Thành viên:HungKhanh0106/PH
Hiến pháp Philippines Điều IV: Quốc tịch | |
---|---|
Ủy ban lập hiến | |
Phạm vi áp dụng | Philippines |
Ban hành bởi | Trưng cầu ý dân về hiến pháp |
Ngày thông qua | 2 tháng 2 năm 1987 |
Ngày hiệu lực | 2 tháng 2 năm 1987[1] |
Trạng thái: Hiện hành |
Luật quốc tịch Philippines quy định các điều kiện về quốc tịch Philippines. Hai văn bản pháp lý chính quy định về quốc tịch Philippines là Hiến pháp Philippines 1987 và Luật nhập tịch sửa đổi 1939.
Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Philippines thì có quốc tịch Philippines. Người ngoại quốc có thể nhập tịch Philippines nếu đã cư trú ở Philippines từ 10 năm trở lên, sở hữu bất động sản, biết tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha cộng thêm một ngôn ngữ của Philippines và có phẩm chất tốt.
Trước kia, công dân Philippines có quốc tịch Hoa Kỳ trong thời kỳ là lãnh thổ chưa hợp nhất của Hoa Kỳ. Vào thời thuộc Mỹ, trẻ em sinh ra tại Philippines thì có quốc tịch Philippines ngay cả khi cha mẹ là người nước ngoài. Luật quốc tịch Philippines hiện được thi hành dựa trên nguyên tắc huyết thống.
Lịch sử
sửaThời kỳ thuộc Tây Ban Nha
sửaQuần đảo Philippines sáp nhập vào Đế quốc Tây Ban Nha vào giữa thế kỷ 16[2] và luật quốc tịch Tây Ban Nha được áp dụng cho Philippines.[3] Không có quy định chính thức nào về quốc tịch cho người Philippines cho đến khi Bộ luật dân sự Tây Ban Nha có hiệu lực tại Philippines vào ngày 8 tháng 12 năm 1889. Bộ luật quy định trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Tây Ban Nha (bao gồm Philippines) hoặc sinh ra ở nước ngoài có cha hoặc mẹ là người Tây Ban Nha thì có quốc tịch Tây Ban Nha. Con chưa thành niên mang quốc tịch của cha mẹ trừ phi cha mẹ nhập tịch Tây Ban Nha cho con bằng cách đăng ký hộ tịch địa phương. Nếu cha mẹ không nhập tịch cho con thì con có thể nhập tịch Tây Ban Nha chậm nhất là một năm kể từ khi đến tuổi trưởng thành. Philippines chưa thành lập các sổ hộ tịch này vào cuối thời kỳ thuộc Tây Ban Nha.[4]
Thời kỳ thuộc Mỹ
sửaVào năm 1898, sau Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, Tây Ban Nha nhượng lại Philippines cho Hoa Kỳ.[5] Theo Hiệp định Paris, Quốc hội Hoa Kỳ có quyền quyết định quốc tịch của người bản địa tại Philippines và các vùng lãnh thổ được chuyển nhượng khác, còn những người sinh ra trên Bán đảo Iberia cư trú trên lãnh thổ Philippines có quyền giữ quốc tịch Tây Ban Nha.[6]
Năm 1902, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật tổ chức Philippines, quy định quốc tịch riêng cho người Philippines. Người Tây Ban Nha là thường trú nhân Philippines vào ngày 11 tháng 4 năm 1899 và sống ở Philippines khi đạo luật được thông qua và con cháu của họ trở thành công dân Philippines.[7] Người Philippines bản địa đã rời khỏi Philippines trước khi đạo luật được thông qua thì giữ quốc tịch Tây Ban Nha.[8] Người nước ngoài có thể được nhập tịch Philippines nếu có đủ các điều kiện được quy định tại Luật nhập tịch sửa đổi 1939. Đạo luật quy định đơn xin nhập tịch phải được Tòa án sơ thẩm xét duyệt tại tỉnh nơi họ đã cư trú ít nhất được một năm.[9] Phụ nữ Philippines kết hôn với nam giới nước ngoài và nhập tịch của chồng thì mất quốc tịch Philippines.[10]
