Quốc Khánh (diễn viên)
Trần Quốc Khánh (sinh ngày 24 tháng 4 năm 1962 tại Hà Nội), thường được biết đến với nghệ danh Quốc Khánh, là một nam diễn viên người Việt Nam. Ông vốn nổi tiếng với vai diễn Ngọc Hoàng trong chương trình Gặp nhau cuối năm của Đài Truyền hình Việt Nam, ngoài ra ông còn được biết đến với nhiều vai diễn hài kịch và chính kịch khác. Quốc Khánh thuộc những đàn anh lớn tuổi trong top danh hài phía Bắc.[1][2]
Quốc Khánh | |
---|---|
Sinh | Trần Quốc Khánh 24 tháng 4, 1962 Hà Nội, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Quốc tịch | Việt Nam |
Tên khác | Khánh Cò |
Nghề nghiệp | Diễn viên |
Năm hoạt động | 1990 – nay |
Giải thưởng | Danh sách |
Danh hiệu |
|
Tiểu sử và sự nghiệp
sửaQuốc Khánh tên đầy đủ là Trần Quốc Khánh, sinh ngày 24 tháng 4 năm 1962, là người gốc Hà Nội. Nhà ông chỉ có hai chị em, bố mẹ làm cán bộ công chức. Học hết lớp 10 (tương đương lớp 12 trong chương trình giáo dục cũ), ông thi vào khóa đào tạo diễn viên năm đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 1978 đến 1982. Ngay trong năm tốt nghiệp, Quốc Khánh đã diễn hai vai trong hai vở kịch Người đá lạc đội hình (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và Cuộc chia tay tháng 6 (đạo diễn Trọng Khôi). Ngày ấy cùng học với ông còn có một số nghệ sĩ nay đã thành danh như Trung Anh, Quế Hằng, Đỗ Kỷ...
Năm 1982, Quốc Khánh tốt nghiệp và cùng các bạn học Việt Thắng, Đỗ Kỷ, Trung Anh, Trọng Trinh được gọi nhập ngũ.[3] Sau thời gian ở quân ngũ, ông trở về Nhà hát bắt đầu tham gia nghệ thuật ở cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
Tết Mậu Dần năm 1998, Quốc Khánh xuất hiện trong phim hài Ghen. Bộ phim để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả Việt và thường được phát sóng mỗi dịp Tết đến xuân về. Trong phim, ông vào vai một anh chàng công chức tên Tháo, rất sợ vợ.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, khán giả nhớ đến ông qua những tiểu phẩm hài của chương trình Gặp nhau cuối tuần trong những màn tung hứng cùng Quang Thắng, Phạm Bằng, Vân Dung; các bộ phim như Tết này ai đến xông nhà, Ghen, Trừng phạt, Áo lụa Hà Đông, Những người độc thân vui vẻ. Ông gắn liền với các nhân vật có tính cách cam chịu, đến cơ quan bị cấp trên đè nén, bị đồng nghiệp chơi xấu, về đến nhà bị vợ "đè đầu cưỡi cổ".
Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, Quốc Khánh còn được biết đến với vai diễn Ngọc Hoàng trong chương trình Gặp nhau cuối năm của Đài Truyền hình Việt Nam vào mỗi đêm 30 Tết. Vẻ ngoài của ông lạnh lùng, nghiêm nghị nhưng hài hước. Mỗi mùa Táo quân đi qua ông đều để lại ấn tượng riêng trong lòng công chúng với nhiều cử chỉ hành động và những câu nói hài hước như: "Thích màu hồng ghét sự giả dối", "Quyết liệt thì mới được việc", "Không làm gì mà vẫn giàu chỉ có đi lừa đảo" vv...
