Người Cossack Zaporozhia
Người Cossack Zaporozhia, Quân Cossack Zaporozhia, Quân đoàn Zaporozhia, (tiếng Ukraina: Військо Запорозьке, đã Latinh hoá: Viisko Zaporozke,[1] hoặc Військо Запорізьке, Viisko Zaporizke) hoặc chỉ là người Zaporozhia (tiếng Ukraina: Запорожці, đã Latinh hoá: Zaporozhtsi) là những người Cossack sống bên kia (về phía hạ nguồn) các ghềnh sông Dnepr (Dnipro).
Sich Zaporozhia phát triển nhanh chóng vào thế kỷ 15 từ các nông nô chạy trốn khỏi những nơi được kiểm soát chặt chẽ hơn trong Thịnh vượng chung Ba Lan–Litva.[2] Sich được thành lập với tư cách một thực thể chính trị được tôn trọng, có một hệ thống chính phủ nghị viện. Trong suốt thế kỷ 16, 17 và cả thế kỷ 18, người Cossack Zaporozhia là một lực lượng chính trị và quân sự hùng mạnh từng thách thức quyền lực của Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, nước Nga Sa hoàng và Hãn quốc Krym.
Quân đoàn trải qua một loạt xung đột và liên minh với ba thế lực kể trên, bao gồm cả việc hỗ trợ một cuộc khởi nghĩa vào thế kỷ 18. Thủ lĩnh của họ đã ký một hiệp định với người Nga. Nhóm này bị Đế quốc Nga buộc phải giải tán vào cuối thế kỷ 18, và phần lớn dân cư di dời đến vùng Kuban tại rìa phía nam của Đế quốc Nga, trong khi những người khác thành lập các thành phố tại miền nam Ukraina và cuối cùng trở thành nông dân của nhà nước. Người Cossack đóng một vai trò quan trọng trong việc chinh phục các bộ lạc vùng Kavkaz và đổi lại được hưởng quyền tự do đáng kể do Sa hoàng ban cho.
Tên gọi Zaporozhtsi bắt nguồn từ vị trí công sự của họ, tức là Sich, tại Zaporizhzhia "vùng đất bên kia các ghềnh", từ tiếng Ukraina za "bên kia" và poróhy "các ghềnh".
Nguồn gốc
sửaKhông rõ thời điểm các cộng đồng Cossack đầu tiên tại hạ du sông Dnepr được hình thành. Có những dấu hiệu và câu chuyện về những người tương tự sống trên thảo nguyên Á-Âu ngay từ thế kỷ 12. Vào thời điểm đó, họ không được gọi là người Cossack, vì cossack là một từ cũng có trong ngôn ngữ Turk với nghĩa là một "người tự do", có chung từ nguyên với tên dân tộc "Kazakh". Sau này nó trở thành một từ tiếng Ukraina và tiếng Nga có nghĩa là "giặc cướp". Các thảo nguyên ở phía bắc của Biển Đen là nơi sinh sống của các bộ lạc du mục như người Cuman, Pecheneg và Khazar. Vai trò của các bộ lạc này trong quá trình hình thành dân tộc của người Cossack có tranh cãi, mặc dù các nguồn tin Cossack sau này tuyên bố về một tổ tiên Khazar bị Slavic hóa.[3][4]
Cũng có những nhóm người chạy trốn vào những thảo nguyên hoang dã này từ những vùng đất canh tác của Kiev Rus' để thoát khỏi sự áp bức hoặc truy đuổi tội phạm. Lối sống của họ phần lớn giống với lối sống của những người bây giờ được gọi là Cossack. Họ sống sót chủ yếu nhờ săn bắn, đánh cá, và cướp phá các bộ lạc gốc châu Á để lấy ngựa và thức ăn, nhưng họ cũng hòa trộn với những người du mục này cũng như chấp nhận nhiều đặc điểm văn hóa của họ. Vào thế kỷ 16, một nhà tổ chức là Dmytro Vyshnevetsky, một quý tộc Ukraina, đã hợp nhất các nhóm khác nhau này thành một tổ chức quân sự hùng mạnh.
Người Cossack Zaporozhia có nhiều nguồn gốc xã hội và dân tộc khác nhau nhưng chủ yếu được tạo thành từ những nông nô bỏ trốn, những người thích sự tự do nguy hiểm trên thảo nguyên hoang dã hơn là cuộc sống dưới quyền thống trị của giới quý tộc Ba Lan. Tuy nhiên, thị dân, quý tộc nhỏ và thậm chí cả người Tatar Krym cũng trở thành một phần của Quân đoàn Cossack. Họ phải chấp nhận Chính thống giáo Đông phương là tôn giáo của họ và áp dụng các nghi lễ và lời cầu nguyện của giáo phái này.[5][6]
Giả thuyết du mục cho rằng người Cossack đến từ một hoặc nhiều dân tộc du mục sống ở những thời điểm khác nhau trên lãnh thổ phía bắc của Biển Đen. Theo giả thuyết này, tổ tiên của người Cossack là người Scythia, Sarmatia, Khazar, Cuman, Circassia (Adyghe), Tatar, và các dân tộc khác. Giả thuyết du mục về nguồn gốc của người Cossack được hình thành dưới ảnh hưởng của trường phái lịch sử Ba Lan thế kỷ 16-17 và được kết nối với lý thuyết về nguồn gốc Sarmatia của quý tộc nhỏ. Theo truyền thống lấy nguồn gốc của nhà nước hoặc dân tộc từ một dân tộc cổ xưa nhất định, các nhà biên niên sử Cossack của thế kỷ 18 đã ủng hộ giả thuyết nguồn gốc Khazar của người Cossack.[7] Với sự mở rộng của cơ sở nguồn và sự hình thành của khoa học lịch sử, các giả thuyết du mục đã bị bác bỏ bởi sử học chính thức. Lần đầu tiên, Alexander Rigelman chỉ ra sự không hoàn hảo của giả thuyết.[8] Vào thế kỷ 20, nhà khoa học người Nga Gumilyov là người biện hộ cho nguồn gốc Polovtsia của người Cossack.[9]
Trong Ba Lan–Litva
sửaVào thế kỷ 16, khi quyền thống trị của Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva mở rộng về phía nam, người Cossack Zaporozhia hầu như, nếu tạm thời, được Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva coi là thần dân của họ.[7] Người Cossack đăng ký là một phần của quân đội Thịnh vượng chung cho đến năm 1699.
