Nguyễn Văn Thái (thám hoa)

Nguyễn Văn Thái (chữ Hán: 阮 文 泰)(1479-?), người làng Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).

Nguyễn Văn Thái
阮 文 泰
Đạo Xuyên Bá
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1479
Nơi sinh
làng Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Tiền Liệt, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương)
Mất
Nơi mất
Trung Quốc
Học vấnĐệ nhất tiến sĩ cập đệ (Thám Hoa), Đông các đại học sĩ.
Chức quanThượng thư bộ Lễ
Tước hiệuĐạo Xuyên Bá (nhà Lê)/ Đạo Xuyên Hầu (nhà Mạc)
Quốc giaĐại Việt
Thời kỳLê Sơ, Mạc

Tiểu sử

sửa

Năm 24 tuổi, ông thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, tức Thám hoa, khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), thời vua Lê Hiến Tông.[1]

 
Đỉnh Khiết Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục, quyển 1, trang 63

Đại Việt sử ký toàn thư ghi cụ thể như sau:

''Nhâm Tuất năm thứ 5 [1502] (Minh, Hoằng Trị thứ 15) …[2] Tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Số đi thi là 5.000 người, lấy đỗ bọn Trần Dức 61 người. Bộ Lại kê tên tâu lên. Vua đích thân ra đầu bài văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Sai Nam Quân đô đốc phủ tả đô đốc phò mã đô uý Lâm Hoài bá Lê Đạt Chiêu, và Hộ bộ thượng thư Vũ Hữu làm đề điệu: Binh bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên và Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Bùi Xương Trạch làm giám thí; Lễ bộ thượng thư Tả Xuân phường hữu dụ đức kiên Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ, Lễ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, trưởng Hàn lâm viện sự Nguyễn Bảo, Lễ bộ tả thị lang kiêm Đông các học sĩ Lê Ngạn Tuất, Quốc tử giám tế tửu Hà Công Trình, Tư nghiệp Hoàng Bồi, Thái thường tự khanh Nghiêm Lâm Tiến đọc quyển thi. Vua xem xong, cho bọn Lê Ích Mộc (người Thanh Lăng, huyện Thuỷ Đường, trước làm đạo sĩ, đến khi đỗ, vua sai tuyên đọc chế từ, bưng lư hương cháy rực lửa ra trước, bị bỏng tuột cả tay mà không biết), Lê Sạn, Nguyễn Văn Thái 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Cảnh Diễn, Lê Nhân Tế 24 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Khiêm Bính, Nguyễn Mậu 34 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Vua ngự điện Kính Thiên, Hồng lô tự truyền loa xướng danh. Mọi năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đây".

Sách "Đăng khoa lục sưu giảng, của Trần Tiến khi nói về Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Thám hoa Nguyễn Văn Thái có đoạn:

"Bài thi văn sách hỏi kiêm về kinh-phật có câu: “18 bộ Kim-Cương thì bộ nào không có câu Nam-Võ, 20 thiên Luận-Ngữ, thiên nào không có chữ Tử-Viết?” Văn ông rất đắc-lực, được đỗ Trạng-Nguyên. (Không biết vì sao kì thi ấy lại hỏi như vậy) Tương truyền rằng, nhà vua ngẫu nhiên dở kinh-phật ra coi, rồi sai các quan ra đầu bài, không riêng gì ông, mà có lẽ khoa đó, hai ông Bảng-Nhãn, Thám-Hoa, và Hoàng-Giáp, Tiến-Sĩ, tất cả 24 người thi đậu, đã từng xem kinh-Phật cả chăng? Như thế đủ thấy rằng vào lúc văn học thịnh hành, có những nhân tài thông-minh uyên bác, xem rộng các sách (không sách gì là không đọc) so với các học giả đời sau, khác nhau một trời một vực vậy".

Ông làm quan tới chức Đông các Đại học sĩ, tước Đạo Xuyên bá và từng được cử làm Phó sứ sang nhà Minh (Trung Quốc). Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, ông ra làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước hầu. Ông từng được cử đi sứ phương Bắc ba lần. Ông lấy vợ người Trung Quốc, sinh con là Ngạn Xán, theo họ mẹ là họ Trương. Trương Ngạn Xán sau này thi đỗ Tiến sĩ. Ông còn có tên là Nguyễn Trí Thái.

