Phạm Minh Tâm
Phạm Minh Tâm (1930 – 28 tháng 12 năm 2020) là một sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Phó tổng Thanh tra Quân đội. Ông là một trong những vị tướng chiến trường dày dặn kinh nghiệm gắn liền với chiến trường Quân khu 5 và biên giới phía bắc Việt Nam.
Phạm Minh Tâm | |
---|---|
Chức vụ | |
Phó tổng Thanh tra Quân đội | |
Nhiệm kỳ | 1990 – 1992 |
Tổng thanh tra | Hoàng Cầm |
Tiền nhiệm | Nguyễn Minh Châu |
Kế nhiệm | Nguyễn Duy Khâm |
Tham mưu trưởng Quân khu 1 | |
Nhiệm kỳ | 1985 – 1990 |
Tiền nhiệm | Hoàng Đan |
Kế nhiệm | Phạm Quang Bào |
Thông tin cá nhân | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | 1930 Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam |
Mất | (90 tuổi) Hải Châu, Đà Nẵng |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Binh nghiệp | |
Phục vụ | Quân đội nhân dân Việt Nam |
Năm tại ngũ | 1950 – 1992 |
Cấp bậc | |
Tham chiến | |
Tặng thưởng | Huân chương Quân công hạng Nhì Huân chương Chiến công hạng Nhất Huân chương Kháng chiến hạng Nhất ×2 Huân chương Chiến thắng hạng Ba Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất Huy chương Quân kỳ quyết thắng |
Sự nghiệp
sửaTrước 1975
sửaPhạm Minh Tâm tên khai sinh là Phạm Minh Cháu, sinh năm 1930 tại xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.[1] Ông nhập ngũ từ năm 1950 và lần lượt trải qua các vị trí từ Trung đội phó đến Đại đội trưởng thuộc Tỉnh đội Quảng Nam – Đà Nẵng và Sư đoàn 305. Sau khi tập kết ra Bắc, đến tháng 9 năm 1956, ông được cử đi học tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Sau khi hoàn tất việc học vào tháng 4 năm 1958, ông trở thành giáo viên chiến thuật tại Trường Quân chính Quân khu Tây Bắc. Trong 3 năm từ 1960 đến 1963, ông tiếp tục được cử đi học tại Trường Văn hóa Lạng Sơn và Học viện quân sự Nam Kinh tại Trung Quốc. Ông là một trong số ít cán bộ được học nhảy dù tại Học viện quân sự Nam Kinh.[2]
Sau khi về nước, ông trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 thuộc Lữ đoàn 305, rồi Trợ lý tác chiến, phụ trách Phó trưởng Phòng Tác chiến của Chiến trường B5 (khu vực giới tuyến 17 và tỉnh Quảng Trị). Từ năm 1970, ông đảm nhiệm Trung đoàn phó và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Bộ tư lệnh B5.[3] Năm 1972, ông đã chỉ huy Trung đoàn 27 tham gia vào Chiến dịch Trị Thiên.[4][5] Lúc bấy giờ, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 27 dưới quyền Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm.[2][6]
Trong 8 năm từ 1972 đến 1980, ông lần lượt trải qua các chức vụ từ Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng đến Tư lệnh Sư đoàn 325,[7] Tư lệnh Sư đoàn 968, Phó tư lệnh Quân đoàn 5 kiêm Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Thống nhất tỉnh Lạng Sơn.[8] Năm 1975, ông đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với vai trò Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 325.[9][10] Liên tục giải phóng Thừa Thiên – Huế – Đà Nẵng,[11][12] ông cùng Sư đoàn 325 đã tiến thẳng vào miền Nam Việt Nam.[2][13]
Sau 1975
sửaNăm 1979, Quân đoàn 14 (sau này được biết đến với tên Binh đoàn Chi Lăng) được thành lập với nhiệm vụ chính là bảo vệ trọng điểm Lạng Sơn trong Chiến tranh biên giới Việt–Trung 1979. Trong khoảng thời gian này, Phạm Minh Tâm vẫn đang làm nhiệm vụ ở Lào thì bị gọi về nước đảm nhiệm Phó Tư lệnh Quân đoàn 14. Đến năm 1981 thì ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn.[14] Năm 1985, ông trở thành Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng của Quân khu 1.[15]
Tháng 3 năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định số 71/CT bổ nhiệm Trung tướng Phạm Minh Tâm giữ chức Phó tổng thanh tra Quân đội.[16] Năm 1992, ông về hưu ở tuổi 62. Ngày 28 tháng 12 năm 2020, ông qua đời tại nhà riêng vì lên cơn đột quỵ, thọ 90 tuổi.[17]
Đời tư
sửaTướng Phạm Minh Tâm kết hôn với bà Võ Thị Mai. Sau khi về hưu, hai người chuyển đến sống tại Đà Nẵng. Khi ông vừa bị đột quỵ vào năm 2020, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã cử ngay một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp tốc vào Đà Nẵng chữa trị ban đầu cho ông. Nguyên Bí thư Lê Khả Phiêu, thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên – nguyên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng – cùng nhiều người từng là đồng đội hay cấp dưới của ông năm xưa cũng đến thăm ông khi có dịp.[14]
Khen thưởng
sửa- Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba;
- Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì;
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất;
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba;
- Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba;
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;
- Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.
