Thành viên:Kientt.tamchuc/nháp

Tam Chúc là khu du lịch quốc gia ở Việt Nam - Là nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Thế giới Vesak 2019 một trong những hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV) đăng cai tổ chức.

VỊ TRÍ:

Từ thành phố Phủ Lý, theo đường quốc lộ 21 đi khoảng 12 km thì đến Tam Chúc. Nếu Đi từ Hà Nội đi quốc lộ 1A hoặc theo quốc lộ 21B qua Vân Đình - Ứng Hoà sẽ đến khu du lịch Tam Chúc khoảng 60 km. Khu Du lịch Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong (huyện Kim Bảng), tỉnh Hà Nam. Khu Du lịch Văn hoá Tâm linh Tam Chúc nằm ở vị trí đặc biệt, là điểm kết nối giữa Khu du lịch Chùa Hương (Hà Nội) với Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình); Khu Văn hóa Tâm linh Núi chùa Bái Đính; Khu Du lịch Sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động (thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình) tạo thành Quần thể các khu du lịch tâm linh, sinh thái ngập nước nối liền giữa 3 tỉnh thành trong cả nước. tạo thành tour du lịch nổi bật nhất ở miền Bắc nước ta, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

TỔNG QUAN:

Toàn khu du lịch Tam Chúc có tổng diện tích 5100 ha (trong đó diện tích vùng lõi là 4000 ha).

Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét tuyệt mỹ được kiến tạo nên từ sự sắp đặt của tạo hóa và công sức tôn tạo của con người. Nơi đây được nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi địa thế “tựa sơn hướng thuỷ” (lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ). Nổi bật trên nền thiên nhiên nguyên sơ là những công trình kiến trúc tâm linh với quy mô đồ sộ nhưng lại vô cùng tinh tế và khoáng đạt.

Toàn bộ quần thể Khu Du lịch Tam Chúc có 04 khu chính gồm:

+ Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp phía bờ bắc hồ Tam Chúc): Là nơi đón tiếp, cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về các dịch vụ thăm quan, nghỉ dưỡng, mua sắm và các hoạt động biểu diễn văn hoá văn nghệ dân gian.

+ Khu Tâm linh (nằm dưới chân núi Thất Tinh và Thung Vạc): Với quần thể các công trình như; chùa Ba Sao, chùa Tam Chúc, chùa Cổ Sao, đền Mẫu, đền thánh Cao Sơn…Đây là nơi diễn ra các hoạt động thăm quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng, tìm hiểu về Đạo Phật và tổ chức các khoá học về Phật học ngắn hạn.

+ Khu bảo tồn thiên nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc: Đây là nơi dành cho du khách thăm quan nghiên cứu hệ sinh thái tư nhiên và động vật đặc hữu; thăm quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo trong lòng hồ, tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tam gia các lễ hội và các hoạt động thể thao rèn luyện sức khoẻ.

+ Khu chăm sóc sức khoẻ và du lịch cộng đồng (thuộc phía tây nam hồ Tam Chúc): Đây là nơi diễn ra các hoạt động chăm sóc sức khoẻ phục hồi thể lực, điều dưỡng dài ngày, tìm hiểu đời sống, văn hoá, phong tục của người dân địa phương.

CHÙA BA SAO (Tam Chúc cổ tự)

Tương truyền, chùa Ba Sao được khởi dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - Hậu Thất Tinh”. Tích xưa kể lại, có bảy tiên nữ giáng trần dạo chơi, khi đến vùng đất Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam thấy nơi này phong cảnh hữu tình nên đã lưu lại mà không chịu về trời. Bảy nàng tiên đã hóa thân thành bảy vì tinh tú toạ trên 7 ngọn núi nằm trong dãy 99 ngọn núi hình đầu voi ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương. Bảy ngôi sao lấp lánh suốt đêm ngày, ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn. Vì vậy, dân làng gọi đây là dãy núi Thất Tinh.

Lúc bấy giờ, Hoàng đế nhà Tống nghe kể về bảy vì tinh tú đó, cho rằng nếu huỷ hoại được ánh sáng vi diệu đó sẽ khiến dân An Nam không xuất hiện người tài, càng khuất phục mình, không còn ý nổi loạn nữa nên đã sai người lẻn qua ven dãy núi chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày  khiến cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế vùng đất Ba Sao cũng được lấy tên từ tích ấy. Nhân dân địa phương thấy rằng đây là một vùng đất linh thiêng và vô cùng đặc biệt, nên đã chọn vị trí đẹp nhất để dựng chùa, khởi nguyên ngôi chùa được xây dựng bằng tranh tre nứa lá đơn sơ trên lưng chừng núi, mặt hướng ra dãy núi có ba đốm sáng tựa những ngôi sao vì vậy mà nhân dân địa phương vẫn gọi là chùa Tam Tinh.

