Pháp nạn Hội Xương

cuộc đàn áp Phật giáo và một số tôn giáo ngoại nhập khác tại Trung Quốc dưới thời Đường Vũ Tông

Pháp nạn Hội Xương, hay còn được gọi là Vũ Tông diệt Phật, diễn ra từ năm 840 đến 846, là cuộc đàn áp Phật giáo lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, diễn ra dưới thời Đường Vũ Tông. Cuộc đàn áp này đánh dấu một bước ngoặt lớn, làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh và ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội Trung Quốc, để lại hậu quả kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Hội Xương pháp nạn
Bức bích họa về khuôn viên chùa Phật Quang trên Ngũ Đài sơn tại hang Mạc Cao số 61, mô tả lại hình ảnh của chùa trước khi bị tàn phá trong cuộc đàn áp Phật giáo năm 845
Phồn thể會昌
Giản thể会昌法难

Nguyên nhân dẫn đến Pháp nạn Hội Xương bắt nguồn từ sự kết hợp giữa yếu tố kinh tế và tôn giáo. Sự gia tăng quyền lực và tài sản của các tự viện Phật giáo, với khối lượng lớn ruộng đất không phải chịu thuế, đã gây áp lực lớn lên triều đình, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính sau loạn An Sử. Bên cạnh đó, Đường Vũ Tông, một tín đồ sùng đạo Đạo giáo, bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các quan chức Nho giáo, những người coi Phật giáo là một tôn giáo ngoại lai, đe dọa đến giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của Trung Hoa.

Diễn biến của cuộc đàn áp diễn ra qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn đầu từ năm 840 đến 842 chứng kiến Đường Vũ Tông ban hành các sắc lệnh yêu cầu tăng ni không có giấy phép phải hoàn tục và đóng cửa nhiều ngôi chùa nhỏ. Giai đoạn giữa từ năm 843 đến 844 là thời điểm chính quyền tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các ngôi chùa và tịch thu tài sản Phật giáo. Đỉnh cao của cuộc đàn áp xảy ra vào năm 845, khi hơn 300.000 tăng ni bị buộc hoàn tục, hơn 4.600 ngôi chùa bị phá hủy hoặc đóng cửa, và phần lớn tài sản của các ngôi chùa, bao gồm ruộng đất và tượng Phật, bị triều đình tịch thu.

Hậu quả của Pháp nạn Hội Xương để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tôn giáo và văn hóa Trung Quốc. Phật giáo chịu sự suy thoái nghiêm trọng, mất đi nhiều sức mạnh và ảnh hưởng trong xã hội. Dù đã có những nỗ lực phục hồi dưới thời Đường Tuyên Tông, Phật giáo không bao giờ đạt lại được sự thịnh vượng như trước. Cuộc đàn áp cũng giúp triều đình thu hồi một lượng lớn tài sản, nhưng gây ra những tổn thất lớn về di sản văn hóa và tôn giáo của đất nước.

Bối cảnh

sửa
 
Bản đồ các phiên trấn nhà Đường vào năm 820.

Sau loạn An Sử, triều đình nhà Đường phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại liên quan đến tài chính, chính trị, và mâu thuẫn tư tưởng giữa các tôn giáo lớn.[1] Cuộc nổi loạn không chỉ gây tổn thất về quân sự mà còn làm suy yếu quyền lực trung ương, khi các tiết độ sứ địa phương được trao quyền dẹp loạn ngày càng trở nên mạnh mẽ.[2] Các phiên trấn không chỉ giữ lại quyền kiểm soát lãnh thổ mà còn thu giữ luôn thuế địa phương, không nộp về triều đình, dẫn đến sự phân quyền nghiêm trọng trong hệ thống chính trị nhà Đường.[3] Triều đình gần như mất quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, phải phụ thuộc vào các quân phiệt địa phương. Điều này không chỉ làm yếu đi khả năng quản lý của triều đình mà còn gây ra sự xung đột lợi ích về thuế và quyền lực. Các tiết độ sứ tự quản lý vùng đất của mình như các lãnh chúa độc lập, khiến triều đình không thể huy động đủ nguồn lực tài chính cần thiết để duy trì quân đội và quản lý đất nước.

