Thành viên:Toilakha/nháp
Hồ Văn Nên (Chín Râu) 1931 - 1968
Ông Hồ Văn Nên, tên thường gọi là Chín Râu. Ông sinh năm 1931 tại xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong gia đình nông dân có ba người con, ông là người con thứ hai.
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công ông mới 14 tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp tại địa phương. Sau Hiệp định Geneve 1954 ông ở lại miền Nam hoạt động bí mật.
Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Cần Đước phát triển mạnh mẽ đã hình thành lực lượng du kích ở các xã. Trên cơ sớ đó để đáp ứng cho phong trào cách mạng đang phát triển mạnh Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện thành lập bộ đội địa phương. Vào ngày 17/01/1961, huyện ủy Cần Đước thành lập lực lượng bộ đội địa phương huyện lấy phiên hiệu là C315 với 17 chiến sĩ được trang bị ba khẩu súng trường và vũ khí thô sơ làm lễ ra mắt ở xã Long Cang. Ông Hồ Văn Nên là huyện ủy viên, Trưởng ban quản sự huyện được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng đầu tiên của bộ đội địa phương huyện C315, lúc ông mới 30 tuổi. Ông Nguyễn Văn Nam (Sáu On) làm Chính trị viên. Tại lễ ra mắt Bí thư huyện ủy Nguyễn Phú Hậu (Chín Hoà) đã động viên và giao nhiệm vụ cho C315 phải phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phải đánh thắng ngay trận đầu tiên.
Qua thực tế chiến đấu cho thấy Ông Hồ Văn Nên là người có tài chỉ huy quân sự. Dưới sự chỉ huy của ông C315 lớn mạnh nhanh chóng và chiến đấu anh dũng, kiên cường, sáng tạo lập nên nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu như: trận Xóm chùa Tân Lân (3/1962), trận Xóm trường Long Sơn (1965), trận tấn công chi khu Cần Đước (10/1967), kiên cường đánh Mỹ trên vành đai Rạch Kiến,...
Chiến công của C315 trong trận Xóm Chùa (3/1962) và trận Xóm Trường (1965) được công nhận là Di tích LSVH cấp tỉnh và xây Bia tưởng niệm. Một Bia truyền thống C315 cũng được xây dựng ở xã Long Cang nơi ra mắt đầu tiên của đơn vị.
Khi bước vào Chiến dịch Mậu Thân 1968 ông Hồ Văn Nên đã là Huyện đội trưởng Cần Đước và do bị bệnh phải về trên để điều trị mấy tháng trời. Khi lành bệnh ông vội trở về Cần Đước khi Chiến dịch Mậu Thân bước vào giai đoạn hai và tiếp tục chức vụ Huyện đội trưởng.
Chiến trường ngày càng ác liệt và Mỹ ngụy liên tục tổ chức các trận càn hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng ở Cần Đước. Ngày 23/8/1968 phát hiện một lực lượng cách mạng khoảng 30 người gồm một bộ phận chỉ huy huyện đội Cần Đước, một số cán bộ cấp trên và một tiểu đội C315 đang đóng quân ở địa bàn ấp 7 xã Phước Tuy, Mỹ đã sử dụng máy bay, pháo binh và xe thiết giáp M113 đổ quân tấn công. Trận chiến đấu với lực lượng không cân sức nhưng ông Hồ Văn Nên và đồng đội đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Ông mất khi vừa 37 tuổi, để lại vợ là bà Huỳnh Thị Mai cùng 5 người con. Trong sự tàn khốc của cuộc chiến tranh và để bảo vệ con trai, Mẹ ông Hồ Văn Nên đã tiêu hủy toàn bộ hình ảnh của ông nhằm tránh sự truy lùng của địch. Do đó, hiện nay không còn tấm ảnh nào của ông được lưu giữ lại.
Đến năm 1972, người con trai lớn của ông tiếp tục phát huy truyền thống cha ông thoát ly tham gia cách mạng. Đến năm 1974, do không chịu nổi sự truy lùng của kẻ thù, vợ ông đã tiếp tục kế thừa sự nghiệp của chồng thoát ly tham gia cách mạng. Sau giải phóng, bà tiếp tục tham gia xây dựng chính quyền xã Long Cang, đến năm 1991 bà nghỉ hưu. Và năm 2013, Bà Huỳnh Thị Mai nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bốn người con còn lại của ông, một người là thương binh hạng 4/4, ba người còn lại là cán bộ hưu trí.
Có thể thấy rằng, ông Hồ Văn Nên là một cán bộ cách mạng đã chiến đấu kiên cường anh dũng, cống hiến đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và sự trung thành với lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ông Hồ Văn Nên được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc qua việc truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba và Huân chương độc lập hạng Ba.