Những người dân quê tôi
Những người dân quê tôi là một bộ phim tài liệu Việt Nam sản xuất bởi Xưởng phim điện ảnh Giải Phóng khu V, do Trần Văn Thủy làm đạo diễn và là tác phẩm đầu tay của ông.[1] Phim công chiếu lần đầu vào năm 1970 và đã giành giải thưởng điện ảnh lớn ở trong nước và quốc tế.
Những người dân quê tôi
| |
---|---|
Đạo diễn | Trần Văn Thủy |
Kịch bản | Trần Văn Thủy |
Quay phim | Trần Văn Thủy |
Hãng sản xuất | |
Công chiếu | 1970 |
Thời lượng | 50 phút |
Quốc gia | Việt Nam |
Ngôn ngữ | tiếng Việt |
Nội dung
sửaPhim tường thuật lại cuộc sống chiến đấu và câu chuyện của những người dân sinh sống tại tỉnh Quảng Đà dưới thời Chiến tranh Việt Nam, trong đó là một nhà sư tạm rời xa cửa Phật để vào đội du kích; cô du kích với nửa khuôn mặt hủy hoại bởi chiến tranh vẫn hồn nhiên yêu đời; hay chú bé giao liên mới 14 tuổi nhưng đã mang nặng mối thù bị giặc Mỹ tàn sát gia đình...[2]
Sản xuất
sửaGiữa năm 1965, Trần Văn Thủy gia nhập lớp quay phim Trường Điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau một nửa khóa, tới khoảng tháng 8 năm 1966 ông đã bị cử vào B (miền Nam) để làm phóng viên quay phim chiến tranh, bất chấp vấn đề lý lịch gia đình và thực tế Trần Văn Thủy mới chỉ động đến máy quay đúng hai lần.[3][4][5] Ông làm phóng viên tại Ban Tuyên huấn Khu V từ năm 1966 đến 1969, địa bàn hoạt động chủ yếu là tỉnh Quảng Đà.[6][7] Những ngày đầu đến đây, thay vì làm công việc chính là quay phim thì Trần Văn Thủy đi làm nương rẫy để tích lương thực. Phải đến vài tháng sau đó, ông mới được điều xuống đồng bằng và bắt đầu ghi lại những thước phim đầu tiên từ dòng sông Thu Bồn.[4] Một người phụ trách điện ảnh của ban tuyên huấn đã giao cho Trần Văn Thủy 30 hộp phim màu Agfacolor của Tây Đức và một máy quay 16 mm chất lượng tốt; số phim và máy này đều do một đoàn làm phim Trung Quốc để lại.[8]
Bối cảnh chính bộ phim được chọn tại khu chợ Bàn Thạch.[4] Nhiều mảnh đời của cư dân tại Quảng Đà đã được Trần Văn Thủy sưu tầm và ghi lại trong phim.[9] Hầu hết những người từng xuất hiện trong phim sau này đã qua đời trong chiến tranh, duy có cô chiến sĩ tên Văn Thị Xoa là còn sống nhưng với một nửa khuôn mặt bị hủy hoại bởi đạn của địch.[2][10] Liệt sĩ, nhà thơ Triều Phương cũng là người đồng hành cùng Trần Văn Thủy trong quá trình hoạt động tại đây và về sau đã được ghi danh vào đồng biên kịch của bộ phim.[11] Với sự hỗ trợ từ chính quyền và những người dân địa phương, ông đã dành rất nhiều công sức để hoàn thành công việc mặc cho điều kiện sinh hoạt khó khăn, và đến năm 1969 thì nhận nhiệm vụ cõng 27 hộp phim ông đã quay ra Bắc vì không đủ sức khỏe để ở lại chiến trường.[12] Trong quá trình di chuyển, Trần Văn Thủy có lúc bị sốt nặng tưởng sắp chết, rồi khi về đến nơi cân nặng còn 42 kg và phải vào viện chữa trị thời gian dài.[12][13]
Khi đem phim ra Bắc nộp cho Cục Điện ảnh, Trần Văn Thủy đã sớm vấp phải nhiều rắc rối ở khâu tráng phim. Việc tráng phim của ông gặp khó khăn do đây là phim màu Agfacolor , vốn không thể tráng với kĩ thuật của miền Bắc Việt Nam đương thời.[12][13] Một luồng dư luận lúc ấy đã cáo buộc ông là "B quay" (đào ngũ), vin vào lý do phim không tráng được cho rằng Trần Văn Thủy chỉ "bấm cho hết" số phim được giao để ra Bắc; có người từng định bỏ toàn bộ số cuộn phim này để lấy hộp sạc phim gửi vào chiến trường B.[4][14] Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, người được Trần Văn Thủy tin tưởng giao nhiệm vụ tráng phim, đã nỗ lực tìm cách tráng phim trong suốt ba tháng liền nhằm minh oan cho đồng nghiệp. Cuối cùng, ông pha thuốc và tráng phim theo kiểu tráng trực hình, là một cách tráng trắng đen dù phim là phim màu.