Tình trạng phiên trấn cát cứ lẫn sự thay đổi trong cấu trúc xã hội và phân bổ dân cư khiến chế độ Quân điền sụp đổ, kéo theo sự phá sản của hệ thống thuế khóa tô, dung, điệu, vốn phụ thuộc vào việc thu thuế tập trung từ toàn bộ các vùng lãnh thổ của đế chế.[4] Khi hệ thống thuế này không còn hoạt động hiệu quả, triều đình không còn khả năng thu hồi nguồn thu từ các lãnh thổ cát cứ, dẫn đến khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, Phật giáo, với lượng tài sản khổng lồ từ các tự viện và lượng lớn ruộng đất không phải chịu thuế, trở thành mục tiêu lý tưởng để triều đình khai thác nhằm bổ sung vào ngân sách triều đình.

Vấn đề kinh tế

sửa
 
Bích họa từ hang Mạc Cao số 61, Đôn Hoàng, có niên đại thế kỷ 10, mô tả hệ thống tự viện đồ sộ thời nhà Đường trên Ngũ Đài sơn.

Vào thời Đường, các chùa chiền và tự viện không còn là những nơi thờ phụng đơn thuần mà đã trở thành những trung tâm kinh tế, sở hữu khối lượng lớn tài sản, ruộng đất và nô tỳ. Trong các tứ điền[a] mà triều đình ban phát, nhà chùa thường cho nông dân thuê đất để cày và thu tô mà không cần phải nộp cho chính quyền.[5][6] Điều này giúp các ngôi chùa tích lũy tài sản khổng lồ, nhưng cũng khiến triều đình mất đi một nguồn thu thuế đáng kể. Nhiều chùa chiền phát triển vượt bậc, không chỉ về quy mô mà còn về quyền lực, đôi khi còn cạnh tranh với quyền lực thế tục. Bằng cách nắm giữ ruộng đất và cho thuê, giới tăng lữ dần trở thành một tầng lớp địa chủ hùng mạnh, kiểm soát lượng lớn nông dân tá điền. Những ngôi chùa này không chỉ có sức mạnh tài chính mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội và chính trị, từng bước tạo thành một hệ thống kinh tế độc lập với sự kiểm soát của nhà nước.

Chính sự giàu có và quyền lực của các tự viện Phật giáo đã gây ra lo ngại lớn trong triều đình về việc giảm nguồn thu thuế và mất đi lực lượng lao động. Một lượng lớn người dân đổ xô vào chùa xuất gia do như một cách để thoát khỏi nghĩa vụ thuế khóa và lao dịch. Theo ước tính của Ch'en, K. (1956), vào năm 845, số lượng người chịu thuế chỉ rơi vào khoảng 4.500.000 trong tổng số 27.000.000 người đăng ký hộ tịch. Trong khi đó, số lượng tăng ni, cư sĩ và nô tỳ phụ thuộc vào các tự viện Phật giáo, chưa kể đến sa di[b] với số lượng chưa rõ, ước tính vào khoảng 671.000 người, tất cả đều được miễn lao động và miễn thuế.

Sự hiện diện của một số lượng lớn những người không phải chịu thuế này đã tạo ra một gánh nặng khổng lồ cho hệ thống thuế và nền kinh tế quốc gia, vốn phụ thuộc vào lượng nhỏ những người đóng thuế còn lại. Không chỉ được miễn thuế và lao động, các tăng ni còn phải được nuôi dưỡng và cung cấp quần áo từ sức lao động của người dân.[7] Chi phí nuôi sống họ ước tính lên đến hơn hai triệu quan tiền mỗi năm, gây thêm áp lực lên các nguồn lực tài chính vốn đã cạn kiệt của triều đình. Ngoài ra, các nguồn tài nguyên quý giá như vàng, đồng và gỗ được sử dụng với số lượng lớn để làm tượng Phật và các vật phẩm tôn giáo, cùng với chi phí xây dựng và duy trì các chùa chiền tráng lệ, càng làm triều đình lo ngại về ảnh hưởng tài chính tiêu cực của Phật giáo đối với quốc gia.[8]

