Nam triều công nghiệp diễn chí

(Đổi hướng từ Nam Việt chí)

Nam triều công nghiệp diễn chí (chữ Hán: 南朝功業演志, Truyện kể về công lao sự nghiệp của Nam triều), còn gọi là Việt Nam khai quốc chí truyện (chữ Hán: 越南開國志傳, Truyện chí kể về Việt Nam mở nước) là một truyện dài lịch sử viết bằng chữ Hán của Nguyễn Khoa Chiêm viết vào khoảng thế kỷ 18. Tác phẩm còn có các tên gọi khác như Trịnh Nguyễn diễn chí, Mộng bá vương, Nam triều Nguyễn chúa khai quốc công nghiệp diễn chí, Hoàng triều khai quốc chí, Nam Việt chí, và Công nghiệp diễn chí.

Nam triều công nghiệp diễn chí
南 朝 功 業 演 志
Bản Nam triều công nghiệp diễn chí năm 2003 dịch bởi Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga
Thông tin sách
Tác giảNguyễn Khoa Chiêm
Quốc giaĐại Việt
Ngôn ngữHán
Thể loạitiểu thuyết dã sử
Ngày phát hànhChừng thế kỷ 18
ISBNKhông
Bản tiếng Việt
Người dịch(tiếng Việt) Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga

Bối cảnh biên soạn

sửa

Bản Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm quê Hương Trà, nay thuộc Thừa Thiên-Huế. Ông làm quan dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu, công to được phong tước hầu[1]. Tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí được ông biên soạn vào khoảng năm 1719[2], được Dương Thận Trai đề tựa, Nguyễn Giản viết lời bạt và Dương Công Tòng nhuận chính rồi đổi tên thành Việt Nam khai quốc chí truyện.

Nội dung

sửa

Truyện bắt đầu từ thời điểm Nguyễn Hoàng dẫn hơn một nghìn thủy quân vào đánh nhau với các tướng nhà Mạc để giành vùng Thuận Hóa năm 1558. Sau khi giành được vùng này, Nguyễn Hoàng vẫn giữ lễ phiên thần đối với vua Lê-chúa Trịnh nhưng vẫn âm thầm xây dựng cơ đồ ở phương Nam. Tiếp đến đời Nguyễn Hoàng là đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nổ ra sự kiện Nguyễn Khải kéo 5.000 quân vào bờ bắc sông Nhật Lệ khai mào thời Trịnh-Nguyễn phân tranh trong lịch sử Việt Nam. Chúa Nguyễn củng cố thế đứng, thu nhận nhiều người từ Bắc Hà vượt sông vào, đương cự với chúa Trịnh liên tiếp tám lần đại chiến từ năm 1627 tới tận 1672; với nhiều nhân vật tài giỏi về quân sự-chính trị nổi lên như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, chúa Trịnh Tráng, Trịnh Căn, Trịnh Tạc. Đánh nhau một khoảng thời gian dài đánh nhau không có kết quả, hai phe đi vào thế đình chiến.

Song song với miêu tả hai cuộc chiến, truyện còn miêu tả lại nhiều sự kiện đáng chú ý ở cả Đàng NgoàiĐàng Trong. Nội bộ Đàng Ngoài, thường xuyên bất ổn với đủ vụ tranh chấp quyền vị trong nội bộ nhà chúa Trịnh và các vua Lê, các vụ mưu phản của thuộc tướng như Phạm Ngạn, Bùi Văn Khuê, các tướng họ Trịnh... Ở Đàng Trong là nhiều lần tranh chấp đổ máu trong nội bộ chúa Nguyễn, như chúa Nguyễn Phúc Nguyên với anh em ruột Phúc HiệpPhúc Trạch, chúa Nguyễn Phúc Lan với em mình là Nguyễn Phúc Anh và quá trình Nam tiến về Chân Lạp, Chiêm Thành của các chúa Nguyễn. Truyện không quên miêu tả cái nền dân chúng trong thời kỳ này với tình cảnh dân chúng bị buộc phải chiến đấu dưới ngọn cờ hai chúa, ảnh hưởng và sự tàn phá của chiến trận với nông nghiệp và bất ổn trong đời sống nhân dân.

Truyện kết vào khoảng năm 1689, đời Ngãi vương Nguyễn Phúc Tần.

Lưu truyền và dịch thuật

sửa

Nguyên bản của tác phẩm có khoảng 8 tập, viết bằng chữ Hán. Ban đầu tác phẩm có tên là Nam triều công nghiệp diễn chí, sau được Dương Thận Trai đề tựa, Nguyễn Giản viết lời bạt rồi đổi tên thành Việt Nam khai quốc chí truyện.

