Từ Diễn Đồng (1866-1918), hiệu: Long Tài, là một nhà thơ Việt Nam ở cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20.

Tiểu sử

sửa

Từ Diễn Đồng sinh ra tại làng Hà Hồi, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) trong một gia đình nhà nho nghèo.

Năm 1906, ông đỗ tú tài (nên tục gọi là Tú Đồng hoặc là Tú Từ), nhưng không ra làm việc, chỉ ở nhà dạy học và bốc thuốc cho đến hết đời (1918).

Sinh thời, ông có làm thơ để tỏ chí, hiện chỉ còn lại mấy bài là: Nước Non, Thăng Long thành hoài cổ, Đêm dài, Lạc đường...Ngoài ra, ông là tác giả vở tuồng Nguyễn Trãi và là dịch giả bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ.

Từ Diễn Đồng sống một đời ẩn náu, nghèo túng, ít người biết. Ông có tài thơ Nôm, giọng thơ mỉa mai, sâu sắc, đau xót trước cảnh đất nước...

Thơ Từ Diễn Đồng

sửa
Thăng Long thành hoài cổ
Sử truyền nhà Lý đóng đô đây
Trải mấy nghìn năm mới đến nay.
Năm cửa chỉ còn lầu cửa Bắc[1],
Cột cờ sao thấy lá cờ Tây?
Nền văn nhà Lý xây kia đó[2],
Vết kiếm vua Lê vất chỗ này.
Người cũ bây giờ đâu cả nhỉ?
Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay![3]
Dịch bài Thu hứng của Đỗ Phủ
Nghe nói trong kinh lắm chuyện đùa.
Nước đời sao lắm nỗi cay chua.
Những con nhà khá đi đâu cả.
Một bộ đồ tuồng rặt mới mua.
Tiếng trống lừng vang tin Bắc được[4]
Mảnh tờ sao chẳng báo Tây thua.
Rồng nằm bể cạn heo may lắm.
Nước cũ ai là chả nhớ vua [5].

Chú thích

sửa
  1. ^ Thành Thăng Long xưa có 5 cửa, bị quân Pháp phá 4 cửa, chỉ còn lại cửa Bắc ở phía đường Phan Đình Phùng hiện nay.
  2. ^ Câu này nói việc nhà Lý cho xây dựng Văn miếu Hà Nội.
  3. ^ Chép theo Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 6), tr. 848.
  4. ^ Ý nhắc đến tin nghĩa quân Đề Thám thắng trận ở Yên Thế, Bắc Giang mà chính quyền thực dân Pháp muốn bưng bít.
  5. ^ Nhắc đến vua Hàm Nghi. Xuất xứ bài thơ: Khoảng năm 1908, Đốc học Hà Nội có mở cuộc thi dịch thơ Đường. Bài đưa ra dịch là bài"Thu hứng"của Đỗ Phủ. Từ Diễn Đồng gửi bài dịch, nhưng không tranh hơn thua mà chỉ muốn mượn lời Đỗ Phủ để nói chuyện thời thế. Bài dịch của ông thực ra chỉ là một bài phỏng dịch nhằm mục đích trào phúng, cho nên nó không sát nguyên văn...Xem chi tiết ở đây: [1][liên kết hỏng].

Sách tham khảo

sửa
  • GS. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển. Trung tâm học liệu xuất bản (in lần thứ 9), Sài Gòn, 1968,
  • GS. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển (quyển 2). Nhà xuất bản Hồn Thiêng, Sài Gòn, 1966.
  • PGS. Hoàng Hữu Yên (chủ biên), Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 6). Nhà xuất bản. VH-XH, Hà Nội, 2004.