Tư tưởng Chủ thể

Hệ tư tưởng cộng sản kiểu mới chính thức của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
(Đổi hướng từ Thuyết Chủ thể)

Tư tưởng Juche (Hangul: 주체); (phát âm /tɕutɕʰe/ trong tiếng Triều Tiên) (主體: âm Hán Việt: Chủ thể) hay Tư tưởng Kim Nhật Thành là một hệ tư tưởng chính thức của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại miền Bắc Triều Tiên. Thuyết này cho rằng "con người là chủ thể của mọi sự và quyết định mọi việc," và người dân Triều Tiên là chủ thể của cuộc cách mạng Triều Tiên. Chủ thể là một tư tưởng tối yếu của Chủ nghĩa Kim Nhật Thành, hệ thống chính trị CHDCND Triều Tiên.[1] Nghĩa đen của từ này là "bộ phận chủ yếu trong sự vật"; và nó cũng được các nguồn tin Triều Tiên dịch là "quan điểm độc lập" và "tinh thần tự lực".

Tư tưởng Chủ thể
Chosŏn'gŭl
주체사상
Hancha
Romaja quốc ngữJuche sasang
McCune–ReischauerChuch'e sasang

Nguồn gốc

sửa

Kim Nhật Thành đưa ra khẩu hiệu "Chủ thể" vào ngày 28 tháng 12 năm 1955, trong bài diễn văn với tựa "Để hạn chế chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hình thức và thành lập Chủ thể một công trình ý thức hệ" để phản bác chính sách phi Stalin hoá tại Liên bang Xô viết. Tư tưởng Chủ thể dần xuất hiện như một học thuyết tư tưởng có hệ thống xuất hiện dưới sức ép chính trị của cuộc chia rẽ Xô-Trung trong thập niên 1960. Từ "Juche" cũng bắt đầu xuất hiện ở hình thức nguyên bản trong tiếng Anh trong các tác phẩm của Triều Tiên từ khoảng năm 1965. Kim Nhật Thành đã đặt ra ba nguyên tắc nền tảng của Chủ thể vào ngày 14 tháng 4 năm 1965, trong bài phát biểu "Về việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và cuộc cách mạng tại Nam Triều Tiên". Các nguyên tắc đó là:

  1. Độc lập về chính trị (chaju, Hán Việt: tự chủ);
  2. Tự chủ về kinh tế (charip: tự lập);
  3. Tự vệ về quốc phòng (chawi: tự vệ).

Lãnh đạo Triều Tiên kế tiếp là Kim Chính Nhật đã chính thức phác thảo bản tuyên ngôn cuối cùng về Juche trong một tài liệu năm 1982 có tiêu đề Về Tư tưởng Chủ thể. Họ Kim có quyền tuyệt đối về việc diễn giải tư tưởng chính thức này của nhà nước và đến năm 1996 thì bổ túc thêm nguyên tắc Tiên quân (先軍, songun, có nghĩa là "quân đội trước tiên") làm một phần của thuyết Chủ thể.

Áp dụng thực tiễn

sửa

Theo Về Tư tưởng Chủ thể của Kim Chính Nhật, việc áp dụng Chủ thể trong chính sách quốc gia gồm những điều sau:

  1. Người dân phải có sự độc lập (chajusong) trong tư tưởng và chính trị, kinh tế tự cung cấp, và tự chủ về quốc phòng.
  2. Chính sách phải phản ánh ý chí và nguyện vọng của quần chúng và sử dụng chúng triệt để trong cách mạng và xây dựng.
  3. Các biện pháp cách mạng và xây dựng phải thích hợp với tình hình đất nước.
  4. Sự nghiệp quan trọng nhất của cách mạng và xây dựng là định hướng người dân về tư tưởng là những người cộng sản và huy động họ vào công việc xây dựng.

Juche cũng yêu cầu sự trung thành tuyệt đối với đảng và lãnh đạo đảng. Tại Triều Tiên, đó là Đảng Lao động Triều Tiên và Kim Chính Nhật.

