Phật gia quyền
Phật gia quyền còn có tên khác là La Hán Phật gia quyền lấy gốc tích xuất xứ võ Thiếu Lâm từ bài quyền đầu tiên La Hán Thập Bát Thủ (chữ Hán: 佛家拳; phiên âm latinh: Fut Gar (Kuen); đôi khi được dịch nghĩa là Buddha Fist hay Monk Family Fist), là tên của một võ phái của các vị Lạt Ma ở vùng Vân Nam và Tây Tạng là chủ yếu.
Nguồn gốc và danh xưng
sửaTương truyền rằng võ phái này có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm và chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam.
Thuyết khác lại cho rằng gốc phát tích của nó là chung một gốc với Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan và Vịnh Xuân Quyền của Nghiêm Vịnh Xuân tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông.
Nguồn gốc môn phái không rõ ràng và có một vài kỹ thuật kỹ pháp liên quan đến Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến ở kỹ thuật trường kiều đại mã và La Hán quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam, cước pháp (đòn chân) thì lại có liên quan một ít đến Bắc Thiếu Lâm.
Theo thuyết khác, bộ môn này có nguồn gốc từ một ngôi chùa thuộc các môn đồ của Thiếu Lâm ở tỉnh Quảng Đông do các sư tăng trong chùa rút gọn tinh hoa quyền pháp của các hệ Nam quyền Quảng Đông mà chủ yếu là Hồng Gia Quyền của Nam Thiếu Lâm nên rất thịnh hành ở vùng lưỡng Quảng (Quảng Đông & Quảng Tây).
Bộ môn này có lan truyền sang các khu vực lân cận như Hồng Kông, Đài Loan và rất thịnh hành tại tỉnh Thanh Hóa miền Bắc Việt Nam trước 1954 và hiện đang lưu truyền phổ biến ở các khu vực Bắc Mỹ, Canada.
Đặc trưng kỹ pháp
sửaĐây là một môn quyền thuật có nguồn gốc từ các phái võ miền Nam Trung Hoa xuất xứ từ Nam Thiếu Lâm nên thuộc các bộ môn Nam quyền.
Về mặt kỹ pháp, Phật gia quyền sử dụng các loại thủ hình như các hệ phái Nam quyền khác: quyền (đấm), chưởng (xòe bàn tay), trửu (cùi chỏ), chỉ (các ngón tay xỉa), câu thủ (cổ tay), trảo (ức bàn tay và các ngón tay co lại),... cũng có sử dụng đòn chân (cước pháp, thối pháp) của Bắc Thiếu Lâm nhưng lại đá thấp từ thắt lưng trở xuống và ít khi nhảy cao đá như các bộ môn Trường quyền của Bắc Thiếu Lâm.
Quyền pháp của Phật gia quyền tinh tuyển tinh hoa của các loại Nam quyền như Hồng, Lưu, Lý, Mạc, Thái (Hung gar, Liu gar, Li gar, Mo gar, Choy gar).
Kỹ pháp đặc trưng vẫn là sử dụng Kiều pháp (đòn tay) như Hồng Gia Quyền, vẫn theo nguyên lý "Ổn mã ngạnh kiều, trường kiều đại mã, đoản kiều tiểu mã" nghĩa là "Ngựa vững cầu cứng, ngựa lớn cầu dài, ngựa nhỏ cầu ngắn", diễn giải: bộ pháp (tấn pháp và cước pháp) vững vàng và thủ pháp (đòn tay) chắc chắn, đánh đòn tay dài thì đứng tấn dài rộng, đánh đòn tay ngắn thì đứng bộ tấn hẹp.
Do xuất phát từ Thiếu Lâm là quyền pháp của Phật gia nên bộ môn quyền này cũng tuân thủ theo các phép đánh nghiêm ngặt và phong tỏa cẩn mật trong-ngoài trên-dưới, động tác chặt chẽ như các bộ môn Thiếu Lâm quyền khác. Phong thái thể hiện cương cường ngoại tráng, bộ hình (bước tấn) di chuyển kín đáo và đầy sức lực hùng hậu. Đó là một bộ môn quyền chủ cương nhiều hơn nhu so với Thiếu Lâm quyền căn bản là cương nhu tương tế.
Xem thêm
sửaSách tham khảo chính
sửa- Nam Quyền Toàn Thư, nguyên tác Trung văn Quyền sư (Tiến sĩ) Trương Tuấn Mẫn, dịch giả Thiên Tường, Nhà Xuất Bản Mũi Cà Mau.
Tham khảo
sửaLiên kết ngoài
sửa- Fut Gar Lưu trữ 2007-09-27 tại Wayback Machine (Phật gia quyền - bản tiếng Đức)
- Fut Gar Lưu trữ 2008-02-16 tại Wayback Machine (Phật gia quyền - bản tiếng Anh)
- Film Fut Gar Lo Han (phim tài liệu bài quyền La Hán Phật Gia)