Nynetjer
Nynetjer (còn gọi là Ninetjer và Banetjer) là tên Horus của vị pharaon Ai Cập thứ ba thuộc vương triều thứ hai. Niên đại của ông chưa được xác định rõ. Cuộn giấy cói Turin ghi là 96 năm[2], trong khi những ghi chép của Manetho cho rằng vương triều của Nynetjer kéo dài 47 năm[3]. Các nhà Ai Cập học ngày nay cho rằng cả hai thông tin trên đã bị hiểu sai hoặc phóng đại quá mức. Về cơ bản, triều đại của Nynetjer được ước tính là kéo dài trong khoảng 43 năm hoặc 45 năm. Điều này có được là dựa trên quá trình phục dựng lại tấm bia đá Palermo, ghi lại những sự kiện diễn ra từ năm 7 tới năm thứ 21 và trên tấm bia Đá Cairo là năm 36 đến năm thứ 44[4]. Các tác giả ngày nay xác định triều đại của ông bắt đầu từ năm 2850 TCN đến năm 2760 TCN[5] hay muộn hơn, từ 2760 TCN đến 2715 TCN.[6]
Nynetjer | |
---|---|
Ninetjer, Banetjer, Binothris, Biophis | |
Pharaon | |
Vương triều | 43-45 năm (Triều đại thứ hai; khoảng năm 2740 TCN) |
Tiên vương | Nebra |
Kế vị | không chắc chắn; Wadjenes hoặc Weneg |
Mất | k. 2845 TCN |
Chôn cất | Saqqara |
Nguồn gốc tên gọi
sửaNynetjer được coi là một trong số những vị vua của triều đại thứ hai đã được xác định rõ ràng thông qua các bằng chứng khảo cổ học. Tên của ông xuất hiện trong những dòng chữ khắc trên các bình đá và một số lượng lớn những dấu triện bằng đất sét đến từ ngôi mộ của ông tại Sakkara. Một số lượng lớn các hiện vật mang tên của ông cũng được tìm thấy trong ngôi mộ của vua Peribsen tại Abydos và trong các hành lang nằm bên dưới kim tự tháp bậc thang của vua Djoser. Tuy nhiên, niên đại của một số dòng chữ khắc, đặc biệt những dòng chữ được viết bằng mực đen, đã gây ra một số vấn đề. Các chuyên gia về chữ viết và khảo cổ học như Ilona Regulski chỉ ra rằng các những dòng chữ viết bằng mực này có niên đại muộn hơn so với những dòng chữ khắc trên đá và dấu. Bà đã xác định niên đại của những vết mực này thuộc về triều đại của các vị vua như Khasekhemwy và Djoser và đưa ra giả thuyết rằng những đồ tạo tác này có nguồn gốc từ Abydos. Trên thực tế, những chiếc bình bằng đá thạch cao và những chiếc bình bằng đất nung với các dòng chữ bằng mực đen này có kiểu mẫu rất giống với những chiếc bình mang tên của Nynetjer mà đã được tìm thấy trong ngôi mộ của Peribsen[7][8].
Tên Nynetjer cũng xuất hiện trong một dòng chữ khắc trên đá gần Abu Handal ở Hạ Nubia. Điều này có thể được cho là một manh mối về việc Nynetjer đã phái một đạo quân viễn chinh tới vùng đất này, mặc dù dòng chữ khắc này chứa đựng rất ít thông tin[9].
Đồng nhất
sửaNynetjer thường được đồng nhất với tên gọi Banetjer trong bản danh sách vua Abydos vào thời đại Ramsses, Banetjeru trong bản danh sách vua Sakkara và Netjer-ren từ cuộn giấy cói Turin. Trên tấm bia đá Palermo, tên Horus vàng của Nynetjer được viết một theo cách ít thông dụng hơn: Ren-nebu, có nghĩa là "người con vàng" hoặc "đứa trẻ vàng". Tên gọi này xuất hiện trên một số đồ tạo tác còn sót lại từ triều đại của Nynetjer và các nhà Ai Cập học như Wolfgang Helck và Toby Wilkinson nghĩ rằng đây có thể là dạng tiền thân của tên Horus-vàng mà sau này đã được hợp thức hóa vào tên hiệu hoàng gia dưới thời trị vì của vua Djoser[10].
Cai trị
sửa
Hầu hết các thông tin về triều đại Nynetjer được tìm thấy trên những mảnh vỡ của Bia đá biên niên sử thuộc triều đại thứ năm. Tấm bia đá Palermo[11] liệt kê những sự kiện sau:
- Năm thứ 7: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ ba)... (phần còn lại bị mất)
- Năm thứ 8: Dưới sự chứng kiến của đức vua, "lễ kéo dây" (một buổi lễ khánh thành[11]) cho "Hor-Ren". Mực nước lũ: 1,57 mét.