Vào khoảng cuối thế kỷ 16, mối quan hệ giữa Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva và Đế quốc Ottoman, vốn không thân thiện ngay từ đầu, đã trở nên căng thẳng hơn do người Cossack ngày càng xâm lấn. Từ phần thứ hai của thế kỷ 16, người Cossack bắt đầu đánh phá các lãnh thổ của Ottoman. Chính phủ Ba Lan-Litva không thể kiểm soát những người người Cossack có tính độc lập, nhưng vì họ trên danh nghĩa là thần dân của Thịnh vượng chung nên chính phủ phải chịu trách nhiệm với nạn nhân về các cuộc tấn công. Đối ứng lại, người Tatar dưới quyền cai trị của Ottoman đã phát động các cuộc tấn công vào Thịnh vượng chung, chủ yếu ở các vùng lãnh thổ đông nam thưa dân của Ukraina. Tuy nhiên, quân Cossack đánh phá các thành phố thương cảng giàu có ở vùng trung tâm của Đế quốc Ottoman, vốn chỉ cách cửa sông Dnepr hai ngày đi thuyền.
Đến năm 1615 và 1625, người Cossack đã san bằng được các thị trấn ở ngoại ô Constantinople, buộc Sultan Ottoman Murad IV phải chạy trốn khỏi cung điện của mình.[10] Cháu trai của ông là Sultan Mehmed IV có kết quả tốt hơn một chút khi là người nhận được Lời hồi đáp của người Cossack Zaporozhia truyền thuyết, một phản ứng tục tĩu trước sự khăng khăng của Mehmed rằng người Cossack phải phục tùng quyền uy của ông.[11] Các hiệp ước liên tiếp giữa Đế quốc Ottoman và Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva kêu gọi cả hai bên kiểm soát người Cossack và người Tatar, nhưng việc thực thi hầu như không tồn tại ở cả hai bên. Trong các thỏa thuận nội bộ, do người Ba Lan ép buộc, người Cossack đồng ý đốt thuyền của họ và ngừng đánh phá. Tuy nhiên, thuyền có thể được đóng lại nhanh chóng và lối sống của người Cossack tôn vinh các cuộc đột kích và cướp bóc.
Trong thời gian này, chế độ quân chủ Habsburg đôi khi bí mật sử dụng những kẻ đột kích Cossack để giảm bớt áp lực của Ottoman đối với biên giới của chính họ. Nhiều người Cossack và Tatar có ác cảm với nhau do thiệt hại từ các cuộc đột kích của cả hai bên gây ra. Theo sau các cuộc đột kích của người Cossack là sự trả đũa của người Tatar, hoặc người Tatar tấn công và sau đó là sự trả đũa của người Cossack, gần như là chuyện thường xuyên xảy ra. Sự hỗn loạn và chuỗi xung đột sau đó thường biến toàn bộ biên giới phía đông nam Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva thành một khu vực chiến tranh cường độ thấp và dẫn đến leo thang chiến tranh giữa Ba Lan-Litva và Ottoman, từ các cuộc chiến tranh quý nhân Moldavia đến Trận Cecora (1620) và các cuộc chiến tranh năm 1633–34.
Số lượng người Cossack tăng lên, khi nông dân Ukraina chạy trốn khỏi chế độ nông nô trong Tlhịnh vượng chung Ba Lan-Litva. Những nỗ lực của szlachta (quý tộc) nhằm biến người Cossack Zaporozhia thành nông nô đã làm xói mòn lòng trung thành từng khá mạnh mẽ của người Cossack đối với Thịnh vượng chung. Tham vọng của người Cossack về việc được công nhận ngang hàng với szlachta liên tục bị từ chối, và các kế hoạch chuyển đổi Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva thành Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva-Ruthenia (với người Cossack Ukraina) đạt được rất ít tiến triển, do người Cossack không ưa chuộng. Lòng trung thành mạnh mẽ trong lịch sử của người Cossack đối với Giáo hội Chính thống giáo Đông phương khiến họ mâu thuẫn với Thịnh vượng chung do Công giáo chi phối. Căng thẳng gia tăng khi các chính sách của Thịnh vượng chung chuyển từ tương đối khoan dung sang đàn áp giáo hội Chính thống giáo, khiến người Cossack chống Công giáo mạnh mẽ, vào thời điểm đó đồng nghĩa với chống Ba Lan.
Lòng trung thành ngày càng suy yếu của người Cossack và sự kiêu ngạo của szlachta đối với họ đã dẫn đến một số cuộc nổi dậy của người Cossack chống lại Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva vào đầu thế kỷ 17. Cuối cùng, việc Quốc vương kiên quyết từ chối nhượng bộ trước yêu cầu mở rộng việc đăng ký Cossack là giọt nước tràn ly cuối cùng đã thúc đẩy cuộc khởi nghĩa lớn nhất và thành công nhất trong số này: Khởi nghĩa Khmelnytsky bắt đầu vào năm 1648. Cuộc khởi nghĩa là một trong loạt các sự kiện thảm khốc được gọi là Đại hồng thủy, làm suy yếu đáng kể Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva và tạo tiền đề cho sự tan rã của liên bang một trăm năm sau. Mặc dù Ba Lan có lẽ có kỵ binh tốt nhất ở châu Âu, nhưng bộ binh của họ lại kém hơn. Tuy nhiên, người Cossack Ukraina sở hữu bộ binh tốt nhất vào giữa thế kỷ 17. Vì Ba Lan tuyển dụng hầu hết bộ binh của họ từ Ukraina, nên khi vùng này thoát khỏi quyền cai trị của Ba Lan, quân đội của Thịnh vượng chung đã phải chịu tổn thất rất nhiều.