Lịch sử thụ phong quân hàm
sửaNăm thụ phong | 1969 | Tháng 9, 1972 |
Tháng 9, 1973 |
Tháng 2, 1977 |
Tháng 2, 1983 |
Tháng 4, 1989 |
---|---|---|---|---|---|---|
Cấp bậc | Thiếu tá | Trung tá | Thượng tá | Đại tá | Thiếu tướng | Trung tướng |
Tham khảo
sửa- ^ “Trung tướng Phạm Minh Tâm từ trần”. Báo Công an Nhân dân điện tử. 30 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ a b c Hồng Vân (11 tháng 2 năm 2017). “Chuyện vị tướng cho áo chiến sĩ”. Báo Công an TP Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Tuệ Đức. “Vị tướng với tấm lòng tri ân”. Ban liên lạc thông tin Trung đoàn 27. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Diệu Thúy; Đức Yên (1 tháng 5 năm 2022). “Vị tướng quyết định nổ súng trước giờ G và trận đánh không có người hy sinh - Đảng Bộ Tỉnh Quảng Trị”. Tỉnh ủy Quảng Trị. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Trần Minh Hùng (26 tháng 4 năm 2005). “Trận đánh không chuẩn bị trước”. Báo Nhân Dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Nguyễn Văn Á (21 tháng 12 năm 2016). “Ký ức người lính và nghĩa tình đồng đội”. Tạp chí Tuyên giáo. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Trần Minh Hùng (2011), tr. 124.
- ^ “Trung tướng Phạm Minh Tâm từ trần”. Báo Quân đội nhân dân. 29 tháng 12 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 10 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Nguyễn Nga (29 tháng 4 năm 2022). “Chiến dịch Hồ Chí Minh - Mốc son lịch sử chói lọi”. Báo Quân khu 4. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Phạm Huy Dương & Phạm Bá Toàn (2005), tr. 624.
- ^ Nguyễn Hữu An & Nguyễn Tư Đương (2002), tr. 210.
- ^ Nguyễn Công Trang (2007), tr. 105–110.
- ^ Nguyễn Huy Thục (2005), tr. 333.
- ^ a b Hồng Vân (20 tháng 2 năm 2019). “Nhớ tháng hai ở Lạng Sơn - Đà Nẵng Online”. Báo Đà Nẵng. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 2 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.
- ^ Ma Thanh Toàn (2009), tr. 218.
- ^ Trần Doãn Chử (2003), tr. 329.
- ^ Hà My (27 tháng 1 năm 2017). “Trọn tình với đồng đội”. Cổng thông tin điện tử Thị xã Điện Bàn. Truy cập ngày 23 tháng 10 năm 2022.[liên kết hỏng]
Nguồn
sửa- Ma Thanh Toàn (2009). Hồi ức từ những miền Cao Nguyên. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 653490441.
- Nguyễn Công Trang (2007). Kỷ niệm một thời trận mạc. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 227809076.
- Nguyễn Huy Thục (2005). Cuộc tổng tiến công chiến lược xuân, 1975 và sự cáo chung của chế độ Sài Gòn. Nhà xuất bản Công an nhân dân. OCLC 61235452.
- Nguyễn Hữu An; Nguyễn Tư Đương (2002). Chiến trường mới: hồi ức. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 50751826.
- Phạm Huy Dương; Phạm Bá Toàn biên tập (2005). Đại thắng mùa xuân, 1975: kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 64038350.
- Trần Doãn Chử biên tập (2003). Lịch sử ngành thanh tra quốc phòng, 1948-2003. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 60657224.
- Trần Minh Hùng (2011). Dấu chân trên cát: hồi ký. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. OCLC 756664760.