Đi sứ nhà Minh lần 1

sửa

Tháng 2, Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), thời vua Lê Tương Dực, ông cùng Hình bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Binh khoa cấp sự trung Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong, hành nhân 3 người, tòng nhân 8 người, [3]được vua sai đi sứ sang nhà Minh xin phong tước.[4]

Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau:

"Canh Ngọ, Hồng Thuận năm thứ 1 (1510) (Minh, Chính Đức thứ 5). Tháng 2, vua sai sứ sang nước Minh. Thượng thư Hình bộ Đàm Thận Huy, Đông các hiệu thư Nguyễn Văn Thái, Đô cấp sự trung Binh khoa Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong, hành nhân 3 người, tòng nhân 8 người, sang tâu việc; Tả Thị lang Lễ bộ Nguyễn Quýnh, Thị thư Vũ Cán, Đề hình Nguyễn Doãn Văn, Thông sự Nguyễn Hảo, hành nhân 3 người, tùy nhân 9 người, sang cầu phong. Bấy giờ Thừa Hưu đi đến đầu địa giới thị bị ốm, sai Cấp sự trung Binh khoa Nguyễn Văn Tuấn đi thay."

Thảo chiếu nhường ngôi

sửa

Tháng 4 năm 1527, Lê Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng vương, gia thêm cửu tích. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại kinh đô ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Sử gia Lê Quý Đôn chép: "lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón về kinh đô".

Bấy giờ ban thứ trăm quan để yên chỗ, nhưng chưa có tờ chiếu nhường ngôi. Đăng Dung hạ lệnh cho Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt đứng thảo. Nhưng Phu Duyệt quắt mắt, mắng Đăng Dung: "Thế nghĩa là gì! "[5]

Đăng Dung bèn sai Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái phải làm cho xong tờ chiếu, nội dung như sau:

"Nghĩ Thái Tổ ta, thừa thời cách mệnh, có được thiên hạ, các vua truyền nhau, nối giữ cơ đồ, là do mệnh trời lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận, gặp nhiều tai hoạ, Trần Cảo đầu têu gây mầm loạn ly, Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch. Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ đã không phải là của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui. Mong kính theo đó."

Đi sứ nhà Minh lần 2

sửa

Năm 1533, khi Nguyễn Kim tìm được một người tên là Lê Duy Ninh, con của vua Lê Chiêu Tông đưa lên ngôi trên đất Sầm Châu, Ai Lao tức là vua Lê Trang Tông, sau đó chuẩn bị binh lực cho việc đánh nhà Mạc.

Năm 1538, Mạc Thái Tông sai Nguyễn Văn Thái và tùy tùng sang trấn Nam QuanQuảng Tây để dâng biểu cầu hòa nhà Minh và cho rằng Lê Duy Ninh là con của Nguyễn Kim được dựng lên, không phải dòng dõi nhà Hậu Lê. Nhà Minh vì muốn hai bên đánh nhau nhằm ngư ông đắc lợi nên án binh bất động không tiến quân nữa. Trên danh nghĩa là vị nghĩa nhưng thực chất chỉ vì vị lợi mà thôi.

Đi sứ nhà Minh lần 3

sửa

Năm Canh Tý, 1540, Mạc Thái Tông chết, con trưởng Mạc Phúc Hải nối ngôi, xưng niên hiệu là Quảng Hòa. Thái tổ Mạc Đăng Dung lại sai Mạc Văn Minh và Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu sang Yên Kinh để cầu hòa.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi cụ thể như sau:

"Canh Tý, [Nguyên Hoà] năm thứ 8 [1540], (Mạc Đại Chính năm thứ 11; Minh Gia Tĩnh năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, Mạc Đăng Doanh chết. Con trưởng là Phúc Hải lên ngôi, lấy năm sau làm Quảng Hoà năm thứ 1. Mùa đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương , La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh."

