Nguyễn Văn Xuân

sửa

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển IV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Kỷ dậu, năm thứ 10 [1789] Mùa hạ, tháng 4, Cho em Tiền quân khâm sai tổng nhung cai cơ Nguyễn Văn Loan là Nguyễn Văn Xuân được miễn dao dịch. Đâu là trong trận Ba Lai, Loan chết trận, vua rất thương, đến đây nghe mẹ Loan còn sống, nên cho người em được miễn dao dịch để hầu nuôi.

Tân hợi, năm thứ 12 [1791] Mùa đông, tháng 10, Lập đền Hiển trung. Dụ rằng : “Đền công báo đức là lẽ thường xưa nay. Nêu trung khen lương là thịnh điển của nhà nước. Từ giặc Tây Sơn nổi loạn, vận nước gian nan, phàm tướng sĩ ta, đi theo sang Vọng Các và trải từ các trận Mỹ Lung, Hồi Oa, Tinh Phụ, Bát Tiên, Trấn Định, Ba Xắc, cho đến Bình Thuận, bốn năm tới nay, ai không may mà chết vì việc nước thì đã từng định công khen tặng, lại ưu đãi cho vợ con được miễn dao dịch để chăm thờ cúng. Riêng nghĩ những người không ai thừa tự, hương lửa chẳng biết nhờ đâu, nếu không lập đền thờ cúng, thì lấy gì để yên ủi người đã mất mà khuyến khích hậu lai ?”. Bèn sai Phiên Trấn chọn đất xây đền, đặt tên là đền Hiển trung, thờ chung những công thần không người thừa tự, sắc cho Lễ bộ bàn định điển thờ và đồ thờ, hằng năm xuân thu làm lễ tế. Đặt phu coi đền 25 người. Vua lại nghĩ rằng quan chưởng lãnh ở các quân dinh trước kia dâng sổ công quan trạng, hoặc còn bỏ sót, lại sai hỏi rõ bộ khúc, cứ thực tục khai, do Trung quân giám quân Tống Phước Đạm họp thành tập tâu lên, để bàn định tặng điển.

Bính thìn, năm thứ 17 [1796] Tháng 4, mùa hạ, Sai Phó tướng Tiên phong Nguyễn Văn Tánh lấy bản chức hành Lưu thủ Bình Thuận. Đặt bốn vệ Thần uy, Thần dũng, Thần lược, Thần toán thuộc Tả quân. Lấy Cai đội vệ Hùng võ quân Thần sách là Phạm Văn Trí làm Chánh vệ vệ Thần uy, Cai cơ Nguyễn Văn Lân, Cai đội Nguyễn Văn Thuận làm Phó vệ, Khâm sai cai cơ hậu hiệu Hữu chi Tả quân là Nguyễn Văn Thống làm Chánh vệ vệ Thần dũng, Cai đội Nguyễn Văn Hưng, Trương Đình Điêu làm Phó vệ, Khâm sai thống binh cai cơ Tiền quân Nguyễn Văn Châu làm Chánh vệ vệ Thần lược, Khâm sai cai cơ Tả quân Hoàng Cổng Yên, Khâm sai cai đội Mai Văn Bảo làm Phó vệ, Khâm sai cai đội Tiền quân Nguyễn Văn Thùy làm Chánh vệ vệ Thần toán, Khâm sai cai đội Tiền quân Nguyễn Văn Xuân, Khâm sai cai đội Tả quân Bùi Văn Hoan làm Phó vệ.

Đinh tỵ, năm thứ 18 [1797] Tháng 6, Sai Phó vệ úy vệ Túc trực Nguyễn Văn Khiêm và Thuộc nội vệ úy Ô Li Vi đóng thuyền sam bản đánh hỏa công, kén quân chiến tâm cưỡi thuyền ấy, đêm phóng lửa đốt được mấy chiếc thuyền của giặc, giặc do đó lại cố chết mà giữ để xin quân ở Quy Nhơn. Tư lệ giặc Lê Trung sai bọn đại đô đốc Lê Chất và Đoàn Văn Cát, đô đốc Nguyễn Văn Xuân và Hàn (không rõ họ) đem 2.000 quân và 40 thớt voi đến cứu viện. Quân ta đánh với chúng mấy trận, giết được nhiều voi giặc, bắn được đô đốc Hàn chết ngay ở trận, quân giặc sợ hãi.

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XI - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Kỷ mùi, năm thứ 20 [1799], tháng 7, mùa thu, Tháng 9, Kén binh tám vệ (4 vệ Long bàn, 4 vệ Hổ cứ) quân Thiên trường cũ lập làm vệ Thiên trường, quân Thần sách ; kén binh mười một đội thuộc xã Nha Đăng (xã thuộc huyện Phù Ly) lập làm vệ Tín trực dinh Hậu quân. Lấy hàng tướng là Đô đốc Trần Văn Lân, làm Vệ úy vệ Thiên trường, Trần Văn Viên và Nguyễn Văn Đán làm Phó vệ úy, Nguyễn Văn Xuân làm Chánh vệ vệ Tín trực, Nguyễn Văn Chi và Trần Văn Điều làm Phó vệ.

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XIII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Tân dậu, năm thứ 22 [1801] Tháng 3, quân ta lấy lại dinh Quảng Nam. Nguyễn Văn Trương phá được Trà Khúc, thừa thắng tiến vào cửa biển Đại Chiêm, đánh ở các xứ Hội An và Phú Triêm, phá được cả. Đô đốc quản chi Kiên võ là Hoàng Văn Tự đem binh ứng nghĩa đuổi bắt được 24 thớt voi của giặc. Đại đô đốc giặc là Nguyễn Văn Xuân cùng với Trấn thủ thiếu úy Văn Tiến Thể giữ ải La Qua. Trương đốc quân đánh úp, bọn Xuân thua chạy, thu được hơn 80 cỗ đại bác và khí giới lương tiền vô kể. Bèn đóng đồn án giữ đất ấy. Tin thắng trận báo lên.

Đại đô đốc giặc là Nguyễn Văn Xuân và Thiếu úy Văn Tiến Thể đem đồ đảng phạm bảo La Qua. Nguyễn Văn Trương và Tống Viết Phước tung quân ập đánh, đuổi đến Thi Hồ và La Đới đều phá được. Xuân chạy đến Phố Hoa, Thể chạy đến Phường Tráng. Bọn Trương bèn đóng quân ở Phú Triêm, Kim Bồng, dựa Trường Giang làm thế hiểm, rồi phi báo cho Phạm Văn Nhân phái quân thăm dò Vân Quan và chặn đường về của giặc. (Thi Bồ, La Đới, Phố Hoa, Phường Tráng, Phú Triêm, Kim Bồng đều là tên đất). Tin thắng trận báo lên. Vua sai truyền dụ rằng: “Bọn người đánh luôn được luôn, triều đình nghe tin xiết bao khen ngợi vui mừng. Duy Quảng Nam là đường quân giặc đi lại, thế tất nó phải tranh, mà quân ta vào sâu trong địa lại không có sách ứng. Nay nên giữ nơi hiểm mà chứa nhiều lương thực làm thế giữ lâu, lại chiêu an nhân dân và chiêu nạp hàng binh. Nếu chúng đem trọng binh đến thì ra sức giữ vững, cốt sao được vạn toàn, đó là lấy giữ được làm thắng”.

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XIV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Tân dậu, năm thứ 22 [1801], Tháng 6, Đại đô đốc đạo Tả bật của giặc là Nguyễn Văn Xuân đem quân cơ Ngũ chế đến quân thứ Thanh Hảo đầu hàng. Sai tập hợp quân cũ theo Lê Văn Duyệt đánh giặc. Vua mật dụ Duyệt rằng: “Lòng người thật khó lường, khó hơn lường việc trời. Từ khi ta dấy quân khôi phục đến nay, những hàng tướng giặc ta đều suy lòng đặt dạ, lấy thành tín đãi họ, nhưng bọn họ ít người lấy thành thực để thờ. Nay Nguyễn Văn Xuân theo quân thứ của khanh, nên cẩn thận để phòng xem xét ý tứ. Phàm đối với bọn hàng tướng đều phải như thế, chẳng những một người này mà thôi. Nên cẩn thận”.

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Tân dậu, năm thứ 22 [1801], mùa thu, tháng 8, Lấy Cựu đô đốc Nguyễn Văn Xuân làm Vệ úy vệ Toàn võ Tả dinh quân Thần sách. Đặt Chánh phó vệ ở các vệ thuộc Hậu quân. Lấy Phó vệ vệ Chương võ Nguyễn Đình Tuyển làm Chánh vệ, Cai đội Phạm Đình Bảo và Nguyễn Văn Châu làm Phó vệ, Chánh trưởng chi Lương Văn Vân là Chánh vệ vệ Chiêu võ, Trưởng hiệu Nguyễn Văn Thơm và Nguyễn Văn Xa làm Phó vệ, Cai đội Nguyễn Văn Khánh làm Chánh vệ vệ Nghị võ, Nguyễn Văn Tín và Trần Văn Huyền làm Phó vệ, Cai đội Võ Văn Châu làm Chánh vệ vệ Tuyên võ, Trưởng hiệu Võ Tiến Giao và Cai đội Nguyễn Văn Chiêm làm Phó vệ, Cai cơ Phạm Văn Ba làm Chánh vệ vệ Hùng phong, Cai đội Trần Văn Đào và Trần Văn Duyên là Phó vệ, Chánh chi Tiến du là Nguyễn Văn Đắc làm Chánh vệ quản hai vệ Trung kích và Tiền kích, Cai cơ Lê Công Điền và Lê Công Ký là Phó vệ vệ Trung kích, Phó chi Tiền du là Nguyễn Văn Hán làm Phó vệ vệ Tiền kích. Rồi sai Nguyễn Đình Tuyển đem vệ binh đi Thanh Hảo tòng chinh.