Tổ chức
sửaQuân đoàn Zaporozhia với tư cách là một cơ sở chính trị-quân sự được phát triển dựa trên các truyền thống và tục lệ độc đáo được gọi là Bộ luật Cossack,[12] được hình thành chủ yếu giữa những người Cossack của Quân đoàn Zaporozhia trong nhiều thập kỷ. Quân đoàn có đơn vị hành chính lãnh thổ và quân sự riêng: 38 kurin (sotnia)[13] và 5 đến 8 palanka (các khu lãnh thổ) cũng như một hệ thống hành chính ban đầu với ba cấp: thủ lĩnh quân sự, sĩ quan quân sự, thủ lĩnh viễn chinh và palanka.[12] Tất cả các sĩ quan (starshyna quân sự) được bầu bởi Hội đồng quân sự toàn thể trong một năm vào ngày 1 tháng 1.[12] Dựa trên các phong tục và truyền thống giống nhau, các quyền và nghĩa vụ của các sĩ quan đã được hệ thống hóa rõ ràng.[12] Quân đoàn Zaporozhia phát triển một hệ thống tư pháp sơ khai, trên cơ sở dựa vào Bộ luật Cossack theo tục lệ. Các quy tắc của bộ luật đã được khẳng định từ những mối quan hệ xã hội phát triển trong những người Cossack.[12] Một số nguồn gọi Sich Zaporozhia là một "nước cộng hòa cossack",[14] vì quyền lực cao nhất trong đó thuộc về hội đồng của tất cả các thành viên và do các nhà lãnh đạo của họ (starshina) được bầu ra.
Về mặt chính thức, thủ lĩnh của Quân đoàn Zaporozhia không bao giờ mang tước hiệu hetman, trong khi tất cả các thủ lĩnh của tổ chức cossack đều được gọi một cách không chính thức như vậy.[15] Cơ quan quản lý cao nhất trong Quân đoàn Zaporozhia là Rada Sich (hội đồng).[12] Hội đồng là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cao nhất của Quân đoàn Zaporozhia.[12] Các quyết định của hội đồng được cho là ý kiến của toàn bộ quân đoàn và bắt buộc mỗi thành viên đồng chí cossack phải chấp hành.[12] Rada Sich được xem xét các vấn đề về chính sách đối nội và đối ngoại, tiến hành bầu cử starshina quân sự, phân chia ruộng đất được giao, hay trừng phạt những người phạm tội nặng nhất.[12]
Quân đoàn Zaporozhia có liên kết chặt chẽ với Quốc gia hetman Cossack, nhưng có chính quyền và trật tự của riêng mình. Đối với các hoạt động quân sự, người cossack của quân đoàn được tổ chức thành Kish.[16] Kish là một thuật ngữ cũ chỉ các trại được củng cố phòng thủ, được sử dụng trong thế kỷ 11-16 và sau đó được người Cossack áp dụng.[16] Kish là cơ quan trung ương của chính phủ tại Sich có thẩm quyền quản lý hành chính, quân sự, tài chính, pháp lý và các vấn đề khác.[16] Kish được bầu hàng năm tại Rada Sich (Rada đen). Cuộc bầu cử Kish diễn ra vào ngày 1 tháng 1, ngày 1 tháng 10 (Lễ Cầu thay Theotokos - Pokrova), hoặc vào ngày thứ 2-3 của Lễ Phục sinh.[16]
Có một tòa án quân sự Cossack trừng phạt nghiêm khắc hành vi bạo lực và trộm cắp của đồng bào, đem phụ nữ đến Sich, hoặc uống rượu trong thời kỳ xung đột. Ngoài ra còn có nhà thờ và trường học, cung cấp các phục vụ tôn giáo và giáo dục cơ bản. Về cơ bản, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương được ưa thích hơn và là một phần của bản sắc dân tộc.
Trong thời bình, người Cossack bận rộn với công việc của họ, sống cùng gia đình, nghiên cứu chiến lược, ngôn ngữ và giáo dục tân binh. Trái ngược với các đội quân khác, người Cossack được tự do lựa chọn vũ khí ưa thích của mình. Những người Cossack giàu có thích mặc áo giáp hạng nặng, trong khi lính bộ binh thích mặc quần áo đơn giản, mặc dù đôi khi họ cũng mặc áo giáp.
Vào thời điểm đó, người Cossack là một trong những tổ chức quân sự tốt nhất tại châu Âu và được các đế quốc Nga, Ba Lan và Pháp sử dụng.
Kurin của Quân đoàn Zaporozhia
sửa- Levushkovsky
- Plastunovsky
- Dyadkovsky
- Bryukhovetsky
- Vedmedovsky
- Platmyrovsky
- Pashkovsky
- Kushchevsky
- Kyslyakovsky
- Ivanovsky
- Konelovsky
- Serhiyevsky
- Donsky
- Krylovsky
- Kanivsky
- Baturynsky
- Popovychevsky
- Vasyurynsky
- Nezamaikovsky
- Irkliyevsky
- Shcherbynovsky
- Tytarovsky
- Shkurynsky
- Kurenevsky
- Rohovsky
- Korsunsky
- Kalnybolotsky
- Humansky
- Derevyantsovsky
- Stebliyivsky-Higher
- Stebliyivsky-Lower
- Zherelovsky
- Pereyaslavsky
- Poltavsky
- Myshastovsky
- Minsky
- Tymoshevsky
- Velychkovsky
Bên cạnh những kurin kể trên, còn có một số lượng lớn những kurin khác bên ngoài Quân đoàn.
