Mật hoa dừa
Mật hoa dừa là mật hoa được chiết xuất từ cụm hoa của dừa và được dùng làm thực phẩm. Mật hoa dừa là một chất làm ngọt dựa trên đường sucrose.[1] Tại một số nước, việc phát triển ngành mật hoa dừa làm tăng khả năng kinh tế của ngành dừa trong lĩnh vực thương mại, mang đến một thành phẩm có khả năng thay thế cho đường thực phẩm truyền thống, và góp phần chống biến đổi khí hậu, chủ yếu là tình trạng hạn mặn nghiêm trọng.
Mô tả
sửaMật hoa dừa có vị ngọt dịu, không gắt. Thành phần chính của mật có hàm lượng lớn carbohydrate là đường sucrose từ 14,8-16,6%.[2] Mật chứa nhiều khoáng chất như: kali, magiê, kẽm và sắt; vitamin như: vitamin B1, B2, B3 và B6 và 17 loại acid amin.[1] Chỉ số đường huyết GI của mật hoa dừa thấp, chỉ số là 35.[1] Khi so với các chất làm ngọt khác, hàm lượng fructose của nó khá thấp.[1]
Việc thu hoạch mật hoa của hoa dừa đã có từ lâu đời, phổ biến tại nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ngành mật hoa dừa đã được người Khmer khai thác sử dụng từ xưa.[3] Đến năm 2010, việc nghiên cứu và phát triển ngành để ứng dụng vào lĩnh vực thương mại mới bắt đầu, trong đó đường và rượu là hai sản phẩm được ưu tiên nghiên cứu.[4]
Thu hoạch và chế biến
sửaCây được chọn thu hoạch mật hoa thường phải đạt 6 năm tuổi và đang cho trái.[2] Cây mới thu hoạch thì tiết mật chậm, cây đã thu hoạch được một thời gian thì lượng mật tiết ra sẽ ít dần.[2] Các cây dừa lai, và các cây dừa dùng lấy dầu là những cây tốt nhất để thu hoạch mật hoa.[2] Mỗi năm chỉ thu hoạch trong vòng 6 tháng.[2] Việc thu hoạch mật hoa không ảnh hưởng đến kết quả đậu trái và khả năng thu hoạch trái dừa tươi.[5] Ngoài dừa cây thông thường ra, dừa nước cũng được dùng lấy mật hoa.[5]
Hằng ngày, người canh tác phải leo len cây và dùng chày gỗ đập nhè nhẹ vào các cụm hoa dừa để kích thích sự tiết mật, vị trí cách khoảng 5cm gần đỉnh cụm hoa.[2] Mỗi ngày làm như vậy 2 lần, một lần vào buổi sáng một lần vào buổi chiều, sau mỗi lần thì cắt dạt hoa một lớp thật mỏng để cho cụm hoa tiếp tục tiết mật, rồi lại dùng chày gỗ gõ nhẹ.[2] Một dụng cụ hứng mật bằng bình nhựa, ống tre, sẽ đựng mật chảy ra.[2] Việc thu hoạch này giống như thu hoạch nước thốt nốt.
Mật sau khi được thu hoạch được chuyển vào cơ sở sản xuất để sơ chế và làm cô đặc, chủ yếu là lược và nấu với nhiệt độ cao.[2] Chúng được nấu trong thời gian 1,5 giờ và dùng sạn đảo đều liên tục cho đến khi đặc sệt.[2] Để có được 1 lít mật cô đặc cần 8 lít mật tươi.[3][6][7] Chúng không thêm nguyên liệu phụ, không chất bảo quản.[8]
Sử dụng và các sản phẩm
sửaMật hoa dừa được thu hoạch để tạo ra nhiều loại thực phẩm khác nhau, như: mật hoa dừa tươi,[8][3] mật hoa dừa cô đặc,[8] nước tương,[2][8] đường,[2] giấm,[2][8] rượu,[2] siro,[2] mật hoa dừa lên men,…[8] Chúng có thể dùng thay thế các loại đường truyền thống trong các thức uống như trà, cà phê, sinh tố và nước trái cây; dùng trong việc nấu ăn như làm siro, bánh mì nướng hoặc kem, làm các món tráng miệng.[1]
Năm 2023, mật hoa dừa được đánh giá OCOP 5 sao.[9] Các công ty lớn trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm),…[10] Tháng 10 năm 2023, mật hoa dừa từ Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.[9][11] Ngành trồng dừa có thêm đầu ra thị trường mới, bên cạnh việc bán dừa tươi, các sản phẩm liên quan mật hoa dừa đem đến lợi nhuận kinh tế khác có giá trị cao hơn.[5]
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ a b c d e Lê Thanh Hải (ngày 19 tháng 9 năm 2021). “Mật hoa dừa - Công dụng và cách dùng”. báo Sức khỏe và Đời sống. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n o Tường Khanh (ngày 28 tháng 5 năm 2013). “Phương pháp thu mật và cách chế biến đường từ mật hoa dừa”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ a b c “Mật hoa dừa”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh. ngày 29 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ Trinh Liệt (ngày 22 tháng 12 năm 2010). “Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa”. báo Nông nghiệp. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ a b c Lư Thế Nhã (ngày 18 tháng 3 năm 2023). “Dừa cho mật ngọt”. The Saigon Times. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ “MẬT HOA DỪA SOKFARM”. Doanh nghiệp Trà Vinh. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ Tiến Thịnh (ngày 19 tháng 7 năm 2023). “Khám phá loại mật thuần chay - đặc sản của vùng đất Trà Vinh”. báo Dân trí. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ a b c d e f Hồ Thảo (ngày 15 tháng 2 năm 2024). “Sản phẩm mật hoa dừa có mặt tại hội chợ hữu cơ lớn nhất thế giới”. báo Nông nghiệp. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ a b “Lần đầu tiên nước uống mật hoa dừa tươi xuất khẩu sang Mỹ”. VTV. ngày 26 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ Chu Khôi (ngày 5 tháng 2 năm 2024). “Trồng dừa hữu cơ, Trà Vinh giảm phát thải khí”. Vneconomy. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- ^ Thạch Trà Vinh (ngày 27 tháng 10 năm 2023). “Đặc sản mật hoa dừa tươi của Trà Vinh lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ”. VOV. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
Liên kết ngoài
sửa- Thanh Hòa (ngày 17 tháng 4 năm 2024). “Trà Vinh lần đầu xuất khẩu chính ngạch mật hoa dừa hữu cơ sang Australia”. báo Trà Vinh. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.
- Huỳnh Xây (ngày 15 tháng 5 năm 2020). “Massage hoa dừa để... lấy mật, 1 hoa chảy ra 25 lít, kiếm 250.000 đồng”. báo Dân trí. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2024.