- Năm thứ 9: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ tư). Mực nước lũ: 1.09 mét
- Năm thứ 10: Dưới sự chứng kiến của vua Hạ và Thượng Ai Cập; lễ hội thần bò Apis - "Cuộc đua bò thần Apis". Mực nước lũ: 1.09 mét.
- Năm thứ 11: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ năm). Mực nước lũ: 1,98 mét.
- Năm thứ 12: Dưới sự chứng kiến của nhà vua Hạ Ai Cập; lễ hội Sokar được tổ chức lần thứ hai. Mực nước lũ: 1.92 mét.
- Năm thứ 13: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ sáu). Mực nước lũ: 0,52 mét.
- Năm thứ 14: Lễ hội "Hor-Seba-pet" (Horus, vì tinh tú trên bầu trời) lần thứ nhất; Phá hủy/Xây dựng thành phố của "Schem-Re" (Mặt Trời đã đến[11]) và Ha (thành phố phương Bắc[11]) (Việc diễn giải đoạn văn trên đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc tranh luận, bởi vì ký hiệu tượng hình cái cuốc có thể mang nghĩa là "phá hủy" hoặc "xây dựng"[11]; mức lũ: 2.15 mét.
- Năm thứ 15: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ sau). Mực nước lũ: 2.15 mét.
- Năm thứ 16: Dưới sự chứng kiến của vua Hạ Ai Cập; "Cuộc đua bò thần Apis lần thứ hai". Mực nước lũ: 1.92 mét.
- Năm thứ 17: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ tám). Mực nước lũ: 2.40 mét.
- Năm thứ 18: Dưới sự chứng kiến của vua Hạ Ai Cập; lễ hội Sokar lần thứ ba. Mực nước lũ: 2.21 mét.
- Năm thứ 19: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ chín). Mực nước lũ: 2,25 m.
- Năm thứ 20: Dưới sự chứng kiến của vua Hạ Ai Cập; tế lễ dâng lên hoàng thái hậu;[11]) mức lũ 1.92 mét.
- Năm thứ 21: Lễ rước thần Horus (kiểm kê gia súc lần thứ mười)... (phần còn lại bị mất).
Tấm bia đá Cairo ghi lại những sự kiện dưới triều đại của ông từ năm 36 đến năm 44. Do bề mặt của phiến đá bị hư hỏng nặng, rất nhiều chữ không thể đọc được ngoại trừ sự kiện "tạo" ra một thần vật dành cho thần Anubis và một phần sự kiện "dưới sự chứng kiến của vị vua Thượng và Hạ Ai Cập"[12].
Nhà sử học Manetho hơn 2000 năm sau đã gọi Nynetjer với tên Binôthrís và ghi lại rằng dưới triều đại trị vì của nhà vua "phụ nữ được quyền giữ những tước hiệu hoàng gia", điều này có nghĩa là phụ nữ được phép cai trị như một vị vua. Các nhà Ai Cập học như Walter Bryan Emery cho rằng điều này có liên quan đến những vị nữ hoàng đã cai trị trước đó là Meritneith và Neithhotep (giai đoạn đầu Vương triều thứ nhất), cả hai người phụ nữ này đều được tin rằng là đã cai trị trong một vài năm cho đến khi người con trai của họ đến tuổi để tự trị vì[13]. Trong suốt triều đại của Nynetjer, sự kiện "Lễ rước của Horus" diễn ra hàng năm đi kèm với một sự kiện khác nữa là "kiểm kê gia súc", sự kiện này có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của Ai Cập khi đó, bởi vì nó chính là nguồn thu thuế chính thức hàng năm của vương quốc. "Lễ rước thần Horus" sau này sẽ bị bỏ vào đầu Vương triều thứ ba.
