Nem chua Lai Vung là thương hiệu nem chua ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Làng nghề làm nem chua Lai Vung đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp chứng nhận chỉ dẫn hàng hóa với tên gọi "nem Lai Vung"; và đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nem chua Lai Vung
Nem chua Lai Vung
BữaMón ăn đặc sản
Xuất xứViệt Nam
Nhiệt độ dùngNguội
Thành phần chínhThịt heo, da heo, gia vị

Thành phần và chế biến

sửa

Nem được chế biến thủ công và theo phương thức gia truyền.[1] Ba thành phần chính của nem là thịt, bì và gia vị. Thịt heo phải là thịt nạc và bì heo (da heo) trộn thính[2] với tỉ lệ 8 thịt 2 bì.[1][3] Thịt nạc heo được chọn lựa để làm là nạc đùi sau hoặc nạc mông heo, thịt phải tươi, còn ấm nóng và thớ thịt dẻo.[1] Thịt cần lọc hết gân và mỡ, ngâm nước muối, sau đó để ráo, rồi xay nhuyễn.[4] Ngày trước thịt được xắt, ngày nay nhờ có máy móc nên phần thịt được xay nhuyễn.[5][3] Thịt nhuyễn được thêm đường, tiêu, tỏi ủ trong 2 ngày.[4] Da heo được chọn là da phần thân, như thế mới đảm bảo độ giòn và độ dai.[1] Da được luộc chín để ráo rồi xay nhuyễn, sau đó trộn với thịt.[4][6] Sau khi thịt và da được trộn thì thêm gia vị. Gia vị gồm: muối, đường, tiêu, bột ngọt theo tỷ lệ phù hợp.[1] Gia vị thêm vào sẽ làm cho nem có 4 vị chua, cay, mặn, ngọt. Sau đó, nem được thêm hạt tiêu đen, lát tỏi trắng,...[1]

Nem sau khi được chế biến xong sẽ được gói lại. Chúng thường được gói bằng lá vông, bên ngoài là lá chuối.[2] Do tình trạng thiếu nguyên liệu lá vông, lá chùm ruột có thể được dùng thay thế để gói,[3] bên ngoài vẫn bọc lá chuối.[2] Việc lót lá vông hay chùm ruột sẽ giúp nem lên men nhanh hơn.[1] Từ năm 1995, nem cũng được gói bằng nilông.[2] Sau khi nem được gói thì dùng dây cột lại bằng dây chuối. Ngày nay, việc cột dây nilông đã thay cho dây chuối.[5] Chúng được buộc lại thành từng chiếc nem nhỏ.[3]

Quá trình lên men của nem không qua xử lý nhiệt mà lên men tự nhiên.[7] Qua 1 ngày, nem bắt đầu lên men, ngày thứ ba đã đủ độ chín để ăn được.[2] Việc lên men nhanh hay chậm phụ thuộc vào độ dày của lá gói nem.[1] Nem chín hoàn thành có màu sắc đỏ hồng.

Lịch sử

sửa

Nghề làm nem Lai Vung bắt đầu từ những năm 1960 bởi một phụ nữ tên Nguyễn Thị Mặn, bà thường được người dân địa phương gọi là Tư Mặn. Bà cư ngụ ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc; ngày nay thuộc ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.[8] Bà làm nem chủ yếu để cúng giỗ, lễ Tết, biếu người thân. Sau đó, nhiều người theo bà học nghề. Nem được bán ở các chợ nhỏ, sau đó là các bến xe, rồi từ đó lan ra nhiều tỉnh thành.[1]

Câu vè trong nghề làm nem: "Từng gói, từng gói/Nếu ai không giỏi thì gói không đều/Từng lá nhỏ tươi, bao tròn nhân thịt/Để lá ít thì nem lâu chua/Để thịt vừa vừa thì nem lâu chín".[1]

Vào năm 2012, nem Lai Vung được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong Top 10 đặc sản nem chả nổi tiếng Việt Nam. Năm 2013, Sách Kỷ lục Việt Nam công bố nem Lai Vung nằm trong Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. Một số cơ sở làm nem Lai Vung đã được chính quyền tỉnh Đồng Tháp cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao.[1][9]

