Phạm Liêm
Phạm Liêm (15 tháng 12 năm 1928 – 22 tháng 2 năm 2022) là một sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Thiếu tướng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không (nay là Quân chủng Phòng không – Không quân).[1]
Phạm Liêm | |
---|---|
Chức vụ | |
Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không | |
Nhiệm kỳ | 1980 – 1983 |
Tư lệnh | Hoàng Văn Khánh |
Thông tin cá nhân | |
Quốc tịch | Việt Nam |
Sinh | An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình | 15 tháng 12, 1928
Mất | 22 tháng 2, 2022 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội | (93 tuổi)
Dân tộc | Kinh |
Tôn giáo | Không |
Đảng chính trị | Đảng Cộng sản Việt Nam |
Vợ | Nguyễn Thị Ngọt (cưới 1946) |
Binh nghiệp | |
Phục vụ | Quân đội nhân dân Việt Nam |
Năm tại ngũ | 1950 – 1990 |
Cấp bậc | |
Đơn vị | Quân chủng Phòng không – Không quân |
Tặng thưởng | Huân chương Quân công hạng Nhì Huân chương Chiến công hạng Ba Huân chương Chiến thắng hạng Ba Huân chương Kháng chiến hạng Nhất Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất Huy chương Quân kỳ quyết thắng |
Cuộc đời
sửaPhạm Liêm, bí danh Duy Thanh, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1928 tại thôn Vũ Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia cách mạng Việt Nam từ năm 1945 với vai trò Bí thư Thanh niên cứu quốc xã Hưng Nhượng (nay là xã An Đồng), huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ), tỉnh Thái Bình. Sau khi Cách mạng Tháng Tám kết thúc, ông trở thành trưởng Ban bình dân học vụ, Bí thư Thanh niên cứu quốc xã An Đồng. Đến tháng 4 năm 1946, ông đảm nhiệm Ủy viên thanh niên, Trưởng ban thiếu nhi huyện Phù Dực. Từ tháng 3 năm 1948 đến tháng 1 năm 1950, ông lần lượt được bổ nhiệm làm Phó bí thư rồi Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Phụ Dực.[2]
Tháng 2 năm 1950, ông chính thức nhập ngũ và trở thành Chính trị viên phó huyện đội Phụ Dực cho đến đầu năm 1952. Sau 2 năm, ông được chọn làm Đại đội trưởng Đại đội 277, bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình. Sau một thời gian giữ quyền Tiểu đòan phó Tiểu đoàn 62 bộ đội địa phương, ông chuyển lên làm Trợ lý Phòng Cán bộ Quân khu Tả Ngạn vào tháng 2 năm 1957. Tháng 11 năm 1960, ông bắt đầu theo học Trung cao Chính trị trong 3 năm. Sau khi kết thúc khóa học, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Pháo phòng không 230, 250 rồi Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 250.[2]
Từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 5 năm 1968, Phạm Liêm lần lượt đảm nhiệm Phó chính ủy Trung đoàn Pháo phòng không 250 và Chính ủy Trung đoàn Pháo phòng không 224.[3] Sau đó, ông tham gia Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh với vai trò Chính ủy Trung đoàn Pháo phòng không 241 thuộc Sư đoàn Phòng không 367. Sau khi chiến dịch kết thúc, ông được bổ nhiệm làm phó phòng rồi trưởng phòng Cán bộ của Cục Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân.[2]
Năm 1975, ông đã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với vai trò Phó chính ủy Sư đoàn 367.[4] Tháng 4 năm 1976, từ vị trí Chính ủy Sư đoàn 367, Phạm Liêm được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân. Đến năm 1977, Quân chủng Phòng không – Không quân được tách làm 2 bộ phận là Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò Phó chủ nghiệm Chính trị cho Quân chủng Phòng không cho đến tháng 7 năm 1979. Sau 1 năm được cử đi học tại Học viện Quân sự cao cấp, Phạm Liêm được thăng làm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không.[2]
Tháng 10 năm 1983, ông trở thành Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Quân chủng Phòng không và đảm nhiệm chức vụ này đến tháng 6 năm 1986. Sau đó, ông quay lại làm Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không 4 năm trước khi về hưu vào tháng 7 năm 1990. Ngày 22 tháng 2 năm 2022, ông qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 94 tuổi.[5]
Khen thưởng
sửa- Huân chương Quân công hạng Nhì;
- Huân chương Chiến công hạng Ba;
- Huân chương Chiến thắng hạng Ba;
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba;
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất;
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất;
- Huy chương Quân kỳ Quyết thắng;
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba
Lịch sử thụ phong quân hàm
sửaNăm thụ phong | – | 1985 |
---|---|---|
Cấp bậc | Đại tá | Thiếu tướng |
Đời tư
sửaVợ thiếu tướng Phạm Liêm là bà Nguyễn Thị Ngọt, người cùng xã An Đồng. Cả hai kết hôn vào năm 1946 và có với nhau 2 người con.[6]
Tham khảo
sửa- ^ Quỳnh Vân (6 tháng 4 năm 2020). “Chính ủy Đặng Tính trong ký ức đồng đội”. Báo Quân đội nhân dân (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- ^ a b c d “Thiếu tướng Phạm Liêm từ trần”. Báo Quân đội nhân dân. 25 tháng 2 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- ^ Nghiêm Đình Tích (1997). Lịch sử Trung đoàn pháo phòng không 224. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 90. OCLC 39515839. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- ^ Ban liên lạc Cựu chiến binh Quân đoàn 1 (2003). Thần tốc quyết thǎ́ng: kỷ niệm sâu sǎ́c trong đời bộ đội. Hà Nội: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. tr. 173. OCLC 61455103. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- ^ “Tin buồn”. Báo Công an Nhân dân điện tử. 25 tháng 2 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.
- ^ Minh Phương (9 tháng 11 năm 2011). “Chuyện gia đình giản dị của Thiếu tướng Phạm Liêm”. PhuNuToDay. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2022.