Dưới thời Lý (1066-1141), Lý Triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không đã đi men theo núi từ Ninh Bình đến Mỹ Đức (Hà Nội) tìm cây thuốc cứu dân. Ngài đi đến đâu thấy có hang động đẹp thì lại xây chùa thờ Phật. Khi đến đất Ba Sao, thấy ngôi chùa cổ nằm giữa một vùng núi non sông nước kỳ vĩ, với vẻ đẹp lạ thường, Thiền sư đã dừng chân, hái thuốc hành đạo cứu người, và đổi tên chùa thành chùa Ba Sao, tên gọi chùa Ba Sao vẫn còn cho tới tận ngày hôm nay.

CHÙA TAM CHÚC (Tam Chúc tân tự)

Quần thể Chùa Tam Chúc mở rộng nằm trên diện tích 47 hecta, nằm ẩn mình trong quần thể núi đá vôi ngập nước hình tay ngai. Chùa được xây dựng theo trục thần đạo, nghĩa là tất cả các công trình chính nằm trên một đường thẳng, còn các công trình kiến trúc phụ được tôn tạo đăng đối hai bên.

Tam Chúc là ngôi chùa rất đặc biệt, dù được thi công bởi rất nhiều thợ thủ công lành nghề đến từ nhiều quốc gia khác nhau, từ nhiều tôn giáo khác nhau gồm Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, Hin đu giáo, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của kiến trúc chùa cổ Bắc bộ Việt Nam. Quần thể chùa Tam Chúc là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; là sự phối hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo, được thể hiện qua bàn tay tạo tác khéo léo của những nghệ nhân điêu khắc đến từ Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, Chùa Tam Chúc là biểu tượng của sự đoàn kết và hoà hợp giữa các nền tôn giáo trên toàn thế giới. Chùa Tam Chúc là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.

1.CỔNG TAM QUAN

Chùa Tam Chúc có hai lần cổng là Tam Quan Ngoại và Tam Quan Nội được xây dựng rất lớn.

Cổng Tam Quan Ngoại, phần khối đế được xây dựng giống cổng thành với ba cổng lớn chính giữa dành cho xe cộ và hai cổng nhỏ dành cho người đi bộ ở hai bên. Toàn bộ bề mặt khối đế được phủ một lớp gạch  vồ có kích thước lớn, hoàn toàn đóng thủ công. Gạch được đặt hàng sản xuất tại làng gốm cổ Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội, chính là nơi đã từng nung lò, đốt gạch xây thành Đại La xưa kia. Để tạo ra được những viên gạch có màu sắc như vậy thì người thợ thủ công đã phải sử dụng nguyên liệu pha chế bao gồm 4-5 loại chất đất, vỏ bao, xỉ... Mỗi viên gạch này có trọng lượng rất lớn, gạch mộc thì nặng 10kg, sau khi thành phẩm thì mỗi viên nặng 9kg. Trên nóc cổng là ba tháp chuông có mái hai tầng đặc trưng của kiến trúc cổng tam quan ở đồng bằng Bắc bộ. Ngói lợp mái của chùa Tam Chúc cũng ngoại cỡ. Nếu như ngói bình thường có kích thước 20cm*12cm thì ngói chùa Tam Chúc có kích cỡ là 35cm*20cm mà vẫn phải đảm bảo độ sắc nét của viên ngói. Và đặc biệt ngói chùa màu nâu đen trầm mặc, đảm bảo không bị phai màu và không bị phong hóa theo thời gian.

Cổng Tam Quan Nội cũng được xây ba tầng. Chiều cao của công trình là 29m, diện tích sàn cả ba tầng là 3.600m2 (trong đó, tầng 1 là 2.000m2, tầng 2 là 1.200m2, tầng 3 là 400m2). Tầng một là không gian mở với hệ thống các cột lớn, chính giữa là tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn. Hai bên là tượng thần hộ pháp uy nghiêm. Tầng hai và tầng ba là gác vọng, được quây quanh bằng các canh cửa bức bàn nối tiếp nhau.

Tam quan, cũng có nghĩa là tam môn, hàm nghĩa là “tam giải thoát môn” bao gồm các cửa “vô tác”, “vô tướng” và “vô không” để có thể bước vào cõi Niết Bàn.

