Thành viên:Inteyvat/A
Loại hình | Tuần san |
---|---|
Nhà xuất bản | Nhà in Tiếng Dân |
Tổng biên tập | Huỳnh Thúc Kháng |
Thành lập | Ngày 12 tháng 2 năm 1927 |
Khuynh hướng chính trị | Pháp-Việt Đề huề Chủ nghĩa quốc gia cải lương |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Đình bản | Ngày 28 tháng 4 năm 1943 |
Quốc gia | Liên bang Đông Dương |
Báo Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận độc lập đầu tiên tại An Nam (Trung Kỳ), do ông Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), một nho gia thuộc trường phái duy tân, phát hành. Tòa soạn báo đặt tại Huế, phổ biến và có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung trong gần 16 năm dài, từ 1927 tới năm 1943.
Thành lập
sửaTrong khi báo chí phát triển ở Bắc và Nam thì tại Trung Kỳ chưa có tờ nhật báo nào được xuất bản. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1927, khi tờ Tiếng Dân xuất hiện do tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập tại xứ Huế dưới chế độ phong kiến lạc hậu. Tháng 7 năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, được bầu làm viện trưởng. Sau cuộc họp đầu tiên khai mạc ngày 7 tháng 9 năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng “cùng đồng nhân trù hoạch xin mở một tờ báo, vì xưa nay ở Trung Kỳ chưa có một tờ báo nào”. Phan Bội Châu[a] đến nhờ Huỳnh Thúc Kháng đứng tên để xin phép ra báo, vì mang tiền án tù chính trị nhưng lại là đương kim Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, yêu cầu xuất bản có thể sẽ được phê duyệt. Cuối năm 1926, Huỳnh Thúc Kháng đọc diễn văn tại Viện dân biểu, phản ánh tình trạng thiếu một tờ báo trên "dải đất gồm 15 tỉnh".[2] Trước làn sóng dư luận, chính quyền Pháp đành miễn cưỡng cho phép ông Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân.[3]
Vào thời điểm này, tại Trung Kỳ chưa có nhà in nào có thể in được một tờ báo khổ to như Tiếng Dân (58x42cm).[b] Sau khi thỏa thuận với Toàn quyền Pasquier, dù chưa có nghị định chính thức, Huỳnh Thúc Kháng đứng ra gọi vốn thành lập công ty, định đặt trụ sở ở Tourane, một nhượng địa của Pháp tách rời chính quyền phong kiến Nam triều, đồng thời là quê hương của ông. Nhưng chính quyền Pháp không cho phép in báo tại Đà Nẵng, mà phải đặt trụ sở tại Huế để tiện kiểm duyệt mọi ấn phẩm của nhà in. Cùng với việc tìm trụ sở, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh (được cử đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, vì các công sự đều chưa am hiểu công việc tổ chức tòa soạn), Nguyễn Xương Thái ra Hà Nội tìm mua máy in. Tháng 2 năm 1927, công ty gọi vốn được hơn 30.000 đồng, số tiền đủ mua một tòa nhà số 123 đường Đông Ba và trang thiết bị cho nhà in. Ông Mai Du Lân chủ nhiệm tờ Thực nghiệp đồng ý nhượng lại một máy in chưa dùng và đưa thợ in vào Huế trợ lực. Sau khi lắp ráp và chạy thử máy in, ngày 10 tháng 8 năm 1927, Tiếng Dân ra số đầu tiên.[3][5]
Trình bày và hình thức
sửaTừ số đầu đến ngày đình bản, manchette của Tiếng Dân hiếm khi thay đổi, dòng đầu trang nhất có ngày âm lịch và dương lịch ra số báo và giá mỗi số; hai chữ TIẾNG DÂN đậm nét, ở dưới là dòng chữ tiếng Pháp La Voix du Peuple (Tiếng dân), bên cạnh là hai chữ Nôm 民 聲 (Dân Thanh). Về ngày ra báo, báo ra đúng hai lần một tuần: thứ Tư và thứ Bảy. Từ ngày 1 tháng 2 năm 1936 đến ngày 30 tháng 12 năm 1939, báo ra mỗi tuần ba số: thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Từ đầu năm 1940 trở đi báo trở lại