Biên bổ quân ngạch cũ Trung chi của Trung quân và quân mới hàng làm năm đồn (Trung đồn gồm 3 vệ Chấn sai, Chấn phong, Chấn anh, Tiền đồn gồm 2 vệ Tiền kích, Chấn dũng, Tả đồn gồm 2 vệ Chấn trực, Chấn cự, Hữu đồn gồm 2 vệ Chấn võ, Chấn hùng, Hậu đồn gồm 2 vệ Chấn lân, Chấn loan và 5 chi (mỗi chi gồm 3 hiệu Trung, Tiền, Hậu, mỗi hiệu gồm 3 đội nhất, nhị, tam) của Trung quân. Lấy Chánh vệ vệ Chấn phong Trung chi là Nguyễn Văn Vân làm Chánh Trung đồn kiêm quản bốn đồn Tiền, Hậu, Tả, Hữu ; Khâm sai thống binh cai cơ đạo Trung chấn là Nguyễn Văn Doanh làm Phó Trung đồn, Phó vệ vệ Chấn phong Trần Công Hiến làm Chánh Hậu đồn, kiêm lý công việc tham quân năm đồn, Cai đội đội Phòng sai nhất là Nguyễn Văn Giáo làm Phó Hậu đồn, Trưởng hiệu cai cơ hiệu Tiền kích là Nguyễn Văn Đạo làm Chánh Tiền đồn, Cựu đô ty Lê Văn Hợp làm Phó Tiền đồn, Cựu đô đốc Nguyễn Văn Tại làm Chánh Tả đồn, Khâm sai cai cơ Nguyễn Văn Khách làm Phó Tả đồn, Phó vệ vệ Chấn phong là Võ Văn Thuyền làm Chánh Hữu đồn, Cai đội đội lục vệ Chấn phong là Trương Văn Học làm Phó Hữu đồn, Cựu quán quân Võ Văn Ngữ làm Chánh vệ vệ Chấn sai, Tham mưu điển quân đạo Hưng nghĩa là Lý Đại Thành và Cai đội đội Chấn sai là Trần Văn An làm Phó vệ, Cai đội đội nhất vệ Chấn Phong là Nguyễn Văn Độ làm Chánh vệ vệ Chấn Phong, Cai đội đội nhị là Lê Văn Trí và Cai đội đội tam là Võ Văn Chi làm Phó vệ, Cai đội Tả hiệu Trung chi là Trương Phước Hạnh làm Chánh vệ vệ Chấn anh, Cai đội thuộc binh Nguyễn Văn Chân và Cựu đô đốc Đinh Văn Minh làm Phó vệ, Cai đội thuộc binh Nguyễn Văn Xuân làm Chánh vệ vệ Tiền kích, Phó đội đội Phòng sai nhị là Nguyễn Văn Bính và Cai đội hiệu Tiền kích là Nguyễn Văn Chiêm làm Phó vệ, Cai đội đội thất vệ Chấn phong là Nguyễn Văn Trường làm Chánh vệ vệ Chấn dũng, Cai đội đội tứ vệ Chấn phong là Hoàng Văn Nhị và Cựu quán quân Nguyễn Chính Nguyên làm Phó vệ, Cai cơ đạo Hưng nghĩa là Nguyễn Văn Thùy làm Chánh vệ vệ Chấn trực, Cựu tham lĩnh Hà Công Chiêu và Cai cơ đạo Hưng nghĩa là Phạm Văn Giao làm Phó vệ, Cai đội dinh Tiền thủy là Nguyễn Văn Phượng làm Chánh vệ vệ Chấn cự, Cai cơ thuộc binh Nguyễn Văn Hưng và Trưởng hiệu hiệu Nghĩa dũng là Trần Ngọc Văn làm Phó vệ, Cựu đô úy Cao Viết Thần làm Chánh vệ vệ Chấn võ, Phó đội đội Chấn võ là Bùi Văn Thi và Cực tham đốc Nguyễn Hữu Hoành làm Phó vệ, Cai đội Trung chi Bùi Trung Hựu làm Chánh vệ vệ Chấn hùng, Đội trưởng đội Chấn sai là Trần Văn Hiếu và Đội trưởng đội cửu vệ Chấn phong là Nguyễn Văn Thai làm Phó vệ, Cai đội thuộc binh Lê Văn ứng làm Chánh vệ vệ Chấn lân, Phó đội thuộc binh Trần Văn Nhâm và Cai đội đạo Hưng nghĩa là Hoàng Thạch Phỏng làm phó vệ, Cai đội đội Phòng sai tam là Nguyễn Văn Ngoan làm Chánh vệ vệ Chấn loan, Cựu đô ty Trương Văn Hòa và Cai đội đội Phòng sai tam là Nguyễn Văn Biên làm Phó vệ, Phó trưởng chi Trung chi là Hoàng Văn Điểm làm Chánh quản. Về năm chi thì lấy Trưởng hiệu Trung hiệu là Hoàng Văn Ngôn làm Phó trưởng chi Trung chi, Trưởng hiệu Tiền hiệu là Cao Tiến Thùy làm Chánh trưởng chi Tiền chi, Trưởng hiệu Hậu hiệu là Nguyễn Công Lượng làm Phó trưởng chi, Trưởng hiệu Tả hiệu là Nguyễn Văn Nhân là Chánh trưởng chi Tả chi, Phó vệ vệ Chấn phong là Nguyễn Văn Đẩu là Phó Trưởng chi, Trưởng hiệu Hữu hiệu là Trần Văn Môn làm Chánh trưởng chi Hữu chi, Trưởng hiệu Tả hiệu là Nguyễn Văn Tường làm Phó trưởng chi, Cai đội đội Hùng sai là Bùi Văn Nguyện làm Chánh trưởng chi Hậu chi, Cai đội đội nhất Trung hiệu là Nguyễn Văn Trung làm Phó trưởng chi.

Chính biên Đệ nhất kỷ- Quyển XVII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Nhâm tuất, năm Gia Long thứ 1 [1802], mùa hạ, tháng 5, Lấy Lê Văn Phong làm Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách, Võ Doãn Văn làm Phó đô thống chế, Phan Văn Đức làm Phó tướng Tả quân, Võ Đình Duyên làm Phó tướng Hậu quân, Lê Tiến Sâm làm Phó tướng Chấn võ quân, Trần Quang Thái làm Phó tướng Thần võ quân, Nguyễn Văn Xuân làm chánh thống Hữu đồn Tả quân, Trương Phước Phương làm chánh thống Hậu đồn, Nguyễn Văn Thống làm phó thống Trung đồn, Lê Văn Niệm làm chánh thống Tiền đồn Hậu quân, Mai Gia Cương làm chánh thống Hậu đồn (Phước Phương là cháu bốn đời của Tả phủ đô đốc quận công Trương Phước Thức)

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XXVI - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế ất sửu, Gia Long năm thứ 4 [1805] Tháng 2, Lấy Chánh thống Hữu đồn Tả quân là Nguyễn Văn Xuân làm Chánh quản mười cơ Ngũ kiên và Ngũ nhuệ.

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XXXIV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Mậu thìn, năm Gia Long thứ 7 [1808] Tháng 2, ở Khoái Châu trấn Sơn Nam thượng giặc nổi. Hiệp trấn Nguyễn Khắc Khoan đương ở kho Xích Đằng lập tức cùng quản phủ Lê Đức Kế đem quân úp bắt. Đến Điềm Xá thì giặc bỗng nổi dậy, Khắc Khoan và Đức Kế cố sức đánh đều chết cả. Thành thần sai Chánh quản thập cơ Tả quân là Nguyễn Văn Xuân đem binh và voi tiến đánh. Giặc bỏ trốn ban đêm. Xuân đuổi đến Vương Xá, bắt chém đồ đảng rất nhiều. (Điềm Xá, Vương Xá đều là tên xã, thuộc huyện Tiên Lữ).

Chính biên Đệ nhất kỷ - Quyển XXXVII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Kỷ tỵ, Gia Long năm thứ 8 [1809] (Thanh ??Gia Khánh năm thứ 14), mùa xuân, tháng giêng, Trấn thủ Sơn Nam hạ là Ngô Văn Tham ốm được nghỉ việc; lấy Chánh quản thập cơ Tả quân là Nguyễn Văn Xuân làm trấn thủ Sơn Nam hạ:

Đệ nhất kỷ - Quyển LII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Bính tý, Gia Long năm thứ 15 [1816] (Thanh ? Gia Khánh năm thứ 21), mùa xuân, tháng giêng, đắp bảo Châu Đốc. Trước đây vua thấy đạo Châu Đốc là nơi quan trọng ở biên thùy, muốn đặt bảo hiểm để giữ. Trước sai giám thành sứ là Nguyễn Đức Sĩ đến xem đo hình thế, vẽ bản đồ dâng lên. đến nay lấy lính thú ở Gia Định và lính cơ ở bốn trấn 3.000 người cấp tiền gạo cho ứng dịch. Sai Phó tướng tả quân là Nguyễn Văn Xuân, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường cùng Đức Sĩ trông coi công việc. Lại gọi 2.000 người quân dân Chân Lạp đến hội. Dụ vua Phiên là Nặc Chăn rằng: “Nước ngươi đời đời giữ bờ cõi ngoài phiên, một lòng kính thuận. Triều đình hằng nghĩ vỗ về để giữ yên cho. Việc đắp bảo này không phải là muốn phiền dân, mà cốt là bảo vệ Hà Tiên để sách ứng cho Nam Vang. Vương nên chọn ủy quan viên người nào lanh lợi siêng năng cho đem quân dân đến làm, khiến mọi người đều vui lòng như con đến làm cho cha vậy”. Rồi thấy binh dân nhiều người ốm và trốn, lại lấy thêm dân bốn trấn và lính đồn Uy viễn mỗi phía 1.000 người để sung vào. Sai thành thần ủy người ghi rõ công việc, cứ mười ngày thì tâu một lần. Dụ rằng: “Công việc thổ mộc, là việc bất đắc dĩ. Một phen đã làm, việc động binh dân thì nên hết lòng kinh lý, đừng để sai hẹn mà động đến việc nông”.