2.THUỶ ĐÌNH VESAK

Toà Thuỷ Đình hay còn gọi là Trung tâm Hội nghị Quốc tế Vesak là nơi đón tiếp các Phật tử, du khách đến tham quan. Đây cũng đồng thời là bến lên thuyền của du khách tham quan, chiêm bái khung cảnh Tam Chúc bằng đường thủy. Được xây dựng nổi trên mặt hồ với lối kiến trúc thủy đình đặc trưng riêng có của đồng bằng Bắc bộ, và cũng là riêng có của Việt Nam.  Công trình có ba tầng với tổng diện tích sàn lên đến 10.000m2, có thể phục vụ 3.500 chỗ ngồi. Trong dịp đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019, trung tâm hội nghị quốc tế đã đón tiếp khoảng 1.500 vị lãnh đạo các giáo hội, học giả, Phật tử đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 10.000 đồng bào Phật tử, nhân dân Việt Nam.

3.HỒ LỤC NHẠC

Trước mặt chùa là một hồ nước có diện tích 600 hecta, một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất Việt Nam và là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật hoang dã quý hiếm. Giữa lòng hồ có 6 ngọn núi đá vôi hình quả chuông nổi lên mặt nước gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc, hậu thất tinh”.

Tích xưa kể rằng: Có bảy ngọc nữ con của Ngọc Hoàng Thượng đế đã giáng trần để ngao du sơn thủy. Khi đến Tam Chúc, các tiên nữ mê mẩn với cảnh đẹp hữu tình chốn này mà quên đường về. Ngọc Hoàng đã 6 lần cử thiên binh, thiên tướng  mang chuông xuống gọi mà các nàng vẫn không chịu về. Sáu quả chuông rơi xuống, nằm rải rác khắp hồ nước lớn ở phía trước sân chùa và đã ngàn năm hóa đá. Từ đó hồ có tên là hồ Lục Nhạc.

4.ĐẢO CÒ

Xưa đảo cò chính là nền đất cũ của làng Tam Chúc cổ với gần trăm nóc nhà. Mỗi mùa nước nổi, dân làng phải di chuyển bằng thuyền trong 6 tháng. Việc cày cấy rất vất vả, việc đi lại kiếm kế sinh nhai cũng rất khó khăn. Khi Khu du lịch Tam Chúc được nhà nước quy hoạch, cư dân được tái định cư trong thị trấn Ba Sao, cuộc sống ngày một khá lên, người dân có công ăn việc làm ổn định, việc đi lại cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Giờ nền đất làng cũ trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim, trong đó nhiều nhất là cò và sâm cầm.

5.ĐÌNH TAM CHÚC

Đình làng Tam Chúc nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ Lục Nhạc. Công trình này được phục dựng hoàn toàn bằng gỗ theo phong cách truyền thống mang kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ trên diện tích đất 3700m2, gồm: đình chính, nhà Tả Vu, nhà Hữu Vu, nhà Thủ Từ.

Theo các Thần tích, sắc phong vẫn còn lưu giữ tại địa phương, Đình Tam Chúc là nơi dành để thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải[1]

Trước cửa đình hiện nay đang trưng bày một số hiện vật khảo cổ được trục vớt lên trong quá trình nạo vét lòng hồ như:

+ Những cột gỗ cỡ lớn có dấu tích được đẽo tròn thân có hình dáng bên ngoài xơ tướp rất giống với những cây gỗ làm cung điện thời nhà Đinh hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Ninh Bình.

+ Một xà nhà làm bằng đá, có kích thước dài hơn 5m, đường kính 30cm.

+ Những bệ đỡ trụ cột bằng đá có họa tiết cánh sen có nét tương đồng với họa tiết thời Đinh - Tiền Lê.

Đây là minh chứng thuyết phục nhất về một công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn, rất có thể là một ngôi chùa lớn đã từng tồn tại trên mảnh đất này cách đây hơn một ngàn năm. Theo quá trình biến động của lịch sử, ngôi chùa nay không còn, nhưng chùa Tam Chúc hiện đã được phục dựng lại. Đây chính là sự sống lại của một ngàn năm lịch sử trên vùng đất này.

6.ĐỀN MẪU

Theo người dân địa phương, ngôi đền thờ Mẫu hiện toạ trên một trong sáu ngọn núi chuông nằm giữa hồ Lục Nhạc. Từ thời mới khai phá mảnh đất này, người dân nơi đây đã lập một am nhỏ trong hang đá để thờ Sơn Tinh Thánh Mẫu (mẫu thượng ngàn). Sau này khi xây dựng lại vào năm 2015 hang đá xưa kia được xây thành hậu cung và hiện tại ngoài hậu cung thờ Sơn Tinh Thánh Mẫu thì gian tiền đương hiện thờ tam Toà Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Phủ. Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian về Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi) thì Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị cai quản miền rừng núi. Bà là Thánh Mẫu gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thủy, cai quản miền sông nước. Thánh Mẫu Thoải Phủ gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước.