Khi dấy lên mối quan ngại về việc người Trung Quốc có thể lợi dụng Philippines để lách luật nhập cư vào Hoa Kỳ, chính quyền liên bang đã mở rộng Đạo luật bài xích người Hoa vào năm 1902, chỉ cho phép người gốc Hoa nhập cảnh vào Philippines nếu đã hoặc đang lưu trú tại Philippines hoặc đang làm việc trong các ngành nghề được cho phép.[11] Mãi đến năm 1943, Đạo luật mới được bãi bỏ.[12]
Quốc tịch Hoa Kỳ
sửaVào thời thuộc Mỹ, Hiến pháp Hoa Kỳ không được áp dụng đầy đủ trên quần đảo Philippines do tình trạng là một lãnh thổ chưa hợp nhất.[5][13] Công dân Philippines có quốc tịch Hoa Kỳ nhưng không được hưởng đầy đủ các quyền công dân, ví dụ như quyền đầu phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang, tiểu bang và địa phương.[14] Mặc dù vậy, công dân Philippines cũng không được coi là người nước ngoài theo pháp luật Hoa Kỳ và thường được miễn các giới hạn nhập cảnh[15] trong khi hầu như tất cả người châu Á khác đều bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, ngoại trừ người Philippines gốc Hoa bị cấm nhập cảnh theo Đạo luật bài xích người Hoa.[16] Công dân Philippines sinh sống tại Hoa Kỳ chỉ được hưởng các quyền công dân Hoa Kỳ đầy đủ nếu phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ vì pháp luật đương thời chỉ cho phép "người da trắng, người gốc Phi hoặc hậu duệ của các chủng tộc bản địa ở Tây Bán cầu", quân nhân và cựu chiến binh được nhập tịch với quyền công dân đó.[17]
Số lượng người Philippines sinh sống ở Hoa Kỳ tăng từ 3.000 người vào năm 1910 lên 110.000 người vào năm 1930.[18] Các công dân Philippines được cấp hộ chiếu Hoa Kỳ và được bảo hộ như công dân Hoa Kỳ khi đi nước ngoài.[19] Năm 1934, Đạo luật Tydings–McDuffie được ban hành, bắt đầu giai đoạn Hoa Kỳ chuẩn bị trao trả độc lập cho Philippines. Đạo luật quy định công dân Philippines là người nước ngoài và chỉ cho phép 50 công dân Philippines được nhập cảnh vào Hoa Kỳ mỗi năm, làm giảm số lượng người Philippines nhập cư vào Hoa Kỳ từ hơn 36.000 người vào năm 1931 xuống chỉ còn 72 người vào năm 1937. Tuy nhiên, công dân Philippines đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ không bị trục xuất và không bị hạn chế quyền sở hữu tài sản như người nước ngoài. Sau khi Philippines được trao độc lập vào năm 1946, công dân Philippines tại Hoa Kỳ mất quốc tịch Hoa Kỳ nhưng vẫn được tiếp tục cư trú vì đã nhập cảnh từ một lãnh thổ cũ của Hoa Kỳ.[20]
Quyền nơi sinh
sửaNăm 1912, Tòa án Tối cao Philippines xét xử vụ Roa kiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Quần đảo, phán quyết rằng một người sinh ra có cha là người Trung Quốc và mẹ là người Philippines trước khi Bộ luật dân sự Tây Ban Nha được áp dụng tại Philippines là công dân Philippines. Bối cảnh vụ việc là pháp luật trước năm 1889 không xác định liệu trẻ em sinh ra ở Philippines thì có quốc tịch Tây Ban Nha hay không nhưng Bộ luật dân sự Tây Ban Nha được áp dụng hồi tố cho trẻ em sinh ra trước khi bộ luật được ban hành. Theo bộ luật, người này mang quốc