Trong lịch sử chính thức của Triều Tiên, một trong những hành động áp dụng có mục đích đầu tiên của Juche là Kế hoạch Năm Năm 1956-1961, cũng được gọi là Phong trào Chollima, dẫn tới Phương pháp Chongsan-riHệ thống Làm việc Taean. Kế hoạch Năm Năm có mục tiêu đẩy nhanh phát triển kinh tế Triều Tiên, với trọng tâm công nghiệp nặng, để đảm bảo sự độc lập chính trị khỏi cả Liên bang Xô viết và chế độ Mao Trạch Đông tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Phong trào Chollima cũng áp dụng chính sách tập trung nhà nước tương tự như điều gắn liền với Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất của Liên Xô năm 1928. Chiến dịch này trùng khớp với và một phần dựa trên Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất và Đại nhảy vọt của Mao. Triều Tiên có lẽ đã tránh được những thảm hoạ của cuộc Đại nhảy vọt.

Dù có tham vọng tự cung tự cấp, Triều Tiên đã liên tục phải dựa vào sự hỗ trợ kinh tế từ các quốc gia khác. Về mặt lịch sử, Triều Tiên nhận được hầu hết sự giúp đỡ từ Liên bang Xô viết cho tới khi nước này sụp đổ năm 1991. Trong giai đoạn sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Triều Tiên dựa vào sự hỗ trợ và các khoản vay từ các quốc gia anh em từ 1953-1963 và cũng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ công nghiệp Liên Xô từ 1953-1976. Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, nền kinh tế Triều Tiên rơi vào khủng hoảng, với những thất bại sau đó trong cơ sở hạ tầng góp phần tạo ra nạn đói trên diện rộng hồi giữa thập niên 1990. Sau nhiều năm kiệt quệ, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã đồng ý thay thế Liên bang Xô viết trở thành nhà cung cấp viện trợ chính, với hơn 400 triệu dollar hỗ trợ nhân đạo hàng năm.[2] Từ năm 2007, Triều Tiên cũng nhận được các khoản cung cấp dầu nhiên liệu nặng và hỗ trợ kỹ thuật lớn như được cam kết trong khuôn khổ các cuộc đàm phán sáu bên.[3] Triều Tiên là nước nhận viện trợ lương thực lớn thứ hai thế giới năm 2005, và vẫn ở trong tình trạng thiếu lương thực kinh niên.

Quan hệ với chủ nghĩa Marx - Lenin

sửa

Năm 1972, Chủ thể đã thay thế chủ nghĩa Marx Lenin trong hiến pháp sửa đổi của CHDCND Triều Tiên trở thành ý thức hệ nhà nước chính thức, đây là một sự phản kháng trước cuộc chia rẽ Trung-Xô. Tuy nhiên Chủ thể được định nghĩa như một cách áp dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx - Lenin. Kim Chính Nhật cũng giải thích rằng Juche không phải có nguồn gốc từ Triều Tiên và rằng trong khi vạch ra tư tưởng này ông chỉ chú trọng tới định hướng kế hoạch hoá vốn có của tất cả các quốc gia theo chủ nghĩa Marx - Lenin.

Sau sự sụp đổ năm 1991 của Liên bang Xô viết, nước cung cấp viện trợ kinh tế lớn nhất cho Triều Tiên, mọi điều liên quan tới chủ nghĩa Marx - Lenin bị xoá bỏ trong lần sửa đổi hiến pháp năm 1998. Nhưng chủ nghĩa Marx - Lenin vẫn thỉnh thoảng được sử dụng, ví dụ chủ nghĩa xã hộichủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, sự thiết lập học thuyết Songun hồi giữa thập niên 1990 đã chính thức chỉ rõ quân đội, chứ không phải giai cấp vô sản hay giai cấp công nhân, là lực lượng cách mạng chính ở CHDCND Triều Tiên.

Nhiều nhà báo, nhà bình luận và học giả bên ngoài Triều Tiên so sánh Chủ thể với chủ nghĩa Stalin và gọi Triều Tiên là một quốc gia kiểu Stalin. Một số chuyên gia tuy vậy đã bác bỏ và tìm cách xếp Triều Tiên như một nhà nước nghiệp đoàn (Bruce Cumings), phát xít (Brian Myers), du kích (Wada Haruki), quân chủ (Dae Sook-suh), tư bản mới (Andrei Lankov), và chính trị thần quyền (Han S. Park, Christopher Hitchens). Những người từng đưa ra những tranh cãi có điều kiện rằng Triều Tiên là một chế độ Stalin gồm Charles Armstrong, Adrian Buzo, Chong-sik Lee, và Robert Scalapino.