Đại Việt Thông Sử thì cho rằng sự kiện này diễn ra năm Năm Tân Sửu, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 9 (1541):

"Mùa thu, tháng 8, ngày Ất Hợi, Đăng Dung chết ở Cổ Trai. Phúc Hải đưa linh cữu an táng tại Long Sơn, ngụy xưng là An Lăng. Cùng ngày này, vua Thế Tông nhà Minh ban tờ chiếu: Xá tội cho cha con Đăng Dung; đổi "An nam quốc " làm "An nam Đô thống sứ "; trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ, cho hàm nhị phẩm và quả ấn bằng bạc, và được đời truyền nối; 13 Lộ thì cứ theo nguyên tên cũ, mội Lộ đặt một viên Tuyên phủ, một viên Đồng tri, một viên Phó sứ, và một viên Thiêm sự, dưới quyền Đô thống sứ quản hạt và sai khiến triều cống; ngoài ra, các chức quan lớn nhỏ trong toàn cõi, đều thuộc quyền Đô thống sứ tùy nghi cất đặt; [tờ 42a] nhân dân địa phương trong bốn động do y dâng trả, nguyên là dân biên thùy nước ta, vậy cho thu cả vào bản đồ; sức nha môn Tuần phù 2 tỉnh Quảng phải đối đãi các người đầu hàng một cách hậu tình thương xót. Sau khi đã xá tội, chuẩn thưởng cho Mạc Văn Minh 1 áo đơn bằng nhiễu trắng, và 2 áo kép bằng đoạn màu, thưởng cho Nguyễn Văn Thái 1 áo kép đoạn màu, thưởng cho Hứa Tam Tỉnh 1 áo nhiễu, và cho trở về nước ngay ngày hôm ấy; các lễ phẫm cống hiến, đều chiếu theo lệ cũ; các hộ khẩu tiền lương của nước ấy, không cần phải biên chép tâu về."

Gia đình

sửa

Ông là em trai[6] Tiến sĩ Nguyễn Đoan Kính (chữ Hán: 阮端敬), người làng Tiền Liệt – Vĩnh Lại, thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp, khoa thi Kỷ Mùi 1499, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 . Ông làm quan tới chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên thời Lê Sơ, là chức quan đứng đầu của phủ Phụng Thiên tức Kinh đô Thăng Long của thời Lê, là người có uy tín và thực tài, đứng đầu kinh đô. [7] Cùng khoa thi Kỷ Mùi còn có Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm người Vũ Thư -Thái Bình làm Phó đô Ngự sử, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng người Hoằng Hóa-Thanh Hóa làm Tả Thị Lang bộ Lễ..[8]

Cháu của ông, Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường (chữ Hán: 阮自強) (1570-?), người làng Tiền Liệt huyện Vĩnh Lại. Ông là cháu nội của Nguyễn Đoan Kính, thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 35 tuổi, khoa thi Giáp Thìn 1604, đời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định thứ 5. Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Xuân Quận công và từng được cử đi sứ sang nhà Minh. Khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, Thiếu bảo.[9]

Ghi nhận

sửa

Tên ông được khắc trên văn bia số 10 đặt tại Văn miếu Quốc Tử Giám[10]. Bia dựng ngày 10 tháng 11 niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502). Qua bốn trường lấy trúng cách được 61 người, đưa tên dâng lên. Hoàng thượng đích thân hỏi thi ở sân rồng.

Cùng đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ với ông còn có Trạng nguyên Lê Ích Mộc (chữ Hán: 黎 益 沐) người xã Thanh Lãng huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn, và Bảng nhãn Lê Sạn (chữ Hán: 黎 棧) người xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì phủ Thường Tín.

Có thể thấy rằng, vai trò của cụ Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái trong giai đoạn lịch sử này nổi bật nhất chính ở vị trí ngoại giao. Bằng sự khéo léo và tài trí của mình, cụ đã giúp nhà Lê Sơ giai đoạn cuối vẫn không bị Triều đình phương Bắc gây rắc rối sau biến loạn lật đổ vua Lê Uy Mục. Tới khi ra làm quan cho triều đình nhà Mạc, cụ tiếp tục được tin tưởng giao phó công việc ngoại giao này và đã cùng vua quan nhà Mạc khôn khéo, nhẫn nhịn, tránh lặp lại thảm kịch của nhà Hồ sau khi thay ngôi nhà Trần. Vì nếu đối đầu với nhà Minh giai đoạn Minh Thế Tông (chữ Hán: 明世宗 1507-1667) trị vị từ năm 1521 tới năm 1567, rất giàu tiềm lực cả về kinh tế và quân sự, nhà Mạc chắc chắn sẽ thất bại.