Sử gia đầu tiên sử dụng tác phẩm này là Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí ông có viết như thế này: "Nguyễn Bản Trung trong Nam Việt chí có viết: Nặc Ô Đài, Lê Quý Đôn Phủ Biên Tạp lục viết Nặc Đài"[2]. Nam Việt chí ở đây chính là Nam triều công nghiệp diễn chí. Về sau, trong quá trình biên soạn lịch sử của mình Quốc sử quán triều Nguyễn cũng dùng một bản của Nam triều công nghiệp diễn chí để biên soạn Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[2]. Khoảng năm 1905-1906, một học giả pháp tên L.Cadière đã dùng một bản của Nam triều công nghiệp diễn chí tên là Việt Nam khai quốc chí truyện để tham khảo cho tập biên khảo Le mur de Đồng hới. Sau đó, một sử gia Pháp khác tên là Henri Maspéro mượn lại của L.Cadière rồi kiếm thêm một bản khác chép cho mình một bản hoàn chỉnh, bổ sung những chỗ bản L.Cadière còn chép sót, cũng dịp này ông có chép tặng cho Viện Viễn đông Bác Cổ ở Hà Nội một bản. Hai bản này hiện vẫn đang được lưu trữ ở Société asiatique (Thư viện Hội Á Châu), bản ở Viện Viễn đông Bác Cổ ở Hà Nội hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm vẫn còn giữ[3].

Năm 1986, dịch giả Ngô Đức Thọ tìm mấy bản để so sánh rồi dịch sang quốc ngữ lần đầu với tên "Trịnh-Nguyễn diễn chí". Không bao lâu sau, ở Viện Viễn Đông Bác cổParis, Giáo sư Trần Khánh Hạo đưa ra lại một nguyên bản Hán văn của Việt Nam khai quốc chí truyện in trong tập Tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, dưới sự hiệu điểm 8 nhà văn bản học ở Đại học Văn hóa Trung Quốc tại Đài Bắc, nhóm này cũng có lưu lại một bản riêng. Ở Viện sử học cũng có lưu một bản từ dân chúng nhận được khoản năm 1955-1956, bản này có 4 tập (khoảng 404 tờ), tên đề Việt Nam khai quốc chí truyện nhưng đều ghi thêm tên phụ Hoàng triều khai quốc chí[4].

Các năm 1987, 1990, 1994, 2003; dịch giả Ngô Đức Thọ chỉnh sửa và xuất bản lại tác phẩm này, với tên lần lượt là Mộng bá vương (bản 1987 và 1990), Việt Nam khai quốc chí truyện (bản 1994) và cuối nhất lấy tên gốc là Nam triều công nghiệp diễn chí ở bản 2003.

So sánh các bản

sửa

Nhìn chung, năm bản nguyên văn bằng chữ Hán (L.Cadière,bản Henri Maspéro, bản Viện sử học, bản Đài LoanParis, và bản ở tại Đài Loan) đều có tên Việt Nam khai quốc chí truyện. Riêng bản ở Viện sử học có thêm tên phụ Hoàng triều khai quốc chí. Ở các quyển 2, 3, 8 của các bản này đều thiếu mất đoạn cuối; các bản Maspéro và Viện sử học không có quyển 3[4]. Các chỗ bị thiếu được phỏng đoán là do việc người ta sao tác phẩm từ kiểu chương hồi tiểu thuyết sang kiểu sách lịch sử[5].

Về dị văn dị tự, các bản Maspéro, bản ở Đài Loan và bản Đài Loan ở Paris giống nhau chừng 51,7%. Các bản này có các chữ sai rõ rệt và đều đã được L.Cadière chỉnh sửa lại. Bản Maspéro và bản Viện Sử học thì có tách nhóm do Maspéro đính chính thêm ít chữ, ngoài ra còn có trường hợp dị văn tách hẳn thành ba nhón (dùng chữ khác nhau) nhưng tỉ lệ khá thấp khoảng 3%[6].

Đánh giá

sửa

Từ điển văn học (bộ mới) nhận xét[7]:

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đánh giá[8]:

Giáo sư Phan Khoang nhận xét[9]:

Chú thích

sửa
  1. ^ Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, phần lời tựa của Ngô Đức Thọ, tr. 7-8
  2. ^ a b c Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, phần lời tựa của Ngô Đức Thọ, tr. 8.
  3. ^ Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, phần lời tựa của Ngô Đức Thọ, tr. 9
  4. ^ a b Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, phần lời tựa của Ngô Đức Thọ, tr. 11
  5. ^ Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, phần lời tựa của Ngô Đức Thọ, tr. 13
  6. ^ Nguyễn Khoa Chiêm (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí (bản dịch của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, phần lời tựa của Ngô Đức Thọ, tr. 12
  7. ^ Nguyễn Huệ ChiTrần Hữu Tá (2004),Từ điển văn học bộ mới, Nhà xuất bản Thế giới, tr. 1033
  8. ^ Hoàng Xuân Hãn (1974), Đúng 300 năm trước, in trong tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 26.
  9. ^ Phan Khoang(2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nhà xuất bản Văn Học, tr. 6

Đọc thêm

sửa
  • Bùi Duy Tân. Nhận diện Hoan Châu ký và Nam triều công nghiệp diễn chí. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 2/1990.
  • Trương Vũ Bình, Nghệ thuật tiểu thuyết chương hồi Việt Nam trung đại qua Hoan châu ký, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí và Hoàng Việt long hưng chí. Luận văn thạc sĩ - Văn học Việt Nam: 5.12.02. Trường Đại học sư phạm Huế; năm 2004.

Liên kết ngoài

sửa