Đệ nhất kỷ - Quyển LV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Đinh sửu, Gia Long năm thứ 16 [1817] (Thanh ? Gia Khánh năm thứ 22), mùa xuân, tháng giêng Lại sai Gia Định lượng bắt lấy 1.000 người quân dân ở thành đắp bảo Châu Đốc, ủy cho Phó tướng Nguyễn Văn Xuân trông coi công việc.

Chính biên Đệ nhất ký - Quyển LVI - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Đinh sửu, Gia Long năm thứ 16 [1817], mùa thu tháng 7, Sai Phó tướng Tả quân là Nguyễn Văn Xuân quyền lãnh việc bảo hộ Chân Lạp. Bảo hộ là Lưu Phước Tường dung túng cho thuộc hạ sách nhiễu, làm khổ dân Phiên, việc phát giác, vua nói: “Phước Tường trước ở Vĩnh Thanh đã làm nhiều việc trái phép, nay lại như thế, tội không thể nói xiết được”. Tức thì hạ lệnh giải ấn bảo hộ, đưa về Gia Định xét trị, lấy Xuân để thay.

Đệ nhất kỷ - Quyển LVIII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Mậu dần, Gia Long năm thứ 17 [1818], mùa thu, Tháng 9, lấy Chưởng cơ lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy làm Thống chế, lại sai bảo hộ nước Chân Lạp, lấy Phó tướng quyền lãnh bảo hộ Nguyễn Văn Xuân lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh. Xuân trước mộ 100 người dân ngoại tịch lập làm hai đội Bảo biên tam tứ. Đến nay danh sách dâng lên, sai cùng với ba đội Tráng ngự, Cường ngự, Uy ngự và các đội Bảo biên (do cựu bảo hộ Lưu Phước Tường lập) lưu thú thành Nam Vang.

Làm duyệt tuyển ở ba dinh Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình và năm trấn từ Bình Thuận vào Nam. Sai bọn Đô thống chế Hoàng Viết Toản, Trấn thủ Tống Văn Khương, Cai bạ Nguyễn Văn Khiêm, Ký lục Nguyễn Văn Xuân, 14 người chia nhau đi làm. (Hai đạo Long Xuyên, Kiên Giang vẫn phụ vào tuyển trường Vĩnh Thanh).

Tháng 12, Triệu bảo hộ Chân Lạp là Nguyễn Văn Thụy về thành Gia Định, sai Tham tri Trần Văn Tuân lãnh việc bảo hộ. Trước Thụy thay Nguyễn Văn Xuân làm bảo hộ, người Chân Lạp không thích Thụy mà xin giữ Xuân lại, gửi thư đến Gia Định. Thành thần tâu lên. Vua dụ rằng : “Triều đình làm việc, cần hợp lòng người, người đã không muốn, không nên cưỡng ép. Nếu cưỡng ép thì gây nên hiềm khích ở chốn biên cương, không phải là kế hay. Nhưng Văn Thụy là bảo hộ đã có mệnh lệnh rồi, nay nếu không có gì mà triệu về thì ra việc đổi đặt tướng ở biên cương hình như phải chiều theo tình ý người Man, sự lấn dần cũng không thể để cho lớn lên được. Nay nên lấy cớ khác mà triệu Thụy về mà cho Tuân thay, để cho việc quyền nghi thay đổi hình như là bởi thành thần, mà co hay duỗi, cho hay lấy thì mệnh lệnh vẫn ở triều đình, như thế thì lòng khinh nhờn của dân Man có thể ngầm bẻ gãy được”. Bèn sai Tuân đi, mật dò việc biên cương để tâu lên. Lại sắc cho thành thần từ nay chương sớ của vua Phiên dâng lên phải mở ra xem trước, có nên tâu sẽ tâu.

Đệ nhất kỷ - Quyển LIX - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Kỷ mão, Gia Long năm thứ 18 [1819] (Thanh ? Gia Khánh năm thứ 24), mùa xuân, tháng giêng Lấy Phó vệ úy vệ Hữu bảo nhị Hữu quân là Nguyễn Văn Xuân làm Vệ úy, Phi kỵ úy Ngô Công Chính làm Phó vệ úy, Cai đội Tượng quân

Tháng 3, Triệu phó tướng Tả quân lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân về Kinh; lại lấy Thống chế Nguyễn Văn Thụy lãnh Trấn thủ Vĩnh Thanh. Trước đây Bảo hộ Chân Lạp là Trần Văn Tuân đã đến thành Nam Vang, thấy vua Phiên là Nặc Chăn bỏ trễ nhiều việc, quan Phiên mang lòng ngờ nhau, dâng biểu tâu lên. Vua thấy Xuân đã từng làm bảo hộ, biết kỹ tình hình người Man, triệu vào chầu. Khi hỏi đến việc Chân Lạp, Xuân thưa rằng : “Nặc Chăn nhu nhược, chính sự do ở chức Chiêu Chùy. Nay Chiêu Chùy chưa được người giỏi, bọn ốc Nha không thể sai bảo nhau, cho nên ngờ nhau. Nếu sai chọn một người ốc Nha làm Chiêu Chùy để cho việc có đầu mối thì nước sẽ yên”.

Tháng 4 nhuận, Tham tri quyền biện trấn vụ là Lê Bá Phẩm về Kinh. Lấy Phó tướng Tả quân là Nguyễn Văn Xuân lãnh Trấn thủ Nghệ An, Tham bồi Hình bộ là Nguyễn Huy Trinh làm Hiệp trấn. Lấy Vệ úy vệ Nghiêm uy quân Thần sách là Lê Viết Quý làm Trấn thủ Kinh Bắc, Phó thống Tả đồn Tiền quân là Hoàng Văn Nhị làm án phủ sứ Hoài Đức, Thuộc nội cai đội Lê Tiến Kế quản Đồ gia ở Bắc Thành.

Đệ nhị kỷ - quyển VII Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Tân tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 [1821] (Thanh Đạo Quang năm thứ 1), mùa xuân Tháng 2 ở Hương Sơn trấn Nghệ An có cướp nổi. Viên quan võ bắt cướp là Nguyễn Văn Thiết bị chết. Việc tâu lên. Vua dụ Trấn thủ Nguyễn Văn Xuân rằng : “Cuộc hành quân này quân cướp có 60 người mà quân của Thiết cũng 60 người, không phải là quân ít, giặc nhiều, mà không địch nổi, làm sao lại chịu thua ? ấy bởi tại ngươi ngày thường kỷ luật không nghiêm nên đến nỗi thế. Nay phải dạy khuyên quân lính, liệu phương lùng bắt, khiến cho giặc hết dân yên. Nếu điều độ sai trái, bọn cướp thừa cơ quấy rối thêm thì dù thương ngươi già, nhưng còn phép nước thì sao ? Ngươi phải kính theo lời ta, chớ chểnh mảng”. Dụ đến, Xuân sợ hãi xin nhận tội, rồi tức khắc thân đem binh voi, chia phái đuổi đánh, bắt được hơn 20 tên cướp. Xuân đem việc tâu, nói là chưa đủ lệ thưởng.

Đệ nhị kỷ - quyển xi Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Tân tỵ, năm Minh Mệnh thứ 2 [1821], mùa thu, tháng 9 Cho Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Xuân một thanh kiếm Tây chạm mạ vàng, một khẩu súng Tây chữ vàng và cho 19 người Vệ uý, Phó vệ uý Thần sách ở trấn, mỗi người một thanh kiếm Tây mạ bạc, một khẩu súng Tây chữ vàng. Nhân bảo Nguyễn Văn Xuân rằng : “Ngươi nên cấm bọn thuộc hạ, kẻ nào nhũng tệ, phải xử tử ngay để răn kẻ khác. Nếu răn cấm không nghiêm, ngươi không thể chối lỗi được. Ngươi nay đã tuổi già, nếu có lỗi lầm phạm pháp, thì trẫm rất thương. Nên cố gắng làm việc một hai năm nữa, cũng sẽ được triệu về Kinh”. Lại bảo Vệ uý Lê Mậu Cúc, Nguyễn Cửu Lợi rằng : “Trẫm nghe Nghệ An sai binh đi bắt cướp lại rút lấy ở các đội, mỗi đội hơn chục người. Binh ô hợp, ngày thường không biết có tướng, nhất đán gặp giặc, liệu có giữ cho khỏi lỡ việc được không ? Từ nay điều khiển nên dùng cả vệ cả đội, lâu ngày thì đổi, san sẻ công việc cho đều. Vả lại đạo dùng binh, uy phải hơn yêu mới được việc. Các tỳ tướng trở xuống, ai không theo lệnh phải xử theo quân pháp, thì người ta biết sợ, mà khi lâm trận dễ sai khiến”.

Vua nói : “Thưởng phạt đúng phép là đạo dụng binh. Có công không thưởng thì lấy gì mà khuyến khích”. Rồi sai đem bạc thưởng cho theo thứ bậc. Vua lại nghe tin trấn thần phái binh đi tuần bắt mà không cấp lương đi đường, bèn dụ rằng : “Thương nuôi quân lính là việc trọng yếu nhất của nhà binh. Nay giao cho trách nhiệm đi bắt cướp mà lại không cho ăn, thì có thể nào đói bụng mà trị được giặc ! Từ nay biền binh có việc công sai, phải tuỳ việc khó dễ, định hạn đi đường mà phát lương tiền cấp cho”.