Bút Tích

sửa

Soạn văn bia chùa Cự Linh, Gia Lộc, Hải Dương

Thác bản bia Cự Linh tự bi 巨靈寺舞, lưu trữ tại Viện Hán-Nôm, kí hiệu: 12880, sưu tầm tại chùa Cự Linh xã Thanh Lục tổng Thạch Khôi (nay là xã Tân Hưng) huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Thác bản 1 mặt, khổ 59 X 95cm, gồm 24 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 650 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.  Niên đại: Đại Chính thứ 5 (1534).

Người soạn: Nguyễn Văn Thái 阮文泰;quê quán: Vĩnh Lại; học vị: Tiến sĩ cập đệ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502) đời vua Lê Hiến Tông; chức vị: Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Trụ quốc, tước Đạo Xuyên bá.

Nội dung tóm lược của bia như sau:

Chùa Cự Linh ở thôn Tam Cừ xã Hồng Lục huyện Gia Phúc là nơi danh lam cổ tích, có chùa Bảo Lâm ở phía tây, là nơi linh thiêng, dân trong vùng cầu đảo đều được linh ứng. Do lâu ngày bị đổ nát, năm Đại Chính thứ 4 (1533) các thiện sĩ trong xã đứng ra hưng công tu bổ, làm lại tiền đường, hậu đường, xây dựng tả hữu hành lang. Nay công việc hoàn tất, bèn dựng bia ghi họ và tên 25 người có công vào việc tu sửa chùa, như: ông Phạm Bá Liêu, ông Nguyễn Đá Hồng, ông Nguyễn Tất Thông, ông Nguyễn Văn Định, ông Vương Khắc Kính, v.v... Có bài minh.

Soạn văn bia khoa thi Mậu Dần 1518

Năm 1936, khi cụ Nguyễn Văn Thái còn đang đảm nhiệm chức Lễ bộ Thượng thư, Đông các đại học sĩ dưới triều Mạc, cụ đã trực tiếp soạn bài ký cho văn bia khoa thi Mậu Dần, năm Quang Thiệu thứ 3 (1518), nội dung như sau:

Đặt khoa thi chọn kẻ sĩ là quy chế đã lập thành của các bậc đế vương mưu đồ nền trí trị, trọng dụng người hiền không hạn chế là đạo trung dung xưa nay không thay đổi.

Thần thường nhân câu nói đó mà suy rộng ra: đảm nhiệm quốc chính của nhà Hạ đều là các quan cũ của nhà Ngu, chọn vào vương đình của nhà Thương đều là liêu thuộc của nhà Hạ, phụ tế ở kinh đô nhà Chu lại là sĩ phu của nhà Ân, kẻ đứng hàng tể phụ triều Tống cũng là cựu thần của nhà Hậu Chu. Có lẽ vì phép chọn học trò bắt đầu từ thời Ngu, Chu, thịnh hành ở đời Triệu Tống, còn đạo trung dung trọng dùng người hiền không hạn chế cách nào thì xưa đã có mà cũng thấy cả ở ngày nay chăng?

Kính nghĩ thánh triều quang minh mở vận, thánh thánh nối truyền. Thánh thiên tử sùng Nho trọng đạo, sửa sang trường học để nuôi dưỡng nhân tài. Chế độ đổi mới, quy mô rộng lớn lâu dài. Đặc sai hữu ti kiểm tra các bia đề danh Tiến sĩ các khoa của triều trước hễ khoa nào đã có bia mà bị vỡ hỏng thì cho dựng lại bia khác, khoa nào chưa có bia mà đáng ghi thì dựng thêm. Lại sai từ thần chia nhau soạn các bài ký. Làm như thế là để coi trọng những điều mà nền tư văn đáng trọng, làm cho đủ những việc mà đời trước chưa làm, ý nghĩa thật rất to lớn.

