Mai Am

công chúa nhà Nguyễn, con gái Minh Mạng
(Đổi hướng từ Nguyễn Phúc Trinh Thận)

Nguyễn Phúc Trinh Thận (chữ Hán: 阮福貞慎; 12 tháng 9 năm 1826 - 3 tháng 1 năm 1904), biểu tự Thúc Khanh (叔卿), biệt hiệu Diệu Liên (妙蓮), lại có hiệu Mai Am (梅庵), là một công chúa nhà Nguyễn và được biết đến như nữ danh sĩ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Lại Đức Công chúa
賴德公主
Công chúa nhà Nguyễn
Thông tin chung
Sinh12 tháng 9 năm 1826
Huế, Đại Nam
Mất3 tháng 1 năm 1904(1904-01-03) (77 tuổi)
Huế, Đại Nam
An tángPhường Thủy Biều, Huế
Phu quânThân Trọng Di
Hậu duệmột con trai (mất sớm)
Tên húy
Nguyễn Phúc Trinh Thận
阮福貞慎
Tên hiệu
Mai Am (梅庵)
Thụy hiệu
Mỹ Thục Lại Đức Công chúa
美淑賴德公主
Thân phụNguyễn Thánh Tổ
Minh Mạng
Thân mẫuThục tần
Nguyễn Thị Bửu
Nghề nghiệpThi sĩ

Tác phẩm chính của bà tập thơ Diệu Liên thi tập (妙蓮詩輯), đã từng được nhiều danh sĩ ngơi ca, ngoài ra còn một số bài ca được người dân Huế truyền tụng[1]. Bà cùng Nguyệt ĐìnhHuệ Phố được liệt vào Nguyễn triều Tam Khanh (阮朝三卿) lừng danh trong văn đàn Việt Nam.

Tiểu sử

sửa

Hầu hết các tài liệu trước đây đều không biết được năm sinh năm mất của Mai Am nữ sĩ. Đến những năm 1990, khi nghiên cứu Diệu Liên thi tập, đối chiếu với tấm bia Tiên mẫu Thục Tân Nguyễn Khắc thị thần đạo biểu do Tùng Thiện Vương soạn và cuốn Hoàng tử Công chúa sách, các nhà nghiên cứu Viện Hán Nôm mới biết được ngày sinh mất của nữ sĩ Mai Am.

Hoàng nữ Nguyễn Phúc Trinh Thận sinh giờ Hợi ngày 11 tháng 8 năm Bính Tuất (tức 12 tháng 9 năm 1826), là con gái thứ 25 của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng với bà Thục Tần Nguyễn Thị Bửu (阮氏宝). Bà là em cùng mẹ với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm cùng các công chúa Nguyệt ĐìnhHuệ Phố.

Lúc nhỏ, bà sống với mẹ và ba chị em gái ở Đoan Chính viện (端政院) trong Tử Cấm Thành, sau lại dời về Sở Tiêu Viên thuộc khu dinh thự của Tùng Thiện Vương. Vì đây là khu vực thơ văn của Tùng Thiện Vương và cũng là nơi Tùng Thiện thi xã thường xuyên họp bạn thơ văn nên Mai Am đã được tiếp xúc thi thơ từ rất sớm[2]. Tới tuổi đi học, với thân phận là con cháu hoàng tộc nên bà và chị em không được học ở trường ngoài mà được cho học trong Tôn Học đường (尊學堂) do anh ruột Tùng Thiện Vương phụ trách[3]. Ba công chúa được sự dạy dỗ của anh nên sớm bộc lộ tài năng về thơ phú. Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố được gọi là Tam Khanh (三卿), theo ba tên tự của ba người lần lượt Trọng Khanh, Thúc KhanhQuý Khanh. Cả ba sau này trở nên nổi tiếng lừng lẫy về tài văn chương trong giới nữ lưu ở đất kinh thành. Trong ba người, Mai Am được coi là người tài năng và nổi tiếng nhất[4]. Bà đã sáng lập ra Thỉnh Nguyệt Đình, là nơi bà chủ trì các đêm thơ, có sự tham gia của nhiều danh sĩ đất kinh kỳ[5].

Năm 1850, bà kết hôn với hiệu úy Thân Trọng Di (申仲怡), cháu nội quan đại thần Thân Văn Quyền, gốc ở làng Nguyệt Biều (ngoại thành Huế). Cuộc sống của bà với Thân Trọng Di, theo nhà thơ Lương An thì hai người ăn ở với nhau tuy bề ngoài vẫn ấm êm, nhưng bên trong thì không được sắt cầm hòa hợp[4]. Năm 1863, bà mới sinh con trai đầu lòng đặt tên Thân Trọng Mậu, tuy nhiên người con chưa đầy 5 tuổi thì bị bệnh qua đời. Sau này Mai Am không sinh thêm được người con nào nữa. Đau đớn vì mất con, bà đã làm 15 bài thơ khóc con Khốc nhi thi - thập ngũ thủ, về sau có đăng trong Diệu Liên thi tập bản tái bản.

