Nguyễn Văn Hiếu - Tiến sỹ Đại học Nông lâm Tp. Hồ Chí Minh[1]

Hoàn cảnh lịch sử

sửa

Từ anh nông dân quyết tâm theo đuổi sự học, khi cái nghèo đeo bám, Nguyễn Văn Hiếu - Tiến sĩ chuyên ngành Khí tượng Nông Nghiệp (ngành ở Việt Nam chưa nơi nào đào tạo) vẫn không từ bỏ dù phải làm bồi bàn, bán báo dạo, bốc vác thuê...

Nhìn cái phong cách lúc nào cũng cười, trẻ trung, năng động, hòa đồng với mọi người ít ai nghĩ Hiếu hiện là Phó trưởng Khoa Khoa học, Trưởng Bộ môn Vật lý của trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM. Để có kết quả như hôm nay, Hiếu đã phải vật lộn với bao khó khăn tưởng chừng rất khó vượt qua để lấy cho được học vị Tiến sĩ chuyên ngành Khí tượng Nông Nghiệp, cái ngành mà ở Việt Nam chưa có.

“Em chào thầy…” trước những cái cúi đầu lễ phép của đám đông sinh viên trường. Nếu không chú ý sẽ khó nhìn ra ông thầy có vóc dáng nhỏ thó, đen nhẻm Nguyễn Văn Hiếu, đang vội rảo bước trên sân trường. 

Tuổi thơ nhọc nhằn

sửa

Nhà Hiếu có 3 anh em. Tuổi thơ Hiếu trôi qua ở cái vùng quê nghèo thuộc làng Phú Lợi Hạ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre. “Nhà tôi lúc đó được xem là gia đình nghèo nhất nhì trong cái làng quê nghèo đó…” Hiếu kể. Tuổi thơ của Hiếu và các em cũng bình thường như bao đứa trẻ khác ở quê, nhưng ngặt nghèo hơn. 

Lúc đó, nguồn thu nhập chính của gia đình trông chờ vào vụ mùa trên 3 công đất ruộng. Ngặt nỗi vùng ruộng của gia đình thuộc vùng đất nhiễm phèn nặng nên thay vì trồng lúa gia đình phải chuyển qua trồng mía. Một năm hai vụ mùa không đủ tiền giải quyết nhu cầu lương thực cho cả gia đình 5 miệng ăn. Vậy là phải phân chia nhau đi làm. Để có thu nhập, cha mẹ đi làm thuê. Còn 3 anh em Hiếu lo kiếm thức ăn. 

11 tuổi, cái tuổi ăn tuổi lớn, Hiếu và 2 em phải tập làm quen với việc lặn ngụp ngoài sông, ngoài rạch để bắt con tôm, kiếm con cá. “Cơ cực nhưng vui. Tôi nhớ hồi đó, lần đầu tiên 3 anh em chúng tôi bắt được con tôm lớn, cả 3 cùng la hét nhảy múa vui lắm, nhưng đến lúc về đến nhà, mỗi đứa cầm một chút cho “đã” rồi phải đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Chỉ dám giữ lại những con tép nhỏ để làm thức ăn.” Hiếu nhớ lại.

Cám cảnh cái việc ăn đong. Ba mẹ Hiếu quyết định vay mượn vốn từ họ hàng, chòm xóm thử thời vận qua những chuyến buôn lúa. Buôn bán được khoảng 6 tháng, đời sống khá lên trông thấy. “Lúc tôi và các em có được những bữa tươm tất hơn, có được chút thời gian vui chơi cùng bạn bè trong xóm…” 

Nhưng cái thời làm ăn được kéo dài chẳng bao lâu thì quay về cảnh khó với thực trạng bi đát hơn. Giá lúa lên xuống liên tục, khiến Ba mẹ Hiếu không lường trước được khiến cái số vốn vay mượn đội nón đi sạch. Không chỉ nghèo mà còn lâm cảnh nợ nần. Không chấp nhận bán đất trả nợ, Ba mẹ Hiếu năn nỉ mọi người cho thiếu rồi khăn gói lên TP.HCM làm thuê.

Gửi 3 đứa con thơ lại cho bà ngoại, lớn nhất là Hiếu lúc đó chỉ tròm trèm 13 tuổi. Tài sản để lại cho 3 anh em là mảnh ruộng phèn, chục con gà, 3 con heo nhỏ và 20 con vịt. Ngoại lúc đó đã già, để có cái ăn, cái mặc, anh em Hiếu lại lao mình vào những cuộc vật lộn ngoài sông, rạch để kiếm con tôm con cá, con còng vừa bán kiếm tiền vừa có cái để nuôi gà, vịt. 

