Họ Cá vây tua

(Đổi hướng từ Polynemidae)

Họ Cá vây tua, họ Cá nhụ, họ Cá thiên đường, họ Cá chét hoặc họ Cá phèn nước ngọt (danh pháp khoa học: Polynemidae) là một họ chủ yếu là cá biển, trừ chi Polynemus là cá nước ngọt, dạng cá vược màu xám bạc. Họ này được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Họ này chứa khoảng 8-9 chi và 33-42 loài.

Họ Cá vây tua
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Nhánh Actinopteri
Phân lớp (subclass)Neopterygii
Phân thứ lớp (infraclass)Teleostei
Nhánh Osteoglossocephalai
Nhánh Clupeocephala
Nhánh Euteleosteomorpha
Nhánh Neoteleostei
Nhánh Eurypterygia
Nhánh Ctenosquamata
Nhánh Acanthomorphata
Nhánh Euacanthomorphacea
Nhánh Percomorphaceae
Nhánh Carangimorpharia
Nhánh Carangimorphariae
Họ (familia)Polynemidae
Rafinesque, 1815
Các chi

Theo truyền thống, họ Polynemidae được xếp trong bộ Perciformes[1], nhưng gần đây được coi là có vị trí không xác định (incertae sedis) trong nhánh Carangimorphariae và được cho là có quan hệ họ hàng gần với họ Menidae[2].

Đặc điểm

sửa

Dao động về chiều dài từ 20 cm ở cá gộc vây đen (Polydactylus nigripinnis) tới 200 cm ở cá nhụ bốn râu (Eleutheronema tetradactylum) và cá gộc lớn châu Phi (Polydactylus quadrifilis), các loài cá vây tua có tầm quan trọng thương mại trong nghề đánh bắt cá để làm cá thực phẩm cũng như phổ biến trong nghề câu cá giải trí. Thói quen sinh sống và di chuyển thành bầy lớn làm cho việc đánh bắt chúng là tiết kiệm về mặt kinh tế và đáng tin cậy.

Cơ thể của chúng thuôn dài và thon với các vây lưng mềm và có gai. Vây đuôi lớn và xẻ thùy sâu; dấu hiệu chỉ ra sự nhanh nhẹn và tốc độ của chúng. Miệng lớn và hạ (ở dưới); mõm tù lồi về phía trước. Các hàm và vòm miệng có các dải như nhung chứa các răng nhỏ và mảnh dẻ. Đặc trưng phân biệt nhiều nhất của cá vây tua là các vây ngực của chúng. Các vây này bao gồm 2 phần khác biệt, phần phía dưới bao gồm 3-7 tia vây dài, độc lập, trông giống như các sợi chỉ, riêng ở các loài chi Polynemus có thể có tới 15 tia vây như vậy.

 
Cá gộc sáu râu (Polydactylus sexfilis)

Ở một số loài, chẳng hạn như cá vây tua hoàng gia (Pentanemus quinquarius), các tia vây như sợi chỉ này có thể kéo dài quá cả vây đuôi. Đặc trưng này giải thích cho cả tên gọi vây tua và danh pháp khoa học của họ Polynemidae, từ tiếng Hy Lạp poly nghĩa là "nhiều" và nema nghĩa là "sợi dây nhỏ". Các loài tương tự, chẳng hạn cá đối (họ Mugilidae) và cá măng sữa (họ Chanidae) có thể dễ dàng phân biệt với cá vây tua do chúng không có các vây ngực dạng sợi chỉ.

Cá vây tua thích sống trong các vùng biển khơi có nước nông và đáy nhiều bùn hay cát; chúng ít khi tới gần các vùng đá ngầm. Các tia vây ngực dạng tua của chúng được coi là các kết cấu xúc giác, giúp chúng tìm kiếm mồi trong các lớp trầm tích dưới đáy biển. Cá vây tua có thể sống trong môi trường với sự dao động lớn về độ mặn của nước. Đặc điểm này cho phép chúng có thể tiến tới gần các cửa sông và thậm chí là ngược vào trong sông. Chúng chủ yếu ăn các loại động vật giáp xác và cá nhỏ.

Là nhóm cá đẻ trứng ngoài biển, cá vây tua đẻ nhiều trứng nhỏ trôi nổi trên mặt nước và sau đó trở thành một phần của phiêu sinh vật. Các trứng này trôi nổi theo dòng nước cho đến khi nở ra.

Các loài

sửa
 

Khoảng 40 loài trong 8 chi được liệt kê tại đây:

Chú thích

sửa
  1. ^ Chủ biên Ranier Froese và Daniel Pauly. (2019). "Polynemidae" trên FishBase. Phiên bản tháng 4 năm 2019.
  2. ^ Ricardo Betancur-R., Richard E. Broughton, Edward O. Wiley, Kent Carpenter, J. Andrés López, Chenhong Li, Nancy I. Holcroft, Dahiana Arcila, Millicent Sanciangco, James C Cureton II, Feifei Zhang, Thaddaeus Buser, Matthew A. Campbell, Jesus A Ballesteros, Adela Roa-Varon, Stuart Willis, W. Calvin Borden, Thaine Rowley, Paulette C. Reneau, Daniel J. Hough, Guoqing Lu, Terry Grande, Gloria Arratia, Guillermo Ortí, 2013, The Tree of Life and a New Classification of Bony Fishes, PLOS Currents Tree of Life. 18-04-2013. Ấn bản 1, doi:10.1371/currents.tol.53ba26640df0ccaee75bb165c8c26288
  3. ^ Thái Thanh Dương (chủ biên), Các loài cá thường gặp ở Việt Nam, Bộ Thủy sản, Hà Nội, 2007. Tr.16.

Tham khảo

sửa