Thành viên:Ngô Mạnh Đức/Thầy Khổng
Hệ tư tưởng
sửaChính trị
sửaNhiều người phương Tây lầm tưởng Nho giáo là một tôn giáo khi thấy nó lan tỏa trong đời sống người Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như các học thuyết của Plato hay Aristotle, Nho giáo trên thực tế không phải là một tôn giáo. Kinh điển Tứ thư không bàn tới vấn đề khai thiên lập địa hay đề cập tới thiên đàng và địa ngục.[1] Trong khi những học giả như Trần Trọng Kim xem tư tưởng chính trị trong Nho giáo là kết quả của tư tưởng triết lý và đạo đức thì Nguyễn Hiến Lê lại cho rằng chính trị mới là phần quan trọng nhất của Nho giáo. Xét bộ Ngũ kinh của Khổng Tử, ngoại trừ Kinh Thi, bốn kinh còn lại đều có mục đích chính là dạy về chính trị.[2]
Khổng Tử tận mắt chứng kiến chế độ đương thời băng hoại, cho rằng "thiên hạ vô đạo" và luôn mơ tưởng về một thời đại "thiên hạ hữu đạo".
Trái với Pháp gia chuộng "pháp trị", Khổng Tử chủ trương dùng "đức trị", tức đề cao việc cai trị bằng thu phục nhân tâm hơn là dùng hình phạt răn đe. Nho giáo cho rằng, trị nước bằng "đức trị" thì nắm được "liêm sỉ" của con người. Do đó, "đức trị" luôn tự hiện hữu trong suy nghĩ và hành vi của mỗi người mà không cần bất cứ biện pháp giám sát nào.[3]
Theo Khổng Tử, sự băng hoại của mọi giai cấp đều có nguyên do từ thượng tầng và cách khắc phục hữu hiệu nhất là: thiên tử phải ra thiên tử, chư hầu phải ra chư hầu, đại phu phải ra đại phu, bồi thần phải ra bồi thần, thứ dân phải đúng với thứ dân. Muốn giữ được trật tự trong xã hội thì điều cốt yếu với mỗi người là phải biết giữ địa vị và bổn phận của mình, địa vị càng cao thì tài, đức phải càng lớn. Có thể hiểu ngầm rằng nếu người làm vua mà tàn bạo với người dân thì không đáng gọi là vua, cho nên giết vua là làm việc ân đức với người dân chứ không mang tội phản nghịch.
- ^ Phùng Hữu Lan (1947), tr. 17.
- ^ Nguyễn Hiến Lê (1958), tr. 11.
- ^ Cung Thị Ngọc (2005), tr. 43.