Cá bảy màu

loài cá
(Đổi hướng từ Poecilia reticulata)

Cá bảy màu (danh pháp hai phần: Poecilia reticulata)[3] là một trong những loại cá cảnh nước ngọt phổ biến nhất thế giới. Nó là một thành viên nhỏ của họ Cá khổng tước (Poeciliidae) (con cái dài 2,5–4 cm, con đực dài 2–3 cm) và giống như các thành viên khác của họ cá này, chúng là dạng cá đẻ trứng thai.

Cá bảy màu
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Cyprinodontiformes
Họ (familia)Poeciliidae
Chi (genus)Poecilia
Loài (species)P. reticulata
Danh pháp hai phần
Poecilia reticulata
Peters, 1859

Danh pháp đồng nghĩa[2]
  • Acanthocephalus guppii (Günther, 1866)
  • Acanthophacelus reticulatus (W. Peters, 1859)
  • Girardinus guppii Günther, 1866
  • Girardinus reticulatus (W. Peters, 1859)
  • Lebistes poecilioides De Filippi, 1861
  • Lebistes reticulatus (W. Peters, 1859)
  • Poecilioides reticulatus (W. Peters, 1859)

Tên gọi

sửa

Có 2 loài được gọi là cá bảy màu:

  • Cá bảy màu thường, nội, có thân và vây đuôi nhỏ có tên là cá bảy màu Endler, cá công, cá mây chiều[4]
  • Cá bảy màu thân và vây đuôi to, ngoại nhập, còn được gọi là cá hồ lan, cá hà lan, cá hòa lan.

Tuy có cùng dòng giống nhưng thật ra mỗi loài có mỗi yếu tố về hình dáng khác nhau:

Đặc điểm Cá bảy màu Endler Cá hà lan
Thân Thân mảnh Thân dày hơn để tăng độ chịu đòn và ra đòn
Đầu Tỉ lệ đầu và miệng so với thân nhỏ, đầu nhỏ, miệng nhỏ Chủ yếu đá bằng miệng nên miệng (gọi là mỏ) to và dày
Vây (Kì) đuôi Thướt tha Cân đối với thân
Bó đuôi Thướt tha Cân đối với thân

Nguồn gốc

sửa

Cá có nguồn gốc từ Jamaica, sống trong những vũng vịnh cạn, eo biển, mương rãnh và dọc theo bờ biển. Năm 1866, Robert John Lechmere Guppy sống ở đảo Trinidad thuộc British West Indies gửi một vài con cá này đến bảo tàng Anh để nhận dạng. Albert C. L. G. Gunther của bảo tàng này đặt tên khoa học cho nó là Girardinus guppii để ghi công Guppy vào cuối năm đó. Đến năm 1913, đặt tên lại là Lebistes reticulatus, tên khoa học chính thức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, loài cá này đã được Wilhelm Peters mô tả trước đó vào năm 1859 trong số sinh vật ông thu thập được từ Nam Mỹ. Mặc dù Girardinus guppii hiện nay được coi là từ đồng nghĩa của Poecilia reticulata, nhưng tên gọi "guppy" vẫn được sử dụng.[5] Theo thời gian cá bảy màu đã được đặt nhiều tên gọi khoa học khác, nhưng hiện tại Poecilia reticulata là danh pháp được coi là hợp lệ.

Phân bố

sửa

Cá bảy màu là cá bản địa của Trinidad và một số khu vực thuộc Nam Mỹ, đặc biệt là Antigua và Barbuda, Barbados, Brasil, Guyana, Netherlands Antilles, Trinidad và Tobago, quần đảo VirginVenezuela[6].

Tuy nhiên, cá bảy màu đã được đưa vào nhiều quốc gia khác nhau tại mọi châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực. Đôi khi điều này diễn ra một cách ngẫu nhiên, nhưng chủ yếu thường là trong vai trò của sinh vật kiểm soát muỗi, với hy vọng rằng cá bảy màu sẽ ăn các loại ấu trùng muỗi và làm giảm sự lan truyền của bệnh sốt rét. Trong nhiều trường hợp, những con cá bảy màu này lại trở thành loài xâm hại có ảnh hưởng tiêu cực tới quần xã cá bản địa[7].