Đệ nhị Kỷ - Quyển XVIII Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Nhâm ngọ, năm Minh Mệnh thứ 3 [1822] Tháng 12, Bọn giặc ở Nghệ An trộm nổi ở huyện Thanh Chương. Bổ biền là Phó vệ uý vệ Nghiêm võ Nguyễn Văn Minh bị giặc đánh thua, Cai đội Phạm Văn Định chết trận, binh nhiều người bị thương. Việc đến tai vua. Vua nói : “Hơn một trăm quan quân, mà không thể giết được một bọn giặc nhỏ, lại đến nỗi chết và bị thương, chức võ hèn đến thế là cùng. Nguyễn Văn Minh thì xử trượng và cách chức, đóng gông 3 tháng, gặp có sai phái cho gắng sức chuộc tội. Phạm Văn Định cho tiền tuất 50 quan”. Nhân dụ rằng : “Từ sau quan quân đi bắt giặc, như người nào gặp nguy mà liều chết không sợ và đánh nhau bị thương mà còn hăng hái tiến lên, lãnh binh đại viên hay quan trên sở tại tâu lên, sẽ lượng thưởng cấp. Nếu mình tự chạy trước mà bị giặc đánh bị thương, hoặc mới bị thương mà vất bỏ binh khí, thì theo luật trị tội”. Lại thấy bấy giờ Nghệ An phái thêm biền binh đi dẹp giặc mà không cấp lương, dụ quở rằng : “Trẫm nghĩ việc binh lấy lương hướng làm đầu, năm ngoái đã có chỉ rằng gặp có việc dẹp giặc mà bắt thêm binh lính đem đi thì đều cấp tiền gạo lương tháng, nay lại không cấp là sao ? Bọn ngươi chịu trách nhiệm quan trọng một phương mà tối tăm sai lầm như thế thì lỗi đổ cho ai ? Lại nghe tin bọn ngươi quen thói bậy, binh phái đến 7 trăm người mà chỉ tâu có 4, 5 trăm, sao thế ? Chẳng qua là bọn ngươi có ý mưu tránh, sợ binh nhiều mà không thể bắt được giặc nhỏ, cho nên đặt sẵn lối thoát. Thực không nghĩ, một binh tất có số lượng của một binh, binh nhiều lương ít có được không ? Vậy phải theo số mà cấp. Từ sau có phái biền binh đi, bất luận số ngày nhiều ít, đều phải cấp đúng lệ, không được chần chờ chậm trễ”. Trấn thần là Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Hữu Bảo đều giáng 1 cấp. Nguyễn Kim Truy làm việc còn ít ngày, phạt bổng 9 tháng.

Đệ nhị kỷ - quyển XXVI thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Giáp thân, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) (Thanh Đạo Quang năm thứ 4), tháng 3, mùa xuân, Gọi Phó tướng Tả quân lĩnh Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Xuân và Hiệp trấn Nguyễn Kim Truy về Kinh ; lấy Phó đô thống chế Trung dinh quân Thần sách lĩnh Trấn thủ Quảng Ngãi là Nguyễn Văn Soạn lĩnh Trấn thủ Nghệ An, thự Tham tri Hình bộ Vũ Xuân Cẩn lĩnh Hiệp trấn Nghệ An. Kim Truy đến Kinh vào yết kiến, vua hỏi công việc trong trấn, quở rằng : “Ngươi có trách nhiệm chăn dân, dân đói không tâu lên, để dân đến nỗi mặt xanh mình gầy là sao vậy ?”. Đáp rằng : “Dân bị đói chết cũng chỉ là đồn nhảm”. Vua bảo rằng : “Trước đây Vũ Xuân Cẩn phát chẩn, có đến hơn trăm người đến chỗ phát chẩn mà chết đói, còn bảo là đồn nhảm sao ?” Truy lại tâu rằng : “Đến lĩnh chẩn, hoặc có người đến chết là do khí độc nên thế thôi”. Vua bảo : “Dân đói rét đã chẳng biết nuôi nấng lại tìm cách nói che đậy, đạo làm tôi có như thế ư ?” Truy sợ hãi xin chịu tội. Xuân đến cũng dâng sớ nhận lỗi. Vua thương là già, đều tha cho.

đệ nhị kỷ - quyển XXIX thực lục về thành tổ nhân hoàng đế Giáp thân, năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), mùa thu, tháng 9, lấy Phó tướng quân Nguyễn Văn Xuân làm Phó tướng Hữu quân.

đệ nhị kỷ - quyển XXXV thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế ất dậu, năm Minh Mệnh thứ 6 [1825], mùa thu, tháng 9. Triệu Vệ uý vệ Phấn võ quân Thần sách là Đỗ Văn thịnh, Vệ uý vệ Tráng võ là NguyễnVăn Lợi, Vệ uý vệ Túc võ là Nguyễn Văn Xuân vào ra mắt. Sai bộ Binh ghi tên để bổ Trấn thủ. Rồi Xuân chết ; cho 1 cây gấm Tống 100 quan tiền.

đệ nhị kỷ - quyển XXXIX Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Bính tuất, năm Minh Mệnh thứ 7 [1826], mùa hạ, tháng 5. Bọn Nguyễn Xuân Thục và Trần Văn Tính cũng theo lời của các quan Khâm thiên giám. Lại Lê Công Tường chỉ dẫn một ngôi đất ở xứ Nhự Mai, phường An Bình thì quan Khâm Thiên giám Nguyễn Danh Giáp và Hoàng Công Dương đều khen là toạ Tuất, hướng Thìn, kiêm hướng Tân ất, là ngôi đất tốt. Trần Văn Năng, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Xuân Thục và Trần Văn Tính, đều khen như lời các quan Khâm thiên giám. Bọn Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Huy Tá và Phan Cử thì còn ngờ ngôi đất ở xứ Nhự Mai, vì không thấy chỗ mạch khí dồn thắt. Bọn Tống Phước Lương, Trần Đăng Long, Trần Lợi Trinh, Phạm Văn Quyền, Đoàn Văn Trường, Ngô Văn Vĩnh, Hoàng Kim Xán, Bùi Đức Minh, Hoàng Kim Hoán, Nguyễn Đăng Tuân, Phan Huy Thực, Trần Quang Tĩnh, Hoàng Văn Quyền và Hoàng Văn Diễn đều cùng ý kiến với Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Huy Tá và Phan Cử).

đệ nhị kỷ - quyển XLV Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Đinh hợi, năm Minh Mệnh thứ 8 [1827], mùa hạ, Tháng 5, Nước Chân Lạp bắt được 3 tên gián điệp người Xiêm, giải sang Gia Định. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua dụ rằng : “Nước Xiêm đương có nội biến, chẳng khỏi ngờ vực, đó cũng là tự mưu việc nước họ thôi, không phải dòm ngó nước ta đâu. Nên tha ngay, tỏ ra mình không có ý gì khác”. Quốc trưởng nước Vạn Tượng là A Nỗ đánh nhau với nước Xiêm bị thua ; con là Chiêu Ba Thắc bị nước Xiêm bắt, quân và dân tan đi các nơi. A Nỗ thế cùng, chạy ra Ba Động, xin liệt làm dân ngoài biển của nước ta và giữ lễ cống để cầu quân cứu viện. Nghệ An đem việc tâu lên. Vua sai đình thần bàn cách xử trí, đều cho rằng : “Nước Vạn Tượng là thuộc quốc của ta, nay có nạn mà quy thuận ta, nghĩa không nên cự tuyệt. Xin chọn vị đại thần võ ban cho quyền lĩnh Trấn thủ Nghệ An, sai cùng với hiệp trấn và tham hiệp đem quân giữ bờ cõi, vẫn cho Vạn Tượng trú ở Ba Động ; nếu nước Xiêm đến đòi thì tỏ rõ nghĩa lý mà khước đi ; nếu họ xâm lấn bờ cõi ta, quấy rối dân man ngoài biên của ta, thì coi như cầm thú làm hại ruộng ta mà trừ đi. Như thế nước Xiêm sẽ sợ then máy của ta, mà nước Vạn Tượng cũng được nhờ ta che chở”. Vua xem lời tâu nói rằng : “Nước Vạn Tượng gây hấn trước, nước Xiêm cất quân lần này là cốt bắt cho được kẻ địch, quét sạch sào huyệt thì mới hả lòng, thế tất đến gần cõi ta, quấy thuộc man của ta ; nếu ta không phòng bị trước thì chưa khỏi khi lâm sự sẽ mất nhiều công trù tính”. Bèn sai điều động lính thú ở Thanh Nghệ đóng giữ nơi bờ cõi. Sai Đô thống chế dinh Long võ quân Thị nội là Phan Văn Thuý sung chức Kinh lược biên vụ đại thần, kiêm lĩnh Trấn thủ Nghệ An, Phó tướng Hữu quân là Nguyễn Văn Xuân sung Bang biện quân vụ đại thần, Phó đô thống chế Trung dinh quân Thần sách là Đoàn Văn Trường và Thống chế Tượng quân là Lê Văn Hoan, đều sung Bang biện quân vụ, Thượng thư Lại bộ là Trần Lợi Trinh sung Tham tán quân vụ đại thần, Tham tri Binh bộ là Nguyễn Công Tiệp sung Tham tán quân vụ, đem hơn 2.000 Kinh binh, 30 thớt voi, chọn ngày tiến quân. Đều thưởng cho quần áo và tiền lương một tháng. Lại phái thái y theo đi điều hộ.

đệ nhị kỷ - quyển XLVI Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Đinh hợi, năm Minh Mệnh thứ 8 [1827], tháng 5 nhuận. Lấy Cai đội thự Phó vệ uý là Nguyễn Văn Tình làm Cai cơ thự Phó vệ uý, vẫn quản lĩnh các đội Dực võ, kiêm quản ngư hộ và hành tẩu ở xứ Ngân bài thị vệ, Cai đội Trương Viết Suý làm Cai cơ thự Phó vệ uý vệ Giám thành, Nguyễn Văn Xuân làm Cai cơ thự Phó vệ ý vệ Võng thành.

