Bộ Đuôi kiếm

(Đổi hướng từ Lớp Đuôi kiếm)

Bộ Đuôi kiếm (Xiphosura) là một bộ trong phân ngành động vật chân kìm (Chelicerata), bao gồm 4 loài thuộc Họ Sam (Limulidae) và một lượng lớn các dòng dõi đã tuyệt chủng. Các loài còn sinh tồn hiện nay là sam đuôi tam giác, so (sam nhỏ), sam Mỹsam lớn; trong đó, tại Việt Nam thường gặp 2 loài là sam đuôi tam giác và so. Nhóm này gần như không thay đổi gì nhiều trong hàng triệu năm; các loài sam hiện nay trông gần giống như các loài/chi tiền sử, chẳng hạn như chi Mesolimulus thuộc kỷ Jura, và vì thế chúng được coi là các hóa thạch sống.

Bộ Đuôi kiếm
Thời điểm hóa thạch: Cuối kỷ Ordovic–Gần đây, 445–0 triệu năm trước đây
Sam Mỹ (Limulus polyphemus)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Arthropoda
Phân ngành (subphylum)Chelicerata
Lớp (class)Arachnida
Bộ (ordo)Xiphosura
Các nhóm

Xiphosura thông thường hay được đặt như là một bộ trong lớp Miệng đốt (Merostomata) hay còn gọi là lớp Giáp cổ (Palaeostraca), bao gồm thêm cả nhóm bò cạp biển (nay là lớp Eurypterida), nhưng việc sử dụng truyền thống trong quá khứ này chỉ phản ánh sự chấp nhận một nhóm cận ngành không tự nhiên. Mặc dù tên gọi Merostomata có thể được nhìn thấy trong một số sách vở, mà không có liên quan gì tới nhóm Eurypterida, nhưng một số người đã đề xuất rằng việc sử dụng như thế là không nên (ví dụ Boudreaux, 1979).

Vào năm 2019, Xiphosura được hạ bậc xuống thành một bộ trong Lớp Hình nhện (Arachnida).[1] Điều này do một nghiên cứu phát sinh loài phân tử gần đây cho thấy các loài trong lớp này có họ hàng gần gũi với các loài hình nhện (hoặc cũng có thể là các loài hình nhện thực sự).

Kích thước

sửa

Kích thước cơ thể trưởng thành tối thiểu của các loài trong đại Cổ sinh là 1–3 cm. Các loài gần đây có thể có kích thước tới 60 cm.

Đặc trưng

sửa

Cơ thể được che phủ bằng lớp biểu bì khoáng hóa nặng, được phân chia thành phần đầu ngực (prosoma) ở phía trước và phần bụng (opisthosoma) ở phía sau có khớp động với nhau, với một gai đuôi cứng và dài, cử động được.

Phần đầu ngực có 7 đốt, được che phủ ở mặt lưng bằng một giáp (mai) hình bán nguyệt, mang các mắt (mắt đơn ở giữa và các mắt kép ở hai bên), với 6 đôi phần phụ là 1 đôi chân kìm, 1 đôi chân xúc giác và 4 đôi chân bò, còn đốt thứ 7 có thể tiêu giảm ở trưởng thành và không có phần phụ. Các khớp háng của các chân kèm theo các tấm nghiền (gnathobase) thực hiện chức năng nhai.

Phần bụng có 12 đốt, với 5 cặp chân mang (có chức năng bơi và hô hấp) là các phần phụ bị biến đổi. Phần phụ suy giảm của đốt bụng đầu tiên có thể coi là cặp chân mang nhỏ thứ sáu (chilaria). Nắp sinh dục hình tấm, nằm trên đốt 8.

Phần bụng chia ra thành phần bụng trung (mesosoma), gồm 6 đốt với các phần phụ dẹt và metasoma (phần bụng hậu) cũng 6 đốt nhưng không có phần phụ. Mesosoma có thể có tất cả các đốt hợp nhất lại để tạo thành cái gọi là thoracetron.

Sinh thái học

sửa

Các loài gần đây trong lớp Xiphosura là các sinh vật biển sống ở tầng đáy thuộc các vùng nước nông với độ sâu khoảng 4–10 m, trên các nền mềm, đôi khi phân bố sâu vào vùng cửa sông, nhưng lại gần bờ để sinh sản. Dựa trên các quần hợp trầm tích, người ta đề xuất rằng các loài trong đại Cổ sinh không phải sinh vật biển, mà sống trong vùng nước ngọt hoặc nước lợ.

Thức ăn của chúng là trai, ốc, giun đốt, động vật không xương sống khác sống ở đáy và tảo

Vào tháng 7-8, các loài đuôi kiếm lên bãi cát để sinh sản. Sam đực bám vào sam cái, sam cái đào hố đẻ trứng, sam đực tưới tinh dịch thụ tinh. Trứng lớn 1,5 – 3,3 mm, giàu noãn hoàng, được cát giữ độ ẩm và nhiệt độ. Sau khoảng 6 tuần thì trứng nở thành ấu trùng giống trưởng thành nhưng thiếu gai đuôi. Sau nhiều lần lột xác hình thành sam trưởng thành.

Phân loại

sửa

Lớp Xiphosura Latreille, 1802

Các đơn vị bị loại ra

sửa

Còn 2 nhóm nguyên thủy được đặt trong Xiphosura, nhưng hiện nay đã được chuyển sang các lớp khác:

Tham khảo

sửa
  1. ^ Sharma, Prashant P.; Ballesteros, Jesús A. (ngày 14 tháng 2 năm 2019). “A Critical Appraisal of the Placement of Xiphosura (Chelicerata) with Account of Known Sources of Phylogenetic Error”. Systematic Biology (bằng tiếng Anh). 68 (6): 896–917. doi:10.1093/sysbio/syz011. PMID 30917194.

Đọc thêm

sửa
  • Anderson L. I. và P. A. Selden. 1997. Opisthosomal fusion and phylogeny of Palaeozoic Xiphosura. Lethaia 30:19-31.
  • Boudreaux H. B., 1979. Arthropod phylogeny with special reference to insects. John Willey & sons, New York, Chichester, Brisbane, Toronto. 320 trang.
  • Brusca R. C. & Brusca G. J. (2002) Invertebrates. Sinauer Associates, Massachusetts. 880 trang, 615 hình minh họa.
  • Dunlop J. A. 1997. Palaeozoic arachnids and their significance for arachnid phylogeny. Biên bản lưu của Hội thảo chuyên đề châu Âu lần thứ 16 về ngành nhện học, 65-82
  • Dunlop J.A.; Selden P.A. 1997: The Early History and Phylogeny of the Chelicerates. Trong Fortey R.A.; Thomas R.H. (chủ biên) 1997: Arthropod Relationships. Systematics Association Special Volume Series 55, trang 221-235.
  • Rohdendorf B.B. (chủ biên), Fundamentals of Paleontology, Quyển 9, Arthropoda-Tracheata and Chelicerata: 894 trang. [1991 Bản dịch tiếng Anh từ nguyên bản tiếng Nga, Thư viện của Viện Smithsonian và Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ].
  • Snodgrass R.E., 1952. A textbook of arthropod anatomy. Hafner Publishing Company, New York.

Liên kết ngoài

sửa