Ronald Ridenhour
Ronald Lee Ridenhour (6 tháng 4 năm 1946 – 10 tháng 5 năm 1998) là một nhà báo người Mỹ nổi tiếng vì đã đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy cuộc điều tra liên bang về thảm sát Mỹ Lai diễn ra vào năm 1968 tại Việt Nam.[1][2] Khi ông lần đầu biết đến sự việc, ông đang phục vụ trong Lữ đoàn bộ binh số 11 của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Do không tham gia chiến dịch và trực tiếp chứng kiến vụ thảm sát, ông đã phỏng vấn và thu thập bằng chứng về vụ thảm sát từ các nhân chứng và những người tham gia trực tiếp. Sau khi trở về Hoa Kỳ vào năm 1969, Ridenhour đã soạn một bức thư 1.500 từ, gửi tới Tổng thống Nixon, các thành viên trong nội các của ông, bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird cùng hai mươi Nghị sĩ quốc hội, kể lại những gì ông đã biết. Một cuộc điều tra toàn diện của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cuối cùng đã diễn ra sau đó.
Ronald Lee "Ron" Ridenhour | |
---|---|
Sinh | Oakland, California, Hoa Kỳ | 6 tháng 4, 1946
Mất | 10 tháng 5, 1998 Metairie, Louisiana, Hoa Kỳ | (52 tuổi)
Trường lớp | Cao đẳng Phoenix Đại học Claremont McKenna |
Nghề nghiệp | nhà báo điều tra |
Nổi tiếng vì | Vạch trần thảm sát Mỹ Lai |
Thẻ báo chí của Ridenhour. Tại Giải thưởng Ridenhour: Về Ron. |
Giải thưởng Ridenhour đã được thành lập để vinh danh ông.[3]
Cuộc đời
sửaRidenhour sinh ra tại Oakland, California, và lớn lên tại Phoenix, Arizona. Ông gia nhập quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, phục vụ với tư cách một xạ thủ trực thăng.
Trong thời gian phục vụ trong quân ngũ tại Việt Nam, Ridenhour biết tới thảm sát Mỹ Lai từ những người bạn trong quân ngũ. Khi vẫn còn tại ngũ, ông đã thu thập lời kể từ các nhân chứng và những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến.
Sau khi trở về Hoa Kỳ năm 1969, ông đã viết một bức thư nêu chi tiết các bằng chứng mà ông đã phát hiện được, bức thư đó được gửi cho Tổng thống Richard Nixon, năm quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc và 24 thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ.[4]
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài. Tổng cộng 26 binh lính bị buộc tội hình sự, mặc dù thiếu úy William Calley là người duy nhất bị kết án vì đã giết 22 dân làng. Mặc dù bị kết án tù chung thân, Calley chỉ bị giam giữ trong chưa đầy ba ngày trước khi bị quản thúc tại gia theo lệnh của Thổng thống Nixon và được ân xá chỉ sau ba năm thụ án.[5][6]
Cuộc sống sau chiến tranh
sửaRidenhour đã đi học đại học sau quãng thời gian phục vụ trong quân ngũ và tốt nghiệp Đại học Claremont McKenna vào năm 1972. Ông đã trở thành một nhà báo chuyên điều tra, đưa tin về hàng loạt các vụ bê bối của chính phủ và các vấn đề khác.
Nhiều năm sau, Ridenhour công bố một bài tường thuật về việc tìm hiểu thảm sát Mỹ Lai trong bài viết của ông, "Jesus Was a Gook," đăng trong cuốn sách Nobody Gets Off the Bus: The Viet Nam Generation Big Book (1994).[7]
Ông qua đời ở tuổi 52 tại Metairie, Louisiana vì một cơn đau tim vào năm 1998. Ông đã từng chơi môn bóng ném.[8]
Giải thưởng
sửa- Năm 1987, ông được nhận giải thưởng George Polk nhờ công vạch trần vụ bê bối thuế tại New Orleans, một cuộc điều tra kéo dài một năm.
- Năm 1988, ông được nhận giải thưởng Gerald Loeb.[9]
- Giải thưởng Ridenhour đã được thành lập để vinh danh ông. Nó nhằm "ghi nhận những người kiên trì trong các hành động nói lên sự thật nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng, thúc đẩy công lý xã hội hoặc làm sáng tỏ tầm nhìn công bằng hơn về xã hội".[10]
Tham khảo
sửa- ^ Thông tin tiểu sử từ cáo phó của Ronald Ridenhour: John H. Cushman, Jr., "Ronald Ridenhour, 52, Veteran Who Reported My Lai Massacre", The New York Times, 11 tháng 5 năm 1998.; và The Times-Picayune, New Orleans, LA, 11 tháng 5 năm 1998 và 18 tháng 5 năm 1998, sản xuất lại tại Louisiana US GenWeb Archives
- ^ Đỗ Quyên (18 tháng 3 năm 2015). “Người đầu tiên lật tẩy sự thật về thảm sát Mỹ Lai”. Hà Nội mới. Truy cập 27 tháng 11 năm 2024.
- ^ “The History of The Ridenhour Prizes”. Government Accountability Project.
- ^ Bức thư năm 1969 của Ridenhour Lưu trữ 2011-02-09 tại Wayback Machine gửi tới Quốc hội và các quan chức Lầu Năm Góc
- ^ Robert D. McFadden (31 tháng 7 năm 2024). “William L. Calley Jr., Convicted in My Lai Massacre, Is Dead at 80”. The New York Times. Truy cập 27 tháng 11 năm 2024.
- ^ Minh Khôi (30 tháng 7 năm 2024). “William Calley, kẻ duy nhất bị kết án trong thảm sát Mỹ Lai, qua đời ở tuổi 80”. Tuổi Trẻ online. Truy cập 27 tháng 11 năm 2024.
- ^ Dan Duffy và Kalí Tal (eds.), Nobody Gets Off the Bus: The Viet Nam Generation Big Book, Woodbridge, CT: Viet Nam Generation, Inc., pp. 138–142, 1994. ISBN 0-9628524-8-1
- ^ Thảm sát Mỹ Lai 1968 trên C-SPAN. 15 tháng 3 năm 2018. Lưu trữ 3 tháng 9 năm 2020.
- ^ “Danh sách những người đoạt giải”. UCLA Anderson School of Management. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2019.
- ^ Mô tả từ trang web chính thức của giải thưởng Ridenhour. Lữu trữ 3 tháng 9 năm 2020.
Liên kết ngoài
sửa- Glover, Jonathan (2001). Humanity : a moral history of the twentieth century (ấn bản thứ 9). London: Pimlico. ISBN 978-0712665414.
- Bài tường thuật ngôi thứ nhất về cuộc điều tra và vạch trần vụ thảm sát Mỹ Lai của Ridenhour, chép lại từ bài phát biểu của ông tại Đại học Tulane vào năm 1994
- Bài luận của Ronald Ridenhour, "Jesus Was a Gook"