Bọn Kinh lược biên vụ Phan Văn Thuý mới đến Nghệ An, cho là tin tức quân Xiêm còn xa, quân ta chưa nên khinh động, sai Cai đội vệ Phấn võ là Nguyễn Trọng Thai đi đến bản Triệu Sần hỏi thăm và yên uỷ người Vạn Tượng. A Nỗ thấy Thai đến rất mừng, phước thư nói quân Xiêm sắp đến Lạc Hoàn, xin cho đem quân đến bảo hộ. Bọn Thuý bèn bàn chia phát binh và voi, sai Nguyễn Văn Xuân và Lê Văn Hoan tiến đóng ở Kỳ Sơn, Đoàn Văn Trường tiến đóng ở Quy Hợp, Nguyễn Công Tiệp biện lý quân lương. Thuý cùng Trần Lợi Trinh ở lại trấn Nghệ An đợi báo tin và đem việc tâu lên. Vua dụ rằng : “Vạn Tượng hèn nhát như thế, đã là uỷ mị không hăng hái được, nhưng không biết người nước ấy còn có lòng suy tôn không ; những bầy tôi đi theo còn có mưu thần mãnh tướng hăng hái khảng khái có thể giúp việc không ? ấy đều là những điều rất quan trọng ngày nay, kíp nên xét thực tâu ngay để trẫm trù liệu”. Bọn Thuý liền tâu rằng : “Dân Vạn Tượng phần nhiều vui theo nước Xiêm, các bề tôi đi theo không có ai cùng bàn tính được”. Vua nói : “Lòng người đã tan rã, không phục hưng được”. Phan Văn Thuý, Trần Lợi Trinh, Nguyễn Công Tiệp tiến quân đến đóng ở Quy Hợp. Thám tử về nói rằng quân Xiêm đã qua sông Khung Giang sang phía Bắc, đóng quân ở Lạc Hoàn, lùa dân về Mục Đa Hán. Bọn Thuý bèn dẫn binh tiến nữa, đem việc tâu lên. Vua dụ rằng : “Lạc Hoàn là cống Man của ta, sao để cho người ngoài xâm nhiễu được ; nhưng nay tin tức cõi biên chưa được xác đáng, bọn ngươi nên sai người đến Lạc Hoàn đưa thư cho tướng Xiêm, bảo cho họ biết lẽ phải trái, khiến họ tự lui quân ; nếu họ bắt sứ của ta, càn rỡ gây chiến, thì chạy tâu ngay. Điều quan trọng đạo hành quân là nên cẩn thận, mà tự ta không gây hấn trước, đó là thượng sách”. Bọn Thuý sai thám tử đến thì quân Xiêm đã đi rồi. Thám tử bèn đến thành Vạn Tượng, đưa thư rồi về. Tướng Xiêm cũng phước thư không dám cãi biện. Đoàn Văn Trường từ Quy Hợp tiến đến Ba Động. A Nỗ nghe quan quân đến, lại về ở Ba Động.

Tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội quy phục. Trấn Ninh nguyên trước thuộc bản đồ nước ta, đời Gia Long mới đem đất ấy cho nước Vạn Tượng. Đến nay Quốc trưởng Vạn Tượng chạy ra ngoài, nước Nam Chưởng nhờ thanh thế quân Xiêm, thừa cơ đến lấn, dân Man rối loạn. Gặp thám tử của ta đến, Chiêu Nội muốn mưu trở về, nhân xin tiến quân để ngăn xâm lược. Phan Văn Thuý sai Trần Lợi Trinh đến Kỳ Sơn họp cùng bọn Nguyễn Văn Xuân và Lê Văn Hoan mà tuỳ nghi điều độ. Tờ tâu vào. Vua bảo bầy tôi rằng : “Trấn Ninh đã cáo cấp, nếu quân ta không đến sớm, chúng nó nghe gió thổi hạc kêu cũng đã sợ, thế tất chạy đến Kỳ Sơn, lại tốn công một phen xếp đặt ; chi bằng nhân thế mà giữ đất vỗ dân, vừa để yên lòng dân mới phụ, vừa để át khí thế người Xiêm”. Bèn dụ bọn Nguyễn Văn Xuân, Trần Lợi Trinh, Nguyễn Văn Hoan, đem biền binh đến đóng giữ ngay Trấn Ninh. Bọn Xuân sai Vệ uý vệ Nghiêm võ là Tạ Quang Cự và Phó vệ uý vệ Tuyển phong trung là Nguyễn Văn Linh đem 600 quân đi trước, và tâu rằng từ Kỳ Sơn đến Trấn Ninh núi khe hiểm trở, vận tải không tiện. Vua dụ rằng : “Trấn Ninh đã thực lòng quy phục, triều đình nhân đó mà nhận, danh nghĩa rất chính ; vả lại có thể mở bờ cõi, mạnh phên giậu của ta, cơ hội không thể bỏ lỡ, há có thể vì tính việc hơi khó mà vội giữa chừng bỏ dở à ? Vả nay bảo Lãng Điền hiện chứa muối gạo hơn 3.000 phương, chở đến quân thứ cũng tiếp tế được. Ngày dụ này đến nơi, bọn ngươi phải trước sai người bảo Chiêu Nội chuẩn bị nhiều lương thực ; Lê Văn Hoan ngươi thì quản binh tượng đóng lại ở Kỳ Sơn, Nguyễn Văn Xuân, Trần Lợi Trinh các ngươi thì chọn ngay 300 tinh binh cùng một loạt tiến lên, người nào cũng mang lương và bạc mà đi ; ngày đến Trấn Ninh, trù lương ăn, sửa thành luỹ, chiêu dụ dân Kinh và người Di sở tại, hỏi rõ các sổ sách về đất đai, hộ khẩu, thuế khoá, cùng hết thảy công việc thiện hậu cho theo thứ tự mà làm, rồi tuỳ việc tâu lên”. Vua từng cùng bầy tôi bàn việc ngoài biên. Dụ rằng : “Trấn Ninh vốn là bờ cõi cũ của ta, xưa đức Tiên đế đem cho Vạn Tượng, không tính đến tiết nhỏ. Nay A Nỗ xiêu dạt, tù trưởng đất ấy không chỗ nương tựa, lại đem đất ấy dâng ta, thế là ta không mất một mũi tên mà được người xa thần phục, kinh lược như thế là có tiếng giỏi. Vả lại đất ấy hiểm yếu, đời Lê trước Lê Duy Mật chiếm giữ hơn 30 năm, nhà Lê không làm gì được, hình thế vững chắc như thế đấy. Nay lại về ta, thực đủ san phẳng sào huyệt của kẻ gian mà thêm phên giậu mạnh cho nước nhà”. Bầy tôi đều chúc mừng. Vua lại nói : “Trấn Ninh quy phục, cố nhiên là đáng mừng ; nhưng Vạn Tượng thực là khó xử. A Nỗ cùng khốn mà chạy về với ta, từ trước đến giờ giao cả cho quan ngoài biên xếp đặt, triều đình chưa có một mảnh giấy nào, nếu A Nỗ biết nghĩ, tất phải ngờ sợ. Nay trẫm muốn đưa thư yên ủi mà thực khó nói ; vả lại hiềm không đưa thư sớm nên vẫn canh cánh bên lòng. Gần đây lại nghe A Nỗ muốn theo quân ta về thành cũ, ta khước thì vô tình, mà theo ý họ đưa họ về, thì rừng núi gập ghềnh, hành quân nghìn dặm, không khỏi có sự lo ngại bất kỳ. Kế ngày nay chẳng gì bằng cứ để A Nỗ ở đấy mà tính dần, đưa thư cho Xiêm rồi sau sẽ liệu xếp đặt thì phải”. Phó đô thống chế Trần Đăng Long tâu rằng : “Nước Xiêm là láng giềng với ta, nay dụng binh mà không báo cho ta biết là giấu ta ; chẳng gì bằng đem kế của họ làm kế của mình, giả làm không biết, cho đưa A Nỗ về nước, quân ta đã có tiết chế, nếu gặp quân mai phục thì úp đánh mà giết đi, không chỗ nào là không lợi, can gì phải đưa quốc thư”. Thự Trung quân Tống Phước Lương tâu rằng : “Nước Xiêm cùng ta giao hiếu đã lâu, bây giờ đưa A Nỗ về mà không gửi thư cho họ, được đường nọ mất đường kia, không phải là kế vạn toàn, xin nghĩ kỹ lại”. Vệ uý vệ Phấn võ là Lê Văn Giai, Cai án Nghệ An là Nguyễn Huy Lệ, án thủ châu Quy Hợp là Trần Văn Giá, nhân đi việc công, sách nhiễu tiền của người Man Ba Động, Phan Văn Thuý xét được thực trạng tâu lên. Bọn Giai đều phải cách chức. Sai chiếu số tang vật, tính thành bạc lạng trả cho dân Man. Mấy nghìn dân đói của các Man Sô Liên, Song Khả và Cổ Khẳng thuộc nước Xiêm xiêu tán đến ở phủ Bông Xuy nước Chân Lạp, hái lá cây và nấu bèo để ăn, nhiều người chết đói. Thành thần Gia Định đem việc tâu lên. Vua động lòng thương nói rằng : “Dân nước Xiêm xiêu tán đông như thế, nước Chân Lạp chứa thóc không được mấy, lấy gì giúp đỡ nhau. Trẫm thương dân như một, sao nỡ ngồi trông mà không cứu”. Bèn sai phát 4.000 phương gạo và 200 phương muối phát chẩn cho.