mỗi tuần hai số như trước. Về trình bày, nhà in đăng những danh ngôn thể hiện mục đích và tôn chỉ của báo vào thời điểm đó. Dưới là những bài xã luận, thời sự và bình luận chính trị, đôi khi đăng ở trang 1 tiếp sang trang 3. Trang 2 đăng tiểu thuyết, truyện dịch dài kỳ và quảng cáo. Trang 3 là những bài về tư tưởng, văn hóa, khoa học, phân nửa còn lại là quảng cáo. Trong quá trình làm việc, tòa soạn thiếu người am hiểu nghiệp vụ thiết kế trang báo, trình bày bài vở, dù có rút kinh nghiệm và tham khảo đồng nghiệp để cải tiến nhưng Tiếng Dân vẫn không hấp dẫn về mặt hình thức. Từ cuối tháng 4 năm 1936, báo có mục “Việc các tỉnh” ở Trung Kỳ thay cho mục “Việc trong nước”. Những dịp tết và ngày kỉ niệm ra báo hằng năm đều có số đặc biệt, có khi nâng lên thành 6 trang.[6]
Quan điểm và tư tưởng
sửaKiểm duyệt
sửaVào thời kỳ này, báo chí quốc ngữ đều phải được nhà chức trách duyệt nội dung rồi mới được đem in, nhiều báo bị kiểm duyệt phải thay bài bằng cách in quảng cáo. Nhưng Tiếng Dân lại còn bị đặt dưới một chế độ đặc biệt không áp dụng với mọi tờ báo quốc ngữ nào khác trong Nam hay ngoài Bắc.[7] Ngày 19 tháng 3 năm 1927, Chánh Sở Liêm phóng Trung Kỳ Léonard Sogny đệ trình kế hoạch kiểm soát tờ Tiếng Dân, thành lập ban kiểm soát báo do Thông dịch viên Sở Liêm phóng Bùi Văn Cung điều hành. Ban kiểm duyệt này sẽ bảo đảm các bài báo không được xúc phạm chính quyền Pháp, hai ngày trước khi in, các bài báo đều phải dịch sang tiếng Pháp và nộp cho Sở Liêm phóng để kiểm duyệt.[8] Những bài bị kiểm duyệt tờ Tiếng Dân thường đề rõ "Tờ Kiểm duyệt bỏ", những trang sau – trừ vài mẩu quảng cáo – cũng có những mẩu tin ngắn áp dụng cách tương tự để độc giả nhìn thấy, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh gọi đây là "cái mưu cao và cái bướng của ông chủ báo".[9] Trong một bức thư gửi Khâm sứ Trung Kỳ năm 1931, Huỳnh Thúc Kháng nêu quan điểm rằng khi cho đăng những bài báo "nói lên nguyện vọng của dân chúng", ông biết trước là sẽ bị kiểm duyệt, nhưng mục đích chính là để sở kiểm duyệt đọc và trình lên nhà chức trách để họ lưu ý đến.[7] Mặt khác, Huỳnh Thúc Kháng từng cho mình là "nhà cách mạng công khai" nên mọi hoạt động cũng theo con đường hợp pháp, những bài báo dù có "phản đối cường quyền, chủ trương chánh học, bài bác tà thuyết" nhưng về cơ bản chưa động chạm gì đến quyền lợi của người Pháp.[10]
Ngày 1 tháng 1 năm 1935, Toàn quyền René Robin ký Nghị định bỏ kiểm duyệt báo chí quốc ngữ nhưng vẫn còn siết chặt việc ra báo, việc công bố nghị định khiến giới làm báo "vừa mừng, vừa lo". Tiếng Dân đăng bài bình luận về sự kiện này, đồng thời phê phán nhận thức rằng kiểm duyệt là một đặc ân của người làm báo, vì trước khi bài được đăng đã có ty kiểm duyệt xét, nên tờ báo bớt lo ngại về mặt pháp luật. Tác giả nêu dẫn chứng lúc báo chí còn bị kiểm duyệt vẫn bị chính quyền truy tố, và cho rằng "những người lo ngại cho sự hiểm nghèo của tí tự do thừa kia [...] hẳn là hạng người không xứng đáng thiên chúc của người cầm bút, vì họ không đủ can đảm mà chịu trách nhiệm về những bài vở mà họ viết ra".[11][12] Đến thời kỳ vận động dân chủ và đòi quyền tự do ngôn luận, Tiếng Dân đăng bài so sánh chế độ báo chí tại Pháp và Việt Nam và đề ra yêu sách: bỏ sắc lệnh ngày 30 tháng 12 năm 1998 và ngày 4 tháng 10 năm 1927; thực hiện luật báo chí ngày 29 tháng 7 năm 1891.[13][14]
Chú thích
sửaTham khảo
sửa- ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 13.