tịch Trung Quốc nhưng có quyền nhập tịch Tây Ban Nha chậm nhất là một năm sau khi đủ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, người này không được thực hiện quyền này vì sự thay đổi chủ quyền vào năm 1898. Tòa án Tối cao xác định rằng việc nhập tịch Philippines không phụ thuộc vào sự thay đổi chủ quyền và nguyên tắc quyền nơi sinh tại Hoa Kỳ được áp dụng tại Philippines sau khi Luật Tổ chức Philippines có hiệu lực nên trẻ em sinh ra ở Philippines trong thời gian này có quốc tịch Philippines.[4] Ngoài ra, luật địa phương của Nghị viện Philippines đã đề cập đến "những người có quốc tịch Quần đảo Philippines khi sinh ra", được toàn quyền Philippines và các tòa án địa phương giải thích là thiết lập nguyên tắc quyền nơi sinh theo như Tu chính án 14 Hiến pháp Hoa Kỳ.[21]
Năm 1935, trong giai đoạn Hoa Kỳ chuẩn bị trao trả độc lập cho Philippines, một uỷ ban lập hiến đã được thành lập để soạn thảo Hiến pháp Philippines. Hiến pháp năm 1935 quy định người nào có quốc tịch Philippines khi hiến pháp được ban hành, trẻ em sinh ra ở Philippines có cha mẹ là người nước ngoài nhưng đã được bầu vào cơ quan nhà nước, trẻ em có cha là công dân Philippines hoặc trẻ em có mẹ là công dân Philippines và đã chọn nhập tịch Philippines sau khi đến tuổi trưởng thành thì là công dân Philippines.[22] Các nhà lập pháp không thừa nhận án lệ về quyền nơi sinh và cho rằng việc sinh ra ở Philippines thôi là không đủ để có quốc tịch Philippines. Mặc dù ủy ban lập hiến rõ ràng ưu tiên gia nhập quốc tịch dưa trên nguyên tắc huyết thống hơn là, nhưng các phán quyết sau này xác định rằng ủy ban lập hiến không bãi bỏ án lệ vụ án Roa kiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Quần đảo và duy trì nguyên tắc quyền nơi sinh.[23]
Thời kỳ độc lập
sửaPhilippines được trao trả độc lập vào năm 1946. Năm 1947, Tòa án Tối cao Philippines bãi bỏ án lệ vụ án Roa kiện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Quần đảo trong vụ Tam Chong kiện Bộ trưởng Bộ Lao động, phán quyết rằng nguyên tắc quyền nơi sinh chưa được áp dụng hoàn toàn tại Philippines thông qua luật mới kể từ khi Hiến pháp năm 1935 được ban hành hoặc thông qua việc áp dụng Tu chính án 14 Hiến pháp Hoa Kỳ tại Philippines.[24] Kể từ khi ra phán quyết này, luật quốc tịch Philippines chủ yếu áp dụng nguyên tắc quyền huyết thống.[25]
Tuy quy định pháp luật về các điều kiện nhập tịch phần lớn khá rõ ràng và ổn định nhưng các phán quyết của Tòa án Tối cao ngay sau khi Philippines được trao độc lập tạo ra những rào cản thủ tục đối với việc nhập tịch Philippines. Ví dụ: Tòa án Tối cao xác định vào năm 1948 rằng không cần phải có giấy xin nhập tịch vì cho rằng những giấy tờ này đã bị thất lạc trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng lại yêu cầu điều kiện tiên quyết này vào năm 1961 mà ngoại lệ duy nhất là nếu người xin nhập tịch sinh ra và được giáo dục tại Philippines và con cũng được giáo dục tiểu học và trung học tại Philippines. Các quyết định tiếp theo của toà án vào thập niên 1950 cũng xác định rằng những trường hợp khiến con không thể đi học tại một trường học Philippines, bao gồm trường hợp con bị đuổi học do kết hôn hoặc con không thể đi học do bị giam giữ trong thời chiến, không phải là ngoại lệ đối với điều kiện con của người xin nhập tịch phải được giáo dục tại Philippines.[26]