Biểu chương Cossack (Kleinody)
sửaCác vật phẩm quan trọng nhất của Quân đoàn là Kleinody Cossack[16] (luôn là số nhiều; liên quan đến biểu chương đế quốc) bao gồm các dấu hiệu đặc trưng, biểu chương, vật tượng trưng quân sự quý giá của người Cossack Ukraina và được sử dụng cho đến thế kỷ 19. Kleinody được Quốc vương Ba Lan Stephen Báthory trao tặng cho người Cossack Zaporozhia[16] vào ngày 20 tháng 8 năm 1576[17] cho Bohdan Ruzhynsky, trong số đó có khoruhva, biểu ngữ buncuk, "chùy" bulawa và một con dấu có huy hiệu trên đó mô tả một người Cossack với một "súng trường" samopal.[16] Kleinody được giao cho các trợ lý của hetman để bảo quản an toàn, do đó đã xuất hiện các cấp bậc như chorąży ( "người thủ kỳ"), bunchuzhny ("người giữ quyền trượng"). Thời kỳ sau của người Cossack, kleinody trở thành các chùy pernach, trống định âm (lytavry), cờ kurin (phù hiệu), dùi cui, và những thứ khác.[16]
Biểu tượng quyền lực cao nhất là chuỳ bulawa được mang bởi các hetman và kish-otaman.[16] Ví dụ, Bohdan Khmelnytsky từ năm 1648 đã mang theo một chiếc bulawa bạc bọc vàng được trang trí với ngọc trai và các loại đá quý có giá trị khác. Các thượng tá Cossack có pernach - những chiếc bulawa nhỏ hơn được mang sau thắt lưng.[16]
Con dấu của Quân đoàn Zaporozhia được sản xuất ở dạng tròn bằng bạc với hình mô tả người Cossack đội mũ có đầu hồi trên đầu, mặc áo choàng kaftan có cúc trên ngực, với một thanh kiếm lưỡi cong (shablya), hộp thuốc súng ở một bên và một khẩu súng trường tự tạo (samopal) trên vai trái.[16] Xung quanh con dấu có dòng chữ «Печать славного Війська Запорізького Низового» ("Con dấu của Quân đoàn Zaporozhia vinh quang").[16] Con dấu của palanka và kurin có hình tròn hoặc hình chữ nhật với hình ảnh sư tử, nai, ngựa, mặt trăng, ngôi sao, vương miện, thương, kiếm và cung tên.[16]
Khoruhva chủ yếu có màu đỏ thẫm được thêu hình huy hiệu, thánh, thánh giá và các họa tiết khác.[16] Nó luôn được mang phía trước đội quân bên cạnh hetman hoặc otaman.[16] Phù hiệu (znachok) là tên gọi cờ (sotnia) của kurin hoặc đại đội.[16] Có một truyền thống khi vị thượng tá mới được bầu sẽ được yêu cầu chuẩn bị biểu ngữ của palanka bằng chi phí của ông.[16] Một trong những biểu ngữ được bảo tồn cho đến năm 1845 tại Kuban và được làm bằng vải có hai màu: vàng và xanh lam.[16] Trống định âm (lytavry) là những nồi hơi lớn bằng đồng được bọc da dùng để truyền các tín hiệu khác nhau (gọi người Cossack đến hội đồng, hoặc báo động).[16]
Mỗi vật phẩm của kleinody được cấp cho một thành viên được chỉ định rõ ràng của starshina Cossack (chức vụ sĩ quan).[16] Ví dụ, trong Quân đoàn Zaporozhia, bulawa được trao cho otaman; khoruhva - cho toàn quân đoàn mặc dù được mang theo bởi một khorunzhy; bunchuk cũng được trao cho otaman, nhưng được mang bởi một đồng chí bunchuzhny hoặc bunchuk; con dấu được bảo quản bởi một thẩm phán quân sự, trong khi con dấu của kurin - dành cho otaman kurin, và con dấu của palanka - dành cho thượng tá của một palanka nào đó; những chiếc trống định âm thuộc sở hữu của một dovbysh (tay trống); các gậy quyền - cho một osavul quân sự; các phù hiệu được trao cho tất cả 38 kurin, thuộc khống chế của các đồng chí được chỉ định phù hiệu.[16] Tất cả các vật phẩm của kleinody (ngoại trừ gậy đánh trống định âm) đều được cất giữ trong ngân khố nhà thờ Pokrova của Sich và chỉ được lấy ra theo lệnh đặc biệt của kish otaman.[16] Các gậy đánh trống được giữ trong kurin với dovbysh được chỉ định.[16] Đôi khi, kleidony được cho là cũng gồm một lọ mực lớn bằng bạc (kalamar), một vật tượng trưng của người ghi chép quân sự (pysar) của Quân đoàn Zaporozhia.[16] Các kleinody tương tự có trong cấp chỉ huy của Quốc gia hetman Cossack, người Cossack Kuban, Danube và các xã hội Cossack khác.[16]
Sau khi phá hủy Sich và thanh lý tổ chức người Cossack Ukraina, kleinody được thu thập và đưa đi cất giữ tại Bảo tàng Ermitazh và Nhà thờ chính tòa Biến hình tại Saint Petersburg, Bảo tàng vũ khí Kremlin tại Moskva cũng như những nơi cất giữ khác.[16] Vào cuối thế kỷ 19, Ermitazh cất giữ 17 biểu ngữ kurin và một khoruhva, Nhà thờ chính tòa Biến hình chứa 20 biểu ngữ kurin, ba bunchuk, một bulawa bạc và một dùi cui bạc bọc vàng. Ngày nay không rõ số phận của những bảo vật quốc gia đó của người Ukraina.[16] Sau Cách mạng tháng Hai năm 1917, Chính phủ lâm thời Nga thông qua các quyết định trao trả chúng cho Ukraina, tuy nhiên do các sự kiện của Cách mạng Tháng Mười cùng năm, quyết định này đã không được thực hiện.[16] Với việc tuyên bố độc lập, chính phủ Ukraina đặt vấn đề trao trả các giá trị văn hóa quốc gia trước lãnh đạo Nga; Tuy nhiên, không có thỏa thuận cụ thể nào đạt được.[16]
Liên minh với Nga
sửaSau Hiệp định Pereyaslav năm 1654, Quân đoàn Zaporozhia trở thành thế lực nằm dưới quyền bảo hộ của Sa hoàng Nga, mặc dù họ được hưởng quyền tự trị gần như hoàn toàn trong một khoảng thời gian đáng kể. Sau khi Bohdan Khmelnytsky mất vào năm 1657, người kế vị của ông là Ivan Vyhovsky bắt đầu hướng về Ba Lan, do lo ngại trước việc Nga ngày càng can thiệp vào các công việc của Quốc gia hetman. Một nỗ lực đã được thực hiện để quay về Thịnh vượng chung gồm ba thành phần cấu thành, với việc người Cossack Zaporozhia gia nhập Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva bằng cách ký Hiệp định Hadiach (1658). Hiệp định đã được Sejm phê chuẩn nhưng đã bị các chiến sĩ Cossack từ chối tại Hermanivka Rada bởi vì họ không chấp nhận liên minh với Ba Lan Công giáo, thế lực mà họ cho là kẻ áp bức Cơ đốc giáo Chính thống. Những người Cossack tức giận đã hành quyết các polkovnik Prokip Vereshchaka và Stepan Sulyma, là cộng sự của Vyhovsky tại Sejm, và bản thân Vyhovsky thoát chết trong gang tấc.[18]
Người Zaporozhia duy trì một chính phủ phần lớn tách biệt với Quốc gia hetman. Người Zaporozhia bầu ra các nhà lãnh đạo của riêng họ, được gọi là Kish otaman, có nhiệm kỳ một năm. Trong thời kỳ này, xích mích giữa người Cossack của Quốc gia hetman và người Zaporozhia ngày càng leo thang.