Thần tham dự triều chính, việc đáng phải cầm bút. Thần kính xét: Triều trước khai khoa năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), sau đó hoặc 6 năm, hoặc 5 năm mở một khoa, chưa thành định lệ. Từ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463) trở đi mới định 3 năm mở một khoa. Cũng theo Hội điển của nhà Minh lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu mở khoa thi Hương, lấy các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mở khoa thi Hội. Riêng về năm Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) có khoa thi là vì năm thứ 2 Đinh Sửu (1517) là năm đáng phải mở thi Hội, nhưng bấy giờ trong nước có biến1 nên đến năm Mậu Dần mới cử hành được. Bảng này chọn được kẻ sĩ 17 người: Đệ nhất giáp là bọn Ngô Miễn Thiệu 3 người được ban Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp 6 người là bọn Lại Kim Bảng được ban Tiến sĩ xuất thân, Đệ tam giáp 8 người là bọn Nguyễn Độ được ban đồng Tiến sĩ xuất thân. Những người này hiện đang giữ các chức quan, dần dần còn được dùng vào việc lớn, hoặc tham dự việc lễ, nhạc, binh, hình, hoặc giữ các ti chuyên trách việc kỷ cương tai mắt của triều đình, có người kiêm chức ở quán các giúp việc cất nhắc thuyên chuyển, hoặc giữ các chức đô đài, gián nghị, có người tham gia chính sự lớn ở một địa phương, có người giữ chức hiến ti ở ngoại đài. Những người đỗ Tiến sĩ khoa này, từ sau khi được đề tên ở bảng vàng đến nay đã hai chục năm mới được đề danh vào bia đá. Nhờ ơn vua được tô điểm vẻ vang, được khích lệ long trọng như vậy, phải nên báo đáp thế nào? Ắt phải cùng nhau gắng sức, giữ lòng tận trung, lau cạo thật sáng, trau dồi tiết hạnh để cho khí khái lỗi lạc, tiếng tăm vang lừng, làm viên ngọc vẹn toàn, làm nén vàng mười, làm viên đan sa rất mực quý báu, làm vẻ vang vương độ, giữ vững cơ đồ hoàng gia, đặt thiên hạ vào chốn yên vững như Thái Sơn bàn thạch. Được như thế thì tấm đá này, những tên tuổi này khác nào muôn cân nặng, càng lâu càng không mòn vậy. Nếu không được như thế thì ngoài ngọc trong đá, danh và thực không xứng nhau, người đời sau sẽ chỉ vào tấm đá này mà chê trách. Vì sao vậy? Vì danh là khách của thực, thực là chủ của danh, có danh có thực thì thực còn mà danh vì thế được coi trọng; có danh không có thực, thì thực chẳng còn mà danh cũng vì thế mà bị coi khinh. Thần xin lấy mấy điều ấy khuyên răn những người được đề tên và cũng để tự răn mình. Còn quan tước tên họ các quan Đề điệu, Độc quyển, Giám thí thì kê ở mặt sau bia.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ Đạo Xuyên bá Trụ quốc Nguyễn Trí Thái vâng sắc soạn.

Thông chương đại phu Trung thư giám Chính tự Tư chính khanh họ Vũ vâng sắc viết chữ (chân).

Di sản thơ văn

sửa

Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú tập 2, trang 460, phần Văn tịch chí II, có nói về bộ ba cuốn sách do cụ Vũ Cán soạn, cụ Nguyễn Văn Thái đề tựa gồm:

-       Tùng hiên thi tập, 5 quyển

-       Văn tập, 12 quyển

-       Tứ lục bị lãm, không rõ mấy quyển

Có thể thấy rằng hai cụ Tiến sĩ có rất nhiều điểm chung: vừa là đồng hương, cùng ra ứng thi và đỗ đạt trong kỳ đại khoa năm Nhâm Tuất (1502), cùng đi sứ sang Yên Kinh (1510), cùng ra làm quan Nhà Mạc từ năm 1527. Sự tâm đầu ý hợp của hai cụ hẳn là không khó hiểu khi các cụ cũng là bạn thi thơ.

Âm hưởng chủ đạo trong thơ cụ Vũ Cán là tinh thần lạc quan yêu đời, ung dung, yêu cuộc sống thanh bạch, tha thiết với cảnh đồng quê; tuy còn chút băn khoăn khi ra làm quan triều Mạc. Nhìn chung, lời thơ của ông giản dị, chân thực, có nhiều bài đậm chất đạo lý, gần với thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Dưới đây là bài thơ của cụ Vũ Cán: Tiễn Hàn lâm viện Kiểm thảo từ liêm Nguyễn Công phụng Bắc sứ 餞翰林院檢討慈廉阮公奉北使

蓬矢桑弧志氣豪,

擔當國事屬吾曹。

瀛州十八通仙籍,

驛路三千擁使旄。

詩興未闌江月白,

鄉情長望嶺雲高。

平安預喜歸來後,

天語溫溫荷寵褒。

Bồng thỉ tang hồ chí khí hào,

Đảm đương quốc sự thuộc ngô tào.