Các bài viết và bài nói về chính sách của Kim Nhật Thành từ thập niên 1940 và 1950 xác định rằng chính phủ Triều Tiên chấp nhận lý thuyết năm 1924 của Joseph Stalin về chủ nghĩa xã hội trong một quốc gia và mô hình phát triển kinh tế tự cung tự cấp tập trung hoá của nó. Chính Kim Nhật Thành là một người hâm mộ cuồng nhiệt Stalin. Sau cái chết của Stalin ngày 5 tháng 3 năm 1953, lãnh tụ CHDCND Triều Tiên đã viết một thông cáo đầy cảm xúc ca ngợi Stalin với tiêu đề "Stalin là cảm hứng của những dân tộc đang đấu tranh cho tự do và độc lập của mình" trong một bản thông cáo đặc biệt của tờ Rodong Sinmun, cơ quan tuyên ngôn của Đảng Lao động Triều Tiên, (10 tháng 3 năm 1953), đoạn đầu như sau:

"Stalin đã qua đời. Trái tim nồng nhiệt của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân loại tiến bộ đã ngừng đập. Tin buồn này đã đến khắp đất nước Triều Tiên, như một tiếng sét, một sự cay đắng với hàng triệu con tim nhân dân. Binh sĩ Quân đội Nhân dân Triều Tiên, công nhân, nông dân và sinh viên cũng như tất cả những người dân ở cả Nam và Bắc bán đảo Triều Tiên, đã nghe tin buồn này với sự tiếc thương sâu sắc. Tổ quốc Triều Tiên bày tỏ sự đau buồn, và những bà mẹ những người đã cạn kiệt nước mắt khóc than cho những đứa con đã mất trong những trận bom của bè lũ không quân [Mỹ] lại bật lên lần nữa."

Khi việc xoá bỏ tệ sùng bái cá nhân sau cái chết của Stalin được tuyên bố năm 1956 trong Đai hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, chính quyền nhà nước CHDCND Triều Tiên đã chấm dứt việc công khai ca ngợi các lãnh tụ Xô viết. Nhưng chế độ này từ chối đi theo mô hình cải cách chính trị Liên Xô, mà họ coi là chủ nghĩa xét lại hiện đại, hay gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON), tổ chức thương mại quốc tế chính của các quốc gia Marx - Lenin phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của Liên Xô. Hiện tại, chính phủ Triều Tiên không công nhận sự liên quan giữa Chủ thể và các tư tưởng của Stalin, dù thỉnh thoảng cũng có để cập đến về sự xuất sắc chính trị được cho là của ông ta.

Dù ảnh hưởng của Mao Trạch Đông không được chính thức thừa nhận ở Triều Tiên, các nhà tư tưởng của Đảng Lao động Triều Tiên và những tác giả các bài phát biểu đã bắt đầu công khai sử dụng các tư tưởng của Mao, như ý tưởng tự cải tạo, trong thập niên 1950 và 1960. Các lý thuyết của Mao về nghệ thuật cũng bắt đầu gây ảnh hưởng tới âm nhạc Triều Tiên trong thời gian này. Những phát triển này xảy ra như một kết quả của sự ảnh hưởng từ sự chiếm đóng của Quân đội Trung Quốc trong năm năm sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, cũng như trong thời kỳ chia rẽ Trung-Xô khi Kim Nhật Thành ủng hộ Mao chống lại tiến trình phi Stalin hoá ở Liên Xô. Kim Nhật Thành đã từng đi học trung học tại Mãn Châu, ông rành tiếng Trung Quốc, và từng là một du kích quân thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khoảng năm 1931-1941. Chế độ Kim Nhật Thành thời hậu chiến cũng đã ganh đua cùng cuộc Đại Nhảy Vọt của Mao, lý thuyết Mass line (qunzhong luxian) của ông, và truyền thống du kích. Tuy nhiên, Juche không chính thức là một sự chia sẻ niềm tin của Mao vào nông dân hơn so với tầng lớp công nhân và người dân thường tại các thành phố.