Người Cossack trong quá khứ từng chiến đấu để giành độc lập khỏi Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, và sau đó họ tham gia vào một số cuộc nổi dậy chống lại Sa hoàng, vì sợ mất các đặc quyền và quyền tự trị của mình.[19][20] Ví dụ vào năm 1709, Quân đội Zaporozhia do Kost Hordiienko lãnh đạo đã tham gia cùng Hetman Ivan Mazepa chống lại Nga. Mazepa trước đây là cố vấn đáng tin cậy và là bạn thân của Sa hoàng Pyotr Đại đế, nhưng lại liên minh với Karl XII của Thụy Điển để chống lại Pyotr.[6][21] Sau thất bại trong Trận Poltava, Pyotr đã ra lệnh tiêu diệt Sich Zaporozhia để trả đũa.
Với cái chết của Mazepa tại Bessarabia vào năm 1709, hội đồng của ông đã bầu Pylyp Orlyk làm người kế vị. Orlyk ban hành dự án Hiến pháp, trong đó ông hứa sẽ hạn chế quyền lực của Hetman, bảo vệ vị trí đặc quyền của người Zaporozhia, thực hiện các biện pháp nhằm đạt được bình đẳng xã hội giữa họ, và các bước tiến tới việc tách Quân đoàn Zaporizhia khỏi Nhà nước Nga— nếu anh ta có được quyền lực trong Quốc gia hetman Cossack. Với sự hỗ trợ của Karl XII, Orlyk đã liên minh với người Tatar Krym và Ottoman để chống lại Nga, nhưng sau những thành công ban đầu của cuộc tấn công vào Nga năm 1711, chiến dịch của họ đã bị đánh bại và Orlyk phải sống lưu vong.[22][23] Người Zaporozhia đã xây dựng một Sich mới dưới quyền bảo hộ của Ottoman, là Sich Oleshky trên hạ lưu sông Dnepr.
Mặc dù một số người Zaporozhia đã quay trở lại quyền bảo hộ của Nga, nhưng nhà lãnh đạo nổi tiếng của họ Kost Hordiienko kiên quyết có thái độ chống Nga và không thể nối lại tình hữu nghị cho đến khi ông qua đời vào năm 1733.[6][24]
Trong Đế quốc Nga
sửaTheo năm tháng, xích mích giữa người Cossack và chính phủ Sa hoàng Nga đã giảm bớt, và các đặc quyền đã được trao đổi để giảm bớt quyền tự trị của người Cossack. Những người Cossack Ukraina không đứng về phía Mazepa đã bầu ra Hetman Ivan Skoropadsky, một trong những polkovnik "chống Mazepa". Trong khi ủng hộ việc bảo vệ quyền tự trị của Quốc gia hetman và các đặc quyền của starshina, Skoropadsky cẩn thận tránh đối đầu công khai và vẫn trung thành trong liên minh với Nga. Để đáp ứng nhu cầu quân sự của Nga, Skoropadsky cho phép mười trung đoàn của Nga đóng quân trên lãnh thổ của Quốc gia hetman. Đồng thời, người Cossack tham gia vào các dự án xây dựng, củng cố và phát triển kênh tại Saint Petersburg, là một phần trong nỗ lực của Pyotr Đại đế nhằm thành lập thủ đô mới của Nga. Nhiều người đã không quay trở lại, và người ta thường nói rằng St. Peterburg "được xây dựng trên xương".[25]
Năm 1734, khi Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới chống lại Đế quốc Ottoman, một thỏa thuận đã được thực hiện giữa Nga và người Cossack Zaporozhia là Hiệp định Lubny. Người Cossack Zaporozhia giành lại tất cả các vùng đất, đặc quyền, luật pháp và tục lệ trước đây của họ để đổi lấy việc phục vụ dưới quyền chỉ huy của Quân đội Nga đóng tại Kiev. Một sich mới (Nova Sich) được xây dựng để thay thế cái đã bị Pyotr Đại đế phá hủy. Lo ngại về khả năng Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Zaporozhia, người Cossack bắt đầu cho những người nông dân Ukraina chạy trốn khỏi chế độ nông nô tại Ba Lan và Nga định cư trên vùng đất của mình. Đến năm 1762, 33.700 người Cossack và hơn 150.000 nông dân cư trú tại Zaporozhia.[6][24]
Vào cuối thế kỷ 18, phần lớn tầng lớp sĩ quan Cossack tại Ukraina được sáp nhập vào giới quý tộc Nga, nhưng người Cossack bình thường, bao gồm một phần đáng kể người Zaporozhia cũ, đã bị hạ xuống địa vị nông dân. Họ có thể duy trì quyền tự do của mình và tiếp tục cung cấp nơi ẩn náu cho những người chạy trốn khỏi chế độ nông nô tại Nga và Ba Lan, bao gồm cả những người theo thủ lĩnh nổi dậy Cossack Nga Yemelyan Pugachev, điều này làm dấy lên sự tức giận của Nữ hoàng Nga Yekaterina II. Kết quả là đến năm 1775, số lượng nông nô bỏ trốn từ Quốc gia hetman và phần Ukraina do Ba Lan cai trị đến Zaporozhia đã tăng lên 100.000 người.