Sau khi tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972, Ferdinand Marcos đã ban hành hiến pháp mới vào năm 1973. Hiến pháp năm 1973 giữ nguyên các điều khoản về quốc tịch của Hiến pháp năm 1935 nhưng bãi bỏ yêu cầu trẻ em có mẹ là công dân Philippines và cha là người nước ngoài phải chọn nhập tịch Philippines khi đến tuổi trưởng thành. Hiến pháp năm 1973 cũng cho phép phụ nữ Philippines kết hôn với người nước ngoài giữ quốc tịch Philippines ngay cả khi đã nhập tịch của chồng. Từ khi Hiến pháp năm 1987 có hiệu lực, trẻ em sinh ra có mẹ là công dân Philippines trước ngày 17 tháng 1 năm 1973 phải chọn nhập tịch Philippines.[27]
Từ cuối thập niên 1980, người Philippines ở nước ngoài được tạo điều kiện cho về nước nhằm phát triển các mối liên hệ chặt chẽ giữa người Philippines hải ngoại với trong nước. Trong thập kỷ tiếp theo, người từng có quốc tịch Philippines khi sinh ra thì được cấp quyền nhập cảnh miễn thị thực, quyền mua bán bất động sản và nhiều quyền đầu tư hơn. Năm 2003, Luật Giữ và Phục hồi Quốc tịch được thông qua, cho phép những người đã mất quốc tịch Philippines do nhập tịch nước ngoài được nhập lại quốc tịch và đình chỉ việc tước quốc tịch trong trường hợp nhập tịch nước ngoài.[28]
Thuận lợi hoá trình tự nhập tịch
sửaVào thập niên 1950, Philippines có một số lượng lớn người gốc Hoa. Những người Hoa có khuynh hướng ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu nộp đơn xin nhập tịch Philippines theo chính sách khuyến khích nhập tịch ở nước sở tại của Cộng hòa Nhân dân, nhưng rốt cuộc nhiều người trong số đó không hoàn thành thủ tục do các điều kiện gây khó khăn và tốn kém. Lúc này, số đông người Hoa không nhập tịch Philippines mang hộ chiếu Trung Hoa Dân quốc theo chính sách của họ rằng người Hoa ở nước ngoài là công dân hợp pháp.[29]
Năm 1975, trình tự nhập tịch được đơn giản hoá tạm thời, cho phép nhập tịch thông qua thủ tục hành chính thay cho nộp đơn lên tòa án. Trình tự như vậy là để nhằm mục đích cho người Hoa nhanh chóng nhập tịch để chính quyền Tổng thống Marcos giảm thiểu các vấn đề tiềm ẩn trong tương lai, chuẩn bị cho việc chính thức công nhận chính thể nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[30] Một ủy ban xem xét đơn xin nhập tịch và đề nghị tổng thống cho nhập tịch những người đủ điều kiện. Vợ con của người nhập tịch cũng được nhập tịch Philippines theo trình tự rút gọn.[31] Đơn xin nhập tịch theo trình tự rút gọn phải được nộp trước ngày 30 tháng 6 năm 1975. Thời hạn này được gia hạn hai lần, lần đầu đến ngày 30 tháng 9 năm 1975 và lần thứ hai đến ngày 1 tháng 4 năm 1976. Từ ngày 8 tháng 6 năm 2001, người nào sinh ra ở Philippines, từ 18 tuổi trở lên và đã cư trú tại Philippines kể từ khi sinh ra thì có thể được nhập tịch theo trình tự rút gọn.[32]
Nhập tịch, thôi quốc tịch, tước quốc tịch
sửaTrẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Philippines thì có quốc tịch Philippines.[25] Sau phán quyết của Tòa án Tối cao Philippines vào năm 2016, trẻ em bị bỏ rơi được tìm thấy trên lãnh thổ Philippines mà không rõ cha mẹ là ai thì có quốc tịch Philippines.[29][33] Người nước ngoài có thể được nhập tịch Philippines nếu đủ 21 tuổi trở lên, đã cư trú tại Philippines từ 10 năm trở lên, sở hữu bất động sản có giá trị ít nhất 5.000 peso Philippines hoặc có công việc ổn định trong một ngành nghề có thu nhập cao, biết tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha và một ngôn ngữ của Philippines và có phẩm chất tốt. Ngoài ra, con chưa thành niên của người nước ngoài phải đi học tại một trường học ở Philippines. Trong trường hợp người có đơn xin nhập tịch làm việc cho Chính phủ Philippines, có những đóng góp đáng kể về kinh tế hoặc khoa học cho nhà nước, kết hôn với công dân Philippines, đã giảng dạy tại một trường học Philippines trong ít nhất hai năm hoặc sinh ra ở Philippines thì điều kiện cư trú được giảm xuống còn năm năm.[9] Đơn xin nhập tịch Philippines phải nộp lên Tòa án sơ thẩm Khu vực (Regional Trial Court) tại tỉnh đã lưu trú được ít nhất 12 tháng trừ phi người có giấy khai sinh của Philippines và đủ 18 tuổi trở lên.[32]
Những trường hợp sau đây không được nhập tịch Philippines: chống phá nhà nước, tích cực cổ xúy bạo lực, thực hành đa phu thê, phạm tội suy thoái đạo đức, bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh truyền nhiễm nan y, không hòa nhập vào xã hội Philippines hoặc có quốc tịch nước ngoài của một quốc gia đang có chiến tranh với Philippines hoặc không cho phép công dân Philippines nhập tịch.[34]
Công dân Philippines có thể được thôi quốc tịch Philippines, trừ phi Philippines đang có chiến tranh. Công dân Philippines sẽ bị tước quốc tịch nếu phục vụ trong lực lượng vũ trang của nước ngoài, tuyên thệ trung thành với nước ngoài hoặc đào ngũ trong thời chiến. Những người sinh ra trong nước nhưng đã mất quốc tịch do nhập tịch nước ngoài vào trước năm 2003 có thể phục hồi quốc tịch Philippines khi đã tuyên thệ trung thành với chính quyền Philippines. Tuơng tự, phụ nữ Philippines đã mất quốc tịch khi kết hôn với người nước ngoài và những người đã mất quốc tịch do hoàn cảnh chính trị hoặc kinh tế trước ngày 23 tháng 10 năm 1995 cũng có thể phục hồi quốc tịch Philippines.[35] Người phụ thuộc là con cái hợp pháp của một người nhập tịch hoặc phục hồi quốc tịch Philippines cũng được xem là công dân Philippines.[36]
Xem thêm
sửaTham khảo
sửaChú thích
sửa- ^ Hernandez 1988, tr. 230.
- ^ Pearson 1969, tr. 165.
- ^ Aguilar 2017, tr. 3.
- ^ a b Peck 1965, tr. 464–465.
- ^ a b Aguilar 2017, tr. 4–5.
- ^ McGovney 1934, tr. 593–595.
- ^ Peck 1965, tr. 463–464.
- ^ Aguilar 2010, tr. 219.
- ^ a b Aguilar 2017, tr. 13.
- ^ Aguilar 2017, tr. 17.
- ^ Aguilar 2017, tr. 4.
- ^ Lee 2003, tr. 46.
- ^ Burnett 2005, tr. 800–801.
- ^ McGovney 1934, tr. 606.
- ^ Villazor 2017, tr. 1676.
- ^ Villazor 2017, tr. 1715–1716.
- ^ Villazor 2017, tr. 1718.
- ^ Villazor 2017, tr. 1716.
- ^ Aguilar 2017, tr. 6.
- ^ Villazor 2017, tr. 1716–1717.
- ^ Aguilar 2017, tr. 7.
