Như vậy là ông dùng cả Pháp lẫn Nho mà hoàn thành được cuộc cách mạng về chính trị, củng cố được chính thể quân chủ chuyên chế: quyền hành tập trung vào cả triều đình và giao phó cho kẻ sĩ có tài năng do dân tiến cử và do nhà vua tuyển dụng. Bọn quí tộc, bọn “phụ huynh” (cha anh nhà vua) vẫn còn được hưởng nhiều đặc quyền, nhưng phải tuân lệnh vua và tể tướng. Chính sách tuyển nhân tài để trị dân đó, tiến bộ hơn châu Âu nhiều (châu Âu mãi tới thế kỉ XVIII mới theo kịp) hơn cả Ấn Độ. Chỉ ở Trung Hoa và Ấn Độ, giai cấp lãnh đạo là giai cấp trí thức; nhưng ở Ấn Độ, giai cấp đó gồm các tu sĩ (Bà-la-môn) chứ không phải là công chức (quan lại) như Trung Hoa, mà quan lại Trung Hoa do học hành, thi cử, chứ không do thế tập, hay do giai cấp mà nắm quyền hành. Thực ra quan lại Trung Hoa không phải là một giai cấp như ở Ấn, cha làm quan mà con dốt thì cũng chỉ là thường dân, thường dân mà học giỏi thì cũng được làm quan, còn các Bà-la-môn ở Ấn Độ thì sinh ra đã là Bà-la-môn, ở trong giai cấp cao rồi, mặc dầu có kẻ dốt nát, không chịu học vẫn là Bà-la- môn.