Hiệp định Küçük Kaynarca (1774) sáp nhập Hãn quốc Krym vào Nga, vì vậy nhu cầu phòng thủ biên giới xa về phía nam (mà người Zaporozhia đã thực hiện) không còn nữa. Quá trình thuộc địa hóa Novorossiya bắt đầu; một trong những thuộc địa nằm ngay cạnh vùng đất của Sich Zaporozhian là Tân Serbia. Điều này làm leo thang xung đột về quyền sở hữu đất đai với người Cossack,[22][26] thường biến thành bạo lực.
Kết thúc Quân đoàn Zaporozhia (1775)
sửaQuyết định giải tán Sich được thông qua tại hội đồng triều đình của Yekaterina Đại đế vào ngày 7 tháng 5 năm 1775. Tướng quân Peter Tekeli nhận lệnh chiếm đóng và thanh lý pháo đài chính của người Zaporozhia là Sich. Kế hoạch được giữ bí mật và các trung đoàn trở về từ cuộc chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mà người Cossack cũng tham gia, đã được huy động cho chiến dịch. Họ bao gồm 31 trung đoàn (tổng cộng 65.000 quân). Cuộc tấn công diễn ra vào ngày 15 tháng 5 và kéo dài đến ngày 8 tháng 6. Lệnh được Grigory Potemkin đưa ra, người này từng chính thức trở thành một người Cossack Zaporozhia danh dự dưới cái tên Hrytsko Nechesa vài năm trước đó.[27] Potemkin nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ Nữ hoàng Yekaterina II, điều này được bà giải thích trong Sắc lệnh ngày 8 tháng 8 năm 1775:
“ | Với điều này, chúng ta muốn cho Đế chế của chúng ta và các thần dân trung thành của chúng ta biết rằng Sich Zaporozhia hiện đã bị phá hủy và tên gọi người Cossack Zaporozhia cũng sẽ không còn nữa, nhắc đến họ sẽ bị coi là một sự sỉ nhục đối với Hoàng đế bệ hạ của chúng ta, vì những hành vi của họ và sự xấc láo vì không tuân theo ý muốn của Hoàng đế bệ hạ của chúng ta.[28] | ” |
Vào ngày 5 tháng 6 năm 1775, quân của Tướng quân Tekeli chia thành 5 phân đội và bao vây Sich bằng pháo binh và bộ binh. Việc thiếu biên giới phía nam và kẻ thù trong những năm trước đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng chiến đấu của quân Cossack, họ nhận ra rằng bộ binh Nga sẽ tiêu diệt họ sau khi họ bị bao vây. Để đánh lừa người Cossack, một tin đồn đã được lan truyền rằng quân đội đang băng qua vùng đất của người Cossack trên đường bảo vệ biên giới. Cuộc bao vây bất ngờ là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của người Cossack.
Petro Kalnyshevsky có hai giờ để quyết định về tối hậu thư của Nữ hoàng. Dưới sự hướng dẫn của starhyna Lyakh, sau lưng Kalnyshevky, một âm mưu đã được hình thành khi một nhóm gồm 50 người Cossack đi đánh cá ở sông Inhul bên cạnh sông Nam Bug thuộc các tỉnh của Ottoman. Cái cớ là đủ để người Nga thả cho nhóm người Cossack này ra khỏi vòng vây, những người này tham gia cùng với năm nghìn người khác. Những người Cossack chạy trốn đã đến Đồng bằng sông Danube, tại nơi đó họ thành lập Sich Danube mới, dưới quyền bảo hộ của Đế quốc Ottoman.
Khi Tekeli biết về việc trốn thoát, 12.000 người Cossack còn lại không còn nhiều việc để làm, Sich đã bị san bằng. Quân Cossack bị tước vũ khí trong một chiến dịch gần như không đổ máu, trong khi ngân khố và tài liệu lưu trữ của họ bị tịch thu. Kalnyshevsky bị bắt và đày đến Solovki, nơi ông sống trong cảnh giam cầm đến 112 tuổi.[29] Hầu hết các thành viên Hội đồng Cossack cấp cao, chẳng hạn như Pavlo Holovaty và Ivan Hloba, cũng bị đàn áp và lưu đày, mặc dù các chỉ huy cấp thấp hơn và người Cossack bình thường được phép tham gia các trung đoàn kỵ binh hussar và dragoon của Nga.
Hậu quả
sửaSự kiện tiêu diệt Sich đã tạo ra khó khăn cho Đế quốc Nga. Việc Nga ủng hộ gia tăng các đặc quyền mà giới lãnh đạo Cossack cấp cao có được đã gây căng thẳng cho ngân sách, trong khi các quy định chặt chẽ hơn của Quân đội chính quy Nga đã ngăn cản nhiều người Cossack khác hợp nhất. Sự tồn tại của Sich Danube, vốn sẽ hỗ trợ Đế quốc Ottoman trong cuộc chiến tiếp theo, cũng gây rắc rối cho người Nga. Năm 1784, Potemkin thành lập "Quân đoàn những người Zaporozhia trung thành" (Войско верных Запорожцев) và định cư họ giữa sông Nam Bug và Dniester. Vì sự phục vụ của họ trong Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1787–92)]], họ đã được thưởng vùng đất Kuban và di cư đến đó vào năm 1792.