7.NHÀ TỪ BI VÀ NHÀ HỶ XẢ

Nhà Từ Bi và nhà Hỷ Xả là tên gọi khác của nhà Tả Vu và nhà Hữu Vu trong kiến trúc cổ ở Việt Nam. Hai ngôi nhà này thường được xây hai bên, ngay đằng sau cổng tam quan. Trong các cung điện của vua chúa, nhà Tả Vu dành cho quan văn còn nhà Hữu Vu dành cho quan võ, dùng để nghỉ chân, chỉnh trang áo lễ trước khi vào điện chầu, còn trong kiến trúc chùa cổ thì hai nhà Tả Vu và Hữu Vu dành để cho các Phật tử ngồi nghỉ và sửa lễ trước khi dâng hương với quy ước là nam tả nữ hữu.

8.VƯỜN CỘT KINH

Vườn Cột Kinh nằm ngay giữa cổng Tam Quan Nội và điện Quán Âm với 32 cột kinh được chế tác từ đá xanh Thanh Hóa, một loại đá tự nhiên có đặc tính cứng và khả năng chống mài mòn tốt. Những cột kinh này được phục dựng giống Bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Mỗi cột cao 12,5m, rộng khoảng 2m, nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phần thân cột hình trụ lục giác, phần đỉnh cột là bát đỡ và nụ sen. Nội dung sẽ được khắc lên những cột kinh này là kinh phật, lời của chư Phật, chư tổ để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức. Công trình này đang trong quá trình thi công. Dự kiến khi hoàn thành, vườn Cột Kinh sẽ có 1.000 cột và trở thành vườn Cột Kinh Phật lớn nhất thế giới.

9.ĐIỆN QUÁN ÂM

Điện Quán Âm thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là danh hiệu của một vị Phật đáng lẽ đã chứng quả Phật nhưng vì chúng sinh còn khổ đau nên ngài nguyện đi đi về về giữa cõi Niết Bàn và cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh. Quán có nghĩa là quán xuyến, âm có nghĩa là âm thanh. Quán Thế Âm nghĩa là lắng nghe những âm thanh, đặc biệt là những tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho họ thoát cảnh lầm than. Ngài dùng sự huyền diệu để cứu độ chúng sinh không biết bao nhiêu mà kể. Vì vậy, Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của từ bi, vì chỉ có từ bi mới giải trừ được đau khổ.

Điện Quán Âm được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa truyền thống với hai tầng mái cong. Điện có chiều cao 30.5m, diện tích sàn là 3.000m2, diện tích tầng hầm là 1.800m2. Chính giữa điện đặt thờ duy nhất pho tượng Quán Âm Bồ Tát bằng đồng nguyên khối, nặng 100 tấn, do các nghệ nhân đúc đồng ở làng Tống Xá, Ý Yên, Nam Định chế tác.

Điểm nhấn của điện Quán Âm là bức phù điêu bằng nham thạch được ghép từ 8.500 phiến đá nối tiếp nhau, bao phủ kín toàn bộ bề mặt vách điện. Bức phù điêu truyền tải thông điệp về vẻ đẹp chân – thiện – mỹ, về đạo lý tốt đẹp của con người, về tấm lòng từ bi, nhân hậu của đức Quán Âm Bồ Tát trải qua vô số kiếp luân hồi, thể hiện những hiện thân và danh xưng khác nhau như Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tọa Sơn….

Bức phù điêu này được chế tác hoàn toàn thủ công bởi các nghệ nhân tài hoa đến từ Java, Indonesia. Và cũng chính những nghệ nhân điêu khắc này lại trực tiếp từ Indonesia sang Việt Nam và tận tay tạo ghép nên bức tranh đá khổng lồ này.

Cư sĩ Nguyễn Văn Trường (Người phát tâm xây dựng chùa Tam Chúc) trong một lần đến thăm khu đền tháp Mỹ Sơn đã bị cuốn hút bởi những bức phù điêu được tạc nổi trên các bức vách của ngôi đền. Cơ duyên đến, khi ông tới Indonesia, tham quan đền Borobudur và ông lại nhìn thấy những bức điêu khắc đá có rất nhiều nét tương đồng với những bức phù điêu ở khu đền tháp Mỹ Sơn. Sau nhiều tham khảo tìm hiểu, cuối cùng ông đã tìm đến các nghệ nhân chế tác đá Java, Indonesia. Tổ tiên của họ chính là những người đã tạo tác ra những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng tại Angkor Watt hay trung tâm phật giáo Borobudur và nhiều công trình vĩ đại khác. Ngay sau đó, quá trình tạo tác các bức tranh đá đặc biệt để trang trí trong các điện thờ của chùa Tam Chúc được bắt đầu. Hơn 1.000 thợ làm việc liên tục trong 6 tháng bao gồm cả việc vận chuyển đá từ trên núi xuống, mang về xưởng, tạc theo các mẫu tranh. Mỗi bức tranh là một tấm đá nguyên khối. Sau khi thành phẩm, mỗi tấm đá đó lại được xẻ thành nhiều tấm nhỏ, được đóng kiện chuyển sang Việt Nam. Về đến Việt Nam, những người thợ lại mất thêm 18 tháng để lắp ghép lại các tấm đá nhỏ lên tường thành những bức tranh hoàn chỉnh. Cách thức lắp ghép là ghép khít, để đảm bảo tính thô mộc cho bề mặt bức tranh thì chỉ một mặt sau là có chất kết dính. Nguyên liệu chế tác tranh là đá nham thạch, được hình thành từ khu vực núi lửa ngàn năm của Indonesia. Đá có độ xốp, không quá nặng, do đó dễ chế tác, kể cả đó là những tiểu tiết vô cùng tinh sảo. Bởi đá có tuổi thọ hàng ngàn năm nên màu sắc của đá trông rất cổ kính.

