Lữ Giang
Bài viết này có nhiều vấn đề. Xin vui lòng giúp cải thiện hoặc thảo luận về những vấn đề này bên trang thảo luận. (Tìm hiểu cách thức và thời điểm xóa những thông báo này)
|
Lữ Giang (1918 - 1987), tên thật là Nguyễn Trương Bờn, quê ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. [1] Ông là cán bộ quân sự quân hàm Đại tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam [1]. Vào năm 1948, ông đổi tên thành Lữ Giang nhằm thâm nhập vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên và hoạt động với vai trò Chính uỷ Phân khu Bình Trị Thiên. [2]
Lữ Giang | |
---|---|
Tên khai sinh | Nguyễn Trương Bờn |
Sinh | Xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An |
Mất | 1987, Hồ Chí Minh |
Quốc tịch | Việt Nam |
Cấp bậc |
Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1936 [2] và tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở nhiều mặt trận khác nhau: Quân sự - Chính trị, Tư tưởng - Văn hoá.
Thân thế và sự nghiệp
sửaÔng sinh năm 1918, quê xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Xá), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. [1]
Cha ông là Nguyễn Trương Diễm, là một nhà Nho yêu nước, đã đỗ Tú tài Hán học trường thi Nghệ An. Cha ông được bà con trong vùng gọi là cụ Hàn Diễm. [2][1]
Gia đình ông có truyền thống yêu nước, các anh trai đều tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, có người là sang lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. [2]
Anh cả ông là Nguyễn Trương Nhĩ. [2]
Anh trai thứ hai là Nguyễn Trương Thúy (còn được gọi là Nguyễn Trường Thuý), là người sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và là Bí thư Huyện ủy Xuân Trường. Ông đã qua đời vào năm 1955. Để ghi nhớ công lao của ông, ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã có một ngôi trường THPT mang tên Nguyễn Trương Thuý. [1][2]
Anh trai thứ ba là Nguyễn Trương Khoát, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). [2]
Hồi còn nhỏ, Nguyễn Trương Bờn ở với cha mẹ. Năm lên 5, 6 tuổi học chữ Nho với cha, lên 7 tuổi theo anh cả Nguyễn Trương Nhĩ đi học ở Thanh (chợ Đu, Thiệu Hóa). Từ 8 tuổi đến 13 tuổi, theo anh thứ hai Nguyễn Trương Thúy đi học ở Nam Định (Năng Tĩnh, Lạc Quần, Xuân Trường, Hải Hậu) [3].
Năm 15 tuổi, ông thi đỗ vào trường Trung học ở Vinh.
Hè năm 1936, được chi bộ xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Xá) kết nạp vào Đảng. Người giới thiệu là Nguyễn Trương Khoát và Nguyễn Trương Lâm (sau này là bí thư chi bộ trường Đại học Thương Nghiệp nhiều năm). Người công nhận là Nguyễn Đức Dương, đại biểu Huyện ủy Nghi Lộc (sau này là Khu ủy viên khu 5, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê).
Vào năm 1937, ông thi đỗ Trung học. Cuối năm đó, Nguyễn Trương Bờn ra Hà Nội và học trường Trung học Tư thục Thăng Long dưới sự dạy dỗ của thầy Nguyễn Bá Húc - Hiệu trưởng, giáo viên dạy toán; Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phạm Huy Thông,... [1]
Đầu năm 1938, ông đi dạy tư ở trường tư thục Đông Hải, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Thời gian dạy học tại đây, ông đã truyền bá tư tưởng cách mạng và yêu nước cho học trò, tiếp tục hoạt động cách mạng. Một trong những người học trò trong thời gian dạy học tại trường Đông Hải của ông sau này là Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa) - bà Trần Thị Minh Châu. [2]
Sau 6 tháng, về dạy ở Vinh đồng thời trông coi hiệu sách Hồng Lam của Đảng. Thời gian này, ông thường đi Hà Nội, giao thiệp với các ông Phạm Văn Hảo (Hiệu sách Đồng Xuân) [2], Đào Duy Kỳ, Trịnh Hoài Đức, Trần Đình Tri.
Hiệu sách bị mật thám đóng cửa, thầy giáo Nguyễn Trương Bờn bị mật thám Pháp theo dõi. [2] Chính vì vậy mà ông trở về quê nhà hoạt động. Một thời gian sau, đầu năm 1939, ông đi dạy trường Chung Anh ở Đô Lương, Nghệ An. [1] Thời gian dạy học ở đây chỉ 6 tháng song được tín nhiệm, thường tuyên tuyền cho học sinh tinh thần yêu nước, căm ghét thực dân đế quốc áp bức bóc lột.
Cuối 1939, làm thư ký Thuế quan Hà Nội, sau đó làm Thư ký cho một hãng thầu khoán ở Sơn Tây, ở Phủ Diễn, Tân Ấp rồi sang Lào (1940 – 1943).
Năm 1943, trở về quê nhà, làm vườn, nghiên cứu chữ nho và sách thuốc chờ thời cơ tiếp tục hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng.
