Tượng Đức Bà Hòa Bình

Tượng Đức Bà Hòa Bình là một bức tượng tạc Đức Mẹ Maria đặt trong hoa viên trước Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn.

Tượng Đức Mẹ Hòa bình

Lịch sử

sửa
 
Tượng Đức Mẹ Hòa bình phía chính diện, phía sau là nhà thờ chính tòa

Nhà thờ chính tòa Sài Gòn được xây dựng hoàn tất vào năm 1880. Đến năm 1903, người Pháp cho dựng trên công viên trước nhà thờ một tượng đài, bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ, hình trụ, bên trên đặt bức tượng đồng mô tả Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc hoặc Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) mặc phẩm phục, tay trái dắt hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi mối quan hệ giữa Pháp với Việt Nam. Bức tượng này làm bằng đồng, được đúc tại Pháp. Đến năm 1945, bức tượng này bị phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào đặt lên trên.

Năm 1959 là năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, 300 năm bổ nhiệm hai Giám mục tiên khởi tại Việt Nam (9 tháng 9 năm 1659) nên các Giám mục Việt Nam Cộng hòa có sáng kiến tổ chức Năm Thánh Mẫu và Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc được tổ chức trong 3 ngày cao điểm là 16,17,18 tháng 2 năm 1959 tại Sài Gòn. Nên trước đó vào năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời ấy (sau này làm Giám mục giáo phận Phú Cường, giờ đã qua đời), đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Maria bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Khi tượng hoàn tất thì được đưa xuống tàu Oyanox vào ngày 8 tháng 1 năm 1959 từ hải cảng Gênes chở tượng qua Việt Nam và tới Sài Gòn vào ngày 15 tháng 2 năm 1959.

Buổi chiều ngày 16 tháng 2 năm 1959, Hồng y Krikor Bédros XV Agagianian, đặc sứ của Giáo hoàng Gioan XXIII từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, ông đã làm phép bức tượng Đức Mẹ này.

Vào ngày 9 tháng 12 năm 1959, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được cung hiến. Buổi chiều cùng ngày, một cuộc rước kiệu Đức Mẹ trọng thể đi qua nhiều đường phố tới lễ đài phía sau Nhà thờ Đức Bà, một Thánh Lễ Đại Triều được cử hành, bế mạc Năm Thánh Mẫu tại Việt Nam.

Đặc điểm

sửa

Tượng bắt đầu được nghệ nhân G. Ciocchetti (người Ý, tên của tác giả được khắc ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng) tạc vào ngày 8 tháng 12 năm 1958 tại Pietrasanta cách Roma khoảng 500 km. Bức tượng cao 4,6 m; nặng 8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm quả Địa Cầu, trên đỉnh có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (hiện nay, đầu con rắn đã bị vỡ mất một phần hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh: REGINA PACIS - ORA PRO NOBIS - XVII. II. MCMLIX (nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17.02.1959)

 
Tên tác giả - nhà điêu khắc G.Ciocchetti, được khắc dưới chân, bên trái của bức tượng

Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc, chứa những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da và đồng, được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng ngoài miền Bắc Việt Nam.

 
Tượng Đức Bà Hòa Bình với tháp chuông nhà thờ phía sau

Hiện tượng Đức Mẹ "chảy nước mắt"

sửa

Ngày 29 tháng 10 năm 2005, tại Thành phố Hồ Chí Minh loan truyền tin đồn về việc tượng Đức Bà Hòa Bình trước Nhà thờ Đức Bà chảy nước mắt. Theo một nguồn tin không chính thức, câu chuyện bắt đầu từ một em bé bán vé số quanh khu vực tượng đài. Khoảng 2 giờ chiều hôm đó, như thường lệ, em vẫn hay ngồi nghỉ trưa tại đây. Mặc dù "không có đạo" nhưng em rất thích nhìn ngắm gương mặt đẹp của người phụ nữ được tạc tượng này. Và chính em đã phát hiện những dòng nước từ mắt, chảy dài trên má và đọng lại nơi cằm của tượng Đức Mẹ.[1] Tin này nhanh chóng truyền đi khiến cho hàng nghìn người kéo đến xem. Đến sáng ngày 30 tháng 10 thì lực lượng công an đã dựng hàng rào phong tỏa toàn bộ các ngả đường dẫn vào khu vực nhà thờ Đức Bà, ngăn không cho ô tôxe gắn máy vào để bảo đảm trật tự cho dòng người tham quan tượng Đức Mẹ.[2] Nhiều ngày sau đó, khu vực này vẫn còn tụ họp rất nhiều người đến xem vì hiếu kỳ hoặc đọc kinh cầu nguyện.

Tối 30 tháng 10, Linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Chánh xứ Nhà thờ Đức Bà nêu ý kiến trên Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh rằng: "Đây là tin đồn thất thiệt. Vì tượng đặt ngoài trời không có lau chùi nên có thể có vết này, vết khác sau khi mưa. Và có thể nhiều người có lòng tin, nhìn vào cứ tưởng Đức Mẹ khóc, chứ không dựa trên cơ sở nào...".[2] Chính quyền không bình luận gì về vấn đề này.[2]

Đến ngày 4 tháng 11 năm 2005, Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh gửi thư chung nói về hiện tượng này. Trong lá thư, ông không nêu lên quan điểm bác bỏ hoặc công nhận hiện tượng, nhưng theo ông, những dữ liệu thu thập được cho đến thời điểm đó chưa phải là bằng chứng khách quan để có thể khẳng định rằng tượng Đức Mẹ đã khóc, và ông đang hình thành một ban có trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo về hiện tượng trên và những hệ lụy của hiện tượng.[3]

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Hàng ngàn người tuốn đến xem tượng Đức Mẹ khóctrước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn?[liên kết hỏng]
  2. ^ a b c TPHCM: Tượng Đức Mẹ khóc ở nhà thờ Đức Bà?
  3. ^ “Thư chung của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn về "tượng Đức Mẹ khóc" tại quảng trường Công Xã Paris, Saigon”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2013.

Liên kết ngoài

sửa