Nguyễn Văn Thọ (nhà văn)

Nguyễn Văn Thọ (sinh ngày 06 tháng 10 năm 1948), quê thôn Đà, xã Quỳnh Khê, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, hiện đang sống tại làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, là một nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tiểu sử

sửa

Năm 1965, Nguyễn Văn Thọ tốt nghiệp trường cấp III Trưng Vương. Tháng 7-1965, ông gia nhập quân đội, biên chế thuộc trung đoàn cao xạ 220 bảo vệ Hà Nội. Năm 1968, Nguyễn Văn Thọ đi B (miền Nam), súng máy 12,7 cao xạ trực thuộc Mặt Trận 968 và sau là 559. Từ năm 1972, thuộc E.593 (Trung đoàn cao xạ) trực thuộc F 320, Mặt trận Tây Nguyên với cấp hàm Chuẩn úy, tham gia chiến đấu tại miền Bắc, Nam Lào và miền Nam. Tháng 12-1976 giải ngũ về làm tại Công ty Thủy sản cấp I. Năm 1981, tốt nghiệp Đại học thương nghiệp (khóa 1977-1981). Chức vụ cao nhất là Phó Chánh văn phòng Tổng công ty Muối. Năm 1988 sang Cộng hòa Dân chủ Đức làm Đội trưởng lao động và ở lại CHLB Đức sau khi nước Đức thống nhất. Năm 2014, về định cư hẳn tại Hà Nội.

Tác phẩm

sửa

- Thơ: Mảnh vỡ, Bên kia trái đất, Cửa sổ

- Tập truyện ngắn:

+ Gió lạnh (1999) Nhà xuất bản Hội nhà văn VN

+ Vàng xưa (2003) Nhà xuất bản Hội nhà văn VN

+ Thất huyền cầm (2006) Nhà xuất bản Thanh Niên

+ Sẫm violet (2013) Nhà xuất bản Hội nhà văn VN

+ Hương mỹ nhân (2016) Nhà xuất bản Thanh Niên[1]

+ Vườn mộng (2018). Nhà xuất bản Thanh Niên

- Tiểu thuyết:

+ Quyên (2009) Nhà xuất bản Hội nhà văn VN[2]

- Tùy bút, bút ký:

+ Đào ở xứ người. Tạp văn-Nhà xuất bản Thanh Niên

+ Mưa thành phố. Tạp văn- Nhà xuất bản Hội nhà văn VN

+ Vợ cũ - Tạp văn- Nhà xuất bản Hội nhà văn VN.

+ Đầu ngọn sóng (2016)- Tùy bút- Nhà xuất bản Hội nhà văn VN.[3]

- Vai trò báo chí: Bên cạnh mảng văn học, Nguyễn Văn Thọ còn là một nhà báo chính luận. Ông viết nhiều chính luận bàn về các vấn đề chính trị, xã hội cho các báo lớn tại Việt Nam như tham gia mục Góc nhìn của VNExpress, Kính đa tròng của Dân Việt, Tuần VN.net.

Giải thưởng

sửa

- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho tiểu thuyết "Quyên" (2022)

- Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn 2001-2013 Tạp chí văn nghệ quân đội.

- Tặng thưởng giải hàng năm năm 2003 tập truyện ngắn Vàng Xưa của Hội nhà văn Việt Nam.

- Giải Nhì tiểu thuyết Quyên cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn Việt Nam năm 2006-2009[4].

- Hai lần nhận giải ba và khuyến khích cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ.

