Nhà thờ chính tòa Phủ Cam

Nhà thờ Chính tòa của Tổng giáo phận Huế
Nhà thờ chính tòa Phủ Cam

Mặt tiền nhà thờ
Nhà thờ
Tiếng Việt Nhà thờ chính tòa Trái tim Cực Sạch Đức Mẹ
Tôn giáo Công giáo Rôma
Chức năng Nhà thờ chính tòa
Quốc gia Việt Nam
Vùng Tổng Giáo phận Huế
Tỉnh Thừa Thiên Huế
Thành phố Huế
Địa chỉ số 1 đường Đoàn Hữu Trưng, phường Phước Vĩnh, quận Thuận Hoá, thành phố Huế
Kiến trúc
Thiết kế Ngô Viết Thụ
Khánh thành 1995
Phong cách Kiến trúc Hiện đại
Quản nhiệm nhà thờ
Sự kiện
 

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam (đôi khi cũng được viết và gọi là Phú Cam, tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ; Latin: Ecclesia Cathedralis Cordis Immaculatæ Beatæ Mariæ Virginis) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Huế tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, quận Thuận Hóa, thành phố Huế. Đây là một trong những nhà thờ to lớn, nổi tiếng và lâu đời tại Huế. Ngôi nhà thờ ngày nay được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Nhà thờ chính tòa Phủ Cam cách Hà Nội 665 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.041 km.

Lịch sử

sửa
 
Nhà thờ Phủ Cam vào đầu thế kỷ XX

Vào thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, "Phủ Cam" (府 柑) vốn là một phủ, là chỗ ở của các hoàng tử.[1]

Thời gian đó, đa số các nhà thờ Công giáo ở Huế chỉ là những nhà nguyện đơn giản với sườn gỗ, mái tranh. Khi các vua chúa Việt Nam hạ lệnh cấm đạo gay gắt thì chúng bị triệt hạ đi. Dưới thời Pháp thuộc, các nhà thờ được xây dựng trở lại và dần được nâng cấp thêm khang trang, bề thế. Nhà thờ Phủ Cam là một trường hợp như vậy.

Năm 1682, linh mục Langlois cho xây dựng nhà nguyện Phủ Cam bằng tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu.

Hai năm sau, linh mục đã cho triệt giải nhà nguyện này và mua đất trên đồi Phước Quả để xây dựng một nhà thờ to lớn hơn và kiên cố bằng đá, lúc đó nhà thờ quay về hướng Tây. Đó là một công trình to lớn, chắc chắn và được chúa Nguyễn Phúc Tần thán phục. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1698, ngôi nhà thờ ấy bị triệt giải hoàn toàn.[2]

Sau đó 2 thế kỷ, vào năm 1898, Giám mục Eugène Marie Allys (Giám mục Lý) đã cho xây mới Nhà thờ Phủ Cam bằng gạch, mái lợp ngói khá đồ sộ ở vị trí cũ nhưng mặt quay về hướng Bắc. Công trình này do chính Giám mục thiết kế và giám sát thi công đã hoàn thành vào năm 1902.

Năm 1960, sau khi Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng giáo phận và Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long về nhận chức Tổng Giám mục Huế, ông đã cho phá hủy toàn bộ nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây cất Nhà thờ chính tòa mới với đồ án do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện.

 
Đường lên Nhà thờ Phủ Cam hiện nay

Đầu năm 1963, nhà thờ bắt đầu được khởi công xây dựng. Trong khi việc xây dựng đang tiến hành thì xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại và Tổng Giám mục Ngô Đình Thục lúc đó đang đi họp Công đồng Vatican II bên Roma, vì hoàn cảnh chính trị không trở về Việt Nam, việc xây dựng cũng bị chững lại.

 
Nhà thờ Phủ Cam hiện nay

Tuy việc xây dựng vẫn được tiến hành song tiến độ rất chậm chạp, tới năm 1967 nhà thờ mới lên được phần cung thánh.

Trong sự kiện Tết Mậu Thân (1968), bom đạn đã làm hư hại phần lớn công trình kiến thiết nhà thờ và việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại mãi cho đến trước 1975 vẫn chưa hoàn thành.

Sau 1975, do hoàn cảnh, mọi công tác xây dựng đều tiến hành chậm chạp, và đến năm 1995, phần thân nhà thờ về cơ bản được hoàn thành.

Năm 1999, để chuẩn bị cho hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 2000, là ngày Tổng Giáo phận Huế cung hiến nhà thờ chính tòa Phủ Cam nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo phận Huế (kể từ khi tách rời khỏi Giáo phận Đàng Trong), Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Văn Thể hạ quyết tâm bằng đủ mọi cách phải hoàn thành các trang trí bên trong nhà thờ và hai tháp chuông trước tiền đường. Công trình xây cất đã hoàn tất vào tháng 5 năm 2000.

Như thế, trải qua 3 đời Giám mục - từ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng Giám mục Nguyễn Như Thể - sau gần 40 năm xây dựng, nhà thờ chính tòa Phủ Cam mới hoàn thành với diện mạo như hiện nay.

Kiến trúc

sửa
 
Bên trong nhà thờ
 
Tượng Đức Mẹ La Vang tại nhà thờ Phủ Cam

Mặt bằng xây dựng nhà thờ mang dạng thánh giá, đầu hướng về phía Nam đuôi hướng Bắc. Nhà thờ có kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Bốn góc mỗi góc có ba trụ đỡ vươn dần ra, tạo thành một không gian đủ rộng ôm kín Cung thánh và bàn thờ.

Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2500 người đến dự lễ. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ cung cấp ánh sáng cho nội thất.

Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.

Nhà tạm, được xây sát vào phần hậu thân nhà thờ, nằm gọn vào phần lõm phía sau và được đặt trên một bệ cao ngay chính giữa.

Bên trong nhà thờ, cánh trái là phần mộ Tổng Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền, cánh phải đối diện là bàn thờ thánh tử đạo Tống Viết Bường (người gốc Phủ Cam, mất năm 1833).

Phía trước nhà thờ Chính toà Phủ Cam có hai tượng đúc: bên phải là thánh Phêrô, bên trái thánh Phaolô cũng là những bổn mạng của giáo xứ Phủ Cam.

Nhìn tổng thể, nhà thờ Phủ Cam với đỉnh nhà thờ vươn thẳng lên trời trông vẫn thanh thoát nhẹ nhàng, mang tính nghệ thuật và tôn giáo.

Chú thích

sửa
  1. ^ Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, mục từ Phủ Cam (phủ), Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2000, tr 379
  2. ^ * Huế- Xưa và Nay, tác giả Phan Thuận An, bài viết Nhà thờ Phủ Cam, tr 269-272. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin – 2008, tác giả dẫn nguồn: "Lược sử các giáo xứ" do Tống giáo phận Huế biên soạn, Huế, 2001, tập 1, tr50

Tham khảo

sửa
  • Huế- Xưa và Nay, tác giả Phan Thuận An, bài viết Nhà thờ Phủ Cam, tr 269-272. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin – 2008
  • Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, mục từ Phủ Cam (phủ) và Phủ Cam (nhà thờ), Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2000, tr 379.