Sau khi Mao chết, các chính sách chủ nghĩa xã hội tự cấp tự túc dựa trên nông dân của Mao bị loại bỏ ở Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình đưa ra chương trình Bốn hiện đại hoá năm 1978 và mở cửa cải cách kinh tế cho Trung Quốc du nhập vào các yếu tố của kinh tế thị trường. Lý thuyết Đặng Tiểu Bình được chính thức áp dụng trong thập niên 1980. Dù quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng khá thân thiết trong giai đoạn này, chế độ Triều Tiên đã lưỡng lự trong việc chấp nhận chính sách mở cửa và mô hình hiện đại hoá kinh tế của Trung Quốc, vì giới lãnh đạo nước này sợ những cải cách như vậy sẽ làm tổn hại tới tư tưởng Chủ thể và dẫn tới sự bất ổn chính trị và các sự kiện tương tự như Những cuộc phản kháng trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 (Lee, p. 1998, 199). Sau sự suy tàn và sụp đổ của Liên bang Xô viết cùng Khối Đông Âu trong giai đoạn 1989 và 1991, cùng với sự mất đi nguồn viện trợ kinh tế, Triều Tiên bắt đầu thực hiện học tập mô hình Trung Quốc một cách thận trọng, có lựa chọn và mang tính thực nghiệm.

Luật Liên doanh năm 1984 là một trong những nỗ lực đầu tiên của Triều Tiên học theo Đặng trong những nỗ lực nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài vào nền kinh tế kế hoạch hoá của Triều Tiên. Tiếp sau hành động này là việc thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Triều Tiên đã thiết lập Khu kinh tế đặc biệt kiểu tư bản đầu tiên của mình năm 1991, Đặc khu kinh tế Rajin-Sonbong. Hiến pháp Chủ thể năm 1998 cũng được viết với các điều khoản bảo vệ quyền sở hữu cá nhân và các doanh nghiệp liên doanh với các nước tư bản, tạo điều kiện cho sự thành lập Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Tư bản tại Bình Nhưỡng năm 2000, và cho phép cải cách giá và tiền lương ngày 1 tháng 7 năm 2002. Lý thuyết Đặng Tiểu Bình chấp nhận sự thị trường hoá nền kinh tế Trung Quốc như là "Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc" hay một nền "Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa," và tư tưởng Chủ thể của Triều Tiên đã hợp lý hoá những cải cách đó dưới ý tưởng "chủ nghĩa xã hội theo kiểu của chúng ta."

Về vai trò nhà nước-quốc gia trong Chủ thể, theo Kim Nhật Thành "Về các vấn đề của giai đoạn chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội và chuyên chính vô sản" (1967) và "Về việc bảo tồn bản sắc chủ thể và bản sắc quốc gia của cách mạng và xây dựng" (1997) của Kim Chính Nhật, mục tiêu của cách mạng và xây dựng theo Chủ thể là việc thiết lập chủ nghĩa xã hộichủ nghĩa cộng sản bên trong biên giới nhà nước CHDCND Triều Tiên. Trái ngược với các dự báo cổ điển của Chủ nghĩa Marx, Chủ thể cũng cho rằng người Triều Tiên là một cộng đồng quốc gia dựa trên dân tộc, rằng nhà nước-quốc gia Triều Tiên sẽ tồn tại mãi mãi, và rằng người Triều Tiên sẽ luôn sống tại Triều Tiên và nói tiếng Triều Tiên.

Dù có tính chất chủ nghĩa quốc gia của Chủ thể, các nhà tư tưởng Triều Tiên đã cho rằng các quốc gia khác có thể và cần phải học ở Juche để áp dụng các nguyên tắc của nó vào điều kiện của nước mình. Chính phủ Triều Tiên chấp nhận rằng Juche giải quyết các vấn đề từng được xem xét trong Chủ nghĩa Marx cổ điển và những phát triển sau đó thành Chủ nghĩa Marx - Lenin, nhưng hiện đã tách khỏi và thậm chí từ bỏ một số khía cạnh của các học thuyết chính trị đó. Quan điểm chính thức như được đề cập trong bài nói "Triết học chủ thể là một triết học cách mạng nguyên thủy" (1996) rằng Chủ thể là một tư tưởng hoàn toàn mới do Kim Nhật Thành tạo ra, và Kim không hề phụ thuộc vào chủ nghĩa Marx cổ điển. Vì thế, Hiến pháp CHDCND Triều Tiên không đề cập đến Chủ nghĩa Marx - Lenin, mà đưa vào toàn bộ phần mở đầu bằng các phát biểu về Kim Nhật Thành.