Sinh thái và hành vi

sửa

Đây là giống cá dễ nuôi, sinh sản nhanh, đa dạng và phong phú nhất trong số các loài cá cảnh (về màu sắc). Cá bảy màu nhập ngoại vào Việt Nam có hai loại chính: bảy màu đuôi rắn và bảy màu thân xanh đen, đuôi màu xanh biếc, đỏ điểm vạch trắng. Ở các nước khác có cá bảy màu toàn thân đen tuyền đã có tại Việt Nam (full black).

Có một sự đa dạng lớn về màu sắc giữa các quần thể, nhiều quần thể với màu sắc rất khác biệt nhau. Một biện pháp tự bảo vệ trong khi các quần thể với môi trường sống ít kẻ thù thì lại sặc sỡ hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những con đực màu sặc sỡ được ưa thích hơn trong quá trình chọn lọc giới tính (nguyên lý handicap) trong khi chọn lọc tự nhiên thông qua lối sống ăn thịt lại ưa chuộng các sắc thái dịu. Kết quả là, các kiểu hình thống lĩnh được ghi nhận trong phạm vi các cộng đồng cô lập về mặt sinh sản là chức năng của tầm quan trọng tương đối mà mỗi yếu tố có trong môi trường cụ thể.

Đôi khi những con đực có thể đối xử với nhau một cách hung hãn, tham gia vào những cuộc chọi đứt vây hay các hành vi ức hiếp khác. Cá bảy màu sống trong một mạng lưới xã hội phức tạp, chúng lựa chọn đối tác và ghi nhớ các đối tác này[8].

Cá bảy màu là loài cá được các nhà sinh học tiến hóa chọn lựa do lối sống ăn thịt của chúng thông thường hay biến đổi ngay cả khi chỉ trong một khu vực nhỏ. Cả các công trình nghiên cứu trong quá khứ lẫn các nghiên cứu gần đây về cá bảy màu được khái quát hóa trong Evolutionary Ecology: the Trinidadian Guppy Lưu trữ 2007-09-29 tại Wayback Machine của Anne Magurran.

Sinh sản

sửa
 
Cá bảy màu non (cá bột) trong bể cảnh, 1 tuần tuổi

Cá bảy màu đẻ nhiều[9]. Thời kỳ mang thai của chúng là 22-30 ngày, trung bình khoảng 28 ngày. Sau khi cá cái được thụ tinh thì một vùng sẫm màu gần hậu môn, gọi là đốm thai, sẽ lớn dần lên và sẫm màu đi.

Cá bảy màu ưa thích nước có nhiệt độ khoảng 28 °C (82 °F) để sinh sản. Cá bảy màu cái sẽ sinh ra từ 2 đến 200 cá con, thông thường trong khoảng 5-30 con. Cá con vừa sinh đã có đầy đủ khả năng bơi, ăn, và tránh nguy hiểm. Chỉ vài giờ sau khi sinh đẻ xong, cá cái lại sẵn sàng cho việc thụ thai. Cá bảy màu có khả năng lưu trữ tinh trùng, nên sau chỉ một lần cặp đôi với cá đực, cá cái có thể sinh nhiều lần. Nếu không nuôi riêng hoặc không có lưới ngăn, cá trưởng thành sẽ ăn cá con.

Cá con cần khoảng một hoặc hai tháng để trưởng thành. Trong bể cá, thức ăn cho cá bảy màu con thường là thức ăn nghiền và ép thành dạng vảy (flake), ấu trùng artemia, hoặc thức ăn của cá trưởng thành. Ngoài ra, cá con còn ăn tảo bám trong bể.