chính biên đệ nhị kỷ - quyển XLVII Thực lục về thánh tổ nhân hoàng đế Đinh hợi, năm Minh Mệnh thứ 8 [1827], mùa thu, tháng 7, Binh sĩ ở quân thứ Nghệ An càng ngày càng nhiều người ốm. Bọn Kinh lược đại thần Phan Văn Thuý đem việc tâu lên. Vua dụ rằng : “Vạn Tượng là thuộc quốc của ta, cùng khốn chạy về với ta, triều đình không nỡ ngồi xem, vì họ mà ra quân là nghĩa giúp người có nạn. Đất ngoài biên lam chướng, cảm nhiễm thế không tránh được, nếu vội vì thế mà giữa chừng bỏ dở, chẳng những phí công trù tính, mà việc làm trước là do chủ trương gì ? Vậy hạ lệnh cho trấn thần Nghệ An phái thêm thầy thuốc mà săn sóc binh sĩ. Bọn ngươi lại phải nghiêm giữ bờ cõi, dò xét cho đích xác sự động tĩnh của người Xiêm mà tâu lên”. Bèn phát 20 cân bạch đậu khấu trong kho nội sai Thị vệ đem cấp cho. Bọn Phan Văn Thuý liền sai người do thám, biết rằng người Xiêm từ khi nghe quân ta đóng áp đất thì để lại tướng là Xú Pha Hoạ Di cầm vài nghìn quân, cùng với em A Nỗ là ấp Ma Hạt đóng ở thành Vạn Tượng, còn rút về hết. Bèn đem sự trạng tâu lên. Vua bảo bầy tôi rằng : “Làm việc kinh lược này là lấy thanh thế mà trấn tĩnh ngoài biên. Vừa rồi quân ta mới đến Kỳ Sơn thì Trấn Ninh đã cầu nội phụ. Nay người Xiêm lại tự rút về, chưa từng lấn dân biên thuỳ của ta, quân ta được tiếng, lại thu được thành hiệu ấy, chính có thể nghỉ việc yên dân, tuỳ nghi xếp đặt. Vậy dụ cho Đoàn Văn Trường từ Ba Động rút quân, chọn 1.000 quân tinh tráng ở lại giữ châu Quy Hợp. Phan Văn Thuý thì đem đại đội binh tượng về thành tỉnh Nghệ An nghỉ ngơi”. Quân Nguyễn Văn Xuân và Trần Lợi Trinh đến Trấn Ninh, người Nam Chưởng cũng nghe tiếng rút trước. Tờ tâu vào. Vua dụ rằng : “Trấn Ninh tình hình đã không nghiêm cấp nữa, việc phòng bị hơi thư, nếu để nhiều quân ở đây, cảm nhiễm lam chướng lâu ngày thì ốm đau càng nhiều. Vậy nên theo dụ trước, những việc cần như sửa sang đồn luỹ thu lấy sổ sách hộ khẩu, thuế khoá, phải trong tuần nhật làm xong, lượng để lại 300 quân sức khoẻ, sai một người Quản vệ đóng giữ đất ấy. Lại hiểu dụ những man tù mới phụ để họ khỏi ngờ sợ. Bọn ngươi cùng Lê Văn Hoan đều rút về Nghệ An, cho quân nghỉ sức”. Cho Quốc trưởng Vạn Tượng là A Nỗ đến ở Nghệ An. A Nỗ ở Ba Động khẩn thiết xin nương tựa triều đình, bọn Phan Văn Thuý đề đạt lên. Vua bảo bầy tôi rằng : “A Nỗ trú ngụ ở ngoài, ăn sương nằm gió, tình cũng đáng thương ; vậy truyền lệnh cho Nghệ An, làm công quán ở ngoài trấn thành cho A Nỗ ở. Lại cho một đạo sắc dụ, 1.000 lạng bạc, sai Nguyễn Công Tiệp mang đến nơi và đưa A Nỗ về trấn. Ngày A Nỗ đến trấn, cho chọn một người con hay cháu đến Kinh chiêm cận. Khi trước A Nỗ bỏ nước chạy, em là ấp Ma Hạt không chịu theo, A Nỗ đem mẹ và 4 người con của ấp Ma Hạt cùng đi. Đến bấy giờ ấp Ma Hạt gửi thư cho con An Nỗ là Hạt Xà Bông mời A Nỗ về nước, lại xin mẹ con nó về để khỏi xiêu dạt. Tướng Xiêm là Xú Pha Hoạ Di cũng gửi thư cho A Nỗ nói đã xin lỗi vua Xiêm, vua Xiêm đã xá lỗi cho, đừng ngờ nữa. Phan Văn Thuý đem việc tâu lên. Vua bảo bầy tôi rằng : “Thư ấy lời lẽ hư thực dẫu chưa biết rõ, nhưng A Nỗ đã về với ta, xử trí thế nào cũng nên định sớm. Nay ấp Ma Hạt đã có thư ấy, nhân cơ hội ấy mà làm thì là trúng khớp. Vả mẹ con nó đã bị A Nỗ bắt giữ, có người khuyên trẫm bảo A Nỗ tha ra thì thế nào ?”. Tống Phước Lương tâu rằng : “Di Địch cũng như cầm thú, không lấy nhân nghĩa bảo được ; ấp Ma Hạt đương ghét anh nó, thì thương gì mẹ con, giữ lại cũng chẳng ích gì !”. Phan Huy Thực nói rằng : “Đế vương chế ngự Di Địch, vẫn cẩn thận cái thuật ràng buộc ; chẳng bằng giữ lại một nửa để cho họ còn lòng quyến luyến để ngày sau có chỗ khu xử”. Vua hỏi Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ, đều nói như lời của Thực. Vua nói : “ý trẫm cũng thế. Phàm tranh thiên hạ thì không đoái đến việc nhà, nên Hán Cao tổ mới có lời nói chén canh(() Chén canh : tức là “bôi canh”, xưa Hán Cao tổ và Hạng Vũ tranh nhau thiên hạ, Hạng Vũ bắt bố Hán Cao tổ giữ ở trong quân, Cao tổ đem quân đánh, Hạng Vũ doạ mổ bố Cao tổ, Cao tổ trả lời : “Tôi với anh là anh em, bố tôi cũng là bố anh, có mổ cho tôi một bát canh”.) ; nhưng Thái công và Lữ hậu chưa về, nên chưa dám cùng với Sở tử chiến, đến khi bố và vợ đã về rồi, thì lời ước Hồng Câu(() Hồng Câu ước : Hán Sở giảng hoà, lấy Hồng Câu làm giới hạn, Hồng Câu trở về Đông là Sở, trở về Tây là Hán. Hoà ước ký xong, Sở mới trả Thái công và Lữ hậu về Hán.) không đủ tin cậy nữa. Nay ấp Ma Hạt dẫu muốn chiếm cứ Vạn Tượng, nhưng mẹ con còn xa nhau, dẫu là mọi rợ há không có tình cốt nhục ư ? Nếu cho về hết cả, nó không vướng víu gì, ngày khác xử trí cũng khó. Vậy nên dụ cho Nghệ An truyền dụ cho A Nỗ rằng triều đình sớm tối sẽ đưa về nước, nên tự xét vì cớ gì mà phải chạy, mình tự trách mình, chớ hiềm thù với em và cháu, lại càng nên khéo vỗ về thân quyến bộ lạc để ngày sau sẽ dùng. Lại nên tự viết thư rồi cho một người con ấp Ma Hạt cùng một vài người bộ lạc thân tín đem thư về, để xem động tĩnh thế nào”. Dụ ấy chưa đến, A Nỗ đã nói trước với quan trấn muốn cho con ấp Ma Hạt về để dò thăm sự tình. Vua nghe tin ấy, bảo thị thần rằng : “Trước trẫm ngờ A Nỗ không chịu tha con Ma Hạt nên dụ bảo thả cho về. Nay hắn đã biết như thế, chính hợp ý trẫm. Nếu trời không muốn nước Vạn Tượng loạn lạc, khiến ấp Ma Hạt nghĩ lại đi đón anh về, ta nhân đó gửi thư cho nước Xiêm và đưa A Nỗ về nước, thì dân ta cũng được nghỉ vai ; nếu không thế thì khó lòng tránh khỏi việc binh đao. Vả nó vốn là thần bộc nước Xiêm, nay ta thừa thế mà lấy, không phải là cách hoà hảo với nước láng giềng, sao ta lại làm thế ?”. Bộ lạc Man Cai xin quy phục nước ta, gửi thư nói vì nước Nam Chưởng cướp phá, xin đem quân bảo hộ, cho được cùng với Trấn Ninh làm dân ngoài biên. Bọn Nguyễn Văn Xuân đem việc tâu lên. Vua bảo thị thần rằng : “Nước Nam Chưởng chẳng qua nhờ quân Xiêm mà doạ nạt Man Cai, nếu nó sớm biết thanh thế quân ta thì chưa chắc đã dở trò ấy”. Bèn dụ cho bọn Xuân truyền hịch cho Nam Chưởng nói rằng Man Cai đã là thần thuộc của triều đình, những người và súc vật mà Nam Chưởng cướp lấy từ trước phải trả lại ngay”. Lại vỗ về Man Cai, khiến họ yên ở làm ăn. Hịch ấy đến Nam Chưởng, các tù trưởng hoảng sợ bảo nhau chớ phạm đến bờ cõi của ta, rồi gửi thư đến tạ lỗi.

Tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội đem hiến sổ thổ địa nhân dân (đinh 3.000 người, điền 28 sở), xin định lệ cống. Lại có huyện thổ mục bảy huyện là Xa Hổ, Sầm Tớ, Man Soạn, Mường Lan, Trình Cố, Sầm Nưa và Man Xôi đến quân thứ bọn Nguyễn Văn Xuân nói rằng trước cùng với Trấn Ninh vốn là dân ngoài biên của nước ta, từ khi cho về Vạn Tượng việc cống bèn thôi, nay Vạn Tượng đã mất nước, xin lại dâng cống như trước. Bọn Xuân đem việc tâu lên. Vua dụ rằng : “Triều đình làm việc kinh lược là thương cứu nạn yên dân, vốn không phải lấy thổ địa làm lợi. Nay bọn ấy thành thực quy phục, nên theo lời xin để yên lòng người mới phụ”. Bèn cho Chiêu Nội làm Phòng ngự sứ phủ Trấn Ninh, quản lý việc phủ ; thổ mục bảy huyện đều cho làm Thổ tri huyện và Huyện thừa, ban sắc và ấn kiềm (phủ thì ấn đồng, huyện thì dấu đồ ký bằng đồng, cùng mỗi nơi một cái kiềm gỗ), có việc gì cho đến trấn Nghệ An mà báo. Còn như kỳ cống và đồ cống sẽ chuẩn định sau. Dụ rằng : “Tự nay về sau đều nên giữ bờ cõi, yên nhân dân, kính theo lễ triều cống, không cứ việc lớn nhỏ, không được theo nước Vạn Tượng sai khiến”.