Bức phù điêu này được coi là một cuốn kinh bằng đá khổng lồ về Quán Âm Bồ Tát. Trong tương lai, du khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể đọc được tất cả nội dung của các bức tranh này. Nội dung của cuốn kinh này giúp mỗi chúng ta thấm nhuần những bài học về đạo lý và lẽ sống cao đẹp để hướng tới một cuộc sống an lạc. Đấy cũng chính là triết lý cao cả của Phật giáo.

10.ĐIỆN GIÁO CHỦ

Điện Giáo Chủ thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài được nhân loại tôn xưng là Phật – Vị Giáo Chủ cõi Ta Bà, Bậc Giác Ngộ khai sáng ra Đạo Phật và đưa nhân loại đi vào con đường giải thoát, mọi tư tưởng hành động của ngài cũng đều vì lợi ích của tất cả chúng sinh, cứu độ chúng sinh đạt đến chỗ viên mãn, loại trừ phiền não, tham, sân, si, mạn; lìa bỏ mọi điều khổ để có được an lạc hoàn toàn.[2]

Điện nằm ở chính giữa điện Quán Âm và điện Tam Thế, có chiều cao 31m, diện tích sàn là 3.000m2. Chính giữa điện đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối nặng 150 tấn do các nghệ nhân làng Tống Xá, Ý Yên, Nam Định chế tác. Với kích thước và trọng lượng của tượng Phật lớn như vậy nên khi thi công, những người thợ xây dựng đã phải đấu hai cẩu trọng tải 160 tấn để đưa tượng lên núi và đặt vào bệ trước, sau đó mới xây dựng phần cột và mái điện.

Toàn bộ bề mặt vách điện được phủ bởi một tấm phù điêu khổng lồ được ghép từ 10.000 tấm đá nham thạch cổ kính có tuổi đời hàng ngàn năm. Bức phù điêu kể về cuộc đời của Đức Phật trải qua bao thăng trầm, từ lúc Ngài đản sinh, tầm đạo xuất gia tu học, cho đến khi chứng đắc đạo quả thành Phật, thuyết pháp độ sanh và cuối cùng là nhập niết bàn.

Câu chuyện liên hoàn tái diễn lại lịch sử chân thực, sống động của một bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chính vì vậy, bức phù điêu này có ý nghĩa sâu sắc trong việc lan tỏa giáo lý của đạo Phật để mọi người theo đó sống một cuộc đời cao đẹp như Đức Phật.

11.VẠC PHỔ MINH

Vạc là vật dụng quen thuộc của người Việt, thường được người dân dùng để nấu ăn. Khi đất nước hưng thịnh, Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không và sau này là Thượng hoàng Trần Thái Tông đã cho đúc vạc Phổ Minh khổng lồ để thể hiện sức mạnh dân tộc và để cảm tạ trời đất. Đặc biệt, vạc còn nhắc nhở con người về quy luật nhân - quả, hướng con người tới một cuộc sống thiện lương.

Chiếc vạc đồng này cao 4m, nặng 23 tấn, được đúc năm 2009, dựa trên ý tưởng của Quốc bảo Vạc Phổ Minh - một trong An Nam Tứ đại khí của thời đại Lý - Trần. Bề mặt của vạc được chia làm 04 phần: hai phần khắc tiểu sử và chân dung Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không, một phần khắc cảnh núi non hùng vỹ của quần thể Tràng An – Bái Đính, chùa Tam Chúc và chùa Song Tử Tây. Ở phần cuối nhắc đến việc chùa Tam Chúc sẽ phục dựng tứ đại khí.