Kết thúc vương triều
sửaCác nhà Ai Cập học như Wolfgang Helck, Nicolas Grimal, Hermann Alexander Schlögl và Francesco Tiradritti tin rằng Nynetjer đã bỏ mặc cho vương quốc của ông ta phải chịu đựng một bộ máy chính quyền quá phức tạp và Nynetjer sau này quyết định chia đất nước Ai Cập thành hai vương quốc riêng biệt dành cho hai người con trai của ông, với hy vọng rằng việc làm này sẽ giúp hai người con trai của ông cai trị vương quốc tốt hơn[14][15]. Ngược lại, Barbara Bell lại cho rằng một thảm họa về kinh tế như là một nạn đói hoặc hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến Ai Cập vào giai đoạn này. Và vì thế để giải quyết vấn đề nạn đói, nhà vua đã chia vương quốc thành hai vương quốc riêng biệt và hai vị vua kế vị ông sẽ cai trị hai quốc gia độc lập cho đến khi nạn đói kết thúc. Giả thuyết của Bell căn cứ vào những dòng chữ khắc trên tấm bia đá Palermo, mà theo quan điểm của bà, mực nước lũ sông Nile dưới thời ông trị vị luôn ở mức thấp[16]. Giả thuyết của Bell bị phản bác bởi các nhà Ai Cập học như Stephan Seidlmayer, ông ta chỉ ra rằng mực nước sông Nile luôn ở mức bình thường từ triều đại của Nynetjer cho tới tận thời kỳ Cổ Vương quốc. Bell đã bỏ qua những ghi chép về mực nước lũ đạt đỉnh trên tấm bia đá Palermo mà chỉ căn cứ vào số liệu được đo ở các Nilometer ở khu vực xung quanh Memphis, mà không phải ở các khu vực khác dọc theo con sông[17]. Do đó giả thuyết về một đợt hạn hán kéo dài gần như không thể sảy ra.[18]
Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được liệu là vị vua kế vị của ông đã cùng cai trị đồng thời với một vị vua khác hay là vương quốc Ai Cập đã bị chia cắt sau khi ông băng hà. Tất cả các danh sách vua như danh sách vua Sakkara, Turin và bảng danh sách Abydos đều ghi lại rằng vua Wadjenes là người đã lên kế vị ông, và tiếp sau đó là một vị vua có tên là Senedj. Tiếp sau Senedji, các bản danh sách vua lại có sự khác biệt. Trong khi bản danh sách vua Sakkara và cuộn giấy cói Turin đề cập đến các vị vua như Neferka (ra) I, Neferkasokar và Hudjefa I thì bản Danh sách Vua Abydos lại bỏ qua họ và chỉ ghi lại tên một vị vua khác là Djadjay (được đồng nhất với vua Khasekhemwy). Nếu thực sự Ai Cập đã bị chia cắt, thì có lẽ các vị vua như Sekhemib và Peribsen sẽ cai trị Thượng Ai Cập, trong khi Senedj và những vị vua kế tiếp ông ta, Neferka (ra) và Hudjefa I, sẽ cai trị Hạ Ai Cập. Tình trạng chia cắt này sẽ kết thúc dưới triều đại của vua Khasekhemwy[19].
Lăng mộ
sửaNgôi mộ mastaba lớn bất thường của viên quan đại thần Ruaben (hay Ni-Ruab), mastaba S2302, đã từng được cho là lăng mộ của Nynetjer, cho đến khi nơi chôn cất thực sự của nhà vua được tìm thấy. Nguyên nhân lý giải cho nhận định sai lầm này trước đây là do tìm thấy một số lượng lớn các dấu triện bằng đất sét với tên serekh của Nynetjer trong mastaba của Ruaben. Do đó, Mastaba S2302 thuộc Ruaben và Ruaben là một viên quan dưới triều đại của Nynetjer.
Hầm mộ của Nynetjer nằm bên dưới lối vào khu nghĩa địa Unas tại Sakkara và có kích thước 94x106 mét. Lối vào khu hầm mộ dốc sâu xuống dưới 25 mét và nối với ba dãy hành lang theo hướng Đông-Tây, kéo dài tạo thành một hệ thống giống như mê cung với những cửa vào, lối đi và hành lang. Viện Khảo cổ học Đức (DAI) đã tiến hành năm cuộc khai quật và phát hiện ra rằng ngôi mộ của Nynetjer có những điểm rất tương đồng về mặt kiến trúc với mộ táng hành lang B, vốn được coi là nơi an táng vua Raneb hoặc Hotepsekhemwy. Điều này khiến cho DAI đi đến kết luận rằng Nynetjer đã cho xây dựng lăng mộ của ông lấy cảm hứng từ ngôi mộ của vị vua tiền nhiệm. Tại đây họ còn tìm thấy 56 chiếc dao đá, 44 dao cạo, 44 lưỡi dao cùng với những chiếc bình đựng rượu vang và bia. Căn phòng phía nam lại gây ngạc nhiên khi nó gần như không bị xáo trộn và chứa đựng rất nhiều đồ vật hoàng gia còn sót lại từ triều đại của Nynetjer, chẳng hạn như hơn 50 bình rượu đang còn bịt kín, đậy bằng vải màn, những chiếc hộp đựng làm bằng gỗ và lọ làm bằng đá thạch cao được trang trí. Một số bình đựng rượu lại có nguồn gốc từ những ngôi mộ thuộc triều đại thứ nhất. Trong một căn phòng khác lại tìm thấy mặt nạ xác ướp và quan tài của một người phụ nữ thuộc về thời kỳ Ramsses. Do đó, một phần ngôi mộ của Nynetjer đã từng được sử dụng lại trong những thời kỳ sau này. Căn phòng mai táng chính lại nằm về phía tây nam ở đoạn cuối của ngôi mộ, ngoài ra toàn bộ khu lăng mộ này lại đang trong tình trạng rất không ổn định và có nguy cơ sụp đổ.[20][21][22]
Tham khảo
sửa- ^ W.M. Flinders Petrie: The royal tombs of the first dynasty, 1901, Part II, p.26-27, Pl VIII.13.