Triệu Kinh lược biên vụ đại thần là bọn Phan Văn Thuý về Kinh. Đến nơi, vua yên ủi hỏi han hồi lâu. Sai bộ Binh tuyên chỉ úy lạo các tướng sĩ, cho yến lạc(() Yến lạc : ăn yến và vui chơi.) ở cửa Chấn Hanh 3 ngày. Thưởng cho bọn Phan Văn Thuý, Nguyễn Văn Xuân, Trần Lợi Trinh, Đoàn Văn Trường, Lê Văn Hoan đều gia một cấp ; Quản vệ quản cơ trở xuống đến binh lính đều thưởng kỷ lục và lương bổng theo thứ bậc. Chỉ có Nguyễn Công Tiệp làm việc nhiều sai lầm không được dự thưởng. Sai trấn thần Nghệ An chọn phái biền binh Thần sách đóng giữ Quy Hợp, Lãng Điền và phủ Trấn Ninh ; rồi vì ngoài biên không có việc gì lại cho rút về

Đệ nhị kỷ - Quyển LI Thực lục về Thánh tổ nhân hoàng đế Mậu tý, năm Minh Mệnh thứ 9 [1828], mùa xuân, tháng 3, Hữu quân phó tướng là Nguyễn Văn Xuân 76 tuổi, dâng biểu xin hưu trí. Vua dụ : “Ngày nay cựu thần ở triều như khanh không có mấy người, sao lại vin tuổi già mà thôi việc. Nên ở lại làm gương mẫu cho bọn hậu tiến. Lại chẳng tốt hơn à ?”. Xuân lạy tạ.

Sai quan đi kinh lược việc biên giới ở Trấn Ninh. Năm ngoái quốc trưởng nước Vạn Tượng là A Nỗ nhân vì nạn chạy sang ở công quán Nghệ An từ mùa hạ đến mùa xuân nước ấy bặt không tin tức. Vua sai trấn thần bảo A Nỗ rằng : “ấp Ma Hạt Chi đối với quốc trưởng thì có nghĩa là vua tôi, tình là anh em, thế mà cướp nước đuổi anh, lòng gian dối chẳng hỏi cũng biết. Trước đây nói tướng nước Xiêm đã xin lỗi hộ với vua Xiêm, vua Xiêm đã bỏ quá đi rồi. Đó là lời nói khống, không thể tin được. Bây giờ phải gia ý kinh doanh để mong khôi phục lấy nước. Việc nước cậy được là ở lòng người. Nếu còn muốn tự cường thì phải dời đến gần biên giới để thông tin tức với người trong nước, hay sai người ngầm về dụ người trung nghĩa, rồi nhờ uy đức triều đình để khôi phục nước, đó là việc của bản thân quốc trưởng, nên nghĩ cho kỹ”. A Nỗ nói rằng đã cho người về chiêu dụ các bộ lạc ứng nghĩa, được đến vạn người. Xin nhờ quan quân đưa về đến đất nước để lấy tiếng viện trợ, ông ta sẽ tự đem quân dân đến thẳng thành cũ. Nếu gặp quân nước Xiêm ngăn trở thì sau tự đương đầu không dám phiền đến một người quan quân. Việc xong rồi mà nước Xiêm lại đến xâm lược thì thề chết giữ lấy thành trì, không trốn như trước nữa. Trấn thần đem việc ấy tâu lên. Vua sai đình thần bàn. Quần thần cho rằng : “Cứu tai, thương nạn nghĩa nên như thế thế ? A Nỗ đã có chí phục quốc, lại có cơ hội phục quốc, triều đình chính nên xử trí. Bây giờ đương mùa hạ, nước lụt chưa lâu, sai đại thần đem quân đóng ở bờ bắc sông Khung Giang, đợi A Nỗ sang sông, qua tuần nhật mà vô sự thì quân ta rút về, như thế để cho A Nỗ nhờ ta mà được phục quốc, để tỏ lòng nhân của ta đã dựng lại nước bị mất, nối lại mối bị đứt. Vả lại nước Xiêm đối với ta là nước láng giềng, mà nước Vạn Tượng là bề tôi của hai nước. Trước ta thương vì cùng khổ mà nuôi vỗ nay xin về thì đưa về, thực là việc nghĩa cử. Xin sai sứ đưa thư sang nước Xiêm nói rõ đại ý của triều đình, như thế thì việc làm chính đại quang minh không ai nói vào đâu được”. Vua cho là phải. Trước sai Viên ngoại lang Binh bộ là Hoàng Sĩ Quang đem sắc thư hội đồng với trấn thần bảo cho A Nỗ biết. Lại sai Đô thống chế dinh Long võ là Phan Văn Thuý làm Kinh lược đại thần, Phó tướng Hữu quân là Nguyễn Văn Xuân làm phó, Tham tri Hiệp trấn Nghệ An là Nguyễn Khoa Hào làm Tham tán, đem tướng sĩ hơn 3.000 người và 20 thớt voi đến Trấn Ninh, tìm chỗ đóng quân, lượng phái biền binh đưa A Nỗ về nước. Bọn Phan Văn Thuý bệ từ. Vua dụ rằng : “Lần này đi làm việc nhân nghĩa, mà rất quan hệ đến quốc thể. Quân ta đến biên giới nếu người Xiêm kháng cự thì nên đưa thư bảo lấy nghĩa lớn mà bảo cho họ thôi. Nếu họ còn dám gây chuyện thì ta có cớ”. Lại nói : “Nước Vạn Tượng đã yên thì khải hoàn ngay. Hoặc có xảy ra việc gì cần phải ở lại để xếp đặt thì cho tiện nghi mà làm, sớm tâu ta biết. Các ngươi nên hết lòng thể tất việc nước, theo cơ hội mà làm. Những lời của thiên tỳ ((1) Thiên tỳ : chỉ các chức võ quan cầm quân bộ phận như thiên tướng, tỳ tướng.1) có thể dùng được cũng nên theo, không nên chỉ giữ ý kiến của mình”. Lại truyền dụ các Vệ uý trở xuống rằng: “Các ngươi xông pha lam chướng ta đã biết hết. Duy việc nghĩa nên làm cho nên tôi con phải chịu khó nhọc. Phải nên tuân lệnh tướng suý nghiêm giữ quân lính, chớ cho quấy cướp dân biên giới mà phạm quân luật”. Bèn thưởng cho Phan Văn Thuý và Nguyễn Văn Xuân mỗi người một cái áo đoạn gấm mở bụng, 1 cái quần nhiễu, thưởng cho tướng sĩ quần áo lương bổng theo thứ bậc. Lại thấy quân đi núi khe lam chướng, sắc cho trấn thần Nghệ An sắm nhiều thuốc men, phái y sinh đi theo quân mà điều hộ. Lại tự trấn thành đến Lạc Điền thuộc đất Trấn Ninh dọc đường đều đặt trạm, bắt dân lần lượt canh trực để thông tin tức việc quân. Sai sứ giao hiếu với nước Xiêm. Vua bảo bầy tôi rằng : “Nước Vạn Tượng cùng nước Xiêm có việc hiềm khích, nước Xiêm không đòi hỏi đến cùng, cũng là vì dựa vào ta. Nay ta đưa [A Nỗ] về nước, lại đưa một bức thư sang Xiêm, khiến họ bỏ hiềm khích cũ với Vạn Tượng thì về đạo đối xử nước nhỏ, hoà mục láng giềng hai mặt đều được tốt cả”. Bèn lấy thự Lang trung Công bộ là Lê Nguyên Hy làm Chánh sứ, Cai đội vệ Thần cơ hậu là Nguyễn Văn Lễ, Chủ sự Thái thường tự là Bùi Ngọc Thành làm Phó sứ, đem quốc thư cùng phẩm vật sang nước Xiêm (tặng vua Xiêm 2 cân kỳ nam, 3 cân quế, the trắng, the lượt, the hoa, vải nhỏ mỗi thứ 100 tấm. Tặng nhị vương 1 cân kỳ nam, 1 cân quế, the trắng, the lượt, the hoa, vải nhỏ mỗi thứ 50 tấm). Bọn Hy bệ từ. Vua dụ rằng : “Các ngươi ứng đối không được kiêu căng cho người ngoài ghét. Không được nói hèn khuất cho người ngoài khinh. Việc đi sứ, cốt sao lời lẽ cho khéo mà thôi”.

Đệ nhị kỷ - Quyển LII Thực lục về Thánh tổ nhân hoàng đế Mậu tý, năm Minh Mệnh thứ 9 [1828], tháng 5 Kinh lược đại thần là bọn Phan Văn Thuý đến Trấn Ninh, đóng quân ở Lạc Điền. Quốc trưởng Vạn Tượng là A Nỗ tự xin đem phìa tạo và quân dân mới cũ về thành Viên Chăn. Bọn Thuý cho Cai đội Nguyễn Trọng Thai đem 2 đội binh Thần sách hộ tống. Vua từng nghĩ việc biên giới Trấn Ninh, muốn chóng xong việc cho quân nghỉ dân yên. Tự làm thơ để tỏ ý, vừa có người ở quân thứ về tâu nói rằng đại quân đi đường nhiều chỗ hiểm trở từ quan kinh lược trở xuống, đều phải đi bộ. Vua rất thương, lập tức sai thị vệ đem áo sa rồng, quạt, phá, ban cho bọn Phan Văn Thuý, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Khoa Hào. Dụ rằng : "Các thứ này dùng lấy mát, để tỏ lòng trẫm nhớ”. Lại sai chép thơ ngự chế ban cho. Lại phát áo sa, quạt, phá, mỗi thứ 10 cái, sai bọn Thuý xét trong quân sĩ, ai là người xuất sắc thì theo truyền chỉ này mà thưởng cho. Còn nhiều người đáng thưởng thì thưởng cho lạng bạc. Vua nhân bảo bầy tôi rằng : "Thương giúp nước phiên thuộc, nghĩa là không đừng được. Trẫm nhớ tướng sĩ nhọc nhằn ở ngoài đã lâu ngày đêm lo nghĩ. Xưa Hán Quang Vũ đóng cửa Ngọc Môn không nhận Tây Vực (cho con làm con tin) là tính đã kỹ lắm”. Bèn dụ bọn Thuý rằng nếu A Nỗ đã về đến thành cũ thì dẫn quân về ngay không nên ở lâu.