Người ta đã lai thành công cá bảy màu với một số loài khác thuộc chi Poecilia (poecilia latipinna/velifera), ví dụ cá bảy màu đực và Poecilia cái. Tuy nhiên, con lai luôn là cá đực và có vẻ vô sinh.[10]

Trong bể cảnh

sửa
 
Cá đực thuộc 6 biến thể khác nhau.
 
Các chuẩn cá bảy màu

Cá bảy màu ưa thích bể cảnh nước cứng và có thể trụ vững trong môi trường với độ mặn cao gấp 1,5 lần độ mặn thông thường của nước biển[11]. Cá bảy màu nói chung là ưa chuộng hòa bình, mặc dù hành vi rỉa vây đôi khi thể hiện ở những con đực hoặc nhằm vào những loài cá bơi nhanh khác như các loài cá đuôi kiếm (Xiphophorus hellerii.) và đôi khi nhằm vào những loài cá khác với các vây dễ thấy như cá thần tiên (Pterophyllum spp.). Đặc trưng đáng chú ý nhất của cá bảy màu là xu hướng sinh sản, và chúng có thể cho sinh đẻ trong cả bể cảnh nước ngọt lẫn bể cảnh nước mặn[12].

Cá bảy màu do những người nuôi cá cảnh tạo ra có sự biến đổi lớn về bề ngoài, như màu sắc hay hình dáng đuôi (đuôi quạt hay đuôi kiếm nhọn đầu). Sự sinh sản chọn lọc đã tạo ra nhóm các nhà thu thập "cá bảy màu lạ lùng", trong khi cá bảy màu "hoang dã" vẫn duy trì được độ phổ biến của chúng như là một trong những loại cá cảnh dễ nuôi.

Những người nuôi cá cảnh có kinh nghiệm gây giống cá bảy màu cho chính mình đều biết rằng cá trưởng thành sẽ có thể ăn thịt các con non và vì thế nên tạo ra khu vực an toàn cho cá bột. Các bể cho sinh đẻ được thiết kế đặc biệt, có thể treo lơ lửng bên trong bể cảnh. Chúng phục vụ cho hai mục đích, thứ nhất là che chở cho cá cái đang mang thai không bị các con đực để ý tới và tấn công, và thứ hai là cung cấp một khu vực riêng biệt cho cá con mới sinh không để chúng bị mẹ ăn thịt. Cần lưu ý không thả cá mẹ vào nơi đẻ quá sớm vì nó có thể bị sẩy thai.

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ “IUCN Red List of Threatened Species”. Truy cập 7 tháng 9 năm 2024.
  2. ^ “Synonyms of Poecilia reticulata. FishBase.org. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2013.
  3. ^ Eli Agbayani. “Common Names of Poecilia reticulata”. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2007.
  4. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2015.
  5. ^ Eli Agbayani. “Synonyms of Poecilia reticulata”. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2007.
  6. ^ Eli Agbayani. “Countries where Poecilia reticulata is found”. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2007.
  7. ^ Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Poecilia reticulata trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2007.
  8. ^ Croft D. P., J. Krause và R. James (2004) Social networks in the guppy (Poecilia reticulata). Proceedings of the Royal Society of London Biology Letters 271: 516-519.
  9. ^ Guppy. Encyclopaedia Britannica. 2007. Encyclopaedia Britannica trực tuyến. Truy cập ngày 5-7-2007.
  10. ^ F. N. Ghadially & Myron Gordon (ngày 29 tháng 12 năm 1956). “A Localized Melanoma in a Hybrid Fish Lebistes x Mollienesia” (pdf). Cancer Research: 597–599. Truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2008.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  11. ^ Chervinski J. (1984) Salinity tolerance of the guppy, Poecilia reticulata Peters. Journal of Fish Biology 24: 449-452.
  12. ^ Shikano T, Fujio Y. 1997. Successful propagation in seawater of the guppy Poecilia reticulata with reference to high salinity tolerance at birth. FISHERIES SCIENCE, 63: 573-575

Tham khảo

sửa