Tăng nhất A-hàm

(Đổi hướng từ Tăng nhất A-hàm kinh)

Tăng nhất A-hàm (chữ Hán: 增壹阿含; tiếng Phạn: Ekottara Āgama) là một trong bốn bộ kinh văn A-hàm của Kinh tạng (Sūtra Piṭaka) Phạn ngữ. Là một kinh văn quan trọng trong Kinh điển Phật giáo sơ kỳ, sau đó được tập thành trong Đại tạng kinh, Tăng nhất A-hàm hiện chỉ còn bản dịch Hán văn(Taishō Tripiṭaka 125). Tên "Tăng nhất" nhằm chỉ đến cánh đánh số tăng tuần tự các bài giảng của nó.[1]

Nguồn gốc và lịch sử

sửa

Bản dịch Tăng nhất A-hàm hoàn chỉnh xưa nhất được ghi nhận do Đàm-ma-nan-đề (曇摩難提, Dharmanandi), tên Hán là Pháp Hỷ (法喜) dịch vào khoảng năm 384; được Cồ-đàm Tăng-già-đề-bà (瞿曇僧伽提, Gautama Saṃghadeva) biên tập vào năm 398. Một số học giả tin rằng nó có nguồn gốc từ Nhất thiết hữu bộ, nhưng gần đây giả thuyết một phần Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) cũng đã được đề xuất.[1] Một số học giả khác lại xếp Tăng nhất A-hàm hoàn toàn thuộc vào Đại chúng bộ.[2][3][4]

Theo AK Warder, Tăng nhất A-hàm đề cập đến 250 giới Biệt giải thoát (Prātimokṣa) dành cho các tăng nhân, điều này chỉ phù hợp với Luật tạng của Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka), đồng thời cũng được đề cập trong kinh văn Hán ngữ. Ông cho rằng một số kiến giải là mâu thuẫn với các nguyên tắc của Mahāsāṃghika, và tuyên bố rằng chúng phù hợp với các quan điểm của Dharmaguptaka hiện được biết đến. Do đó, ông kết luận rằng Tăng nhất A-hàm còn tồn tại là của phái Dharmaguptaka.[5]

Theo Étienne Lamotte, Tăng nhất A-hàm được dịch từ một bản thảo đến từ tây bắc Ấn Độ, và chứa đựng nhiều ảnh hưởng của Đại thừa.[6] Điều này có thể phù hợp với Phật-đà-da-xá (佛陀耶舍; Buddhayaśas), người đã dịch Luật tạng Dharmaguptaka và Trường A-hàm sang Hán ngữ vào thế kỷ thứ 5, đã viết rằng Dharmaguptaka đã đồng hóa Tam tạng Đại thừa (Ch. 大乘三藏).[7] Theo Thượng tọa Sheng Yen, Tăng nhất A-hàm đã bao gồm những lời dạy về Sáu Ba-la-mật-đa, một khái niệm trung tâm trong con đường Bồ tát, và trong những giáo lý căn bản của Đại thừa.[8]

Tăng nhất A-hàm nhìn chung thường được xếp tương ứng với Tăng chi Bộ (Aṅguttara Nikāya) của Thượng tọa bộ (Theravādin), nhưng trong số bốn bộ A-hàm, nó là bản khác nhất với phiên bản Theravādin. Tăng nhất A-hàm thậm chí còn chứa đựng những biến thể về những giáo lý tiêu chuẩn như Bát chính đạo.[1] Theo Keown, "có sự chênh lệch đáng kể giữa bản Pāli và bản [Hán ngữ], với hơn hai phần ba số kinh được tìm thấy trong bản này nhưng lại không có trong bản kia, cho thấy rằng phần lớn kinh văn trong Kinh tạng được hình thành khá muộn."[9]

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c Sujato, Bhikkhu. “About the EA”. ekottara.googlepages.com. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2010.
  2. ^ Zhihua Yao (2012) The Buddhist Theory of Self-Cognition, pp. 8-10. Routledge.
  3. ^ Tse-fu Kuan. (2013). Legends and Transcendence: Sectarian Affiliations of the Ekottarika Āgama in Chinese Translation. Journal of the American Oriental Society, 133(4), 607-634. doi:10.7817/jameroriesoci.133.4.0607
  4. ^ Yin Shun (1971). The Formation of Early Buddhist Texts [ 原始佛教聖典之集成 ], pp. 755-787.
  5. ^ Warder, A.K. Indian Buddhism. 2000. p. 6
  6. ^ Hwang, Soon-il. Metaphor and Literalism in Buddhism: The Doctrinal History of Nirvana. 2006. p. 31
  7. ^ Walser, Joseph. Nāgārjuna in Context: Mahāyāna Buddhism and Early Indian Culture. 2005. pp. 52-53
  8. ^ Sheng Yen. Orthodox Chinese Buddhism. 2007. p. 98
  9. ^ Keown, Damien. A Dictionary of Buddhism. Oxford: Oxford University Press, 2004.

Liên kết ngoài

sửa

Bản dịch của Tăng nhất A-hàm 17.1

sửa

Bản dịch của MN62, song song với Tăng nhất A-hàm 17.1

sửa