Tháng 4 năm 1945, Tỉnh ủy Nghệ An phái đồng chí Nguyễn Đức Tịnh về liên lạc, giao cho ông tổ chức Mặt trận Việt Minh và Đảng bộ huyện Nghi Lộc. Ông đã liên hệ với các đồng chí Nguyễn Trương Khoát, Hoàng Đan (sau này là Thiếu tướng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng), Trần Văn Bành (sau này là Cục trưởng Cục Đối ngoại – Bộ Quốc phòng), tổ chức Huyện ủy lâm thời Nghi Lộc, và tổ chức phát triển Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc.
Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945, ông phụ trách Ủy viên Quân sự cướp chính quyền huyện Nghi Lộc. Sau đó ông tham gia Huyện ủy, đồng thời là Ủy viên Quân sự và Ủy viên Công an trong Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Tham gia quân đội trong kháng chiến chống Pháp
sửaTháng 3 năm 1946, Tỉnh ủy biệt phái ông sang Quân đội, giúp việc cho ông Chu Văn Biên - Chủ nhiệm Tham mưu Khu 4. Từ năm 1946 đến tháng 8 năm 1949, ông được chuyển sang Phòng chính trị làm Trưởng ban Văn hóa (sau đổi là Ban Tuyên truyền Giáo dục), rồi làm Trưởng phòng Chính trị Khu 4, đồng thời được chỉ định vào Quân khu ủy Khu 4.
Trong thời gian công tác lại Khu 4 (sau này đổi thành Liên khu 4), ông đã lần lượt đảm nhiệm các công tác:
Chính trị ủy viên (nay gọi là Chính ủy) Phân khu Bình Trị Thiên [4].
Chính ủy Trung đoàn 9 - Liên khu 4 (sau này thuộc Sư đoàn 304), Chính ủy Trung đoàn 101 - Liên khu 4 (sau này thuộc Sư đoàn 325), Trưởng phòng Chính trị Đại đoàn 304 (nay là Sư đoàn 304).
Năm 1951, Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay) ra đời. Ông được cử làm Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Giáo dục, rồi Phó Giám đốc nhà trường. [5][1]
Công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
sửaBến đỗ cuối cùng của ông là gắn bó nhiều năm với Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Từ Phụ trách Giám đốc Nhà xuất bản, Phó Giám đốc rồi Giám đốc – Tổng biên tập (1960 – 1982). [2]
Tháng 5 năm 1960, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 457/QĐ tổ chức Hội đồng xuất bản của Bộ và đặt Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Chính trị.
Ông Lữ Giang được Bộ quyết định về phụ trách Giám đốc Nhà xuất bản, thay ông Lê Chưởng – Cục trưởng Cục Tuyên huấn kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân từ 1955 đến 1960.
Khi Bộ Quốc phòng thành lập Cục Xuất bản Quân đội, ông được cử làm Cục phó Cục Xuất bản Quân đội, Phó Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân (1962 – 1974). Đồng thời, ông làm Bí thư chi bộ Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân (1962 – 1965); Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Cục Xuất bản, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân (1966 - 1974)
Do đã lập được những thành tích xuất sắc trên mặt trận văn hóa, tư tưởng và trong nhiệm vụ xuất bản sách phục vụ bộ đội và nhân dân ở chặng đường đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 3 tháng 6 năm 1969, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân trong thời gian ông làm Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc – Tổng biên tập đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 86/LCT, tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. [1]
Tháng 4 năm 1979, Đại tá Lữ Giang được Bộ Quốc phòng điều trở về làm Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Thời gian này, trách nhiệm và quyền hạn của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân do Đại tá Lữ Giang đứng đầu được Bộ Quốc phòng giao kiêm chức năng quản lý công tác xuất bản và in toàn quân, trực tiếp quản lý hai nhà in của Bộ (Nhà in Quân đội 1 ở Hà Nội và Nhà in Quân đội 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh). [6]
Năm 1982, Đại tá Lữ Giang nghỉ hưu.
Ông qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1987. [2]
Vinh danh
sửaĐại tá Lữ Giang đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Độc lập hạng nhì; [1]
- Huân chương Chiến thắng hạng nhì; [1]
- Huân chương Quân công hạng nhì; [1]
- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng [1]....