Mâu thuẫn tôn giáo

sửa

Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, nó đã mang theo những tư tưởng và giáo lý mới mẻ, tạo ra sự xung đột mạnh mẽ với các hệ tư tưởng truyền thống đã ăn sâu trong xã hội Trung Hoa như Nho giáoĐạo giáo. Phật giáo, với trọng tâm là việc thoát ly khỏi thế gian để tìm kiếm sự giải thoát cá nhân, đối lập trực tiếp với Nho giáo, vốn tập trung vào nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội và nhà nước. Trong khi Nho giáo nhấn mạnh lòng trung thành với hoàng đế và sự tôn kính cha mẹ, thì Phật giáo khuyến khích việc rời bỏ các ràng buộc trần tục để đạt đến trạng thái giác ngộ.[9] Điều này đã gây ra những mâu thuẫn sâu sắc về mặt tư tưởng và đạo đức giữa Phật giáo với Nho giáo, và cũng tạo ra sự đối lập với Đạo giáo, vốn đề cao việc bảo tồn sức khỏe và năng lượng quốc gia thông qua trường sinh và sự hài hòa với tự nhiên.

Một trong những tiếng nói phê phán mạnh mẽ nhất đối với Phật giáo vào thời Đường là Hàn Dũ, một nhà nho và chính trị gia có ảnh hưởng lớn. Năm 819, ông đã viết bài tấu "Luận Phật cốt biểu" (論佛骨表) dâng lên Đường Hiến Tông, phản đối hoàng đế cho rước xá lợi Phật vào cung thờ phụng. Trong bản tấu này, Hàn Dũ kịch liệt chỉ trích Phật giáo, cho rằng đây là một tôn giáo "man di", không phù hợp với các giá trị truyền thống và làm suy yếu đạo đức xã hội Trung Hoa. Ông cho rằng việc thờ Phật làm lệch lạc các giá trị văn hóa và chính trị, làm suy yếu nền tảng quốc gia. Quan điểm của Hàn Dũ cũng đại diện cho nhiều nhà nho khác vào thời điểm đó, những người cho rằng Phật giáo không chỉ gây ra sự xao lãng khỏi các nghĩa vụ chính trị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lực kinh tế và lao động của quốc gia, khi nhiều người xuất gia để tránh thuế và lao dịch.

Sau khi nối ngôi, Đường Vũ Tông – một tín đồ sùng bái Đạo giáo và không ủng hộ Phật giáo. Đạo giáo khuyến khích tư tưởng trường sinh và bảo tồn quốc lực, trong khi Phật giáo được cho là làm suy yếu sức mạnh quốc gia bằng cách khuyến khích dân chúng từ bỏ nghĩa vụ quân sự và sản xuất, tạo ra lực lượng lớn những người không tham gia vào lao động.[10] Nhận thấy rằng sự phát triển của Phật giáo không chỉ làm sụt làm nguồn thu và nhân lực lao động, mà còn ảnh hưởng đến hệ thống giá trị văn hóa chính thống, Đường Vũ Tông và tể tướng Lý Đức Dụ đã quyết tâm thực hiện chính sách đàn áp tôn giáo này. Họ cho rằng việc phá hủy các ngôi chùa và tịch thu tài sản của Phật giáo không chỉ giúp giải quyết khủng hoảng tài chính mà còn củng cố quyền lực của triều đình, khôi phục trật tự xã hội theo các giá trị Nho giáo và Đạo giáo truyền thống.