Năm 1828, Sich Danube không còn tồn tại sau khi được Hoàng đế Nikolai I ân xá, và theo đó các thành viên của họ định cư trên bờ biển phía Bắc Azov giữa Berdyansk và Mariupol, thành lập Quân đoàn Cossack Azov. Cuối cùng vào năm 1862, họ cũng di cư đến Kuban và sáp nhập với người Cossack Kuban. Người Cossack Kuban đã phục vụ lợi ích của Nga cho đến Cách mạng Tháng Mười, và con cháu của họ hiện đang trải qua quá trình tái tạo tích cực cả về văn hóa và quân sự. 30.000 hậu duệ của những người Cossack đã từ chối trở về Nga vào năm 1828 vẫn sống tại khu vực đồng bằng sông Danube của Ukraina và Romania, tại đây họ theo đuổi lối sống săn bắn và câu cá truyền thống của người Cossack và được gọi là người Rusnak.[30]
Di sản
sửaMặc dù vào năm 1775, Quân đoàn Zaporozhia chính thức không còn tồn tại, nhưng họ đã để lại một di sản văn hóa, chính trị và quân sự sâu sắc đối với Ukraina, Nga, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác có liên hệ với họ. Các liên minh hay thay đổi của người Cossack gây ra nhiều tranh luận, đặc biệt là trong thế kỷ 20. Đối với người Nga, Hiệp định Pereyaslav đã khiến cho nước Nga Sa hoàng và sau này là Đế quốc Nga thôi thúc chiếm lấy các vùng đất của người Ruthenia, yêu sách quyền lợi với tư cách là thể chế kế thừa duy nhất của Kiev Rus', và để Sa hoàng Nga được tuyên bố là người bảo hộ tất cả người Nga, đỉnh cao là phong trào chủ nghĩa liên Slav trong thế kỷ 19.[31]
Ngày nay, hầu hết người Cossack Kuban, hậu duệ hiện đại của người Zaporozhia, vẫn trung thành với Nga. Nhiều người đã chiến đấu trong các cuộc xung đột địa phương sau khi Liên Xô tan rã, và ngày nay họ giống như trước cuộc cách mạng khi tạo thành lực lượng bảo vệ riêng của Hoàng đế, khi phần lớn Trung đoàn Tổng thống Kremlin được tạo thành từ người Cossack Kuban.[32]
Đối với Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, Khởi nghĩa Khmelnytsky và việc người Cossack Zaporozhia thất thủ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình liên bang kết thúc, cuối cùng là phân chia Ba Lan vào cuối thế kỷ 18. Một số phận tương tự đang chờ đợi cả Hãn quốc Krym và Đế quốc Ottoman; Sau khi hứng chịu nhiều cuộc đột kích và tấn công từ cả hai bên, người Cossack Zaporozhia đã hỗ trợ Quân đội Nga chấm dứt tham vọng mở rộng lên phía bắc và Trung Âu của Ottoman, và giống như Ba Lan, sau khi mất Krym thì Đế quốc Ottoman bắt đầu suy tàn.
]]
Di sản lịch sử của người Cossack Zaporozhia đã định hình và ảnh hưởng đến ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc Ukraina vào nửa sau của thế kỷ 19. Các nhà sử học Ukraina, chẳng hạn như Adrian Kashchenko (1858–1921),[33] Olena Apanovich[34] và những người khác cho rằng việc bãi bỏ Sich Zaporozhia chung cuộc vào năm 1775 là sự kiện sụp đổ một thành trì lịch sử của Ukraina. Phong trào này tuyên bố một dân tộc Ukraina riêng biệt và cố gắng tuyên bố người Cossack Zaporozhia là tổ tiên. Trong thời kỳ Liên Xô, khía cạnh chủ nghĩa dân tộc đã (chính thức) không được nhấn mạnh nhằm dập tắt sự trỗi dậy của tình cảm dân tộc chủ nghĩa; lễ kỷ niệm vai trò lịch sử của người Cossack Zaporozhia trong việc bảo vệ Nga khỏi người Thổ Nhĩ Kỳ đã được nhấn mạnh. Sự kiện này đôi khi được người thân Ukraina mô tả là thân Nga. Năm 1990, chính phủ Liên Xô và phong trào độc lập Ukraina hợp tác tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm Sich Zaporozhia.[35]
Trang phục, bài hát và âm nhạc của người Zaporozhia đã được đưa vào các buổi đồng diễn âm nhạc và vũ đạo chính thức của nhà nước, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh của Ukraina trong những năm sau. Kể từ khi Ukraina giành được độc lập vào năm 1991, những nỗ lực khôi phục lối sống của người Cossack đã tập trung vào các cố gắng về chính trị, cưỡi ngựa và văn hóa.[36] Vào tháng 11 năm 2016, các bài hát của người Cossack về tỉnh Dnipropetrovsk được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.[37]
Hiện tại, thành trì của người Cossack Zaporozhia là đảo Khortytsia được coi là một biểu tượng lập quốc Ukraina.[38]
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ Письмо запорожцев турецкому султану. — Русская старина за 1872 г., т. VI, с. 450—451. — Текст по двум спискам: сборнику XVIII века, сообщённому А. А. Шишковым, и списанный Н. И. Бахтиным из бумаг московского архива и сообщенный Н. Н. Селифонтовым. Ответ запорожцев по списку Н. И. Костомарова.
- ^ “Cossacks”. www.encyclopediaofukraine.com. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
- ^ "Dogovor i postanovlenie mezhdu Get'manom Orlikom i voiskom Zaporozhskim v 1710", in: Chteniia v Imperatorskom obshchestve istorii i drevnostei rossiiskikh (Moscow 1858)
- ^ Ustnoe povestvovanie byvshego zaporozhtsa, zhitelya Yekaterinoslavskoi gubernii i uezda, sela Mikhailovskogo, Nikity Lyeontʹevicha Korzh [Oral Narrative of the Former Zaporozhian Cossack, a Resident of the Mikhailovsky Village in the Province of Yekaterinoslav, Nikita Leontovich Korzh]. Odessa: 1842.