Năm 1869, bà được Tự Đức phong làm Lại Đức Công chúa (賴德公主).

Tháng 7 năm 1885, sau khi Hàm Nghi xuất bôn, chồng bà Thân Trọng Di mặc dù đã 60 tuổi vẫn quyết theo đi ra Quảng Trị. Trong một đợt tấn công của Pháp, quân của Thân Trọng Di tan rã còn bản thân ông bị mất tích giữa rừng, về sau vẫn không tìm được hài cốt; phải lập mộ giả để thờ[6]. Một lần nữa, sau khi mất con, Mai Am lại viết 15 bài thơ khóc chồng, được khắc trên ngôi mộ không của ông ở xóm Đông làng Nguyệt Biều, do những người trong gia tộc họ Thân xây dựng.

Ngày 3 tháng 1 năm 1904, bà qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Bà là người sống thọ nhất trong Tam Khanh, người em gái là công chúa Tĩnh Hòa mất vào năm 1885; còn người chị công chúa Vĩnh Trinh qua đời năm 1892. Anh của bà, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm cũng đã qua đời vào tháng 4 năm 1870.

Tẩm mộ của công chúa Lại Đức được táng tại làng Nguyệt Biều, nay là phường Thủy Biều, thành phố Huế[7]. Tên hiệu Mai Am của bà đã được đặt tên cho một con đường nằm ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp thơ

sửa

Diệu Liên thi tập

sửa

Hầu hết những bài thơ còn lại của Mai Am đều nằm trong tập thơ chữ Hán mang tên Diệu Liên thi tập hay Lại Đức công chúa Diệu Liên tập, gồm 370 bài, chia làm 3 quyển, 1 bổ di, 1 phụ lục, hiện nay vẫn còn được lưu giữ[8]. Tập thơ in 100 bản lần đầu vào năm 1867, gồm 2 quyển, 177 bài, do chính bà tuyển chọn, được Tùng Thiện Vương đọc duyệt, Phạm Thuật và Thân Trọng Di theo dõi việc in ấn, Mặc Vân sào tàng bản[5]. Viết lời bình có Thương Sơn (Tùng Thiện Vương), Vĩ Dã (Tuy Lý Vương), Trương Quảng Khê, Phan Lương Khê, Nguyễn Nhiệm Sơn; Nguyễn Hàm Ninh còn viết riêng lời đề tựa.

Đầu năm 1891, Diệu Liên thi tập lại được Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp[1] tái bản, bổ sung thêm quyển III và phần bổ di. Tổng cộng trong Diệu Liên thi tập tái bản có tất cả ba bài tựa, một bài bạt, 5 lời đề, 5 bài thơ ghi cảm tưởng với lời bình về Diệu Liên thi tập của nhiều danh sĩ, trong đó 6 người Trung Quốc, ngoài ra còn có cả Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu... Phần nhiều các bài thơ là thơ cảm tác, xướng hoạ, vịnh cảnh vật và vịnh sử. Trong phần phụ lục có bài văn phúng Mộng Tùng của Thiên Sơn, câu đối và bài phú nói về sinh phần Diệu Cao Phong của Tùng Thiện Vương[8].

Khoảng 370 bài thơ được sắp xếp theo thứ tự thời gian, có thể coi là một "nhật ký" bằng thơ. Bài đầu tiên sáng tác 1847, khi bà 21 tuổi, cho đến những bài cuối cùng năm 1890. Phần lớn những bài này đều có lời dẫn, nhờ thế nó không chỉ là tác phẩm thơ mà còn có giá trị giúp xác định nhiều tư liệu về tiểu sử của Mai Am lẫn nhiều chi tiết liên quan đến những người cùng thời như Tùng Thiện Vương, Huệ Phố, Bà Huyện Thanh Quan, Bùi Dị, Nguyễn Hàm Ninh...[1]

Một số bài thơ

sửa

Khác với nhiều nhà thơ sống cùng thời với mình, Mai Am không làm thơ chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mà chỉ làm thơ chữ Hán. Thơ của bà làm theo thể cách thơ Đường, giống như thơ của Bạch Cư DịNguyên Vi Chi. Nội dung phần lớn viết về chuyện gia đình, bạn bè và chuyện riêng tư. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, "sức hấp dẫn của thơ bà là ở sự tinh tế, nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu, giàu nữ tính".

Khi mất đứa con trai yêu, bà đã viết những dòng đầy đau xót:

Phiên âm:
Hoạch sa vãng vãng hiệu nhân thư
Thốc quản tùy thân nhật bất hư
Khổ ức lâm chung vân hiếu học
Chư thiên hà xứ mịch đồng sơ.
Lương An dịch
Vạch cát học theo người lớn viết
Bút cùn tay chẳng buổi nào lơi
Lâm chung còn nói con thèm học
Con trẻ, tìm đâu giữa các trời?[4]

Hay như bài Ngẫu ti (Tơ ngó sen), được viết năm 1855 khi bà 30 tuổi, mà đã phần nào nói lên được "tâm trạng khát khao tình cảm của nữ sĩ trong tình cảnh không mấy hạnh phúc của bà"[4]:

Ai ơi chớ bẻ ngó sen hương
Vô số tơ mành cứ vấn vương
Mềm mại khác chi the mới dệt
Mảnh mai như thể kén vừa giương
Dăng dăng mối kết trong tâm khảm
Cuộn cuộn tình lan cách dặm trường
Ví thử xe tơ thành sợi chỉ
Xin người thêu lấy cặp uyên ương.