Diễn biến

sửa

Cuộc đàn áp Phật giáo bắt đầu vào tháng 3 năm 842 khi Hoàng đế Đường Vũ Tông ban hành một loạt các sắc lệnh nhằm hạn chế hoạt động của Phật giáo. Trong sắc lệnh đầu tiên, hoàng đế ra lệnh buộc tất cả các tăng ni không có giấy phép hợp lệ phải hoàn tục, tức là từ bỏ đời sống tu hành và trở lại làm thường dân. Các chùa chiền cũng không được phép thực hiện nghi lễ quy y hay thu nhận đệ tử mới. Ngoài ra, những tăng ni có tiền án tiền sự, những người thực hành bùa chú, hoặc vi phạm giới luật cũng bị buộc phải từ bỏ đời sống tu hành. Triều đình cũng áp đặt lệnh cấm cung cấp lương thực cho các tự viện Phật giáo, nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của tôn giáo này, vì lương thực vốn là nguồn sống quan trọng giúp duy trì sự phát triển của các chùa chiền.

Đến năm 843, Đường Vũ Tông tiếp tục ra lệnh đóng cửa nhiều chùa chiền trên khắp đất nước và hạn chế việc đi lại của các tăng ni. Nhiều chùa bị buộc phải ngừng hoạt động, và tài sản của họ, bao gồm ruộng đất, của cải, và nô tỳ, bị triều đình tịch thu. Những tăng ni không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của triều đình, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ về lý lịch và hành vi, đều bị buộc phải hoàn tục. Đặc biệt, sắc lệnh yêu cầu tất cả tăng ni dưới 40 tuổi phải từ bỏ đời sống tu hành, trở về quê quán để nộp thuế và tham gia sản xuất. Đây là một biện pháp nhằm tăng cường lực lượng lao động và nguồn thu cho nhà nước.

Đỉnh điểm của cuộc đàn áp diễn ra vào năm 845, khi Đường Vũ Tông ban hành sắc lệnh phá hủy hơn 4.600 ngôi chùa và hơn 40.000 chiêu đề,[c] lan nhã,[d] trên toàn quốc. Các chùa lớn chỉ được phép giữ lại tối đa 30 tăng ni, trong khi các chùa nhỏ hơn hoàn toàn bị phá bỏ. Hơn 260.000 tăng ni bị buộc phải hoàn tục và quay trở lại cuộc sống đời thường. Nhiều bức tượng Phật bằng đồng, vàng và bạc bị nấu chảy để đúc tiền hoặc làm nông cụ, trong khi các bản kinh điển Phật giáo bị tịch thu và tiêu hủy.

Đường Vũ Tông cũng ra lệnh kiểm kê toàn bộ tài sản của các chùa chiền, sau đó phân bổ lại cho triều đình. Các tài sản quý giá như tượng Phật và vật dụng thờ tự bị sung công, trong khi hơn 150.000 nô tỳ thuộc sở hữu của các chùa cũng bị thu hồi và đưa vào danh sách nộp thuế của nhà nước. Những vùng đất màu mỡ thuộc quyền sở hữu của các ngôi chùa cũng bị triều đình thu hồi để tăng cường nguồn thu thuế, nhằm bù đắp cho ngân khố đang cạn kiệt sau các cuộc chiến tranh và bất ổn trong nước.

Cuộc đàn áp Phật giáo kết thúc vào năm 846 sau khi Đường Vũ Tông qua đời. Người kế vị của ông, Đường Tuyên Tông, có quan điểm ôn hòa hơn đối với Phật giáo. Đường Tuyên Tông đã thi hành một số chính sách nhằm khôi phục lại các hoạt động tôn giáo của Phật giáo. Một số chùa bị phá hủy trong thời kỳ đàn áp đã được phép tái lập, và các tăng ni còn lại được phép tiếp tục tu hành và tiến hành các hoạt động tôn giáo như trước đây.