- ^ “Партія”. www.nru.org.ua. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
- ^ a b c d Magocsi, Paul Robert (2010), History of Ukraine - 2nd, Revised Edition: The Land and Its Peoples (ấn bản thứ 2), University of Toronto Press, ISBN 978-1-4426-9879-6, truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2016
- ^ a b Ure, John (1999). The Cossacks. Constable. ISBN 9780094774001.
- ^ “Главы 1-5. Рігельман Олександр. Літописна оповідь про Малу Росію та її народ і козаків узагалі”. litopys.org.ua. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2018.
- ^ Утевская, О. М.; Чухряева, М. И.; Схаляхо, Р. А.; Дибирова, Х. Д.; Теучеж, И. Э.; Агджоян, А. Т.; Атраментова, Л. А.; Балановская, Е. В.; Балановский, О. П. (2015). “ПОХОДЖЕННЯ ОСНОВНИХ ГРУП КОЗАЦТВА ЗА ДАНИМИ ПРО ПОЛІМОРФІЗМ Y ХРОМОСОМИ”. Вісник Одеського національного університету. Біологія (bằng tiếng Nga). 20 (2(37)): 61–69. doi:10.18524/2077-1746.2015.2(37).54983. ISSN 2415-3125. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2018.
- ^ “Cossack Navy 16th - 17th Centuries”. geocities. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 10 năm 2009.
- ^ Andrew Gregorovich, The Cossack Letter: "The Most Defiant Letter!", originally published in FORUM Ukrainian Review, No. 100, Summer 1999
- ^ a b c d e f g h i “КОЗАЦЬКА РАДА”. history.franko.lviv.ua. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
- ^ Yevarnitskiy, Dmitry Ivanovich (1890). Вольности запорожскихъ козаковъ: Историко-топографическій очерк [Zaporizhian Cossack liberties: Historical-topographical sketch] (bằng tiếng Nga). I. N. Skorokhodova. tr. 22.
- ^ “Представництво України при Європейському Союзі та Європейському співтоваристві з атомної енергії - Публікації”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2023.
- ^ Maryskevych, Taras (2001). Довідник з історії України [Handbook of History of Ukraine (Definitions of Hetman in the Handbook of the History of Ukraine)] (PDF) (bằng tiếng Ukraina). 1. franko.lviv.ua. tr. 97–98. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2016.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z aa ab ac “КІКАЛЬ ФРАНЦ”. history.franko.lviv.ua. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
- ^ “Зимівник в колонізаційних процесах Південної України”. www.cossackdom.com. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
- ^ Olena Rusyna, Viktor Horobets, Taras Chukhlib, "Neznaiyoma Klio: ukrainska istoriya v tayemnytsyah i kuryozah XV-XVIII stolittia", Kiev, Naukova Dumka (2002), ISBN 966-00-0804-X. online fragment [cần số trang]
- ^ Samuel J. Newland (1991). Cossacks in the German army, 1941–1945. Psychology Press. tr. 72–73. ISBN 978-0-7146-3351-0. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
- ^ David R. Stone (tháng 8 năm 2006). A military history of Russia: from Ivan the Terrible to the war in Chechnya. Greenwood Publishing Group. tr. 39. ISBN 978-0-275-98502-8. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2011.
- ^ Magocsi 2010, tr. 263.
- ^ a b Subtelny, Orest (2000). Ukraine: A History. University of Toronto Press. ISBN 978-0-8020-8390-6.
- ^ Subtelny 2000, tr. 165.
- ^ a b Magocsi 2010, tr. 283.
- ^ Volodymyr Antonovych, "Pro kozatski chasy na Ukraïni", Kiev, "Dnipro", (1991), 5308014000
- ^ Subtelny 2000, tr. 187-188.
- ^ Shirokorad, Alexandr Borisovich (8 tháng 6 năm 2007). Чьими рыцарями были запорожцы? [Whose knights were the Zaporozhians?] (bằng tiếng Nga). NG.ru. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2007.
- ^ Magazine Museums of Ukraine Manifesto of Catherine II on Destruction of Zaporozhian Sich Lưu trữ 2011-09-16 tại Wayback Machine
- ^ Ефименко П.С. "Калнишевскій, послъдній кошевой Запорожской Съчі. 1691 – 1803" // Русская старина. – 1875. – Т. XIV., (in Russian)
- ^ “Dobrudja”. Encyclopedia of Ukraine. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2006. [cần số trang]
- ^ “CIUS Press: Pereiaslav 1654: A Historiographical Study”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022.
- ^ BBC-Russia release from 24 September 2005, В президентском полку прибыло [1] by Olga Lestnikova
- ^ ", Adrian Kashchenko, "Opovidannia pro slavne viys'ko zaporoz'ke nyzove", Dnipropetrovsk, Sich, 1991, ISBN 978-5-7775-0301-5 [cần số trang]
- ^ ", Olena Apanovich, "Ne propala ihnya slava", "Vitchizna" Magazine, N 9, 1990.
- ^ “Архівні фото відзначення у 1990 році 500-ліття Запорозького козацтва” [Archive photos of the 1990 commemoration of the 500th anniversary of Zaporozhian Cossacks]. Radio Free Europe/Radio Liberty (bằng tiếng Ukraina). 2 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
- ^ Yanukovych cancels three decrees on Ukrainian Cossacks, Kyiv Post (30 December 2011)
- ^ Eugene Wagner. “"Cossack's songs of Dnipropetrovsk Region"”. UNESCO official web-site. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2016.
- ^ (bằng tiếng Ukraina) Where to go on Independence Day: 21 sights for the statehood of Ukraine, Radio Free Europe (16 August 2020)
Liên kết ngoài
sửa- Tư liệu liên quan tới Zaporozhian Cossacks tại Wikimedia Commons
- Zaporizhia at the Encyclopedia of Ukraine
- Zaporozhian Cossacks at the Encyclopedia of Ukraine
- Zaporozhian Sich at the Encyclopedia of Ukraine