12.CÂY BỒ ĐỀ VĨ ĐẠI CÁT TƯỜNG

Sân điện Tam Thế hiện đang trồng một cây rất quý, đó chính là cây bồ đề được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” ở Thánh tích Mahamegha, cố đô Anuradhapura của Sri Lanka. Cây này do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam.

“Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay (2.250 tuổi). Năm 247 (trước công nguyên), Vua A Dục đã cho chiết một nhánh phía nam của cây Bồ Đề thiêng ở Bodh Gaya - Ấn Độ (nơi đức Phật thành đạo) và phái Công chúa Sanghamitta đem sang tặng cho quốc đảo Sri Lanka và trở thành báu vật của quốc đảo này.

Cây bồ đề là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên còn được gọi là “cây giác ngộ”. Trong bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ cho rằng, cây bồ đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus.

Sự có mặt của cây bồ đề linh thiêng là điều rất may mắn và ý nghĩa, đặc biệt là đối với tăng ni phật tử. Đây chính là dịp hiếm có để những người con Phật được chiêm bái một trong những báu vật của đức Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni còn lưu lại trên cõi đời này ngay tại Việt Nam, thật sự là một duyên lành của những người con của Phật.

13.ĐỀN TỨ ÂN

Đây là nơi thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên, thế danh Phạm Thị Lan, sinh năm 1961, mất năm 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Bà là người có công lớn trong việc xây dựng chùa Tam Chúc, bên cạnh đó bà còn có công lớn tạo nên Quần thể danh thắng Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thiên nhiên Thế giới vào năm 2014. Đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á. Cư sỹ Diệu Liên cũng là người xây dựng nhiều ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc, chùa Am Tiên, đặc biệt là các ngôi chùa Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh…. trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, góp phần bảo vệ biên giới hải đảo của tổ quốc và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Trong lịch sử kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, đền là công trình kiến trúc được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân đối với địa phương, được địa phương tôn phong và lập đền thờ. Trong kiến trúc thờ tự chùa Việt nói riêng cũng vậy, việc thờ Hậu Phật - người có công xây dựng tôn tạo chùa cảnh tương đối phổ quát từ xưa đến nay, thể hiện một đạo lý vĩnh hằng, đạo lý biết ơn

14.NHÀ THỜ TỔ

Nhà thờ tổ tại chùa Tam Chúc hiện tại đang dành để thờ năm vị sư tổ có công khai sáng và truyền bá đạo Phật tại Việt Nam.

Vị thứ nhất là Đạt Ma sư tổ hay còn gọi là Bồ đề Đạt Ma. Tượng của Ngài được đặt chính giữa, hàng trên cùng của bệ thờ. Bồ Ðề Đạt Ma tên thật là Bồ Ðề Ða La (Bodhi Tara), con thứ ba của vua Chí Vương, thuộc giòng Sát Ðế Ly, nước Quốc Hương, Nam Thiên Trúc (vùng cao nguyên Dekkan), thuộc phía nam Ấn Ðộ. Bồ Ðề Đạt Ma là tổ sư Thiền Tông Ấn Ðộ đời thứ 28. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì Bồ-Đề-Đạt-Ma đã đến Giao Châu (Việt Nam) cuối đời nhà Tống (420-447) cùng với một vị sư Ấn Độ tên là Pháp Thiên (sa. dharmadeva) để truyền bá đạo Phật. Bởi vậy mà trong các ngôi chùa tại Việt Nam thường thờ Bồ Đề Đạt Ma.

Vị thứ hai là Khuông Việt ( 933-1011), thế danh là Ngô Chân Lưu, tu chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc (nay là Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội). Ông là hậu duệ thứ 4 của nhà Ngô, dòng Vô Ngôn Thông, quê ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Đại sư Ngô Chân Lưu được phong Tăng thống Khuông Việt năm 971, và là vị thiền sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được phong Tăng thống. Vua Lê Đại Hành đã nhờ Pháp Thuận và Khuông Việt cùng đứng ra đón tiếp phái bộ nhà Tống  Lý Giác. Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành đã ra lệnh cho Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn khách. Đây là lần đầu tiên văn chương âm nhạc được đưa vào phục vụ sự nghiệp chính trị ngoại giao. Khúc từ này có tên là Ngọc Lang Quy, truyền bản nhà Nguyễn viết thành Vương Lang Quy.

Vị thứ ba là Pháp Thuận ( 914-990), thế danh là Đỗ Pháp Thuận, là thiền sư đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Từ nhỏ Đỗ Pháp Thuận đã xuất gia, tôn Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Sư trụ trì ở Chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ải. Ngài học rộng, thơ hay, hiểu rõ việc nước, sau khi đắc pháp, nói ra lời nào cũng như sấm ngữ nên được vua Lê Đại Hành mời về triều giúp vua giữa lúc nhà Tiền Lê dựng nghiệp, trù kế hoạch định sách lược. Đại  sư tham dự đắc lực. Ðến khi thiên hạ thái bình, sư không nhận phong thưởng nên vua Lê Ðại Hành lại càng thêm kính trọng, gọi là Ðỗ Pháp sư và giao trọng trách soạn thảo văn thư.

