Thành viên:٥/Bài viết/Trận Điện Biên Phủ trên biển
Trận Điện Biên Phủ trên biển là một thuật ngữ không chính thức chỉ một trận đánh giả định có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông nếu như chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Thuật ngữ này ra đời trong bối cảnh xung đột leo thang trên Biển Đông trong khoảng thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, giữa một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc, xoay quanh các vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Về tên gọi, nó cung cấp cái nhìn chủ quan từ phía Việt Nam dựa trên tên gọi một chiến thắng lịch sử của mình với hàm ý mỉa mai, đó là trận đánh quyết chiến chiến lược về hải quân và hải quân Việt Nam sẽ đánh bại hải quân Trung Quốc.
Cơ sở lịch sử
sửaTrong lịch sử quân sự Việt Nam đã từng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ (trên bộ) vào năm 1954. Đây là chiến thắng có một tầm quan trọng lớn, ý nghĩa sâu sắc, đánh dấu chiến công lớn nhất trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến dịch này là trận quyết chiến chiến lược của Việt Nam và đã thắng lợi, Pháp bại trận và phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ để ra khỏi Việt Nam.
Đến cuối năm 1972, diễn ra cuộc oanh tạc 12 ngày đêm của không quân Mỹ. Đây là cuộc oanh tạc mạnh nhất của không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam lớn nhất trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Cuộc oanh tạc chấm dứt vào ngày 30 tháng 12, Mỹ đồng ý ký Hiệp định Paris để ra khỏi Việt Nam. Sự kiện này được báo chí, truyền thông ở Việt Nam dùng hình tượng "Điện Biên Phủ trên không" để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi cuối cùng và to lớn của nó. Đánh dấu mục tiêu "đánh cho Mỹ cút" hoàn thành. Hơn hai năm sau đó, Việt Nam thống nhất.
Sử dụng hiện tại
sửaHiện tại, một cuộc chiến tranh quy mô chính thức giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa diễn ra trên Biển Đông, trận chiến có thể được xem là quyết chiến chiến lược vì thế vẫn chưa xảy ra. Nhà sử học Dương Trung Quốc lần đầu nói đến điều này trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí ngày 14 tháng 5 năm 2014:[1]
"Ý chí Điện Biên Phủ không chỉ có trong chiến tranh mà cần có ngay cả trong xây dựng hoà bình. Tôi cho bài học lớn nhất của Điện Biên Phủ là ý chí tự chủ, tự quyết định vận mệnh của mình nhưng vẫn biết huy động những nguồn lực của thời đại, nói cách khác là sự ủng hộ của bè bạn trên thế giới khi mục tiêu của chúng ta là chính nghĩa, hợp với lẽ phải. Và nói cho cùng thì mọi cuộc chiến tranh mà chúng ta đã trải qua chỉ nhằm hướng tới mục tiêu chúng ta mong ước, dám đánh đổi bằng máu là được hoà bình trong độc lập và toàn vẹn lãnh thổ để hoà hiếu với mọi quốc gia. Nói đến Điện Biên Phủ (1954) đừng quên những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam độc lập đã làm hết sức mình để vận động hòa bình, tránh đổ máu (1945-1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tới hơn 4 tháng sang Pháp để vận động hoà bình và khi buộc phải cầm súng, ta đều nhớ tới câu mở đầu của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (20-12-1946): "Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng… Chắc chắn hơn ai hết chúng ta không mong có thêm một Điện Biên Phủ nào nữa trong trận chiến dù trên biển hay trên cạn. Giống như Tổ tiên, chúng ta luôn mong hoà hợp với Thiên hạ nói chung, nhất là với Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển". Nhưng nếu vì hoàn cảnh bắt buộc, chúng ta cũng sẽ làm những gì như Cha Ông ta đã làm."
Thuật ngữ này cũng được sử dụng bởi tác giả Nguyễn Vũ Mộc Thiêng, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, bài báo được đăng trên tờ Thanh niên ngày 27 tháng 5 năm 2014.[2]
"Nhìn bề ngoài, người Việt thiếu hợp tác, hay tư lợi, có vẻ nhẫn nhục nhưng khi đất nước bị xâm lăng thì khác hẳn. Dẹp qua mọi khác biệt, đoàn kết một lòng, kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Dù không ai mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng nếu bị dồn đến đường cùng, người Việt sẽ viết tiếp lịch sử giữ nước. Đã có Điện Biên Phủ (trên đất liền) năm 1954 và "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Cả dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị tinh thần và ý chí, nếu cần, đã dành sẵn "Điện Biên Phủ trên biển", đập tan tham vọng ngông cuồng của giấc mơ bành trướng đại Hán, muốn bá chủ Biển Đông."
Tham khảo
sửa- ^ “Dương Trung Quốc: "Không mong Điện Biên Phủ trên biển, muốn hòa với Thiên hạ"”. Kienthuc.net.vn. Truy cập 26 tháng 7 năm 2018.
- ^ “Nếu cần, sẽ có 'Điện Biên Phủ trên biển'”. Báo Thanh Niên. Truy cập 26 tháng 7 năm 2018.