Nhận xét về Nguyễn Văn Thọ

sửa

- Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét:

Để có một vị trí thực sự trong làng văn, người viết phải mang đến cho bạn đọc một tiếng nói riêng, một phong cách riêng, không thể trộn lẫn. Nguyễn Văn Thọ rất thấm thía điều ấy. Anh viết chật vật, vất vả nhưng bạn đọc lại đón nhận anh một cách dễ dàng. Một loạt truyện ngắn ra đời: Nhà ba hộ. Lá bùa. Vàng xưa. Một người Đức. Rồi sau này là Mùi thuốc súng. Đó là những tác phẩm thực sự gây được tiếng vang. Rồi đến khi tiểu thuyết Quyên xuất hiện, người ta lại thấy hình như tiểu thuyết mới là thế mạnh của Nguyễn Văn Thọ. Tác phẩm được trao giải Nhì trong cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Hơn mười cuốn tiểu thuyết được trao Giải thưởng các loại cùng với Quyên. Nhưng đến nay, nhiều cuốn sách được giải, kể cả cuốn tiểu thuyết được xếp giải Nhất cũng đã chìm dần vào quên lãng. Người ta chỉ còn nhớ đến Quyên. Cuốn sách đề cập đến số phận của những người Việt ở nước ngoài, lại được viết bằng một bút pháp hiện thực, ma mị, cuốn hút ngay từ trang đầu tiên cho đến những dòng chữ cuối cùng. Tiểu thuyết được tái bản liên tục. Có năm in lại đến chục lần. Rồi còn được rao bán trên mạng. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã chuyển Quyên thành bộ phim truyện cùng tên với sự đầu tư hàng triệu đô. Và cùng với Mùa Len trâu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thiên mệnh anh hùng, Người trở về và gần đây nhất là Tấm Cám. Phim truyện Quyên quả thật cũng đã góp phần đưa Điện ảnh Việt Nam thoát khỏi cơn bĩ cực.

Nguyễn Văn Thọ là một cây bút vạm vỡ, tài hoa. Nhưng cứ như mắt tôi đọc thì Truyện ngắn mới là phần tinh tuý nhất của anh. Ở đó, anh mới bộc lộ được hết ma lực của ngòi bút mình. Anh cũng có đủ thời gian, sức lực và cả độ bao quát để chăm sóc kỹ lưỡng cho từng nhân vật và cả những con chữ đơn lẻ. Tất nhiên, như tôi nói, hợp tuyển này vẫn chưa chưng cất hết tinh chất Nguyễn Văn Thọ, vì còn có truyện xuất sắc khác chưa có mặt. Từng truyện cũng chưa phải đồng đều, nhưng lại là một xộc xệch cần thiết, bổ sung cho nhau, làm đầy nhau, cho thấy một Nguyễn Văn Thọ đa dạng, phong phú và biến hoá, giúp ta có thể đọc thẳng một mạch từ truyện đầu đến truyện cuối cùng mà không thấy chán vì sự đơn điệu.

Tập sách có nhiều mảng. Mảng chiến tranh. Mảng nước ngoài. Mảng dã sử. Mảng Hà Nội và Hà Nội xưa. Dù viết về đề tài nào, Nguyễn Văn Thọ cũng tạo được ấn tượng. Dù ở nước ngoài hay ở trong nước, anh đều lăn lộn với đời sống, lặn ngụp tận đáy xã hội, lại luôn “đứng về phe nước mắt”, nên anh rất hiểu đời sống nhân dân, rất hiểu những người lính, đặc biệt là những số phận mong manh của những kiếp người bé nhỏ. Đấy chính là xứ sở của văn chương. Văn chương đâu có trong nhung lụa ở Cung Vua, Phủ Chúa. Văn chương chỉ trú ngụ trong những chốn bần hàn.

Bằng trực quan của người Việt, khi viết về nước ngoài, Nguyễn Văn Thọ dễ dàng phát hiện được tinh chất của người bản xứ mà họ không để ý. Và khi quay về Việt Nam, với con mắt bao quát của người đã nhiều năm ở nước ngoài, anh lại nhìn ra được những vẻ đẹp quen thuộc mà có khi ở trong nước, vì quá quen mà lại không thể nhận ra. Và ở những tác phẩm thành công, Nguyễn Văn Thọ thường kết hợp được nhiều thể loại ở trong cùng một thể loại, tạo nên sự hấp dẫn đến ma mị...