“Lúc cha mẹ tôi tha phương làm thuê, tôi đang học lớp 8. Nghèo, nhưng được một cái là cả 3 anh em đều ham học và có sức học khá. Năm 1998, tôi tốt nghiệp cấp 3 và thi đậu vào Đại học Khoa học Tự nhiên. 2 em ở lại với ngoại, còn tôi khăn gói lên Sài Gòn ở với cha mẹ để đi học…”. 

Trong căn phòng ẩm thấp hơn 10m2 sát bên khu chợ Hoàng Hoa Thám Tân Bình, nhìn cảnh cha mẹ sớm tối làm thuê, dành dụm từng đồng, Hiếu bắt đầu nhận thức rõ nét về cái sự nghèo. 

Thành phố không có sông có rạch bắt cá, Hiếu bắt đầu làm quen với hàng loạt công việc lạ lẫm, từ làm thuê, bán báo dạo, cửu vạn đến dạy thuê, bồi bàn… chắt chiu từng đồng để giúp đỡ cha mẹ và kiếm tiền học. Cuộc sống lúc đó của Hiếu không có bạn bè, không có thời gian rảnh. Ngoài giờ đến trường là làm việc và tranh thủ nghỉ ngơi. Uống ly cà phê, ăn tô bún trong quán lúc đó là một giấc mơ thật xa. 

Ở nội thành, học tận ngoài Thủ Đức, quãng đường gần 30km là nỗi ám ảnh mỗi ngày. Chiếc xe đạp cũ, quà tặng mua trả góp trong 6 tháng của cha mẹ không đủ tiếp sức Hiếu đến trường. Xe bus lúc đó là cứu cánh của những sinh viên nghèo như Hiếu. Xe bus rẻ nhưng không phải lúc nào cũng có 4000 đồng. Nhiều lúc không có tiền mua vé, phải sử dụng “vé cười vé khóc”. Vé cười là đứng cười trừ với những bác tài khó tính la mắng vì không trả tiền, vé khóc là dành cho những bác tài thông cảm hoàn cảnh cho đi nhờ, khóc thầm cũng là cách để tự thương cho mình. Có những buổi Hiếu phải mất tới 2, 3 lượt xe mới về được đến nhà, do bị đuổi xuống giữa đường vì không tiền mua vé.

“Khi học đến năm thứ 3, thì 2 em tôi cũng nối gót lên Sài Gòn đi học. Đã khó lại khó thêm. Cha mẹ phải làm thêm nhiều lắm để có tiền cho 3 đứa con đi học. Thương cha thương mẹ, lúc đó tôi chỉ dặn mình phải cố gắng mà học, học thật giỏi để thoát nghèo…” Hiếu cười buồn.

Hành trình làm Tiến sĩ

sửa

Khó là vậy, nhưng Hiếu cũng đã hoàn tất chương trình học và lấy được tấm bằng cử nhân chuyên ngành Vật lý. Nhìn bạn bè bôn ba chạy tìm việc, Hiếu thầm nhủ tấm bằng cử nhân vẫn chưa đủ làm hành trang cho mình. Không ai hiểu rõ hoàn cảnh hơn bản thân, tự hiểu mình không thân thế, không người quen biết, nhà nghèo, muốn có tương lai ổn định chỉ còn con đường học, phải học thêm thật nhiều. 

Với Hiếu “đã khổ tới mức này thì chẳng thể khổ hơn”. Thay vì kiếm việc làm, Hiếu thi và học tiếp chương trình sau đại học. “May mắn cho tôi là khi vừa theo học chương trình thạc sĩ Hải Dương Học, cũng là lúc tôi được nhận vào làm việc bán thời gian tại trường PTTH Dân Lập Nguyễn Khuyến. Thu nhập được 1,5 triệu đồng/tháng. Mức lương đó là điều không tưởng với tôi.” Hiếu tâm sự.

Lương cao, nhưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục chàng trai ham học. Khi trường Đại học Nông Lâm thông báo tuyển dụng, mặc dù biết lương làm việc tại Nông Lâm chỉ bằng 1/5 mức lương đang thu nhập, nhưng Hiếu vẫn quyết định sang làm việc tại môi trường mới với mục tiêu có cơ hội được tiếp tục học hỏi. Có lẽ quyết định này đã tạo ra bước ngoặc trong con đường học vấn của chàng thanh niên nông dân. 

“Về làm việc tại trường ĐH Nông Lâm, cộng thêm cái gốc “chân đất” của mình, tôi càng hiểu hơn về nền nông nghiệp nước mình. Cảm được điều mà người nông dân cần…” Hiếu bộc bạch. 6 năm làm việc tại trường cũng là 6 năm Hiếu tích lũy thêm kiến thức cho cái sự “hiểu” của mình về nông nghiệp. “Thấy Hiếu có cái tâm, lòng chân thành, thích giúp đỡ người khác nên được giáo  viên và sinh viên cảm mến…” thầy Bảo Ngọc, một đồng nghiệp tại ĐH Nông Lâm nhận xét. 