Hệ quả

sửa

Pháp nạn Hội Xương đã làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc. Trước khi cuộc đàn áp xảy ra, Phật giáo là một tôn giáo có ảnh hưởng lớn, không chỉ về mặt tôn giáo mà còn về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, cuộc đàn áp đã buộc gần 300.000 tăng ni phải hoàn tục và khiến hàng ngàn ngôi chùa bị đóng cửa hoặc phá hủy. Việc tịch thu tài sản từ các tự viện, bao gồm ruộng đất, tượng Phật, và các hiện vật quý giá khác, đã làm giảm đáng kể tiềm lực kinh tế của Phật giáo​. Sau cuộc đàn áp, mặc dù Phật giáo có phần nào được phục hồi dưới thời Đường Tuyên Tông, nhưng sức mạnh và ảnh hưởng của tôn giáo này không bao giờ đạt lại được sự thịnh vượng như trước đó. Nhiều chùa chiền lớn đã không được xây dựng lại, và số lượng tăng ni giảm sút rõ rệt. Các hoạt động tôn giáo trở nên bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi chính quyền và Phật giáo bị đẩy vào vị trí thứ yếu so với Nho giáo và Đạo giáo.

Về mặt tôn giáo, Pháp nạn Hội Xương đã thay đổi cân bằng quyền lực giữa các tôn giáo chính ở Trung Quốc. Trong khi Phật giáo bị đàn áp và suy giảm, Đạo giáo, tôn giáo được Đường Vũ Tông sùng bái, đã có cơ hội phát triển và củng cố vị thế của mình trong triều đình và xã hội. Đồng thời, Nho giáo, vốn là hệ tư tưởng chính thống của nhà Đường, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục và quản lý nhà nước. Cuộc đàn áp cũng để lại ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa và nghệ thuật Trung Quốc. Trước Pháp nạn Hội Xương, nhiều ngôi chùa là trung tâm bảo tồn kinh điển Phật giáo và các tác phẩm nghệ thuật. Việc phá hủy chùa chiền và tịch thu kinh sách, tượng Phật không chỉ làm suy yếu tôn giáo mà còn làm mất mát một phần lớn di sản văn hóa của Trung Quốc. Nhiều tác phẩm nghệ thuật và kinh điển Phật giáo đã bị phá hủy trong quá trình này, và những giá trị văn hóa đó không thể phục hồi hoàn toàn.

Về mặt kinh tế, việc tịch thu tài sản Phật giáo đã mang lại cho triều đình một lượng lớn tài sản và ruộng đất. Sự kiểm soát tài chính từ các ngôi chùa giúp chính quyền tăng cường nguồn thu thuế và bổ sung lực lượng lao động thông qua việc bắt buộc tăng ni hoàn tục. Các nô tỳ và nông dân làm việc cho chùa được đưa vào danh sách nộp thuế, giúp tăng cường khả năng thu thuế của triều đình. Tuy nhiên, việc phá hủy nhiều chùa chiền cũng gây ra những bất ổn trong đời sống tôn giáo và xã hội, khiến cho một bộ phận dân chúng mất đi nơi nương tựa tinh thần quan trọng.

Cuộc đàn áp đã giúp nhà Đường thu hồi một lượng lớn tài sản từ các ngôi chùa Phật giáo, bao gồm ruộng đất, tài sản vật chất, và các hiện vật tôn giáo. Các tượng Phật bằng kim loại như đồng và vàng đã bị nấu chảy để đúc tiền hoặc làm công cụ sản xuất. Việc thu hồi tài sản này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính mà triều đình nhà Đường đang đối mặt, đặc biệt sau cuộc nổi loạn An Lộc Sơn và các cuộc chiến tranh kéo dài trước đó. Ngoài ra, việc buộc các tăng ni hoàn tục đã tăng cường lực lượng lao động và nguồn thu thuế từ dân thường, giúp triều đình phục hồi một phần nền kinh tế bị suy yếu. Các nguồn thu từ ruộng đất và nô tỳ trước đây thuộc quyền sở hữu của các ngôi chùa giờ đây được chuyển giao cho chính quyền trung ương, giảm bớt áp lực tài chính đối với triều đình​.

