Mai Chí (Bắc Tống)
Mai Chí (chữ Hán: 梅挚, ? – ?), tự Công Nghi, người huyện Tân Phồn, phủ Thành Đô [1], quan viên nhà Bắc Tống.
Mai Chí | |
---|---|
Tên chữ | Công Nghi |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Quê quán | Tân Đô |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | nhà Tống |
Sự nghiệp
sửaChí xuất thân tiến sĩ, ban đầu được làm Đại Lý bình sự, tri huyện của Thượng Nguyên thuộc phủ Lam Điền, dời làm Tri Chiêu Châu, Thông phán Tô Châu. 2 lộ Chiết Giang mất mùa, quan cho dân vay giống, rồi đòi nợ rất gấp, Chí nói cho vay bản chất là làm ơn, sao lại chất thêm khó khăn lên dân, triều đình giáng chiếu hoãn kỳ thu nợ ấy.
Trong niên hiệu Khánh Lịch (1041 – 1048) thời Tống Nhân Tông, Chí được cất nhắc làm Điện trung thị ngự sử. Bấy giờ có vài cơn thiên tai, Chí dẫn Hồng phạm [2] để dâng lên bài sớ Biến giới (变戒, biến: thay đổi, giới: răn), khuyên hoàng đế trách mình sửa đức.
Chí được dời làm Khai Phong phủ Thôi quan, rồi thăng làm Phán quan. Tăng nhân Thường Oánh lấy thẻ tre gởi thư cho cung nhân, liễn quan Trịnh Ngọc say rượu la hét, ẩu đả đánh chết lính tuần, đều được phóng thích không hỏi; Chí xin phạt trượng tất cả bọn chúng. Chí được đổi làm Độ chi phán quan, tiến làm Thị ngự sử; luận Thạch Nguyên Tôn (cháu nội của Thạch Thủ Tín) đáng tội chết, tấu lên không được hoàng đế trả lời [3]. Lý Dụng Hòa (em trai của Lý Thần phi) được trừ quan Tuyên huy sứ, gia chức Đồng Trung thư Môn hạ Bình chương sự; Chí nói rằng Đỗ Thẩm Quỳnh (anh trai của Chiếu Hiến Đỗ thái hậu), Lý Kế Long (anh trai của Minh Đức Lý hoàng hậu, 1 trong 24 công thần trên gác Chiêu Huân) khi xưa không được vẻ vang như vậy. Sau đó Chí được làm Hộ bộ Viên ngoại lang kiêm Thị ngự sử tri tạp sự, quyền Phán Đại Lý tự; lại tham gia vào cuộc phản đối Nhân Tông thăng thưởng cho Trương Nghiêu Tá (bác của Trương quý phi). Đến khi Chí tâu xin giảm số học sĩ viên của điện Tư Chánh, muốn triệu quan Đãi chế cùng nghị chánh, sau đó lại đòi trăm quan chuyển đối [4]. Nhân Tông nói với đại thần: “Mai Chí bàn việc đắc thể.” Nhân đó lấy Chí làm Hộ độ phó sứ.
Gặp lúc triều đình mở tiệc tiếp đãi sứ Khiết Đan ở điện Tử Thần, Tam tư phó sứ chỉ được ngồi ở Đông Vũ (hàng lang phía đông, dành cho thượng khách), còn quan viên có cấp bậc thấp hơn chỉ được ngồi ngoài cửa. Chí thấy vậy, cùng Lưu Thực, Trần Kịp bỏ ra ngoài. Vì thế Chí bị giáng làm Tri Hải Châu, rồi dời đi Tô Châu, nhờ đó được làm Độ chi phó sứ. Ban đầu Hà Bắc mất mùa, tam tư vận chuyển gạo ở Giang, Hoài cho Hà Bắc. Sau đó Giang, Hoài có nạn đói, hữu tư dâng tấu chỉ trích những người liên quan, Chí xin giảm tội cho họ.