[15][16] Trong quá trình tráng, nhiều đoạn phim đã vô tình bị tráng ẩu bởi các nhân viên khác dẫn đến sự xuất hiện của hiệu ứng chớp chớp tại những cảnh phim. Trần Văn Thủy khi biên tập phim định cắt bỏ toàn bộ các cảnh lỗi này nhưng được ông Đoàn khuyên giữ lại vì "cảm giác rất lạ" mà nó đem lại.[17] Trần Văn Thủy tiếp tục công việc biên tập, chỉnh lý nội dung phim rồi đặt tên tác phẩm đầu tay là Những người dân quê tôi.[13]
Công chiếu và tiếp nhận
sửaBộ phim đã có buổi ra mắt đầu tiên tại số 22 phố Hai Bà Trưng. Một số văn nghệ sĩ cách mạng đã có mặt trong buổi chiếu này, gồm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Hà Mậu Nhai cùng tập thể nhân viên Xưởng phim Giải Phóng khu V.[18] Những người dân quê tôi nhanh chóng được in ra nhiều bản để chiếu cho đông đảo người xem ở những nơi khác nhau, cả ở trong chiến trường.[2][19] Nhà nước sau đó cũng gửi phim đi tham dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế DOK Leipzig và những liên hoan phim khác thuộc khối xã hội chủ nghĩa.[20] Tại DOK Leipzig, phim đã được trao giải Bồ câu Bạc bởi hội đồng ban giám khảo trong đó có Roman Karmen, đáng chú ý là nhờ vào những cảnh tráng hỏng được khen ngợi của phim.[21][22] Đến năm 1973, phim đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1973 nhân kỉ niệm 20 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam.[9][23]
Viết trong cuốn Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam năm 1983, nhà biên kịch Bành Bảo đã so sánh bộ phim với phim tài liệu đoạt giải Bồ câu Vàng Liên hoan phim Leipzig 1967 Du kích Củ Chi,[24] theo đó chỉ ra sự tương đồng trong chủ đề giữa hai bộ phim nhưng ở Những người dân quê tôi thì hướng tiếp cận lại vào những câu chuyện nhẹ nhàng hơn, "không quyết liệt như những nhân vật trong Du kích Củ Chi" mà "bắt nguồn từ cả một quá trình suy nghĩ, từng trải và giác ngộ". Tác giả cũng đề cập đến hạn chế về mặt kỹ thuật do hoàn cảnh chiến tranh, nhưng nhấn mạnh tính chân thật mà nó đem lại cho người xem, mang dấu ấn của "Quảng Nam – Đà Nẵng[a] anh dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".[2]
Năm 2021, bộ phim đã được đưa vào hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật ở lĩnh vực điện ảnh cho đạo diễn Trần Văn Thủy nhưng không được chấp thuận bởi hội đồng xét duyệt.[25][26]
Giải thưởng
sửaNăm | Giải thưởng | Hạng mục | Đề cử | Kết quả | Tham khảo |
---|---|---|---|---|---|
1970 | Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu | Phim tài liệu | Những người dân quê tôi | Đoạt giải | [27][28] |
DOK Leipzig | Bồ câu Bạc | [29][30] | |||
1973 | Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 | Phim tài liệu (kỉ niệm 20 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam) | Bông sen bạc | [31][32] |
Tham khảo
sửaGhi chú
sửa- ^ Tháng 2 năm 1976, tỉnh Quảng Đà đã được tách ra thành hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
Tham khảo
sửa- ^ Văn Thọ 2003, tr. 114.
- ^ a b c d Bành Bảo 1983, tr. 75.
- ^ Ngân Hoa (29 tháng 4 năm 2013). “Câu chuyện về sự tử tế”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ a b c d Xuân Khánh (31 tháng 1 năm 2016). “Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy: "Không có người dân Quảng Nam, sẽ không có tôi bây giờ"”. Báo Quảng Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Trần Trọng Đăng Đàn 2010a, tr. 584.
