Quê hương là một bài thơ được sáng tác năm 1960 bởi nhà thơ Giang Nam. Bài thơ được sáng tác khi Giang Nam, lúc đó đang ở Khánh Hòa, nghe tin vợ con mình bị địch giết hại trong nhà tù Phú Lợi, Sài Gòn và nỗi đau vì mất vợ con đã khiến ông chút hết nỗi lòng vào bài thơ. Bài thơ được gửi ra ngoài Bắc và đạt giải nhì giải thưởng thơ 1960-1961 của Báo Văn Nghệ.[1] Bài thơ được giảng dạy trong sách giáo khoa tiếng Việt những năm 1970, và được rất nhiều thế hệ người Việt Nam ghi nhớ vì nó vừa mang tình yêu quê hương và đồng thời cũng kể lại một chuyện tình lãng mạn.[2] Năm 2007, bài thơ được bình chọn là một trong số 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam.[3]

Hoàn cảnh sáng tác

sửa

Sau năm 1954, Giang Nam hoạt động bí mật ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Dù chỉ cách nhà ông vài cây số nhưng ông không thể gặp gia đình mình. Một đêm năm 1959, vợ ông (bà Phan Thị Triều) bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt đi cùng với con gái mới sinh. Vào năm 1960, cấp trên thông báo cho Giang Nam rằng vợ con ông đã bị giết hại trong nhà tù Phú Lợi (Sài Gòn). Tin này khiến ông đau lòng và sáng tác ra bài thơ Quê hương.

Theo lời kể của nhà thơ Giang Nam: "Năm 1960, trong một đêm mưa giữa núi rừng trùng điệp, tôi được cấp trên gọi lên động viên và trấn an tư tưởng, rồi thông báo cho tôi một tin sét đánh: "Vợ con đồng chí có thể bị địch sát hại vì các hoạt động bí mật và nhất định không khai ra tổ chức". Nghe tin, tôi như không còn đứng vững, nỗi đau nhói buốt cả con tim, tôi đã phải bật khóc trong vòng tay an ủi của đồng đội, để rồi ngay đêm hôm đó tôi đã viết nên bài thơ Quê hương bằng tất cả nỗi đau, tình yêu thiêng liêng và sự căm thù quân giặc. Trong bài có 2 câu thơ thể hiện nỗi đau đến tột cùng mà tôi nhớ mãi "Giặc giết em rồi quăng mất xác/ bởi vì em là du kích em ơi...".[4] Tuy nhiên, vợ con ông đã may mắn sống sót và được trả tự do 3 năm sau đó vì chính quyền không tìm ra chứng từ kết tội.[5]

Bài thơ của Giang Nam được nhiều đồng đội đọc và đồng cảm nên đã được cố gắng gửi ra Hà Nội để đăng trên Báo Văn Nghệ. Hơn một năm sau, khi đang hành quân, Giang Nam bất ngờ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài thơ của mình và được thông báo nhận giải nhì của Báo Văn Nghệ.[5]

Nội dung bài thơ

sửa

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

"Ai bảo chăn trâu là khổ?"

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được...

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích...

***

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...

Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

***

Hòa bình tôi trở về đây

Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày

Lại gặp em

Thẹn thùng nép sau cánh cửa...

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi...

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi

Chú thích

sửa
  1. ^ Hà Thu (25 tháng 1 năm 2023). 'Quê hương' - bài thơ để đời của Giang Nam”. vnexpress.net.
  2. ^ thanhnien.vn (23 tháng 1 năm 2023). 'Ai bảo chăn trâu là khổ': Nhà thơ Giang Nam qua đời, Quê hương vẫn nơi đây”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  3. ^ ONLINE, TUOI TRE (5 tháng 3 năm 2007). “100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  4. ^ thanhnien.vn (29 tháng 1 năm 2023). 'Hành trình gian lao' của bài 'Quê hương' cùng mối tình đẹp của nhà thơ Giang Nam”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
  5. ^ a b thanhnien.vn (30 tháng 1 năm 2023). “Bài thơ 'Quê hương' của Giang Nam vượt Trường Sơn ra đất Bắc mất... 6 tháng!”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.