Sau đó Chí được cất nhắc làm Thiên Chương các Đãi chế, Thiểm Tây Đô chuyển vận sứ; trở về triều làm Phán Lại bộ Lưu nội thuyên [5], tiến làm Long Đồ các Học sĩ, Tri Hoạt Châu. Châu hằng năm phòng bị Hoàng Hà, điều tráng đinh chặt cỏ lâu ven sông, Chí cho rằng như thế khiến dân mỏi mệt, tâu xin lấy châu binh thay thế. Hoàng Hà dâng cao, sắp vỡ đê, Chí trong đêm soái quan thuộc đốc thúc thầy thợ giữ đê, mới không còn nỗi lo lũ lụt, được nhận chiếu khen ngợi công lao. Sau đó Chí được đảm đương Tam ban viện, làm Đồng Tri cống cử [6]. Chí xin làm Tri Hàng Châu, đế ban thơ Sủng hành [7]; dần được thăng quan Hữu Gián nghị đại phu, dời làm Tri Giang Ninh phủ, rồi dời đi Hà Trung.
Chánh sử không chép cụ thể thời điểm mất của Chí.
Nhận xét
sửaSử cũ nhận xét: Chí tính thuần tĩnh, không ra vẻ nghiêm trang, chánh tích đạt được đúng với cách làm người của ông, ở nhà chưa từng hỏi đến sanh kế.
Tác phẩm
sửaChí thích làm thơ, phần nhiều là những lời răn dạy, ngoài ra còn có hơn 40 thiên tấu nghị, ngày nay còn rất ít, nổi bật nhất là bài văn Ngũ chướng thuyết (五瘴说). Ngũ chướng thuyết có 120 chữ, được sáng tác vào lúc Chí làm Tri Chiêu Châu, nội dung bộc lộ nỗi oán ghét đối với quan lại tham tàn, gây hại cho dân. Bài văn được nhiều thế hệ khắc đá ghi lại, ngày nay ít nhất còn ở 2 nơi: Long Ẩn nhai thuộc Quế Lâm và bến Đông Hồ ở Tân Đô.
|
|
|
|
Tham khảo
sửa- Tống sử quyển 298, liệt truyện 57 – Mai Chí truyện
Chú thích
sửa- ^ Nay là khu Tân Đô, phó tỉnh cấp thành thị Thành Đô, Tứ Xuyên
- ^ Hồng phạm (洪范) còn gọi Lạc thư (洛书), là tên của 1 thiên trong kinh Thư. Nội dung của Hồng phạm có ý nói thái độ của quân chủ ảnh hưởng đến thiên tượng, được Đổng Trọng Thư dùng làm cơ sở cho thuyết Thiên nhân cảm ứng (天人感应)
- ^ Năm 1040, Thạch Nguyên Tôn theo chủ tướng Lưu Bình đánh trả Tây Hạ. Quân Tống đại bại, Lưu Bình tử trận, Thạch Nguyên Tôn bị bắt. Nhà Tống ngỡ rằng Nguyên Tôn đã chết, truy tặng cho ông ta; về sau Tây Hạ phóng thích Nguyên Tôn, triều thần đòi khép ông ta vào tội chết, nhưng Tống Nhân Tông không đồng ý
- ^ Chuyển đối (转对) là chế độ được đặt ra và duy trì vào buổi đầu nhà Tống: chức sự quan ở kinh sư luân phiên, cứ 5 ngày/1 người lên điện, trình bày thời chánh được – mất, như thế gọi là Chuyển đối
- ^ Lưu nội thuyên (流内铨) là một cơ quan thuộc bộ Lại đời Tống. Lưu nội (tương phản là Lưu ngoại, 流外) là danh xưng có từ đời Tùy, sang đời Nguyên về sau gọi là Nhập lưu (入流, tương phản là Vị nhập lưu, 未入流), tức quan chức từ cửu phẩm đến nhất phẩm. Nhà Tống đặt ra Lưu nội thuyên, chưởng quản việc thi tuyển, khảo xét mạc chức và quan châu, huyện trở xuống
- ^ Đồng Tri cống cử là cấp phó của Tri cống cử, quan chủ khảo của kỳ thi tiến sĩ
- ^ Sủng hành (宠行) là thể thơ – văn tống biệt, mang vẻ tráng hành, phần lớn do hoàng đế ban cho bề tôi