Bên cạnh những bài tự sự, bà cũng thể hiện tình cảm sâu sắc với người dân quê, tiêu biểu là bài Nông phu từ (Lời nhà nông)[4][9]:

Lúa cứa sầy da, lưng nóng bỏng
Mồ hôi như mưa giọt nhỏ ròng...

Thơ của bà còn thể hiện tinh thần yêu nước mãnh liệt, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước bị quân Pháp xâm lược. Bài thơ Độc điếu nghĩa dân tử trận văn, được viết khi đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu[5]:

Xích tử Cần Vương năng địch khái,
Thư sinh dụng võ tích phi tài.
Dân chúng Cần Vương vì ghét địch,
Nhà Nho lâm trận tiếc không tài.
(Lê Thước dịch)

Bài thơ được biết đến nhiều nhất của Mai Am là bài Ức mai (Nhớ mai). Nhà thơ Lương An và một số người khác đã từng đặt nghi vấn rằng bài thơ này có thể không phải do bà viết, mà do Nguyễn Hàm Ninh và được Mai Am đưa vào tập thơ của mình để đáp lại tấm lòng người bạn tri kỷ. Tuy nhiên theo Đỗ Thị Hảo thì điều này không thuyết phục bởi Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương và Trương Đăng Quế đã từng viết lời khen ngợi về bài thơ này trong Diệu Liên thi tập[1].

Ức mai
Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lý quan san sầu cựu khúc,
Thủy biên li lạc nhận tiền kì.
Hương nam tuyết bắc vô hương cấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thủy chi mi.
Nhớ mai (Dịch: Thanh Vân)
Đêm nao gió bấc lướt qua hồ
Gác phấn canh khuya quạnh bóng mờ
Tiếng địch ngàn trùng, buồn khúc cũ
Cành mai ngày trước tựa rào thưa.
Hương nam tuyết bắc đôi phương biệt
Trăng giải mây thang một nỗi chờ
Thơ mới trời xa mong gửi tặng
Mỹ nhân cạnh nước hẳn như xưa.

Trích dẫn nhận xét

sửa

Cũng như vậy, Tuy Lý Vương đã từng so sánh thơ bà với thơ Ban Tiệp Dư hay Tạ Đạo Uẩn đời Tấn, Trung Quốc[9].

Nhà thơ Lương An viết về sự nghiệp thơ của bà:

Ca Huế

sửa

Bên cạnh làm thơ, Mai Am còn có tài năng về âm nhạc. Cũng như nhiều người hoàng tộc nhà Nguyễn khác, bà cũng viết các bài ca, bản nhạc cho ca Huế. Dựa vào điệu Nam bình, bà đã sáng tác nhiều hát tiếng Hán và tiếng Việt. Phỏng theo ca khúc Hồ Quảng, bà còn làm 10 bài ca, mà người Huế gọi là 10 bản Tàu bây giờ vẫn còn được truyền tụng, mang tên: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bái, Tây Mai, Kim Tiền, Xuân Phong, Long hổ, Tẩu mã.

Tham khảo

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d e f g Đỗ Thị Hảo, Một vài nghi vẫn được giải đáp qua việc nghiên cứu văn bản;;Diệu Liên thi tập Lưu trữ 2008-04-20 tại Wayback Machine, Tạp chí Hán Nôm 4/1993. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2008
  2. ^ Đặng Việt Thủy& Đặng Thành Trung (2008), 18 vị công chúa Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, trang 118
  3. ^ Đặng Việt Thủy& Đặng Thành Trung (2008), 18 vị công chúa Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, trang 117–118
  4. ^ a b c d e f g Nguyễn Khắc Phê, Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Nữ sĩ Mai Am (1904-2004): Trăm năm giờ mới thấy đây..., Văn nghệ sông Cửu Long. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2008.
  5. ^ a b c Đỗ Thị Hảo, Mai Am - Nữ thi nhân cuối cùng của dòng thơ chữ Hán thế kỷ XX Lưu trữ 2008-06-17 tại Wayback Machine, Tạp chí Hán Nôm 1/2001. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2008
  6. ^ Đặng Việt Thủy& Đặng Thành Trung (2008), 18 vị công chúa Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, trang 119
  7. ^ Địa danh xứ Huế Lưu trữ 2007-12-12 tại Wayback Machine, Netcodo. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2008.
  8. ^ a b Thông tin về Diệu Liên thi tập[liên kết hỏng] lưu trữ trên Viện nghiên cứu Hán Nôm. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2008.
  9. ^ a b Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên bktt
  10. ^ Tùng Vân thi xã do Tùng Thiện Vương sáng lập.