Thảo luận Thành viên:NhacNy2412/nháp/Khổng Tử
@NhacNy2412: Bạn nhờ thì tôi dịch được đâu thì dịch ở đây. Trình độ có hạn, hiểu thế nào dịch thế ấy, không tránh sai sót, mong lượng thứ. Hán Vũ Đế Thằng Thiền vu đâu? 02:07, ngày 11 tháng 11 năm 2021 (UTC)
@NhacNy2412: Đọc thử coi có được không rồi dịch tiếp, tôi nghĩ thế này có thể có sai sót nhưng là hết khả năng của mình rồi, lựa từng từ theo cách hiểu. Hán Vũ Đế Thằng Thiền vu đâu? 14:43, ngày 11 tháng 11 năm 2021 (UTC)
- @Ngô Mạnh Đức Tôi thấy dịch khá ổn rồi. Khi nào đưa vào bài thì tôi sẽ viết sơ lại theo văn phong của mình – ༒ Nhac Ny ༒ Talk to me ♥ 15:31, ngày 11 tháng 11 năm 2021 (UTC)
Triết lý
sửaDù cho có vẻ Nho giáo được người Trung Quốc thực hành như một tôn giáo, nhiều người cho rằng các giá trị của Nho giáo là thế tục và do đó, nó giống một hệ luân lý thế tục hơn là một tôn giáo. Tuy nhiên, cũng có người lập luận rằng bất chấp bản chất thế tục trong giáo lý, Nho giáo vẫn được xây dựng trên một thế giới quan mang tính tôn giáo. Nho giáo có bàn luận về thế giới bên kia cũng như quan điểm về Trời, nhưng nó gần như không quan tâm tới một vài khía cạnh tâm linh thường được coi là thiết yếu với mọi tôn giáo, chẳng hạn như đặc tính linh hồn.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói “Ta thuật đạo cổ nhân mà không sáng tác gì mới”. Khổng Tử tích cực nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, và thiên đầu tiên trong Luận ngữ cũng là thiên “Học nhi”. Thay vì cố gắng xây dựng một học thuyết có hệ thống hoặc mang đậm chủ nghĩa hình thức, Khổng Tử khuyến khích môn đồ nắm vững và tiếp thu kinh sách cũ, để qua đó, bằng suy nghĩ sâu sắc và nghiên cứu kĩ lưỡng, họ sẽ liên hệ được các vấn đề đạo đức hiện tại với những sự kiện chính trị đã qua hoặc với cảm xúc của thường dân và suy nghĩ của giới quý tộc xưa kia.
Luân lý
sửaKhổng Tử luôn đề cao việc nêu gương cá nhân hơn là rập khuôn quy tắc ứng xử. Đây là một trong những điểm sâu sắc nhất khi bàn về học thuyết của ông. Giáo lý của Khổng Tử nhấn mạnh việc tu dưỡng bản thân, phấn đấu làm tấm gương sáng, và rèn được khả năng xét đoán điêu luyện thay vì cứ phải am tường quy tắc. Do đó, luân lý Nho giáo có thể xem là một dạng luân lý đức hạnh. Giáo lý của Khổng Tử hiếm khi dựa vào lập luận lý tính. Phương pháp và lý tưởng đạo đức được truyền tải gián tiếp, thông qua phép dẫn dụ, lời bóng gió, thậm chí là phép lặp thừa. Muốn hiểu được lời dạy của Khổng Tử thì phải nắm được ngữ cảnh và nghiền ngẫm kỹ lưỡng. Một ví dụ điển hình xuất hiện trong giai thoại nổi tiếng sau:
- 廄焚。子退朝,曰:傷人乎?不問馬。
- Khổng Tử nghe nói chuồng ngựa cháy, câu đầu tiên ông hỏi là: có ai bị thương không và không nói gì tới đàn ngựa cả.
- Luận ngữ
Bằng việc phớt lờ đàn ngựa, Khổng Tử chứng tỏ rằng nhà hiền triết coi trọng tính mạng con người hơn là tài sản (đàn ngựa chính là ẩn dụ cho tài sản). Môn đồ được dẫn đắt để suy ngẫm xem liệu phản ứng của họ có như Khổng Tử hay không, và tiếp tục theo đuổi con đường tu tập bản thân.
Một trong những lời dạy khác của Khổng Tử là một biến thể của Quy tắc vàng, đôi khi được gọi là “Quy tắc bạc” do thể phủ định của nó:
- 己所不欲,勿施於人。
- Việc mình không muốn thì đừng bắt người phải chịu.
- 子貢問曰:有一言而可以終身行之者乎?子曰:其恕乎!己所不欲、勿施於人。
- Tử Cống hỏi rằng: “Có chữ nào mà có thể trọn đời mình làm theo chăng?” Khổng Tử đáp: “Có lẽ chữ 'thứ' chăng? Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác.”
- Luận ngữ
Thường bị bỏ qua khi bàn về luân lý Nho giáo là những đức hạnh tự bản thân: lòng chân thành và sự trau dồi kiến thức. Hành động nhân đức với người khác xuất phát từ suy nghĩ chân thành và có đạo đức, thứ khởi nguồn từ kiến thức. Người giàu đức hạnh mà nghèo kiến thức thì dễ lầm đường, hành động nhân đức mà không đi kèm lòng chân thành thì không phải là chính trực. Lòng chân thành và sự trau dồi kiến thức cũng rất quan trọng với lợi ích của chính bản thân; bậc cao nhân thích học vì lợi ích mà sự học mang lại, thích chính nghĩa vì lợi ích mà sự chính nghĩa mang lại.
Lý thuyết luân lý Nho giáo như được nêu trong lễ, dựa trên ba khía cạnh khái niệm đời sống quan trọng: (a) nghi lễ hiến tế tổ tiên và chư thần, (b) thể chế chính trị và xã hội, (c) phép tắc cư xử thường nhật. Một số người tin rằng lễ xuất phát từ Trời, nhưng Khổng Tử thì nhấn mạnh sự phát triển của lễ thông qua hành động của một số vị vua huyền thoại. Các cuộc thảo luận của Khổng Tử về lễ dường như đã định nghĩa lại thuật ngữ này, biến nó thành thuật ngữ dùng để chỉ tất cả hành động của một người nhằm xây dựng xã hội lý tưởng, thay vì đơn thuần là những hành động tuân theo tiêu chuẩn lễ nghi kinh điển.
Theo truyền thống Nho giáo thuở ban đầu, lễ là làm điều thích hợp vào thời điểm thích hợp; cân bằng việc duy trì những chuẩn mực hiện có để bảo tồn cấu trúc xã hội có đạo đức với việc phá bỏ những chuẩn mực hiện có để đổi lấy một xã hội đạo đức hơn. Rèn luyện lễ theo lối hiền nhân xưa là trau dồi khả năng phán đoán đạo đức xem khi nào thì nên điều chỉnh lễ cho hợp với bối cảnh.
Trong Nho giáo, khái niệm lễ có quan hệ mật thiết với khái niệm nghĩa theo ý tưởng có đi có lại. Nghĩa là làm những gì tốt nhất theo chuẩn mực đạo đức trong bối cảnh nhất định. Nghĩa đối nghịch với vụ lợi. Mặc dù theo đuổi tư lợi chưa hẳn đã xấu, nhưng một người có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu sống hướng thiện. Vì vậy, làm việc nghĩa tức là làm điều đúng đắn với lý do đúng đắn.