Thảo luận:Đại đồn Chí Hòa

Bình luận mới nhất: 15 năm trước bởi Bùi Thụy Đào Nguyên trong đề tài AI XÂY ĐẠI ĐỒN CHÍ HÒA?
Dự án Lịch sử Việt Nam
Trang này được thực hiện với sự phối hợp của các thành viên thuộc dự án Lịch sử Việt Nam, một dự án hợp tác giữa các thành viên nhằm nâng cao chất lượng các bài viết về Lịch sử Việt Nam. Nếu bạn muốn tham gia, xin hãy đến thăm trang của dự án! Bạn cũng có thể ghé qua trang thảo luận để trao đổi hoặc đề xuất ý kiến.
Sơ khaiBài viết sơ khai.
ThấpBài viết được đánh giá ít quan trọng.

AI XÂY ĐẠI ĐỒN CHÍ HÒA?

sửa

Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến trận đánh của quân Pháp vào Đại đồn Chí Hòa (Gia Định) tháng 2 năm 1861, các tài liệu đều ghi Đại đồn Chí hòa do Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào xây dựng để tổ chức phòng thủ, lập căn cứ chống Pháp. Sách "Việt Năm Sử Lược" của Trần Trọng Kim chép:"...Ông Nguyễn Tri Phương cùng quan Tham tán Đại thần Phạm Thế Hiển vào xếp đặt ở Gia Định một cách có quy củ, đắp dãy đồn Kỳ Hòa (người Pháp gọi là dãy đồn Chí Hòa) cũng hợp quy thức, để chống nhau với quân của Đại tá D'Aries. Hai bên đã từng đánh nhau hai ba trận, đều bị thiệt hại cả..."(VNSL T2, trang 258). Về sau, các nhà nghiên cứu đã lấy đó làm căn cứ để xác định Nguyễn Tri Phương là người chỉ huy xây Đại đồn Chí Hòa. Ở đây, chưa nói đến việc học giả họ Trần xác định chưa chính xác địa danh, vì đồn được xây tại làng Chí Hòa, nên gọi là đồn Chí Hòa, và người Pháp đã phát âm thành đồn Kỳ Hòa chứ không phải như Trần Trọng Kim chép, nhưng quan trọng hơn, việc xác định Nguyễn Tri Phương vào xây dựng đồn Chí Hòa là điều cần phải xác định lại...

Như sử sách đã chép, thượng tuần tháng 2 năm 1859, được tin chiến thuyền Pháp vào cửa bể Vũng Tàu, bắn phá pháo đài dữ dội và hủy diệt chiến thuyền Việt Nam, tổng đốc Gia định là Võ Duy Ninh biết là quân Pháp mở cuộc tấn công Nam Kỳ, liền báo tin về kinh và động viên quân lính các tỉnh gấp rút đem về phòng thủ Gia ĐỊnh, Được tin cấp báo, triều đình Huế liền cử Hộ Bộ thượng thư Tôn Thất Hiệp (còn được đọc là Tôn Thất Cáp do tự dạng của chữ Hán), lĩnh Thống đốc Gia Định Quân Thứ đem viện binh vào Nam, phối hợp cùng Trương văn Uyển, Tổng đốc Vĩnh Long; Lê Đình Đức, Tuần vũ Định Tường, Nguyễn Đức Hoan, Tuần vũ Biên Hòa để lập kế hoạch phòng thủ, nhưng khi quân của Tôn Thất Hiệp đến Biên Hòa thì quân Pháp đã chiếm thành Gia Định." Sử Quốc triều chính biên toát yếu" chép: "Ngài (vua Tự Đức) nghe báo thành Gia Định bị vây, lập tức đem các đạo quân binh tới cứu, quân mới đi, thành đã hãm rồi...Khi ấy quan Thống đốc quân vụ đại thần Tôn Thất Cáp(tức Hiệp- TTT) đóng binh tại Biên Hòa, ngài truyền dục quân qua tỉnh Gia Định phòng liệu..."(SQTCBTY trang 419).

Trước đó,Trương Văn Uyển và Lê Đình Đức kéo hơn 2000 quân vào Gia Định ứng chiến, vừa đến đóng quân ở Đồn Cây Mai, chưa kịp bố phòng thì bị một nhóm giáo dân dẫn quân Pháp đến đột kích, Uyển bị thương phải lui quân, Lê Đình Đức phải chạy về Vĩnh Long. Khi quân của Tôn Thất Hiệp vào đến Gia Định thì quân Pháp đã hầu hư phá hủy toàn bộ thành Gia Định, các kho lương thực đều bị Pháp đốt phá. Đến nơi, Tôn thất Hiệp lựa chọn địa điểm và quyết định cho xây dựng Đồn Chí Hòa để tổ chức bố phòng. Sách" Monographie de la province de Gia Định" do Hội nghiên cứu Đông Dương biên soạn,xuất bản năm 1902 bằng tiếng Pháp ghi lại, tạm dịch như sau:

" ...Một ngàn quân do vị quan Tôn Thất Hiệp chỉ huy đóng tại ngôi làng cũ tại Chí Hòa, ở 5km phía tây Saigon. Vị tướng này cho xây đắp ba đồn: Đồn Tiền trên đường đi Tây Ninh với hai đồn ở hai bên, bên hữu và bên tả, cách nhau 400m là đồn Hữu và đồn Tả, đồn sau này ở trên rạch Bà Tiềm..." (Sđd, trang 110).

