Răm nước
Răm nước[3] hay còn gọi nghể răm,[4] nghể nước, lạt liệu[5] (danh pháp hai phần: Persicaria hydropiper) là một loài thực vật trong họ Rau răm (Polygonaceae). Nó đôi khi cũng được sử dụng làm gia vị do có vị cay.
Răm nước | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Eudicots |
Bộ (ordo) | Caryophyllales |
Họ (familia) | Polygonaceae |
Chi (genus) | Persicaria |
Loài (species) | P. hydropiper |
Danh pháp hai phần | |
Persicaria hydropiper (L.) Delabre 1800 | |
Danh pháp đồng nghĩa[2] | |
|
Đặc điểm
sửaCây thân thảo một năm. Thân mọc thẳng, cao 40–70 cm, nhiều cành, không lông, nở rộng ra tại các đốt. Lá có vị tương tự như hồ tiêu; cuống lá 4–8 mm; phiến lá hình mũi mác hay elip-mũi mác, 4-8 × 0,5–25 cm, cả hai mặt không lông, có các điểm mạch hỗ màu nâu, đôi khi có lông nhỏ và cứng ép sát gân giữa, gốc lá hình nêm, mép lá có lông mịn, chỏm lá nhọn; các hoa tự thụ phấn trong chồi, không nở, có mặt tại các nách lá; bẹ chìa hình ống dài 1-1,5 cm, giống như màng mỏng, có lông cứng và nhỏ thưa thớt, cụt đỉnh, có lông rung ngắn. Cụm hoa mọc trên đầu cành hay ở nách lá, dạng bông, rủ xuống, dài 3–8 cm, các lá bắc xanh lục, hình phễu, dài 2–3 mm, mép dạng màng, có lông mịn ngắn thưa thớt, mỗi lá 3-5 hoa. Các cuống nhỏ dài hơn lá bắc. Bao hoa màu xanh lục, trắng hay hồng phía trên, chia 5 (hoặc 4) phần, có điểm mạch hỗ trong suốt màu nâu; lá đài và cánh hoa hình elip, dài 3-3,5 mm. Nhị hoa 6 (ít khi 8), không thò ra. Nhụy 2-3. Quả bế không thò ra, trong bao hoa vĩnh cửu, màu nâu-đen, trong mờ, hình trứng, hai mặt lồi hay mặt cắt tam giác, dài 2–3 mm, có các hõm nhỏ dày dặc. Ra hoa tháng 5-9, kết quả tháng 6-10. Số nhiễm sắc thể 2n = 18-22.
Phân bổ
sửaRăm nước mọc trong các vùng đất ẩm thấp hay các vùng nước nông; có nguồn gốc ở khu vực ôn đới của Bắc bán cầu như ven bờ sông, suối, các thung lũng ẩm ướt; tới cao độ 3.500 m so với mực nước biển. Khu vực phân bổ: châu Á (Trung Á, Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á); Australia, châu Âu, Bắc Mỹ.
Thành phần hoạt hóa
sửaCây răm nước có các thành phần hoạt hóa sau: sesquiterpenoit hai vòng, polygodial (tadeonal, một đianđehyt chưa bão hòa) tạo ra vị cay và rutin là nguồn tạo ra vị đắng.
Loài thực vật này cũng chứa tinh dầu (0,5%) bao gồm các monoterpenoit và sesquiterpenoit: α-pinen, β-pinen, 1,4-cineol, fenchon, α-humulen, β-caryophyllen, trans-β-bergamoten. Các axít cacboxylic (cinnamic, valeric và caproic) cùng các este của chúng với sự hiện diện ở dạng dấu vết. Các thành phần hoạt hóa này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố di truyền.
Sử dụng
sửaTheo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, có nơi sử dụng răm nước làm thuốc cầm máu, trị băng huyết, chữa giun, nhuận tràng, thông tiểu tiện, chữa rắn cắn, diệt giòi (ruồi nhặng) và bọ gậy (muỗi).
Ẩm thực
sửaTại Nhật Bản lá của loài thực vật này được dùng làm rau, chúng được thu hái từ các giống cây trồng ít cay chứ không phải từ cây mọc hoang dã-là giống cây có vị cay nhiều hơn. Hạt của nó cũng được sử dụng, chẳng hạn trong là một phụ gia của wasabi.
Hình ảnh
sửaTham khảo
sửa- Blanchan, Neltje (2002). Wild Flowers: An Aid to Knowledge of Our Wild Flowers and Their Insect Visitors. Project Gutenberg Literary Archive Foundation. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|year=
(trợ giúp); Liên kết ngoài trong|title=
(trợ giúp) - Nghể tại Quần thực vật Trung Hoa
Chú thích
sửa- ^ illustration From: La flore et la pomone françaises, ou histoire et figures en couleur, des fleurs et des fruits de France ou naturalisés sur le sol français by Jean Henri Jaume Saint-Hilaire. Paris, the author, 1832, volume 5 (plate 485).
- ^ The Plant List, Persicaria hydropiper (L.) Delarbre
- ^ Phạm Hoàng Hộ; Cây cỏ Việt Nam - tập 1; Nhà xuất bản Trẻ - 1999; Trang 749.
- ^ Nguyễn Tiến Bân, Nguyễn Quốc Bình, Vũ Văn Cẩn, Lê Mộng Chân, Nguyễn Ngọc Chính, Vũ Văn Dũng, Nguyễn Văn Dư, Trần Đình Đại, Nguyễn Kim Đào, Nguyễn Thị Đỏ, Nguyễn Hữu Hiến, Nguyễn Đình Hưng, Dương Đức Huyến, Nguyễn Đăng Khôi, Nguyễn Khắc Khôi, Trần Kim Liên, Vũ Xuân Phương, Hoàng Thị Sản, Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Nghĩa Thìn; Tên cây rừng Việt Nam; Nhà xuất bản Nông nghiệp - 2000; Trang 105.
- ^ Bách khoa Toàn thư Việt Nam gọi là lạt liễu, lạt liệu là dịch từ tiếng Trung của 辣蓼.
Liên kết ngoài
sửaTư liệu liên quan tới Persicaria hydropiper tại Wikimedia Commons