Nguyễn Văn Hoan
Nguyễn Văn Hoan (1907–1991), tên thường gọi là Giáo Nam, bí danh Kính Trắng, là nhà thơ, nhà cách mạng, nhà sử học Việt Nam.
Nguyễn Văn Hoan | |
---|---|
Chức vụ | |
Nhiệm kỳ | Tháng 9, 1927 – 1929 |
Ủy viên | Đào Gia Lựu Trần Trung Tín Vũ Huy Hào |
Tiền nhiệm | đầu tiên |
Kế nhiệm | Nguyễn Văn Phúc |
Vị trí | Việt Nam |
Nhiệm kỳ | Tháng 10, 1929 – Tháng 11, 1929 |
Ủy viên | Nguyễn Văn Phúc Trần Quang Tặng |
Tiền nhiệm | đầu tiên |
Kế nhiệm | Đinh Tất Miễn (Đảng Cộng sản Đông Dương) |
Vị trí | Việt Nam |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | 1907 Nam Định |
Mất | 1991 Hà Nội |
Dân tộc | Kinh |
Đảng chính trị | Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đông Dương Cộng sản Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam |
Thân thế
sửaNguyễn Văn Hoan sinh năm 1907 ở thành phố Nam Định.
Thời trẻ, ông theo học ở trường Thành chung Nam Định, cùng lứa với Đặng Châu Tuệ, Đặng Xuân Khu, Phạm Năng Độ, Nguyễn Khắc Lượng, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Cao Luyện,...[1] Tháng 3 năm 1926, ông cùng các bạn học tham gia bãi khóa để tang Phan Chu Trinh dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu và Nguyễn Khắc Lượng.[2][3]
Tháng 4, ông bị chính quyền thực dân đuổi học cùng nhiều bạn học khác, phải lên Hà Nội làm công nhân.[4]
Cuộc đời
sửaCuối năm 1926, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, ông tham dự lớp học chính trị ở Quảng Châu. Tháng 4, ông cùng Trần Trung Tín được Kỳ bộ Bắc Kỳ phân công trở về Nam Định gây dựng cơ sở, mà trước hết là công nhân nhà máy sợi.[4] Cho đến cuối năm 1927, cùng với thầy giáo Đào Đình Mẫn, tổng cộng sáu chi bộ Hội đã được thành lập ở Nam Định.[5] Từ tháng 6, ông được cử sang Ninh Bình, thành lập chi bộ đầu tiên trong tỉnh do Lương Văn Thăng làm Bí thư.
Tháng 9 năm 1927, Ban Tỉnh bộ lâm thời Thanh niên tỉnh Nam Định được thành lập do Nguyễn Văn Hoan làm Bí thư. Tháng 9 năm 1928, Tỉnh bộ Nam Định tổ chức hội nghị đại biểu Tỉnh bộ, bầu ra Ban Chấp hành chính thức gồm Nguyễn Văn Hoan, Đào Gia Lựu, Vũ Huy Hào, vẫn do ông làm Bí thư. Cuối năm 1928, trong hội nghị Kỳ bộ Bắc Kỳ, ông đã nêu ra những mặt hạn chế của tổ chức Thanh niên và chỉ ra thực tế cần phải thành lập một tổ chức mới để chỉ đạo phong trào cách mạng.[4] Đầu năm 1929, ông được Kỳ bộ cử làm Bí thư Liên tỉnh bộ Nam Định-Ninh Bình-Hà Nam,[6] hoạt động chủ yếu ở Ninh Bình, chức vụ Bí thư Tỉnh bộ Nam Định chuyển giao cho Nguyễn Văn Phúc.[4]
Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, ông tích cực xúc tiến việc thành lập các chi bộ cộng sản ở Ninh Bình. Tháng 10, Tỉnh ủy lâm thời Ninh Bình được thành lập, gồm Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Văn Phúc, Trần Quang Tặng, do Nguyễn Văn Hoan làm Bí thư.[7][8] Nhân ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Tỉnh ủy cho in ấn tờ báo Dân cày làm cơ quan ngôn luận, tiến hành rải truyền đơn và dán khẩu hiệu ở những nơi đông dân. Ngày 7 tháng 11, Nguyễn Văn Hoan cùng Lương Văn Tụy tiến hành treo lá cờ búa liềm lên đỉnh núi Non Nước.[9][10]
Ngày 18 tháng 11, trên đường chuyển báo Dân Cày đến cơ sở, ông cùng Lương Văn Tụy bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở nhà lao Ninh Bình, sau đó áp giải về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Dù bị giam giữ, nhưng ông vẫn làm biên tập cho tờ báo bí mật Tù nhân báo, Đường cách mạng của chi bộ Đảng nhà tù. Ngày 29 tháng 4 năm 1930, ông cùng Lương Văn Tụy bị đưa ra xét xử ở Tòa thượng thẩm Hà Nội với tội danh "Cộng sản". Đây là phiên tòa đầu tiên xét xử tội "Cộng sản" ở Việt Nam. Ông bị kết án khổ sai chung thân, lưu đày Côn Đảo. Tại Côn Đảo, ông tiếp tục làm biên tập cho tờ báo bí mật Tiến lên.[10]
Tháng 7 năm 1936, ông được trả tự do.[11] Tháng 11, ông viết hồi ký Côn Lôn tố cáo tội ác của thực dân ở Côn Đảo. Bài viết được Phan Tử Nghĩa dịch ra tiếng Pháp với nhan đề Poude Condore, đăng trên hai kỳ của báo Le Travail . Năm 1939, ông bị trục xuất khỏi Hà Nội và bị quản thúc ở Thái Bình.[6]
Năm 1944, ông trốn về Nam Định hoạt động.[6] Cách mạng tháng Tám nổ ra, ngày 21 tháng 8 năm 1945, ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Nam Định.[12] Năm 1948, ông chuyển sang công tác ở Bộ Tư pháp. Năm 1955, ông làm Viện trưởng Viện Công tố phúc thẩm Hà Nội (tiền thân của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Năm 1961, ông chuyển sang làm Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, cố vấn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam[13], Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho đến khi về hưu.[14]
Ông mất năm 1991.[6]
Tác phẩm