Năm 2012, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Đầu năm 2017, mẹ ruột ông qua đời vì tuổi cao sức yếu. Trước khi qua đời, bà nằm điều trị tại bệnh viện một thời gian nhưng không qua khỏi. Năm 2022, ông nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Năm 2023, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.[4]
Tác phẩm
sửaNăm | Tựa phim | Định dạng[a] | Vai diễn | Ghi chú |
---|---|---|---|---|
1986 | Đứa con và Người lính | Điện ảnh | Lê Thiên | [5] |
1990 | Chiếc bình tiền kiếp | Điện ảnh | Sửu | |
1995 | 12A và 4H | Phim ngắn tập | Triệu | |
Trở lại bến xưa | Điện ảnh truyền hình | |||
1996 | Trả giá | Hải dớ | ||
Đông Ki ra thành phố | ||||
Ngọt ngào và Man trá | ||||
1997 | Chuyện của những người đàn bà | Điện ảnh truyền hình | ||
Ghen | Tháo | |||
Những nhánh cây đời | ||||
Cửa hàng Lô-Pa | Đình | |||
Gà Ô Tử Mị | ||||
1999 | Lên dời | |||
Bụi vàng | ||||
Cầu thang nhà A6 | Phim ngắn tập | Chi | ||
Hoa Trạng nguyên | Điện ảnh truyền hình | Mạnh | ||
Phóng sinh | ||||
Khoảng cách | ||||
Dấu chân thầm lặng | ||||
Đi qua cổng làng | ||||
2000 | Giếng làng | |||
Sóng ở đáy sông | Phim ngắn tập | nhà thơ Hoàng Mai | ||
2001 | Không phải trò đùa | Điện ảnh truyền hình | ||
Ông nội, ông nội | ||||
Chàng Trần Cung đi cấp cứu | Trần Cung | |||
Vết trượt | Phim ngắn tập | |||
Quả muộn | Điện ảnh truyền hình | |||
2002 | Bác Cả người sung sướng... | |||
Tết này ai đến xông nhà | Thi | |||
2003 | Hến ơi là hêt | |||
2004 | Khoảnh khắc giao mùa | |||
2005 | Biến lạ thành quen | |||
Đi tour thời hiện đại | ||||
2006 | Áo lụa Hà Đông | Điện ảnh | Gù | |
Chuyên án chưa kết thúc | Phim ngắn tập | Hùng | Cảnh sát hình sự | |
Cây bưởi ra hoa | Điện ảnh truyền hình | |||
2007 | Kẻ giấu mặt | Phim dài tập | Lê Quang | Cảnh sát hình sự |
2008 | Những người độc thân vui vẻ | Sitcom | Hào hùng | |
2010 | Cuồng phong | Phim dài tập | Cảnh sát hình sự | |
2014 | Bão qua làng | Phim dài tập | Nhà báo Lộc |
Chương trình khác
sửaGiải thưởng
sửa- 2006: Giải Cánh diều vàng cho "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" với vai Gù trong phim Áo lụa Hà Đông.
- 2007: Giải Bông sen vàng cho "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" với vai Gù trong phim Áo lụa Hà Đông.
- 2012: Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
- 2023: Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Ghi chú
sửa- ^ Định dạng:
Điện ảnh: Phát hành tại rạp
Điện ảnh truyền hình: Phim truyền hình 1-3 tập
Phim ngắn tập: Phim 4-12 tập
Phim dài tập: Từ 13 tập trở lên
Phim video: Phát hành qua VHS, VCD, DVD
Tham khảo
sửa- ^ “Lý do khiến diễn viên Quốc Khánh ngoài 50 vẫn chưa lấy vợ”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2019.
- ^ “3 vai diễn Tết đáng nhớ của "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2019.
- ^ Podcast Hành trình Sáng tạo. “Chặng đường nghệ thuật đầy thú vị của NSND Việt Thắng”. VOV6 – Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2024.
- ^ “Sự nghiệp Hùng Minh, Quốc Khánh và dàn nghệ sĩ được phong tặng NSND”. Báo Lao Động. 2 tháng 11 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2023.
- ^ Duy Khôi (27 tháng 7 năm 2023). “Những bộ phim hay về người lính”. Báo Cần Thơ. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2024.