Đề cập đến việc xây dựng đồn Chí Hòa, tác giả Alfred Schreiner đã viết trong tác phẩm "Abrege de l' Historie d'Annam"(XB năm 1905, tại Sài Gòn, được dịch sang tiếng Việt với tựa là Đại Nam Quốc lược sử) trong đó có đoạn: “ L’ennemi qui avait été forcé de quitter lé deux center, n’alla pourtant pas très loin. Il se retira en partie dans les forth dr Thuan Kieu, d’ou un millier d’hommes conduits par le Ton that Hiep partirent en avant s’ établir au village de Chi Hoa, a cinq kilometres de Saigon et à quarte de Cho Lon. Cechef militaire y fit élever un fort non loin de la route (Don Tien), celui que nous désignerons plus loin par “ ancien fort de Chi Hoa”; deux autres forts (Don Huu et Don Ta) le flanquauent des deux côtes à quartre cent mètres de distance. Ton That Hiep n’y fut pas inquiété pendant plus d’un an “. (sđd, tr 182) Ông Nguyễn Văn Nhàn đã dịch : "..Quân nghịch (chỉ quân ta-TTT) trước bị ép ra khỏi hai chỗ đô hội ấy, nhưng vậy chúng nó không đi xa là bao nhiêu, một phần rút vô các đồn Thuận Kiều, rồi đó có quan Tôn Thất Hiệp dẫn trót ngàn quân xơm tới trước mà đóng tại làng Chí Hòa, cách Saigon chừng 5000 thước langsa và xa Chợ lớn lối 4000 thước. Quan cai binh này dạy xây tại đó một cái đồn ở xa đường một ít (đồn Tiền), là cái lúc sau ta gọi" cựu đồn Chí Hòa"; hai đồn khác(đồn Hữu với đồn Tả) ở hai bên cách chừng 400 thước. Ông Tôn Thất Hiệp ở đó hơn một năm...(Sđd, tr 25)

Về địa điểm xây dựng đồn Chí Hòa, nhà văn Sơn Nam đã viết trong tác phẩm "Bến Nghé xưa": "Tướng Tôn Thất Hiệp (rồi tướng Nguyễn Tri Phương) đều nhất trí chọn lựa cuộc đất trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh làm trung tâm để xây đồn lũy gồm nhiều lý do: -Vị trí này có thể khống chế và cắt Saigon - Chợ lớn ra làm hai khu vực, không cho thực dân bám vào nguồn tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long.-Quân đồn điền từ gò Công Mỹ tho đễ tới lui xây dựng thành. -Phía bắc của Phú Thọ- Chí Hòa giáp 18 thôn Vườn trầu, đông đúc những người côi cút làm ăn, giàu nghĩa khí...Trong khoảng thời gian dài sau khi thành Gia Định thất thủ, quân dân ta khẩn trương xây đồn dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Hiệp. Về sau Nguyễn Tri Phương phát triển thêm...(Sđd tr 119)

Theo sách" Việt Nam- những sự kiện lịch sử 1858-1918" của Dương Kinh Quốc thì trong khoảng một năm,từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 1860 quân Pháp nhiều lần mang quân đến tấn công đồn Chí Hòa nhưng đều bị quân ta dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Hiệp chỉ huy đánh trả. Sách "Đại Nam Thực Lục, q XX, thuật lại "...Quân Tây dương đến đồn Phú Thọ (do Tôn Thất Cáp (tức Hiệp -TTT) mới đắp). Quân Tây dương đánh phá Hữu đồn, Hoàng Ngọc Chung cố sức đánh bị chết trận..Tôn Thất Cáp (Hiệp) cùng Tôn Thất Điển đốc lính ở Kinh chống nhau với giặc, chém được và bắn chết nhiều…." ( ĐNTL, T 7, sđd, tr 603).