- ^ Huỳnh Văn Tòng (2016), tr. 198–202.
- ^ a b Nguyễn Thành (1992), tr. 11–15.
- ^ Đỗ Quang Hưng (2018), tr. 96.
- ^ Trần Đình Ba (2022), tr. 235.
- ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 17–19.
- ^ a b Nguyễn Thế Anh (2002), tr. 26.
- ^ Chính Đạo (2005).
- ^ Nhiều tác giả (2010), tr. 1787.
- ^ Chương Thâu (1989), tr. 21–22.
- ^ “Chung quanh sự bỏ kiểm duyệt cho các báo quốc văn”. Tiếng Dân (758). 5 tháng 1 năm 1935.
- ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 150–153.
- ^ “Tờ báo cáo của tạm thời tiểu ban tại Toàn kỳ Hội nghị ngày 20–9–36”. Tiếng Dân (965). 26 tháng 9 năm 1936.
- ^ Nguyễn Thành (1992), tr. 183.
Nguồn
sửa- Chương Thâu (1989). Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng. Nhà xuất bản Đà Nẵng. OCLC 247054283.
- Nguyễn Thành (1992). Lịch sử báo Tiếng Dân. Nhà xuất bản Đà Nẵng. OCLC 34624026.
- Nguyễn Thành (1993). “Tìm hiểu tư tưởng chính trị của Huỳnh Thúc Kháng”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. 1 (266): 7–15.
- Nguyễn Thế Anh (2002) [1986]. “Một trường hợp trường tồn của tinh thần Nho giáo ở Việt Nam vào thế kỷ 20: Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo Tiếng Dân”. Nghiên cứu Huế. Tập 4. Nguyễn Tư Triệt biên dịch. Trung tâm Nghiên cứu Huế. tr. 22–32. OCLC 43207147.
- Nguyễn Xuân Hoa (2013). “Báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng: Tờ báo khổ lớn bằng tiếng Việt đầu tiên ở Huế”. Lịch sử báo chí Huế. Nhà xuất bản Thuận Hóa. tr. 39–52. OCLC 1059551212.
- Nhiều tác giả (2010). Chương Thâu; Phạm Ngô Minh (biên tập). Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập. Nhà xuất bản Đà Nẵng. OCLC 668426095.
- Huỳnh Văn Tòng (2016). Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 978-604-58-5099-2.
- Đỗ Quang Hưng (2018) [1992]. Lịch sử báo chí Việt Nam (1865 -1945). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. ISBN 978-604-956-278-5.
- Trần Đình Ba (2022). Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 978-604-377-062-9.
- Chính Đạo (6 tháng 10 năm 2005). “Báo Tiếng Dân (1927-1943): Vài Tư Liệu Mới”. Tạp Chí Hợp Lưu.