- ^ Aguilar 2017, tr. 9.
- ^ Peck 1965, tr. 467–468.
- ^ Peck 1965, tr. 468–469.
- ^ a b Aguilar 2017, tr. 11.
- ^ Peck 1965, tr. 471–472.
- ^ Aguilar 2017, tr. 11–12.
- ^ Primer on Philippine Dual Citizenship Act (Republic Act No. 9225) (PDF) (Bản báo cáo) (ấn bản thứ 2018). Uỷ ban về người Philippines ở nước ngoài. tr. 1. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2022.
- ^ a b Aguilar 2017, tr. 14–15.
- ^ Weightman 1986, tr. 88–89.
- ^ Aguilar 2017, tr. 15.
- ^ a b Aguilar 2017, tr. 15–16.
- ^ Aguilar 2017, tr. 20–21.
- ^ Fernando 1959, tr. 176–177.
- ^ Aguilar 2017, tr. 16–19.
- ^ Aguilar 2017, tr. 2.
Nguồn
sửaTài liệu
sửa- Aguilar, Filomeno V. (2010). “The Riddle of the Alien-Citizen: Filipino Migrants as US Nationals and the Anomalies of Citizenship, 1900s–1930s”. Asian and Pacific Migration Journal. SAGE Publishing. 19 (2): 203–236. doi:10.1177/011719681001900202. S2CID 146854713.
- Aguilar, Filomeno V. (tháng 1 năm 2017). Report on Citizenship Law: Philippines (Bản báo cáo). European University Institute. hdl:1814/45147.
- Burnett, Christina Duffy (2005). “Untied States: American Expansion and Territorial Deannexation”. The University of Chicago Law Review. University of Chicago. 72 (3): 797–879. JSTOR 4495514.
- Fernando, Enrique M. (1959). “Brief Survey of the Legal Status of Aliens in the Philippines”. Civilisations. Université libre de Bruxelles. 9 (2): 173–183. JSTOR 41230144.
- Hernandez, Carolina G. (tháng 2 năm 1988). “The Philippines in 1987: Challenges of Redemocratization”. Asian Survey. University of California Press. 28 (2): 229–241. doi:10.2307/2644824. JSTOR 2644824.
- Kondo, Atsushi biên tập (2001). Citizenship in a Global World. Palgrave Macmillan. doi:10.1057/9780333993880. ISBN 978-0-333-80266-3.
- Lee, Erika (2003). At America's Gates: Chinese Immigration during the Exclusion Era, 1882-1943. University of North Carolina Press. ISBN 0-8078-5448-4.
- McGovney, Dudley O. (tháng 9 năm 1934). “Our Non-Citizen Nationals, Who Are They?” (PDF). California Law Review. University of California, Berkeley. 22 (6): 593–635. doi:10.2307/3476939. JSTOR 3476939.
- Pearson, M.N. (tháng 4 năm 1969). “The Spanish 'Impact' on the Philippines, 1565-1770”. Journal of the Economic and Social History of the Orient. Brill. 12 (2): 165–186. doi:10.2307/3596057. JSTOR 3596057.
- Peck, Cornelius J. (1965). “Nationalistic Influences on the Philippine Law of Citizenship”. The American Journal of Comparative Law. Oxford University Press. 14 (3): 459–478. doi:10.2307/838452. JSTOR 838452.
- Temprosa, Francis Tom (2013). “Statelessness in Philippine Law: Expanding Horizons of the International Stateless Person Protection Regime”. Ateneo Law Journal. Ateneo de Manila University. 58 (29): 29–80. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2022 – qua HeinOnline.
- Villazor, Rose Cuison (2017). “American Nationals and Interstitial Citizenship”. Fordham Law Review. Fordham University. 85 (4): 1673–1724. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
- Weightman, G.H. (1986). “Changing Patterns of Internal and External Migration Among Philippine Chinese”. Crossroads: An Interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies. Northern Illinois University. 2 (3): 83–114. JSTOR 40860215.