Đánh giá
sửaThiếu tướng Trần Văn Phác (1926 – 2012), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, nhớ lại: “Anh Lữ Giang có nhiều đóng góp giữ cho con thuyền xuất bản quân đội, phát triển thuận buồm xuôi gió… Anh thạo tiếng Pháp nên có thuận lợi trong việc nghiên cứu sách nước ngoài. Anh lại tự học giỏi tiếng Trung Quốc, thường đàm đạo trôi chảy với các cố vấn Trung Quốc không cần phiên dịch. Anh em thường gọi đùa anh là "đồ nghệ", anh nhíu đôi lông mày rậm và chỉ cười”. [2]
Trong ký ức của Thiếu tướng Trần Văn Phác, Đại tá Lữ Giang là người "rất thận trọng trong việc thông qua bản thảo". [2]
Nhà văn Vũ Sắc, biên tập viên của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã ghi lại trong hồi ký làm nghề của mình những kỷ niệm xúc động với Giám đốc, Tổng biên tập Lữ Giang. Một trong số đó là lời nhận xét "thiếu tính Đảng", phải sửa lại mà ông Lữ Giang dành cho bản thảo truyện "Dứt điểm" của tác giả Nguyễn Kiệp (Lâm Phương), một tác phẩm kể về Anh hùng Trần Ngọc Thái, quân nhân sửa chữa tàu hải quân. Biên tập viên nhà xuất bản tìm gặp tác giả thì cũng là lúc Nguyễn Kiệp chuẩn bị lên đường đi B vào chiến trường miền Nam nên phó thác tất cả cho biên tập viên. Không rũ rối bản thảo ra được thì chữa “giậm” vào. Với tài nghệ "bếp núc" biên tập của mình, nhà văn Vũ Sắc đã bổ sung “tính Đảng” cho bản thảo hết sức “linh hoạt”. [2]
Khi xem lại bản thảo “Dứt điểm” đã được biên tập lại thì Đại tá Lữ Giang nhận thấy Đảng có mặt khắp mọi lúc, mọi nơi, “Đảng lãnh đạo toàn diện”. Song ông cũng tủm tỉm cười và nói với biên tập viên Vũ Sắc: “Sao lần này lại “lắm Đảng” thế! Chỉ nên để một số chỗ thôi", rồi lật bản thảo chỉ cho nhà văn Vũ Sắc thấy: "... chỗ này... chỗ này... còn thì bớt đi...”. [2]
Trong thời gian làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, nhà thơ Tạ Hữu Yên (1927 - 2013) đã ghi lại kỷ niệm về tập trường ca "Đường tới thành phố" của tác giả Hữu Thỉnh mà ông gọi là có "số phận đặc biệt". Khi tác phẩm in xong, Giám đốc Lữ Giang chưa cho phát hành, sách vẫn nằm im trong kho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hơn một tháng sau, khoảng tháng 5 năm 1979, tập trường ca mới ra mắt bạn đọc. Lý do là Giám đốc Lữ Giang đọc đến đoạn Hữu Thỉnh viết về người lính bị địch chặt cụt đầu, dòng dây từ máy bay xuống:
"[...] Nó dòng xuống xác một người đồng chí
Bị chặt đầu
Chân còn dép, chân không
Máu anh bỏng xuống núi ngàn
Đời anh treo một dấu chấm than giữa đời
Kẻ thù cách một gang thôi
Phải giằng súng lại. Cắn môi tìm đường”.
(Trích từ "Một lần lỡ hẹn", chương 2: Tư lệnh)
Ông nói với biên tập viên Tạ Hữu Yên: “Phải công nhận là tác giả viết hay nhưng nó "ghê" quá. Tôi cân nhắc mãi, sau rồi thấy viết thế là mới, mà mình không giấu giếm cái ác liệt của chiến tranh". [2]
Còn về Trần Thị Minh Châu, nữ Cục trưởng Cục Xuất bản đầu tiên và cũng là người học trò của Đại tá Lữ Giang, bà đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về người thầy của mình. Vào những năm 1934 - 1935, gia đình Trần Thị Nguyệt Lãng (tên khai sinh là Trần Thị Minh Châu) rất nghèo, song cô lại rất thông minh nên đã đỗ học năm thứ nhất. Hầu hết giáo viên trong trường khi ấy đều dạy bằng tiếng Pháp, nhưng đặc biệt hơn hẳn là một thầy giáo người Nghệ An, hiền lành, cục mịch, "thường mặc áo dài the, đi dép trong khi các thầy khác hầu hết đều mặc Âu phục." [2] Đó chính là Đại tá Lữ Giang.
Nhiều năm sau, bà có viết một bài được đăng trong tạp chí Xưa và Nay, kể về thầy giáo Nguyễn Trương Bờn mà sau này là Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Lữ Giang. [7]
Tác phẩm
sửaQuan điểm và phương pháp học tập, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân (1952). [1]
Đây là tài liệu tham khảo được biên soạn dựa trên quá trình tổng kết, rút kinh nghiệm của khóa học đầu tiên Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay). Cuốn sách là công trình nghiên cứu khoa học giáo dục đầu tiên của nhà trường, được đánh giá là tuy còn giản đơn nhưng rất cần thiết để thống nhất trong thực hành phương châm, phương pháp huấn luyện, giáo dục lúc đó.
Tham khảo
sửa- ^ a b c d e f g h i j k l m n “Đại tá Lữ Giang-Người thầy đầu tiên”. Báo Quân đội nhân dân. ngày 19 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2022.
- ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r Kiều Mai Sơn. “Đại tá Lữ Giang - Nguyễn Trương Bờn: Nhà giáo làm xuất bản”.
- ^ Lý lịch tự thuật của Đại tá Lữ Giang lưu tại gia đình.
- ^ Lịch sử Quân khu 4 (1945-2015), tập1.
- ^ 70 năm Học viện Chính trị (1951-2021).
- ^ 70 năm Nxb QDND (1950-2020).
- ^ Trần Thị, Minh Châu (tháng 11 năm 2004). “Nhớ về thầy giáo tôi”. Xưa và Nay (223): 14.