Vị thứ tư là Lý Quốc Sư (1065 – 1141), thế danh là Nguyễn Chí Thành, Pháp danh là Minh Không. Ngài từng là dược sư, pháp sư, đại sư và được phong là Lý Quốc sư, Đạo hiệu Phù Vân Quảng Đạt đại pháp sư, sau khi chữa khỏi bạo bệnh cho vua Lý Thần Tông. Ông là vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý, là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam, được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng và cũng là ông tổ nghề Đông y Việt Nam. Vì có nhiều công lớn nên ông được người Việt tôn sùng là đức thánh Nguyễn. Trong truyền thuyết dân gian, thiền sư Minh Không khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc Tứ Đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông…

Vị thứ năm là Trần Nhân Tông (1258 -1308), tục danh là Trần Khâm, là vị hoàng đế thứ ba của triều Trần. Ông trị vì từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó ông truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái thượng hoàng, xuất gia tu hành theo đạo Phật, lấy hiệu Trúc Lâm Đại sĩ. Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước. Ông là một đại thiền sư của Phật giáo Việt Nam thời trung đại và là vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền Phật giáo mang bản sắc văn hóa Việt Nam với tinh thần nhập thế.

15.ĐIỆN TAM THẾ

Điện Tam Thế là hạng mục công trình lớn nhất của chùa Tam Chúc, được khởi công xây dựng và hoàn thiện đầu tiên. Điểm nhấn ấn tượng của điện Tam Thế là ba lớp mái chùa đồ sộ được xây theo lối kiến trúc “con chồng kẻ bảy” truyền thống của chùa Việt  nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều.

Chính giữa điện thờ ba pho tượng Phật Tam Thế ngồi trên tòa sen, phía sau là lá Bồ Đề dát vàng.

Ba pho tượng Tam Thế tượng trưng cho sự hiện diện của Phật giáo, của chư Phật ở ba thời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Quá Khứ là đức Phật Nhiên Đăng(còn gọi là Đính Quang Phật), Hiện Tại là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và Vị Lai là đức Phật Di Lặc.[3]

Cả ba pho tượng có kích thước bằng nhau, mỗi bức nặng 80 tấn, được đúc bằng đồng nguyên khối, do các nghệ nhân làng Tống Xá, Ý Yên, Nam Định chế tác. Đài sen phía bên dưới bằng đá, nặng 30 tấn. Mỗi lá bồ đề nặng 5 tấn, được chế tác phần lõi bằng đồng, phần họa tiết vân mây được dát vàng.

Điện Tam Thế có chiều cao là 45m. Hệ cột trụ nâng đỡ mái chùa có bốn kích thước khác nhau: cột hiên có đường kính 0,6m; cột hành lang là 0,8m, cột phụ bên trong điện là 1,2m và cột trụ chinh là 1,7m. Chiều cao từ móng lên hết cột là 39m. Khoảng rộng chính giữa điện là 1.000m2, không có một chiếc cột nào chia cắt không gian này. Để làm được điều này, những người thợ xây dựng đã bổ sung cáp dây văng chịu lực trong lõi cốt thép bê tông của các xà ngang trên mái.

Tổng diện tích sàn của điện Tam Thế là 5.100m2, diện tích tầng hầm là 2.200m2. Khu vực chính điện có sức chứa tới 5.000 Phật tử hành lễ cùng một lúc. Những viên gạch lát sàn có kích cỡ 80cm*80cm, trọng lượng 80kg/viên. Và người ta đã tính toán rằng mỗi viên vừa đủ dành cho một người ngồi khi hành lễ. Chỉ có những xưởng sản xuất giàu kinh nghiệm mới có thể sản xuất ra được những viên gạch như thế này.  

Bao phủ khắp vách trong điện Tam Thế là bức phù điêu bằng đá nham thạch được ghép từ 12.000 miếng đá nhỏ do các nghệ nhân lành nghề đến từ Java, Indonesia tạo tác. Nội dung của bức phù điêu nói về những triết lý sâu sắc của đạo Phật, cuộc sống ở cõi Niết Bàn, chốn bồng lai tiên cảnh, nơi ẩn chứa tất cả những vẻ đẹp chân - thiện - mỹ mà con người hằng mong ước. Mỗi bức tường của điện Tam Thế thể hiện một chủ điểm và các chủ điểm được sắp đặt theo trình tự rất khoa học. Bước vào cửa điện, bạn đi một vòng từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ và logic câu chuyện cũng được sắp đặt theo chiều quay đó như một quy luật của tự nhiên.