Tựu chung, Pháp nạn Hội Xương không chỉ có tác động ngay lập tức mà còn để lại hậu quả lâu dài đối với Phật giáo Trung Quốc. Cuộc đàn áp đã phá hủy các tổ chức và cấu trúc tôn giáo mà Phật giáo đã xây dựng trong nhiều thế kỷ. Sau Pháp nạn Hội Xương, Phật giáo không còn đóng vai trò trung tâm trong đời sống xã hội Trung Quốc như trước. Sự hồi phục của Phật giáo trong các triều đại sau này, như triều Tống và triều Nguyên, tuy có tiến triển nhưng vẫn không thể lấy lại hoàn toàn vị thế đã mất. Cuộc đàn áp cũng tạo ra một tiền lệ cho các triều đại sau trong việc kiểm soát và hạn chế sự phát triển của Phật giáo, đặc biệt là về mặt kinh tế. Các hoàng đế sau này đã học hỏi từ kinh nghiệm của Đường Vũ Tông trong việc cân bằng quyền lực giữa tôn giáo và nhà nước, và Phật giáo bị kiểm soát chặt chẽ hơn, dù vẫn có những giai đoạn phục hồi nhất định.

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Tứ điền (賜田) có nghĩa là ruộng vua ban.
  2. ^ Sa di (沙彌, Samanera) là một tu sĩ tập sự trong Phật giáo, thường là người mới vào con đường tu tập và chưa hoàn toàn trở thành một tì-kheo (tu sĩ chính thức). Sa di phải tuân theo một số giới luật cơ bản nhưng chưa chịu đầy đủ các giới luật khắt khe như tì-kheo.
  3. ^ Chiêu đề (招提), bắt nguồn từ tiếng Phạn, chỉ nhà khách mà tăng chúng từ bốn phương đến có thể nghỉ lại qua đêm.
  4. ^ Lan nhã, viết tắt của a-lan-nhã (阿蘭若), bắt nguồn từ tiếng Phạn, chỉ chỗ tĩnh mịch thanh tịnh.

Tham khảo

sửa
  1. ^ Nguyễn Anh Tuấn 2017, tr. 50–52.
  2. ^ Phạm Văn Lan 1994, tr. 442.
  3. ^ Vương Tái Thời 2003, tr. 91.
  4. ^ von Glahn 2016, tr. 333–34.
  5. ^ Ebrey 1999, tr. 126.
  6. ^ Adshead 2004, tr. 86.
  7. ^ Ch'en 1956, tr. 105.
  8. ^ Nguyễn Anh Tuấn 2017, tr. 46.
  9. ^ Nguyễn Anh Tuấn 2017, tr. 41.
  10. ^ Nguyễn Anh Tuấn 2017, tr. 42.

Thư mục

sửa
  • Adshead, S.A.M. (2004). T'ang China: The Rise of the East in World History. New York: Palgrave Macmillan. ISBN 978-1-4039-3456-7.
  • Ebrey, Patricia Buckley (1999). The Cambridge Illustrated History of China. Cambridge: Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-66991-7. (bìa giấy).
  • Nguyễn Anh Tuấn (2017). “Chính sách bài Phật giáo của Đường Vũ Tông và Pháp nạn Hội Xương (842–846)”. Nghiên cứu Tôn giáo. Hà Nội. 163 (7): 33–63. ISSN 0866-7497.
  • Phạm Văn Lan (1994). 中国通史 [Trung Quốc thông sử]. Bắc Kinh: 人民出版社 [Nhà xuất bản Nhân dân]. ISBN 978-7-01-002029-7.
  • Vương Tái Thời (2003). 唐代饮食 [Ẩm thực nhà Đường]. Tế Nam, Sơn Đông: 齐鲁书社 [Nhà xuất bản Tề Lỗ]. ISBN 978-7-5333-1174-2.