Tuy tư tưởng Chủ thể được sáng tạo với các đặc điểm quốc gia riêng biệt của Triều Tiên, trái ngược với việc tuân thủ quan điểm của chủ nghĩa Marx cổ điển về chủ nghĩa xã hội thế giới, chính phủ CHDCND Triều Tiên thực tế đề cập tới các cá nhân theo chủ nghĩa quốc tế Karl MarxFrederick Engels, người tiếp nối họ Vladimir Lenin, và Joseph Stalin như những lãnh tụ đáng chú ý của phong trào chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XIX và XX trước sự xuất hiện của Chủ thể năm 1955. Trái lại, chủ nghĩa Mao hiếm khi được đề cập, và tư tưởng cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình nói chung bị cấm đoán toàn bộ. Ngoài ra, các tác phẩm chủ nghĩa Marx nói chung bị hạn chế với các đọc giả bình thường ở Triều Tiên.

Chỉ trích

sửa

Nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc nặng vào nhập khẩu và viện trợ nước ngoài cả trước và sau sự sụp đổ của Khối thương mại Cộng sản. Họ cũng tuyên bố rằng các ý tưởng về người dân không hề có giá trị trong việc thiết lập chính sách, vốn nằm dưới quyền kiểm soát độc đoán của Kim Chính Nhật. Nhà lý luận hàng đầu về học thuyết Chủ thể Hwang Jang-yop đã gia nhập phe chỉ trích từ khi đào tẩu sang miền Nam, dù ông vẫn giữ niềm tin ở Ý tưởng Chủ thể như ông hiểu nó. Nhà khoa học chính trị Han S. Park trong cuốn sách Juche: The Politics of Unconventional Wisdom (2002) của mình và nhà lý luận Thomas J. Belke trong cuốn Juche: A Christian Study of North Korea's State Religion (1999) liên hệ Juche với một phong trào tôn giáo.[4]

Tại Cộng hoà Nhân dân Trung HoaViệt Nam, các quốc gia đã rời bỏ các định chế độc đoán cá nhân của nhà nước, Chủ thể bị coi là một ý tưởng kỳ cục trên nhiều cộng đồng internet và đã trở thành chủ đề trào phúng của một đạo diễn có ảnh hưởng là Hồ Ca. Chủ thể bị một số người coi là một sự cực đoan thời hậu Maoist đưa các vị độc tài Triều Tiên lên vị thế như thần linh, trong khi những người khác coi đó là một sự học tập Chủ nghĩa Mao. Bởi tình trạng tư tưởng Juche và sự tích hợp chủ nghĩa quốc gia Triều Tiên của nó, đã có thông báo rằng Triều Tiên tiếp tục bỏ qua những sự đóng góp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Tại các quốc gia khác

sửa

Trong thời Chiến tranh Lạnh, CHDCND Triều Tiên đã quảng bá Juche và nguyên tắc "tự lực" như một đường hướng cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nước thuộc thế giới thứ ba, để phát triển nền kinh tế của họ. Chủ tịch România Nicolae Ceauşescu cũng ấn tượng bởi sự nhất quán ý tưởng và sự sùng bái cá nhân ở Triều Tiên trong chuyến thăm châu Á của ông năm 1971, và đã bắt đầu chiến dịch hệ thống hoá của mình ngay sau đó với các đặc điểm của Juche.