16. THÁP NGỌC

Tháp Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh, ở độ cao 200m so với mực nước biển.

Đây là một trụ tháp thông thiên với ba tầng mái cong, được ghép bằng các phiến đá Granit đỏ chồng xếp khớp mộng âm dương và cân bằng đối trọng theo phương thức cổ truyền của người Ấn Độ, không sử dụng bất cứ chất kết dính nào. Các phiến đá Granit đỏ được các nghệ nhân Hindu giáo đến từ Ấn Độ chế tác và vận chuyển sang lắp đặt. Tháp Ngọc có chiều cao 13m, nặng 2.000 tấn, diện tích 36m2. Trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn.

Để lên chiêm bái Phật trên Tháp Ngọc, du khách, Phật tử phải leo qua 299 bậc đá. Đứng tại sân chùa Ngọc, du khách sẽ có thể phóng tầm mắt ra xa để bao quát được toàn cảnh Khu Du lịch Văn hoá Tâm linh chùa Tam Chúc và hòa mình vào chốn bồng lai tiên cảnh với núi non, hồ nước, thảm thực vật và những công trình kiến trúc độc đáo.


[1]  Theo “Đại Nam nhất thống chí”, ngài là Cung Phi nhà Tống bị giặc bức bách gặp sóng gió chết trôi dạt vào vùng biển Thanh Nghệ Tĩnh được phong làm thần biển ở xứ này) Sử ghi năm Trần Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Tông cầm quân vượt biển vào đánh Chiêm Thành, khi đoàn chiến thuyền đến cửa Càn Hải (cửa Cờn Quỳnh Lưu, Nghệ An ngày nay) nhà vua hạ lệnh dừng trại để quân sĩ nghỉ ngơi. Đêm đó vua nằm mộng thấy một người con gái khóc và nói xin được phò tá giúp bệ hạ lập công.

         Vua Trần Anh Tông hạ chỉ làm lễ bái, nhà vua xuất quân và thắng lớn, năm sau trở về vua sai quan hữu ty cho xây đền thờ lớn, giao cho dân sở tại bốn mùa cúng tế và phong là "Quốc gia nam Hải đại càn Thánh Nương".

Trong quá trình di chuyển từ Hoàng thành thăng long đi chinh phạt Chiêm Thành dưới thời Lý- Trần thì sông Đáy chính là con đường mà các bậc quân vương lựa chọn để di trên đường chinh phạt đều có sự hưởng ứng ủng hộ từ dân chúng trong đó có cả những tráng đinh sinh sống tại Tam Chúc. Sau khi ra quân chiến thắng trở về họ đã làm lễ rước theo chân nhang tại ngôi đền thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tại Nghệ An về thờ tại Đình Tam Chúc.

Lý giải cho việc thờ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tại đình Tam Chúc các vị cao niên trong làng cho rằng, có thể do làng Tam Chúc nằm giữa một vùng hồ rộng lớn quanh năm sóng nước việc thờ cúng và coi Đại Càn Quốc Gia Nam Hải là Thành Hoàng sẽ giúp họ vững tin hơn trong quá trình lao động, chinh phục tự nhiên trên vùng sông nước.


[2] Đức Phật Thích Ca có tên thật là Tất Đạt Đa, thuộc dòng dõi quý tộc của Ấn Độ cổ đại. Thân sinh Ngài là vua Tịnh Phạn và thân mẫu là hoàng hậu Ma Da ở thành Ca Tỳ La Vệ.

[3] Ngoài tôn trí tượng thờ Tam Thế theo thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai, trong tư duy Phật giáo cũng như bài trí tượng thờ trong chùa còn có thêm cách gọi và thờ khác, có thể là Tam Phật ( Tam Phương Phật), là những vị Phật ở 3 phương: Đông Phật Dược Sư, Tây Phật A Di Đà và Trung Ương Phật Thích Ca), cũng như thờ Tam Thân (Pháp thân, Bảo thân và Ứng Hóa thân). Điều này tùy thuộc sơn môn pháp phái, tùy vùng miền hay tùy người già lam lúc tôn thờ thỉnh vị nào nào để thờ. Thường người đời cho rằng diện tướng khó phân biệt, chỉ có cách khi hô thần nhập tượng, an tâm tượng người ta ghi tên vào lúc đó. Căn cứ triết học Ấn Độ, thời gian và không gian là thực thể đan xen lẫn nhau. Mỗi một thời bao gồm 1 ngàn vị Phật, là vô lượng, vô biên, về không gian thì vô số chư Phật mười phương, đều đắc quả viên mãn tối thượng thù thắng.