- ^ Alan H. Gardiner: The Royal Canon of Turin. Griffith Institute of Oxford, Oxford (UK) 1997, ISBN 0-900416-48-3; page 15 & Table I.
- ^ William Gillian Waddell: Manetho (The Loeb Classical Library, Volume 350). Harvard University Press, Cambridge (Mass.) 2004 (Reprint), ISBN 0-674-99385-3, page 37–41
- ^ Walter Bryan Emery: Ägypten - Geschichte und Kultur der Frühzeit. Fourier-Verlag Wiesbaden 1964, ISBN 3-921695-39-2, page 105.
- ^ Toby Wilkinson: Royal Annals of Ancient Egypt. The Palermo Stone and its Associated Fragments. Kegan&Paul International, London/New York 2000, ISBN 0-7103-0667-9, page 119–126 & 204.
- ^ Hornung, Erik; Lorton, David (1999). History of Ancient Egypt: An Introduction. Cornell University Press. tr. 224. ISBN 0-8014-8475-8.
- ^ Flinders Petrie: Royal Tombs of the Earliest Dynasties. Egypt Exploration Fund, London 1901. Chapter II.; obj. 8; page 12–13
- ^ Ilona Regulski: Second Dynasty Ink Inscriptions from Saqqara, in: Stan Hendrickx & Barbara Adams: Egypt at its Origins; Peeters Publishers, Lieuven 2004; ISBN 90-429-1469-6, Seite 949 - 970.
- ^ Z. Zaba: The Rock Inscriptions of Lower Nubia. Czechoslovak Institute of Egyptology, Praha 1974; p. 30-31
- ^ Wolfgang Helck: Untersuchungen zur Thinitenzeit - Ägyptologische Abhandlungen, Volume 45. Otto Harrassowitz, Wiesbaden 1987, ISBN 3-447-02677-4, page 116 & 117.
- ^ a b c d e f after Siegfried Schott: Altägyptische Festdaten, Verlag der Akademie der Wissenschaften und der Literatur, Mainz/Wiesbaden 1950, page 59–67. See also: Francesco Raffaele: Ninetjer (nswt-bity Nynetjer)
- ^ Siegfried Schott: Altägyptische Festdaten, Verlag der Akademie der Wissenschaften und der Literatur, Mainz/Wiesbaden 1950, page 59–67
- ^ Walter Bryan Emery: Ägypten - Geschichte und Kultur der Frühzeit. Fourier-Verlag Wiesbaden 1964, ISBN 3-921695-39-2, p. 104 & 175.
- ^ Nicolas Grimal: A History of Ancient Egypt. Wiley-Blackwell, Weinheim 1994, ISBN 978-0-631-19396-8, page 55.
- ^ Francesco Tiradritti & Anna Maria Donadoni Roveri: Kemet: Alle Sorgenti Del Tempo. Electa, Milano 1998, ISBN 88-435-6042-5, page 80–85.
- ^ Barbara Bell: Oldest Records of the Nile Floods, In: Geographical Journal, No. 136. 1970, page 569–573
- ^ Stephan Seidlmayer: Historische und moderne Nilstände: Historische und moderne Nilstände: Untersuchungen zu den Pegelablesungen des Nils von der Frühzeit bis in die Gegenwart. Achet, Berlin 2001, ISBN 3-9803730-8-8, page 87–89
- ^ Stephan Seidlmayer: Historische und moderne Nilstände: Historische und moderne Nilstände: Untersuchungen zu den Pegelablesungen des Nils von der Frühzeit bis in die Gegenwart. Achet, Berlin 2001, ISBN 3-9803730-8-8, page 87–89.
- ^ Hermann Alexander Schlögl: Das Alte Ägypten: Geschichte und Kultur von der Frühzeit bis zu Kleopatra. Beck, Hamburg 2006, ISBN 3-406-54988-8, page 77-78 & 415.
- ^ Walter Bryan Emery: Ägypten - Geschichte und Kultur der Frühzeit. Fourier-Verlag, Wiesbaden 1964, ISBN 3-921695-39-2, page 104-105.
- ^ Toby A. H. Wilkinson: Early Dynastic Egypt: Strategies, Society and Security. Routledge, London/New York 2001, ISBN 0-415-26011-6, page 85–87.
- ^ J. Van Wetering: The royal cemetery of Early Dynasty Period at Saqqara and the Second Dynasty Royal Tombs; in: Stan Hendrickx: Egypt at its Origins. Peeters Publishers, Leuven 2004; ISBN 90-429-1469-6, page 1065–1066.