Sự năng nổ trong hoạt động nghề nghiệp một lần nữa tạo cơ hội cho Hiếu. Năm 2008, Hiếu được tuyển chọn theo học chương trình đào tạo Tiến sĩ tại nước ngoài theo chương trình 322 của chính phủ. “Lúc đó chuyên ngành học khá nhiều nhưng tôi chọn theo học chuyên ngành Khí tượng Nông nghiệp. Lý do mà tôi chọn chuyên ngành này ngoài lý do “cảm” được cái trăn trở của nhà nông, còn bị ám ảnh bởi cái lời nhắc nhở “nghiên cứu xem trồng cây gì, nuôi con gì để người nông dân bớt khổ…” Hiếu giải thích.

Bốn năm theo học tập trung ở nước ngoài, Hiếu càng hiểu rõ hơn vì sao nông dân phải nghèo. Có lần một đồng nghiệp nước ngoài trợn mắt, nhún vai tỏ vẻ khó hiểu khi bật thốt với Hiếu là không thể hiểu được, một đất nước với nền nông nghiệp chủ lực, xuất khẩu gạo tầm cỡ như Việt Nam mà lại không có chuyên ngành đào tạo về Khí tượng Nông nghiệp. Thái độ của người đồng nghiệp đó khiến Hiếu nhủ lòng quyết tâm theo học ngành đã chọn.

Kết thúc khóa học, cầm tấm bằng tiến sĩ trở về, Hiếu trở thành Tiến sĩ Khí tượng Nông nghiệp duy nhất được đào tạo bài bản. Cái chuyên ngành mà tại Việt Nam chưa có trường ĐH nào tổ chức đào tạo.

Quay về lại với môi trường làm việc, ngoài giờ giảng dạy Hiếu lao vào nhiều hoạt động khác của trường. Từ việc xây dựng thương hiệu “Nấm Linh chi Nông Lâm”[2], “Đông trùng hạ thảo” “gạo mầm” “bột dinh dưỡng Chùm Ngây”. Hiếu bộc bạch: “những sản phẩm đó, ngành nghiên cứu của trường đã nghiên cứu thành công từ lâu và chuyển giao công nghệ cho nhiều người khác. Công sức của nhiều người nhưng gần như chẳng ai biết đến, tôi cảm thấy quá lãng phí, vì vậy kết hợp với những đồng nghiệp khác tôi muốn khuyếch trương những dòng sản phẩm này. Vừa có tài chính để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, vừa tạo ra dòng sản phẩm có chất lượng tốt phổ biến đến tay người tiêu dùng, tuy chưa phải là thành công lớn, nhưng nấm Linh chi Nông Lâm hiện đã được người tiêu dùng tín nhiệm…”.

Không chỉ tham gia vào họat động sản xuất, kinh doanh, tháng 5/2014, Hiếu và một số đồng nghiệp đã được đến quần đảo Trường Sa để lắp đặt Hệ thống Quan trắc Khí tượng Tự động. Đây là đề tài nghiên cứu của Trường ĐH Nông Lâm, và Hiếu làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này. Mục tiêu là nghiên cứu môi trường tại khu vực này để phát triển hệ thống cây - rau phù hợp. “Công tình đã hoàn thành giai đoạn đầu, chúng tôi đang cố gắng phát triển sâu hơn nữa dự án mang nhiều ý nghĩa này, nhưng…” Hiếu cho biết.

Cuộc sống của ông Tiến sĩ giờ đã tương đối ổn định, không còn cái cảnh đôn đáo ngược xuôi, nhưng Hiếu vẫn “đang ấp ủ dự án lập bản đồ trực tuyến về Khí tượng Nông nghiệp, nhằm cung cấp cho bà con nông dân ở khắp mọi miền có thông tin cụ thể về khí tượng nông nghiệp, giúp cho việc chọn lựa, phát triển giống cây, chăn nuôi phù hợp với từng vùng miền, nâng cao hiệu suất của nông nghiệp…” 

Ước mơ sẽ mãi là ước mơ, nhưng với nghị lực vượt khó của chàng nông dân Tiến sĩ, hy vọng Hiếu sẽ xoay sở để tìm sự hỗ trợ, thực hiện cho được mong ước của mình. Dự án thành công có lẽ không mang thêm nhiều tiền cho ông Tiến sĩ, nhưng là cơ hội cho nhiều người nông dân nghèo. Nghèo như ông Tiến sĩ của ngày hôm qua.

Tài liệu tham khảo

sửa

[1] http://www.thoivietbao.vn/tu-boi-ban-boc-vac-thanh-tien-si-khi-tuong-nong-nghiep-d19862.html

[2] http://linhchinonglam.com.vn/

  1. ^ a b “Từ bồi bàn, bốc vác thành Tiến sĩ Khí tượng Nông nghiệp”.
  2. ^ a b “Nâm Linh Chi Nông Lâm”.