Năm 1860, quân Pháp lại đem quân tấn công vào đồn Chí Hòa, lần này chúng thua to. Sách " Monographie....Gia Đinh" chép:"... Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1860 quân Nam ở đồn Chí Hòa được mật báo sẽ xãy ra một cuộc tấn công vào đồn lũy Chí Hòa, thật vậy, vào sáng 16/4 đại pháo của Pháp bắn về phía Cây Mai, pháo binh Pháp tiến đến trước Đồn Hữu và bắn vào Đồn. Quân Nam bắn trả, một lúc áu, đại pháo bảo vệ đồn bị bắn hạ và quân pháp tấn công vào thành. Quân Nam chống trả mãnh liệt và chỉ chịu thua khi chỉ huy của họ là Trần Tương Tư bị trúng một phát đạn vào đầu khi đang ở trên thành. Họ(quân Nam-TTT) rút lui vào đồn Tiền, đồn này được phòng thủ vững chắc. Một hố rộng bao quanh thành, các vật dẫn hỏa, những cây gỗ lở, chởm mũi nhọn chất đầy mặt thành, sẵn sàng rơi xuống đầu kẻ tấn công thành. Quân phòng thủ cộng thêm số ở đồn Hữu chạy sang có khoảng 1500 người. Lúc 8 giờ, quân Pháp tấn công dưới làn đạn của đồn Tiền và đồn Tả. Sự cố gắng của họ bị thất bại trước chướng ngại dồn dập. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt làm thiệt hại mỗi bên hơn 20 ngườ. Đến 3 giờ chiều, họ trở lại Cây Mai. Dưới thành Đồn tiền có 6 xác thủy quân pháp bị giết ở những lỗ châu mai khi họ tìm cách đột nhập vào thành. Các quan Nam cho ném họ vào một cái đảo nhỏ bên cạnh( Mật -cật). Cùng ngày tướng Tôn Thất Hiệp cho quân thông báo về Huế tin chiến thắng. Triều đình gởi tiền bạc vào để khen thưởng quân sĩ..." (Sđd trang 126). Qua những dẫn chứng đó, ta thấy người lựa chọn địa điểm và chỉ huy xây đồn Chí Hòa (ban đầu gọi là đồn Phú Thọ) chính là tướng Tôn Thất Hiệp, người được triều đình cử vào Gia Định để tổ chức chiến đấu chống Pháp. Còn tướng Nguyễn Tri Phương thì mãi đến tháng 8 năm 1860 mới vào Gia Định. Sách SQTCBTY chép: " Năm Canh thân thứ XIII(1860)...tháng 7, cho quan Đông các đại học sĩ, Tráng Liệt Bá Nguyễn Tri Phương sung chức Gia Định quân thứ, tổng thống quân vụ đại thần, đổi Tôn Thất Cáp(tức Hiệp) làm Tham tán..." Tóm lại, khi vào nhận chức thay Tôn Thất Hiệp, tướng Nguyễn Tri Phương đã cho củng cố đồn Chí Hòa thành một Đại đồn quy mô và rộng lớn hơn, còn người chỉ huy việc xây dựng đồn ban đầu chính là ông Tôn Thất Hiệp. Tưởng cần nói thêm, ngày 24/2/1861 cả ba ông Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Tôn Thất Hiệp cùng chỉ huy quân ta chống trả cuộc tổng tấn công lớn của quân Pháp vào Đại đồn Chí Hòa, lần này Pháp đã tăng viện binh, quyết hạ đồn để phá vỡ thế bị bao vây. Sau hai ngày chống cự, trước vũ khí hiện đại của giặc, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương quyết định rút quân về Biên Hòa, riêng Tôn Thất Hiệp, ông ở lại Gia Định chiêu tập binh sĩ và sau đó rút về Biên Hòa. Tuy thắng trận và chiếm được đồn, nhưng người Pháp phải thừa nhận sự chiến đấu dũng cảm của quân ta tại Chí Hòa:"... Ngày 25 tháng 2, ngày mà người Annam không chịu lùi bước, ngày mà rất nhiều người trong số họ đã chết ngay trên vị trí chiến đấu của mình, đã có một tính chất hầu như duy nhất..."(Historie de l'expedition de Cochinchine en 1861, Paris, 1864, trang 92).


Tài liệu tham khảo: -Đại Nam Thực lục T7, QSQTN, Nxb Giáo Dục, 2007 -Abrege de l' Historie d'Annam, Alfred Schreiner, SG, 1906. Nguồn: Tôn Thất Thọ (thoton)-tạp chí Xưa & Nay số 286-6/2007)


-Monographie de la province de Gia Định" (Đặc khảo về Gia Định -Hội nghiên cứu Đông Dương- 1902), Nxb Trẻ, 1994. -Việt Nam sử lược T2, Trần Trọng Kim, TTHL Bộ GD SG, 1971. -Việt Nam- những sự kiện lịch sử 1858-1918" mDương Kinh Quốc,Viện Sử học,1990 -Bến Nghé xưa, Sơn Nam, Nxb Văn Nghệ TPHCM, 1983. Thoton (thảo luận) 10:13, ngày 23 tháng 10 năm 2009 (UTC).Trả lời

  • Bạn giải thích đúng rồi. Ông Hiệp xây đồn, còn ông Phương biến nó thành Đại đồn.

Do đó, các nhà nghiên cứu nói Nguyễn Tri Phương là người chỉ huy xây Đại đồn Chí Hòa, cũng không sai. Cảm ơn những thông tin của bạn.Bùi Thụy Đào Nguyên (thảo luận) 18:35, ngày 23 tháng 10 năm 2009 (UTC)Trả lời

Quay lại trang “Đại đồn Chí Hòa”.