sửaTrong thời gian bị giam giữ ở Ninh Bình và Côn Đảo, ông có sáng tác nhiều bài thơ, tiêu biểu như: Gửi người cùng bị bắt, Trước tòa án thực dân, Say, Tự hào, Hận, Khóc đồng chí Lương Văn Tụy, Đường xa gánh nặng, Lại vào xà lim, Đón xuân trong xà lim, Ra về nhớ bạn,...[15] Một số bài được in trong hai tập thơ Tiếng hát trong tù (1973–1974) và Thơ ca cách mạng (1925–1945) (1973). Sách Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 36 (2000) sưu tầm được 34 bài thơ và bài báo Côn Lôn do chính ông chỉnh lý lần cuối.[16]
Năm 1970, ông vẽ một tấm bản đồ Côn Đảo tặng người bạn tù là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Tấm bản đồ được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng treo trang trọng ở nhà số 35 Trần Phú (Hà Nội, nay là trụ sở Cục trẻ em) cho đến khi Chủ tịch nước qua đời.[17]
Tặng thưởng
sửaNăm 1955, lá cờ đỏ búa liềm do ông và Lương Văn Tụy treo trên núi Non Nước được đích thân ông tìm thấy trong kho hồ sơ của Tòa thượng thẩm Hà Nội. Hiện lá cờ đang được bảo quản ở Bảo tàng Ninh Bình.[10]
Cuốn sách Đường Kách mệnh được trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện nay được ông sưu tầm và tặng lại cho bảo tàng vào năm 1959. Đó là một trong nhiều bản in được Nguyễn Lương Bằng mang từ Quảng Châu về nước để phân phát cho các đồng chí trong nước.[4] Năm 2012, cuốn Đường Cách mệnh hiện vật gốc được công nhận là bảo vật quốc gia.[18]
Tên của ông được đặt cho một con đường ở thành phố Nam Định.[10]
Gia đình
sửaCon gái ông là bà Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1947 ở Nam Định) hiện đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai người con.[19]
Tham khảo
sửa- Nguyễn Quang Ngọc (2003). Địa chí Nam Định. Hà Nội: Chính trị quốc gia - Sự thật.
- Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước (2007). Trường Chinh tiểu sử (PDF). Hà Nội: Chính trị quốc gia - Sự thật.
- Tạ Phong Châu (2000). Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 36 (PDF). Hà Nội: Khoa học xã hội.
Chú thích
sửa- ^ “Quá trình phát triển của trường Thành Chung Nam Định”. Báo Nam Định. 29 tháng 6 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Văn Vũ (8 tháng 2 năm 2017). “Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9-2-1907 - 9-2-2017): Thời thanh niên sôi nổi”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Tạ Ngọc Tấn (16 tháng 4 năm 2020). “Nhà báo Trường Chinh: "Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ" (kỳ 1)”. Báo Nam Định. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b c d e Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định (2000). Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định (1930-1975). Hà Nội: Chính trị quốc gia - Sự thật.
- ^ Nguyễn Kim Chiến (28 tháng 1 năm 2022). “Sự ra đời và phát triển của chi bộ cộng sản đầu tiên ở Nam Định”. Báo Nam Định. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 3 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b c d Tạ Phong Châu 2000, tr. 239
- ^ Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh (17 tháng 4 năm 2007). “Khái quát về Đảng bộ tỉnh Ninh Bình”. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Phát động cao trào cách mạng (1930-1931)”. Báo Nam Định. 23 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Xuân Khang (15 tháng 12 năm 2021). “Anh hùng Lương Văn Tụy và sự kiện cắm cờ trên núi Non Nước”. Trang Thông tin điện tử Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ a b c d Thy Huệ; Thu Trang (17 tháng 4 năm 2007). “Chuyện 2 thanh niên cắm cờ búa liềm lên đỉnh Non Nước kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm 1929”. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Quang Ngọc 2003, tr. 853
- ^ “Sự ra đời của tổ chức cộng sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở tỉnh Nam Định (1929-1945)”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Nam Định. 12 tháng 10 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ “Tưởng niệm nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Hoan”. Báo Nhân Dân. 17 tháng 4 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Khải Mông (22 tháng 6 năm 2020). “Hãy thẩm định tư liệu kỹ càng trước khi trưng bày, triển lãm”. Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Quang Ngọc 2003, tr. 853
- ^ Tạ Phong Châu 2000, tr. 239
- ^ Nguyễn Thị Khánh Hằng (2016). “Những năm tháng tù đày, ký ức về biển”. Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Nguyễn Mỹ (16 tháng 4 năm 2023). “Chuyện về cuốn sách độc nhất trở thành Bảo vật quốc gia”. Báo Pháp luật Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.
- ^ Lê Công Sơn (15 tháng 5 năm 2020). “Về bức ảnh quý Bác Hồ với đội viên”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2023.