Doanh châu thập bát thông tiên tịch,

Dịch lộ tam thiên ủng sứ mao.

Thi hứng vị lan giang nguyệt bạch,

Hương tình trường vọng Lĩnh vân cao.

Bình an dự hỷ quy lai hậu,

Thiên ngữ ôn ôn hạ sủng bao

Dịch nghĩa:

Tang bồng hồ thỉ (chí làm trai) thật hào hùng

Đảm đương việc nước là phận sự của bọn ta

Mười tám Doanh Châu thấu đến cõi tiên

Ba ngàn trạm dịch cầm cờ sứ thần

Hứng thơ chưa tàn, trăng trên sông sáng trắng

Tình quê ngóng mãi mây núi Ngũ Lĩnh cao

Đoán sẽ mừng vui khi trở về bình an

Tiếng vua ấm áp, đội ơn được sủng ái khen ngợi

Bản dịch của Nguyễn Hữu Thăng[4]

Làm trai hào khí vẫn phi thường

Việc nước phận mình vốn đảm đương

Mười tám Doanh Châu tiên cảnh dạo

Ba ngàn trạm dịch quốc kỳ giương

Trăng sông lấp lánh trào thi phú

Ngũ Lĩnh trập trùng vọng cố hương

Mừng đón bình an ngày trở lại

Lời vua khen ngợi ấm long đường.

Đây cũng là bài thơ tiêu biểu nói về tinh thần của các cụ khi gánh vác trọng trách làm sứ thần sang Bắc quốc, đường xa vạn dặm qua các châu huyện, hàng ngàn trạm dịch với cảnh núi non trùng điệp… nhưng tinh thần ý chí và tự tôn dân tộc lại vô cùng bất khuất với hình ảnh lá cờ sứ thần tung bay trên suốt chặng đường dài. Đâu đó là nỗi khắc khoải nhớ cố hương và mong ước một ngày bình an trở lại báo đền ơn vua, ơn nước.

Núi Ngũ Lĩnh đề cập tới trong bài là loạt dãy núi ở vùng ranh giới các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, ngăn cách vùng Lưỡng Quảng với phần lãnh thổ phía bắc của vùng Giang Nam. Đây là đường phân thủy giữa hai con sông lớn là Dương Tử và Châu Giang.

Tên gọi Lĩnh Nam (chữ Hán: 嶺南) là vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh trong truyền thuyết xưa ở Việt Nam và Trung Quốc. Khu vực này ứng với nước Nam Việt của nhà Triệu trong các cuộc đối đầu thời Tần Hán và sau là triều Trưng Vương.

Chú thích và nguồn dẫn

sửa
  1. ^ Trang 63 sách Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục, quyển 1.
  2. ^ Đại Việt sử ký toàn thư trang 959-960, NXB Hồng Đức
  3. ^ Đại Việt Sử ký Toàn Thư
  4. ^ “Khâm Ðinh Viêt Sư Thông Giám Cương Muc” (PDF). Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  5. ^ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - Chính Biên - Quyển XXVII, trang 625,626
  6. ^ baohaiduong.vn (17 tháng 8 năm 2022). “3 tiến sĩ Nho học họ Nguyễn làng Tiền Liệt”. baohaiduong.vn. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ Trang 59 sách Đỉnh khiết Đại Việt Lịch triều Đăng khoa lục, quyển 1
  8. ^ “Lương Đắc Bằng”, Wikipedia tiếng Việt, 30 tháng 1 năm 2023, truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024
  9. ^ Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, trang số 3, quyển 3
  10. ^ “82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779 - Website chính thức của dòng họ Ninh tại Việt Nam”. honinh.com. 18 tháng 11 năm 2018. Truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2024.

Liên kết ngoài

sửa

https://bvhttdl.gov.vn/hai-duong-ton-vinh-3-vi-tien-si-nho-hoc-ho-nguyen-20200724094019869.htm[1]

  1. ^ “Hải Dương: Tôn vinh 3 vị Tiến sĩ Nho học họ Nguyễn”.