... Ngay trong mảng đề tài hẹp, Nguyễn Văn Thọ cũng không đơn điệu. Anh luôn có ý thức làm mới mình. Các truyện khác cũng thế. Mỗi truyện một cách kể, một lối dẫn dắt, để tránh sự trùng lặp. Nhưng truyện nào cũng khắc khoải, da diết. Thì cũng vẫn là những ký ức của một người con xa xứ, lần theo từng con chữ mà tìm về với cố hương. Đây cũng chính là sự khác biệt của Nguyễn Văn Thọ với các nhà văn khác khi viết cùng về một đề tài. Ở những truyện nhàng nhàng, không có gì đặc sắc, người đọc vẫn không thấy nhạt. Có lẽ bởi tác giả biết làm lạ hoá những điều tưởng như đã quá quen thuộc. Nhờ thế mà (mỗi) cuốn sách có được sự hấp dẫn chăng?

(Trích trong lời bạt tập tuyển truyện ngắn "Hương Mỹ Nhân")

- Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nói (trích diễn từ tại  lễ trao giải thi tiểu thuyết lần thứ Ba Hội nhà văn VN 2006-2009):

“...Nguyễn Văn Thọ dựng lên bức tranh kiếm sống khốc liệt nơi đất khách quê người. Đây là đề tài thấp thoáng đã có đôi người dụng bút. Nhưng Quyên của Nguyễn văn Thọ là câu chuyện vỡ mộng bi thương rướm máu. Giữa biết bao nhiêu lừa đảo, chiếm đoạt, vô tình, ghen ghét, Quyên hiện lên như một ốc đảo rười rượi nhân tình. Cô bị đánh văng ra khỏi cộng đồng như một mảnh vỡ. Nhưng chính cô lại có sức hàn gắn hơn ai hết cho chính cái cộng đồng đang tự ru mình trong sự an toàn giả dối...”

- Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: Về truyện ngắn, tuy đến với văn chương muộn màng, nhưng nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẫn gặt hái được nhiều thành công. Ông viết nhiều thể loại, song thành công nhất với truyện ngắn. Câu “chọn mặt gửi vàng” có thể ứng vào trường hợp thể loại truyện ngắn đã “chọn” Nguyễn Văn Thọ.“ Hay: “Nguyễn Văn Thọ là một cây bút truyện ngắn có nghề. Ông quyến rũ độc giả trước hết bằng tình cảm đắm đuối với cuộc sống và con người, trân trọng và đề cao giá trị văn hóa tinh thần, chủ nghĩa nhân văn, tâm thế hòa giải, hòa hợp và khoan dung. Nhưng đồng thời nhà văn có ý thức tạo hấp lực của tác phẩm văn chương bằng các yếu tố nghệ thuật đa dạng. Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ hấp dẫn về cốt truyện, đặc sắc về chi tiết, đa dạng về giọng điệu; có “mầm mống tiểu thuyết”. Bằng chứng là từ truyện ngắn đến tiểu thuyết chỉ một bước như trường hợp tiểu thuyết Quyên được xây dựng trên hai truyện ngắn Bản năng, Bản ngã.[5]

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Hương mỹ nhân - Tuyển chọn những truyện ngắn hay của Nguyễn Văn Thọ trình làng”.
  2. ^ “Tiểu thuyết Quyên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ được dựng thành phim”.
  3. ^ “Tùy bút Từ Sơn La tới Lai Châu: Đầu ngọn sóng của Nhà văn Nguyễn Văn Thọ”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2018.
  4. ^ “Nguyễn Văn Thọ, giải B tiểu thuyết: Thân phận người Việt xa xứ”.
  5. ^ http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/36637802-sac-mau-truyen-ngan-nguyen-van-tho.html. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)