 06/12/2017. Truy cập 22/12/2017.
  38. ^ Ăn bạch tuộc sống, phát hiện bạch tuộc con trong khoang miệng. daidoanket, 16/12/2017. Truy cập 22/12/2017.
  39. ^ Crowfoot, Thomas. “Octopuses and Relatives: Reproduction”. A Snail's Odyssey. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 12 tháng 12 năm 2017.
  40. ^ Sinh vật lạ giống đỉa trong sữa tươi Ba Vì. nguoiduatin, 27/12/2012. Truy cập 11/11/2016.
  41. ^ Uống sữa đỉa bâu đầy răng: Công an, chuyên gia nói gì? Lưu trữ 2016-11-15 tại Wayback Machine. vtc, 22/09/2012. Truy cập 11/11/2016.
  42. ^ Mộc Châu lý giải: "Có đỉa trong sữa chỉ là tin đồn thất thiệt". giaoduc, 08/10/2012. Truy cập 11/11/2016.
  43. ^ Áo ngực nghi của Trung Quốc có đỉa bò lúc nhúc Lưu trữ 2016-11-15 tại Wayback Machine. news.zing, 21/06/2014. Truy cập 11/11/2016.
  44. ^ Trứng gà giả của Trung Quốc. vnexpress, 2005. Truy cập 11/11/2016.
  45. ^ Chưa phát hiện trứng giả ở Việt Nam. vnexpress, 21/4/2005. Truy cập 11/11/2016.
  46. ^ Tịch thu trứng gà Trung Quốc nghi là giả. vnexpress, 27/4/2005. Truy cập 11/11/2016.
  47. ^ Phan Trường. Đằng sau thông tin gạo nhựa, trứng nhựa, hạt đỗ nhựa: Kẻ nhiễu loạn chưa “lộ mặt”?, Cảnh sát toàn cầu. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2016.
  48. ^ http://hatinh24h.com.vn. “bay vèo vèo - tin tức bay vèo vèo mới nhất”. Nghệ An 24h. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  49. ^ Đám cỗ nhà chồng, giò thịt bay vèo vèo qua tường hàng xóm. Vietnamnet, 15/11/2016. Truy cập 17/11/2016.
  50. ^ Chu Trinh. Bố chồng hư đốn với nàng dâu, phải đi viện, Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2016.
  51. ^ Quang Minh. Truyền thông và câu chuyện niềm tin, Phụ nữ Thành phố. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2016.
  52. ^ “Bố chồng "hư đốn" với nàng dâu, phải đi viện - Giáo dục Việt Nam”. giaoduc.net.vn. Truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2021.
  53. ^ Lê Nguyên. Hỗn loạn thông tin bố chồng ’dính’ chặt con dâu, Phụ nữ Today. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2016.
  54. ^ Ngô Tư. Bác bỏ tin bố chồng dính chặt con dâu vì 'ăn vụng', Ngôi sao. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2016.
  55. ^ H.A. Thực hư chuyện bố chồng “dính chặt” con dâu khi "quan hệ", An ninh Thủ đô. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2016.

Liên kết ngoài

sửa
  • Stephan Russ-Mohl, Marcello Foa e Cristina Elia. Fakes in Journalism. European Journalism Observatory, Università della Svizzera italiana, 14. November 2003.