Chính phủ CHDCND Triều Tiên tổ chức buổi hội thảo quốc tế đầu tiên về Tư tưởng Chủ thể vào tháng 9 năm 1977. Các nhóm nghiên cứu Chủ thể hiện có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiênđài Tiếng nói Triều Tiên thỉnh thoảng có dẫn lời tuyên bố của các nhóm đó. Viện Tư tưởng Chủ thể Quốc tế tại Nhật BảnHiệp hội Hữu nghị Triều Tiên tại Tây Ban Nha là hai nhóm có ảnh hưởng nhất. Tương tự, tại Đức có một tổ chức ủng hộ chủ nghĩa Stalin, được gọi là Partei der Arbeit Deutschlands (PdAD, 'Đảng Lao động Đức'). Đảng này liên kết chặt chẽ với Gesellschaft zum Studium und Verbreitung der Dschutsche-Ideologie in Deutschland ('Hội nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Juche tại Đức'). Cả hai đều do Michael Koth lãnh đạo, ông này sau đó đã đi theo các khuynh hướng Phát xít mới. Kim Chính Nhật đã nhấn mạnh rằng các quốc gia khác không nên áp dụng Juche một cách máy móc, mà phải sử dụng các biện pháp thích hợp với tình hình.

Một đảng Cộng sản Chủ thể Pháp đã được thành lập tháng 5 năm 2009.[5]

Lịch

sửa

Chính phủ CHDCND Triều tiên và các tổ chức liên kết sử dụng một biến thể của Tây lịch, gọi là lịch Chủ thể, tương tự như cách dùng niên hiệu của thời phong kiến trước kia. Lịch Chủ thể này lấy ngày 15 tháng 4 năm 1912, tức ngày sinh của Kim Nhật Thành là năm thứ nhất và các năm kế tiếp đánh số thứ tự theo đó. Lịch này được áp dụng bắt đầu từ năm 1997, đặt lại là "năm Chủ thể thứ 86".

Lịch Chủ thể chỉ khác Tây lịch ở số năm trong khi ngày và tháng thì giữ nguyên như Tây lịch. Khi dùng thì năm Tây lịch được ghi kèm theo năm Chủ thể ví dụ như 27 tháng 6 năm 2007 Juche 96. Các ấn phẩm ở Triều Tiên thường đặt năm Chủ thể trước năm Tây lịch: Chủ thể 96 (2007). Phép đặt năm này từng xuất hiện ở hệ thống niên hiệu Nhật Bản (Nengo) và trong lịch Dân quốc sử dụng tại Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), chỉ khác là lịch Chủ thể dựa trên ngày sinh của một cá nhân. Trường hợp ngẫu nhiên là năm lịch Juche, lịch Dân quốc của Đài Loan, và giai đoạn Taishō của Nhật Bản lại ăn khớp với nhau dù không có liên hệ. Dư luận trong giới chống lại họ Kim thì cho rằng lịch Chủ thể căn cứ trên ngày sinh Kim Nhật Thành phản ảnh truyền thống tôn sùng cá nhân của các triều đại phong kiến ngày xưa vốn đặt niên hiệu theo vị quân vương sáng lập chứ thật ra không mang tính cách mạng tư tưởng dựa trên học thuyết chính trị như chính phủ Triều Tiên tuyên bố.[6]

Theo Cơ quan Tin tức Trung ương Triều Tiên, Uỷ ban Trung ương Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã lập ra một loạt quy định liên quan tới việc sử dụng lịch Chủ thể ngày 25 tháng 8 năm 1997. Trong trường hợp một ngày xảy ra trước năm 1912, Lịch Gregorian được sử dụng, nên không có nguyên tắc năm Chủ thể "âm", hay "Trước Chủ thể". Ví dụ, năm 1682 vẫn được gọi là "1682", trong khi năm 2009 sẽ được viết là Juche 98, 2009 hay Chủ thể 98 (2009).[7]

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Choi, Go-kwan (ngày 26 tháng 11 năm 2002). “Kimilsungism and Kimjongilism: Other North Korean Terms for Juche Ideology”. Koreascope. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2007.
  2. ^ “ParaPundit: On China's Aid To North Korea And Sanctions”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2009.
  3. ^ “The Six-Party Talks: Meeting North Korea's energy needs | Bulletin of the Atomic Scientists”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2009.
  4. ^ “Juche (Major Religions Ranked by Size)”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2006.
  5. ^ “juchefrance.org”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2014. Truy cập 14 tháng 2 năm 2015.
  6. ^ “News releases by the Korea News Service showing usage of "Juche years". Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2009.
  7. ^ Rules on use of Juche Era adopted Lưu trữ 2010-03-13 tại Wayback Machine - KCNA

Tham khảo

sửa

Liên kết ngoài

sửa