Ngày 29 tháng 5 năm 2020, Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lai Vung tiến hành khảo sát lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa làng nghề làm nem ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.[10][11] Ngày 10 tháng 11 năm 2023, nghề làm nem Lai Vung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[1] theo Quyết định 3409/QÐ-BVHTTDL.[8] Ngày 25 tháng 1 năm 2024, lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm nem” được tổ chức tại Lai Vung.[12]

Thương mại

sửa

Nem được ăn trực tiếp hoặc kết hợp với các món ăn khác[1] như bún, bánh mì,[5] ...Ở Lai Vung có 20 cơ sở sản xuất nem với 20 nhãn hiệu:[4] Giáo Thơ, Út Thắng, Thanh Xuân, Ba Liêm, Cô Hoàn,[2] Thanh Sơn, Chiến Ngoan, Hoàng Oanh, Út Thẳng, Tư Minh,[1] Hoàng Khánh,[4]...Các cơ sở sản xuất chủ yếu nằm ở xã Tân Thành, tuy nhiên các điểm bán tập trung ở xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung[5] vì có Quốc lộ 80 chạy qua và trong thành phố Sa Đéc.[4]

Từ chỗ làm thủ công gia đình, nem được sản xuất công nghiệp với máy móc và cơ sở bảo quản, và được bán tại siêu thị, trung tâm thương mại; có 300 lao động ổn định ở địa phương Lai Vung hoạt động nghề nem.[1] Giá trị kinh tế đạt 60 tỉ VND/năm.[1][9] Cục Sở hữu công nghiệp đã cấp chứng nhận chỉ dẫn hàng hóa cho làng nghề làm nem ở Lai Vung với tên gọi "nem Lai Vung".[1] Giá một chùm nem trung bình là từ 25.000 đến 35.000 VND.[3] Một số cơ sở sản xuất như cơ sở nem Út Thẳng, ở ấp Long Thành A, xã Long Hậu bán trung bình 8.000 - 14.000 chiếc nem/ngày. Nem tiêu thụ mạnh nhất là từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch.[13] Chúng hút hàng mạnh nhất là vào dịp cuối năm.[14]

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q Trần Ngọc (ngày 20 tháng 11 năm 2023). “Nem Lai Vung, từ món ăn dân dã trở thành di sản”. báo Thanh Niên. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  2. ^ a b c d e f Hoàng Thạch Vân (ngày 2 tháng 2 năm 2011). “Nem Lai Vung vào vụ tết”. báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  3. ^ a b c d e Nguyễn Hành (ngày 12 tháng 1 năm 2016). "Đột nhập" lò sản xuất nem Lai Vung lớn nhất miền Tây”. báo Dân trí. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  4. ^ a b c d e f Bảo Vy (báo Dân Việt) (ngày 9 tháng 1 năm 2021). “Gọi là nem chua mà lại có vị ngọt, thứ nem lạ này bán 'đắt như tôm tươi'. Vietnamnet. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  5. ^ a b c d Xuân Tươi (ngày 20 tháng 3 năm 2011). “Độc đáo nem Lai Vung”. báo Người lao động. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  6. ^ Minh Nguyệt (ngày 14 tháng 4 năm 2017). “Đặc sản nem Lai Vung miền sông nước”. Vnexpress. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  7. ^ Cẩm Lệ (ngày 21 tháng 11 năm 2023). “Nem Cô Hoàn: Hương vị truyền thống từ miền Quê Lai Vung”. Diễn đàn Doanh nhân trẻ. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  8. ^ a b “Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp)”. Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  9. ^ a b Phan Huy (ngày 14 tháng 11 năm 2023). “Nghề làm nem Lai Vung là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  10. ^ Lê Nhứt Lil (ngày 5 tháng 6 năm 2020). “Bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề làm Nem ở huyện Lai Vung”. Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  11. ^ Hoa Hoa (ngày 14 tháng 11 năm 2023). “Công bố 36 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. báo Chính phủ. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  12. ^ Phạm Hải (ngày 25 tháng 1 năm 2024). “Nghề làm nem Lai Vung đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”. VOV. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  13. ^ Đặng Ngọc (ngày 8 tháng 1 năm 2014). “Đặc sản nem Lai Vung vào mùa tết”. báo Thanh Niên. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  14. ^ Mỹ Lý (ngày 18 tháng 1 năm 2024). “Nem Lai Vung "hút hàng" vào dịp cuối năm”. báo Đồng Tháp. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.