Phú Lộc, Nho Quan
Phú Lộc là một xã miền núi nằm ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Phú Lộc
|
||
---|---|---|
Xã | ||
Xã Phú Lộc | ||
Hành chính | ||
Quốc gia | Việt Nam | |
Vùng | Đồng bằng sông Hồng | |
Tỉnh | Ninh Bình | |
Huyện | Nho Quan | |
Thành lập | 1964 | |
Địa lý | ||
Tọa độ: 20°14′36″B 105°47′32″Đ / 20,24333°B 105,79222°Đ | ||
| ||
Diện tích | 9,55 km² | |
Dân số (2019) | ||
Tổng cộng | 6.345 người[1] | |
Mật độ | 664 người/km² | |
Khác | ||
Mã hành chính | 14446[2] | |
Địa lý
sửaXã Phú Lộc cách trung tâm thành phố Ninh Bình 24 km, có vị trí địa lý:
- Phía đông giáp xã Quỳnh Lưu
- Phía nam giáp xã Phú Long và xã Kỳ Phú
- Phía tây giáp xã Văn Phú
- Phía bắc giáp xã Thanh Lạc và xã Sơn Thành.
Xã Phú Lộc có diện tích là 9,55 km², dân số là 6.345 người[1], mật độ dân số đạt 664 người/km².
Hiện nay có một đơn vị bộ đội là Trung đoàn 202 đóng quân trên địa bàn xã Phú Lộc. Xã này nằm trên quốc lộ 12B nối thành phố Tam Điệp với thị trấn Nho Quan đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và quốc lộ 45 đi Thanh Hóa, ngã ba Rịa là một nút giao thông trong xã. Xã cũng nằm trên Đại lộ Tràng An (đường nối chùa Bái Đính - Cúc Phương) đi qua.
Lịch sử
sửaXã được thành lập theo quyết định số 199/QN ngày 22/7/1964 trên cơ sở tách từ xã Yên Phú.
Kinh tế
sửaPhú Lộc là một trong 5 xã của huyện Nho Quan được chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Đối chiếu với bộ tiêu chí Quốc gia về XDNTM thì đến 2011 Phú Lộc mới chỉ đạt 2 trong tổng số 19 tiêu chí. Việc XDNTM ở Phú Lộc gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Hơn 8 km đường trục xã xuống cấp; tỷ lệ đường liên thôn, liên xóm cứng hóa chỉ đạt khoảng 10%. Hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng phần lớn chưa được kiên cố hóa. Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung hoc phổ thông tuy đã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 song vẫn chưa đạt yêu cầu của bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới. Trạm y tế xã đã được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn. Việc bố trí sắp xếp khu dân cư của xã không đồng đều, kiến trúc nhà ở lộn xộn, chắp vá, thiếu hệ thống tiêu, thoát nước…
Mục tiêu xã là tăng thu nhập của người dân lên gấp 4 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12% xuống dưới 6% và chuyển dịch cơ cấu lao động từ 80% nông nghiệp xuống 30% vào năm 2015.
Người dân Phú Lộc sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa trong khi diện tích canh tác toàn xã chỉ có gần 500 ha, trong đó trên 200 ha vùng trũng cấy 1 vụ lúa. Giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác của xã hiện mới đạt 33 triệu đồng/ha. Trong khi đó xã gần như không có nghề phụ, toàn xã chỉ có 10 doanh nghiệp xây dựng, 1 cơ sở may công nghiệp với số lượng công nhân không nhiều.
Hiện nay xã đã chuyển đổi 250 ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá và dần biến những vùng này thành các gia trại nuôi cá, vịt, lợn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó xã tập trung vào việc phát triển 20 ha trồng rau sạch, khuyến khích người dân chăn nuôi các cây, con đặc sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp, dịch vụ phát triển trên địa bàn nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sử dụng nhiều lao động.
Chợ Rịa
sửaXã Phú Lộc có chợ Rịa nằm tại ngã ba Rịa giữa điểm đầu quốc lộ 45 với quốc lộ 12B, là một trong 9 chợ quê trên địa bàn Nho Quan nằm trong danh sách 107 chợ loại 1, 2, 3 ở Ninh Bình năm 2008. Đây cũng là một chợ quê nổi tiếng trên vùng đất thuộc chiến khu Quỳnh Lưu xưa. Chợ Rịa từng được đi vào thơ ca:
- Vẫn là chợ Rịa ngày xưa
- Sắc hương rừng rắc lưa thưa dọc đường…
- Núi đồi - đèo dốc giăng sương
- Nghiêng nghiêng bóng mấy cô Mường xinh xinh.
Đình Hương Thịnh
sửaĐình Hương Thịnh (Phú Lộc, Nho Quan): thờ thần Cao Sơn trấn trạch vùng núi phía tây Hoa Lư tứ trấn ở Ninh Bình. Thần Cao Sơn nguyên là Lạc tướng Vũ Lâm, cai quản vùng núi Vũ Lâm phía tây Ninh Bình. Đền thờ chính của thần ở huyện Phụng Hóa, nay là đền Láo ở xã Văn Phú, Nho Quan, Ninh Bình.[3] Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục nên được dân làng Kim Liên rước về thờ trấn phía Nam kinh thành Thăng Long. Ở Ninh Bình, thần Cao Sơn được thờ ở nhiều di tích thuộc vùng núi Nho Quan - Tam Điệp và là vị thần trấn trạch phía tây Hoa Lư tứ trấn.
Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở Ninh Bình thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay nên còn được gọi là vị thần tây trấn Hoa Lư tứ trấn), khi vâng mệnh vua Hùng đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập nhiều đền thờ[4].
Chú thích
sửa- ^ a b Đặng Đức Tân (3 tháng 10 năm 2019). “STT 112: Dân số tại thời điểm theo đơn vị hành chính cấp xã, 01/4/2019 - tỉnh Ninh Bình (Kết quả điều tra thực trạng Kinh tế - Xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 tại tỉnh Ninh Bình)”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2021.
- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ “Ngôi đền thờ em trai Hùng Vương thứ nhất”. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2014.
- ^ Phát hiện sắc phong thời Tây Sơn ở Đền Núi Hầu[liên kết hỏng], Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập 2008-12-03.