Đặt đồn điền Trấn Ninh. Vua thấy cho những lính thú và tù phát phối ở Trấn Ninh, đều do Chiêu Nội cung ứng, sợ không đủ được. Vua bảo bộ Binh rằng : "Trấn Ninh đất rộng người thưa địa lợi chưa mở hết, mà quân lính không có việc gì chỉ trông vào người để lấy lương ăn thì làm sao làm kế lâu dài được. Vậy sai Hiệu uý Nguyễn Văn Lễ đốc suất binh lính cùng tù phạm ra sức làm đồn điền để lấy thóc chứa".

Hiệp trấn Thanh Hoa là Hoàng Kim Hoán, Tham hiệp là Tôn Thất Bạch bị tội miễn chức. Trước đây người huyện Hoằng Hoá là Lê Thế Tế tự làm bài hịch nhiều lời bội nghịch. án ở huyện đã xử tội lưu. Bọn Hoán đặt ra ba khoản còn ngờ, tâu xin xét lại. Vua dụ rằng : "Tên Tế chứa lòng gian ác bày ra bút giấy tra xét nó đã thú nhận, tình lý không còn ngờ gì, thế mà bọn Hoán trong chỗ không còn ngờ lại đặt lời xin bậy, tựa hồ có ý bênh vực, thực không hiểu làm sao. Vậy lập tức bắt tên phạm mà nghiêm tâu, sao cho ra được tình trạng mưu nguỵ, xét nghĩ tâu lên ? Gặp việc ba huyện Trình Cố, Sầm Nưa, Man Xôi được cấp sắc ấn, Nghệ An đã sai người đến giục. Bọn Hoán cho rằng ba huyện ấy vốn thuộc Thanh Hoa mới đổi thuộc về Nghệ An ; chưa tiếp được giấy báo của bộ Lại vì hai châu Trình Cụ, Sơn Thôi, cùng tên mới Trình Cố, Man Xôi, xem tên hơi khác, lấy thế làm ngờ, bèn ngăn trở không cho đến lĩnh. Trấn thần Nghệ An đem việc tâu lên. Vua giận lắm, dụ rằng : "Thanh Hoa trước có án Lê Thế Tế, nay lại có việc Trình Cố. Không ngờ bọn Kim Hoán một đời học vấn đã vì đứa bạn nghịch đặt kế gỡ tội, lại khiến thổ ty không nhận sắc mệnh. Vả lại Lê Thế Tế sinh vào triều thịnh, chưa bị tội tình gì, có điều gì phẫn oán mà dám làm lời văn bội nghịch, người có lương tâm nghe nói, ai lại chẳng giận dựng tóc lên. Huống chi Thế Tế từng đã thú nhận, còn gì đáng ngờ mà quay quắt biện bạch như thế. Nhưng trẫm còn cho là cái lỗi mờ tối mà thôi. Nay Thổ huyện Trình Cố đã được đi lĩnh sắc, thử nghĩ xem sắc ấy là của ai mà còn ngờ ? Năm trước Trình Cố xin nội phụ, không nói là trước thuộc Thanh Hoa, Nguyễn Văn Xuân nghe lầm đề tâu lên, triều đình giáng ân chỉ ban chức hàm, không lệ vào Thanh Hoa mà lệ vào Nghệ An, cũng vẫn là thần tử của triều đình cả, sao không lấy sự thực tâu lên, mà lại để lòng bờ nọ cõi kia để mắc vào tội nghịch mệnh như vậy ! Hoàng Kim Hoán, Tôn Thất Bạch, đều cho cách chức, lại phái vệ sĩ Cẩm y bắt trói đem về Kinh, giao bộ Hình xét xử. Đồng sự là Trấn thủ Ngô Văn Vĩnh hiện đang đem quân đi bắt giặc, đợi xem có bắt được giặc hay không, sẽ giáng chỉ để làm". Đến lúc án dâng lên, Hoán, Bạch đều xử tội đồ. Vua thương vì cố chấp mà bị tội, đổi cho Hoán phát vãng Cam Lộ gắng sức chuộc tội, Bạch theo Tôn nhân phủ sai phái. Vĩnh bị giặc biển đánh thua, bị tội trảm hậu. Lê Thế Tế cũng bị giải về Kinh tra xét, cuối cùng lấy tội bạn nghịch mà bị giết.

Triệu kinh lược đại thần là Phan Văn Thuý, Nguyễn Văn Xuân, và Tham tán Nguyễn Khoa Hào về Kinh để phục mệnh. Trước đây Quốc trưởng Vạn Tượng là A Nỗ về nước, bốn lần thám báo đều nói rằng cả đường yên ổn không trở ngại gì. Bọn Thuý tâu lên. Vua nói : "Sự thế Vạn Tượng có thể không xảy ra việc gì đáng lo, quân ta có thể nghỉ ngơi được". Bèn triệu bọn Thuý về, cho quân lính về quê nghỉ ngơi. Bọn Thuý vào yết kiến. Vua uỷ lạo rằng : "Lần này đi xông pha lam chướng, trẫm rất lo nghĩ về các ngươi. Hôm nay vua tôi trông thấy nhau mừng nào bằng được !". Đáp rằng : "Bọn thần nay được mạnh khoẻ, là nhờ phước của Hoàng thượng ban cho". Vua nói : "Người tôi hết lòng trung thành với nước, thì trời cho phước đó là hạnh phước của các ngươi cũng là hạnh phước của trẫm. Nếu không thế, mà vì cớ nước Vạn Tượng đem những người tôi chân tay gan ruột bỏ ở chỗ biên cương, thì cũng như câu "Lấy điều đối với kẻ không yêu mà làm đối với người yêu", thì đối với công luận muôn đời làm sao !". Lại hỏi các tướng sĩ trong quân thế nào. Bọn Thuý tâu rằng nhiều người ốm chết. Vua thương xót mãi. Nhân cho tướng sĩ ăn yến một bữa ; đối với người chết thì đặt đàn tế. Cho Đô thống chế Phan Văn Thuý thự Hậu quân ấn vụ. Cho Vệ uý Nguyễn Đức Long làm Vệ uý quân Trung võ Thần sách, Hiệu uý Nguyễn Văn Lược làm Phó vệ uý vệ Toàn võ, Nguyễn Văn Hoà làm Phó vệ uý vệ Định võ. Vua bảo bộ Binh rằng : “Đại quân đi tuần ngoài biên không như đi đánh giặc, nhưng trèo non lội suối, xông pha lam chướng, khó nhọc cũng đáng khóc thương. Thự Hậu quân Phan Văn Thuý trước bị giáng 2 cấp đều cho khai phục, Hữu quân Phó tướng Nguyễn Văn Xuân thì gia hàm Đô thống, Tham tri lĩnh Hiệp trấn Nghệ An là Nguyễn Khoa Hào thì thưởng gia 1 cấp. Ngoài ra các quan văn võ và lại tốt thì do bộ bàn thưởng. Những người chết thì tặng tuất theo thứ bậc (Những người ốm chết từ Lãng Điền, Hội Lâm trở lên, quan lại thì tặng 1 cấp, binh lính thì cho mỗi người một tấm vải, tiền tuất gấp đôi. ốm chết ở Nghệ An và lúc trở về cũng cấp tiền tuất gấp đôi).

Đệ nhị kỷ - Quyển LVIII Thực lục về Thánh tổ nhân hoàng đế Kỷ sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], mùa xuân, tháng 3, Cho Nguyễn Kim Bảng làm Thượng thư Công bộ. Sai thự Trung quân Tống Phước Lương kiêm quản Tào chính, Phó tướng Nguyễn Văn Xuân kiêm quản Thương bạc. Xuân dâng biểu xin từ. Vua dụ rằng : “Ngươi liền năm coi việc biên giới, nhiều công khó nhọc, nên sai kiêm quản nha ấy, đó là triều đình thù lao, thưởng công để khuyến khích tôi con. Vả lại việc Thương bạc có đủ nhân viên làm việc, ngươi tuy tuổi già, vẫn nên trong sạch công bằng mà chủ trương khiến chúng không được sinh tệ là được rồi. Nếu có lỗi nhỏ, trẫm cũng không trách, chớ từ”.

Đệ nhị kỷ - Quyển LX Thực lục về Thánh tổ nhân hoàng đế Kỷ sửu, năm Minh Mệnh thứ 10 [1829], mùa hạ, tháng 6. Khi Nguyễn Văn Thụy chết, triều đình bàn đặt quan bảo hộ, chưa tìm được người, vừa gặp Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt sai quyền Lang trung là Nguyễn Đăng Giải vào chầu tâu việc, và nói Phó tướng Hữu quân Nguyễn Văn Xuân có thể sai được. Vua gọi Xuân hỏi. Xuân nói : “Chỉ biết vâng mệnh”. Vua nói : “Năm ngoái việc biên giới Nghệ An, khanh đã đi xa xông pha lam chướng, già còn gắng sức, ta thường nghĩ đến không quên, khanh có thể sai đi được, ta đã xét biết. Nhưng khanh đã mấy lần xin nghỉ, trẫm nghĩ những tướng cũ lão thành, ngày càng rơi rụng nên cố lưu lại để dạy bảo bọn hậu tiến, nay há lại còn phiền khanh về việc biên giới xa xôi ư!”. Bấy giờ sai Tuyên và cho Đức Minh giúp việc.