- ^ Xuân Khánh (31 tháng 1 năm 2016). “Đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy: "Không có người dân Quảng Nam, sẽ không có tôi bây giờ"”. Báo Quảng Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Hải Hậu (13 tháng 12 năm 2007). “Nói "chuyện tử tế" với đạo diễn Trần Văn Thủy”. Công an Thành phố Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 74.
- ^ a b Vân Thảo (21 tháng 1 năm 2023). “Người Hà Nội tử tế”. Tạp chí Người Hà Nội. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Bích Vân; Trần Thanh Giang; Nguyễn Đình Toán (18 tháng 7 năm 2014). “Đạo diễn Trần Văn Thủy - những thước phim, những cuộc đời”. Báo ảnh Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Hoàng Nhung (16 tháng 6 năm 2013). “"Chuyện nghề của Thủy" lần tìm về "quê hương"”. Báo Đà Nẵng. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ a b c Đỗ Minh Tuấn (24 tháng 1 năm 2012). “Sáu tháng ở Boston với Trần Văn Thủy”. Sức khỏe và Đời sống. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ a b c Quang Đức (31 tháng 10 năm 2008). “Người may mắn nhiều lần”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 123.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 122-125.
- ^ Kỳ Thư, Mi Ly (21 tháng 6 năm 2013). “Đạo diễn Trần Văn Thủy: 'Không hối tiếc khi nói lên sự thật'”. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 127-130.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 127.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 138.
- ^ Wilson & Ronov 2020, tr. 387.
- ^ PV (21 tháng 10 năm 2010). “A look at Vietnam's first int'l film festival” [Cái nhìn về Liên hoan quốc tế đầu tiên của Việt Nam]. VietNamNet (bằng tiếng Anh). Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Trần Văn Thủy & Lê Thanh Dũng 2013, tr. 131.
- ^ Anh Ba Sàm (16 tháng 2 năm 2023). “Phim "Phản bội" của đạo diễn Trần Văn Thủy: Lại thêm một "án oan"?”. Đài Á Châu Tự Do. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ H.S. (1 tháng 6 năm 2005). “Vĩnh biệt nhà quay phim - NSƯT Trần Nhu”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2023.
- ^ Trinh Nguyễn (7 tháng 7 năm 2021). “Vì sao Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế 'trượt' Giải thưởng Hồ Chí Minh?”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Hoàng Minh (8 tháng 7 năm 2021). “Giải thưởng Hồ Chí Minh: Vì sao 'Hà Nội trong mắt ai' không được xét tặng?”. Đại Đoàn Kết. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Phạm Việt Long (1 tháng 9 năm 2018). “Thời hoa lửa với xứ Quảng kiên trung”. Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ “Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V và những đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Tạp chí Tuyên giáo. Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V. 25 tháng 7 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- ^ Nguyễn Thị Hồng Ngát 2003, tr. 173.
- ^ Trịnh Mai Diễm và đồng nghiệp 1983, tr. 56.
- ^ Bộ Văn hóa – Thông tin 2003, tr. 48.
- ^ Bành Bảo 1983, tr. 74.
Nguồn
sửa- Trần Trọng Đăng Đàn (2010a). Điện ảnh Việt Nam, Tập 1: Lịch sử - tác phẩm - nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1975. Điện ảnh Việt Nam: Lịch sử, tác phẩm, nghệ sĩ, Lý luận, phê bình, nghiên cứu. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. ISBN 9786045800201. OCLC 1023455622. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- Nguyễn Thị Hồng Ngát (2003). Lịch sử điện ảnh Việt Nam, tập 1. Cục Điện ảnh. OCLC 53129383. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- Bành Bảo (1983). Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam: sơ thảo. Cục Điện ảnh. OCLC 22641634. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- Bộ Văn hóa – Thông tin (2003). Niên giám danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú. Hà Nội: Nhà xuất bản Hà Nội. OCLC 224252852.
- Trần Văn Thủy; Lê Thanh Dũng (2013). Chuyện nghề của Thủy. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hội nhà văn. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- Trịnh Mai Diễm; Trung Sơn; Lê Quốc; Bành Bảo; Ngô Mạnh Lân (1983). 30 năm nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Hà Nội: Viện Tư liệu phim Việt Nam. OCLC 64045260. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
- Văn Thọ (2003). Người đương thời. Hà Nội: Nhà xuất bản Thông tấn. OCLC 1115063847. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2024.
Liên kết ngoài
sửa- Những người dân quê tôi trên các thư viện (danh mục WorldCat)